Nhóm phóng viên tường trình từ Việt NamTheo RFA-2015-08-31
Trẻ em H'mong bán hàng lưu niệm-RFA
Với người H’ Mông, đời sống là những đỉnh núi du ca với gió ngàn và tự do, với huyền nhiệm sương sớm nắng chiều, thiên nhiên khắc nghiệt đầy bí ẩn đã khai phóng bản năng tự do và trí tưởng tượng đầy dáng vẻ huyền bí. Với người H’ Mông hiện tại, tính tự do đã bị bó hẹp rất nhiều, sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng mang một lời đe dọa bí ẩn, khác với cách mà thiên nhiên đã đối đãi với họ trước đây. Để lý giải cách nhìn về thiên nhiên của người H’ Mông, những diễn biến về xã hội, tộc người của họ cũng như sự tổn thương trong tâm hồn của họ sẽ nói thay cho những gì họ muốn trả lời với thế giới quanh họ.
Đỉnh núi cao và bài ca bất tận
Một người bạn H’ Mông tên Khải, sống ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, chia sẻ: “Người H’ Mông bây giờ không còn như ngày xưa nữa. Các đỉnh núi bây giờ cũng không giống như ngày xưa nữa. Nhưng tất cả do trời đất cả thôi. H’ Mông bây giờ chán lắm. Tất cả các hoạt động tôn giáo đều bị cấm đoán, nó đập phá, dọa dẫm mình. Còn gì nói nữa đâu. Ngày xưa người H’ Mông được tự do, nhưng bây giờ người nào cũng thế thôi. Người Ê Đê, người Cơ Tu người Mường… Tất cả các tộc người thiểu số đều bị áp bức hết…”
Theo ông Khải, hiện nay, đời sống du cư của người H’ Mông tuy đã chấm dứt bởi những qui định của nhà nước nhưng tâm thức du cư và gần gũi với đỉnh trời vẫn là tâm thức chủ đạo trong đời sống của người H’ Mông.
Nghĩa là người H’ Mông vẫn chưa bao giờ nguôi niềm khao khát tự do, di chuyển trong các cánh rừng, trên cả rẻo núi cao để dựng nhà sinh sống, để sinh con đẻ cái. Và người H’ Mông vẫn luôn mang dòng máu tự do, tự trị, không muốn bất kì ai áp đặt lên đời sống của mình những thứ qui chế, qui định gây ngột ngạt, mất tự do.
Bởi người H’ Mông sống ở trên địa hình cao, lởm chởm núi đá tai mèo như Hà Giang, việc di chuyển đến những vùng khác hết sức khó khăn, nghề nghiệp chủ yếu dựa vào gieo trồng và lấy củi rừng. Khi nhà nước đóng cửa rừng, không riêng gì người H’ Mông mà hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số đều bị đứt nguồn sống.
Việc gieo trồng lúa nước hoàn toàn dựa theo nước trời và những con suối nhỏ chưa bao giờ giúp cho đồng bào H’ Mông thoát khỏi đói nghèo nếu không có thêm việc săn bắt, hái lượm. Nhưng một khi nhà nước đóng cửa rừng, một bức tranh bất công xã hội hiện ra ngay trước mắt của đồng bào H’ Mông và đó cũng là bi kịch sinh tồn của đồng bào H’ Mông.
Bởi vì nếu chỉ đơn giản đóng cửa rừng, tìm cách ổn định cuộc sống cho đồng bào thiểu số thì chẳng ảnh hưởng gì đến người H’ Mông, vấn đề chỉ là thời gian để thích nghi với đời sống mới. Nhưng ở đây, khi đóng cửa rừng và định canh định cư, tự trồng lúa nước, người H’ Mông gặp phải khó khăn vì không có hệ thống thủy lợi, những đám ruộng bậc thang không bao giờ cho hạt gạo để đủ sống.
