Monday, August 31, 2015

Kính thưa ông Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia!

31/08/2015 11:01

(NLĐO)- Từ khi Hội đồng Tiền lương quốc gia thành lập và họp phiên đầu tiên vào năm 2013 thì năm nay là năm Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra mức đề xuất tăng lương thấp nhất chứ không phải “chênh lệch quá lớn” như ông chủ tịch hội đồng nói!

Hổm rày đọc báo về vấn đề tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2016, trong đó một số báo có trích dẫn ý kiến của ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ-TB-XH), Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia. Ông cho rằng 2 phiên thương lượng vừa qua bất thành là bởi mức đề xuất của hai bên (tức đại diện người lao động và giới chủ) chênh lệch quá lớn. Sau khi xem xét kỹ, tôi xin có vài ý kiến với ông chủ tịch để ông có thể điều hành tốt hơn phiên họp lần thứ 3 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3-9 tới:
- Thứ nhất, ông nói thương lượng thất bại là do mức đề xuất của hai bên chênh lệch quá lớn. Cụ thể là Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tới 16,8% trong khi VCCI chỉ đưa ra mức 10%. Xin thưa, ông nói sai rồi. Từ khi cái hội đồng của ông được thành lập vào năm 2013 đến nay, đây là năm Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra mức đề xuất thấp nhất!
Xin trích ý kiến của bà Simrin Singh, quyền Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam phát biểu trên Báo Người Lao Động: “Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia vào năm 2013 khi hội đồng mới thành lập, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng LTT bình quân 29,5% cho 4 vùng, VCCI đề xuất 10%. Năm 2014, mức đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam giảm xuống còn 22,9% trong khi mức của VCCI từ 10%-12%”.
Và năm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đề xuất mức cao nhất là 16,8%, trong khi VCCI vẫn giữ mức 10%. Nhìn vào biết ngay ông nói không đúng bản chất vấn đề.
Liệu công nhân có đủ sức khỏe để làm việc khi bữa ăn chỉ toàn rau như thế này?. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Liệu công nhân có đủ sức khỏe để làm việc khi bữa ăn chỉ toàn rau như thế này?. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
 - Thứ hai, ông có thời gian xin đọc lại bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trên Báo Lao Động có tên “Chi phí lao động: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam” tại địa chỉ http://laodong.com.vn/chinh-tri/chi-phi-lao-dong-kinh-nghiem-quoc-te-va-de-xuat-cho-viet-nam-369528.bld. Đây là bài viết của một nhà nghiên cứu đúng nghĩa, viện dẫn kinh nghiệm thế giới, khu vực ASEAN và thực tiễn Việt Nam một cách xác đáng. Xin hãy đọc và hiểu để thấy sử dụng lao động giá rẻ là tội ác, là góp phần làm suy yếu nền kinh tế đất nước, làm bần cùng hóa giai cấp công nhân. Mà điều đó có lợi cho ai, không nói thì chắc ai cũng biết.
Người lớn có thể nhịn miệng chứ trẻ con thiếu thịt cá thì quá tội. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Người lớn có thể nhịn miệng chứ trẻ con thiếu thịt cá thì quá tội. Ảnh: HỒNG ĐÀO
 - Thứ ba, bà giám đốc ILO khuyến nghị nên thương lượng, thương lượng và thương lượng cho đến khi đạt được đồng thuận chứ không phải gấp gáp làm theo kiểu "ma vật ông vãi", ban hành quyết định hành chính áp đặt. Đây là khuyến nghị cần được lưu tâm chứ không phải nghe cho vui rồi bỏ vì ILO là tổ chức tham vấn cho Việt Nam về các vấn đề lao động, việc làm.
- Thứ tư, theo báo cáo chính thức của nhà nước, năm 2011 GDP của Việt Nam đạt 5,89%; năm 2012 là 5,25%; năm 2013 đạt 5,42%; năm 2014 là 5,98% và 9 tháng đầu năm 2015, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,3%, cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%. Thế thì lý do gì năm 2016 tăng lương thấp hơn 2015 để người lao động tiếp tục sống đói nghèo dưới mức tối thiểu, thưa ông chủ tịch?
Không đề. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Không đề. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
 - Và lời cuối cùng muốn nói là nếu thực tế doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, kinh tế vẫn chưa thoát đáy suy thoái thì xin các vị đừng tô son trát phấn lên các báo cáo tăng trưởng để rồi đến khi phải tăng lương cho người lao động thì các vị lại xổ toẹt vào những thành quả ấy. Như vậy là ăn xuôi, nói ngược; là lật lọng, tráo trở đó thưa ông!
HỒNG VÂN

No comments:

Post a Comment