Khi cửa rừng bị đóng, nhu cầu săn bắt, hái lượm bị bóp nghẹt, việc lấy gỗ để làm nhà trở nên xa lạ, ngoài tầm tay của những người đồng bào vốn quen làm nhà bằng gỗ rừng. Trong khi đó, số gỗ của đồng bào thiểu số lấy về làm nhà không ảnh hưởng gì đến sự tồn vong của rừng. Nhưng các lậm tặc, thậm chí kiểm lâm của nhà nước chỉ trong vài năm đã làm cho rừng trơ trọi.
Điều này chỉ làm cho người H’ Mông nhận rõ sự bất công và vô lý khi người ta biến đại ngàn trở thành của riêng, tự tung tự tác, phá sạch, giết sạch những đứa con thân yêu của đại ngàn, từ cổ thụ trăm tuổi cho đến thú rừng quí hiếm. Mọi thứ tài nguyên rừng càng phong phú, huyền nhiệm bao nhiêu trước đây thì kể từ khi cửa rừng bị nhà nước đóng, người H’ Mông bó gối trong chính sách định cư của nhà nước đến nay đều bị phá tan hoang, chẳng còn gì để bàn.
Trong khi đó, với lịch sử cả ngàn năm của mình, người H’ Mông với thế giới riêng, bản sắc riêng, vẫn có thể giao tiếp với bất kỳ ai có sự tử tế, vẫn học hỏi những điều tiến bộ, tốt đẹp nhưng chẳng bao giờ bị hòa tan vào những thứ không thuộc nền nếp. Thói quen của mình đã bị xóa sạch, tan biến trong chốc lát bởi chính sách quản lý của nhà nước. Và những gì thuộc về tín ngưỡng, niềm tin của người H’ Mông cũng bị người ta qui định, áp đặt. Người H’ Mông cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi và tuyệt vọng vì điều này.
Khi bản tính hồn nhiên bị lợi dụng
Chị Hà, một phụ nữ H’ Mông sống ở Mèo Vạc, chia sẻ: “Phụ nữ H’ Mông thì đi đâu cũng khổ. Thường thì cũng có đứa xuống làm du lịch nhưng có đứa đi rồi về nhưng có đứa không về luôn. Phụ nữ hai con gái gì cũng khổ hết, vì không được học. Nó đi bán mấy đồ lưu niệm, mình dệt rồi nó đi bán, nhưng cũng có người mua có người không mua.”
Theo chị Hà, khi bản tính hồn nhiên, thật thà của người H’ Mông bị lợi dụng và người H’ Mông phát hiện ra điều này cũng là lúc mọi cay đắng và phẫn uất của người H’ Mông lên đỉnh điểm. Lúc đó, tính giảo hoạt cũng như dòng máu phản kháng của người H’ Mông sẽ nói chuyện thay thế cho lòng thật thà và bản tính vị tha.
Và tất cả những chính sách có tính áp đặt từ phía nhà nước như bắt buộc người H’ Mông định canh định cư, đóng cửa rừng, qui định về tôn giáo, tín ngưỡng, cấm đoán những người theo đạo Tin Lành… Đều khiến cho người H’ Mông nói riêng và các đồng bào dân tộc thiểu số nói chung cay đắng nhận ra mình bị lợi dụng, bị biến thành thứ vật nuôi của nhà nước để giữ mảnh rừng thiêng của đại ngàn, của tổ tiên để rồi các lâm tặc và kiểm lâm tha hồ tùng xẻo.
Thậm chí, công nghiệp du lịch phát triển, làm lợi cho giới tư bản đỏ, các quan chức lại một lần nữa đẩy người H’ Mông đến chỗ mông muội và đời sống chẳng khác nào thú nuôi trong chiếc chuồng du lịch của họ. Người H’ Mông càng nghèo khổ, lây lất và lạc hậu bao nhiêu thì ngành du lịch càng hái ra tiền bấy nhiêu. Tất cả mọi nẻo đường vào buôn làng của người H’ Mông đều bị chốt chặt để bán vé tham quan nhưng người H’ Mông chưa bao giờ được ưu đãi hay chia chác số tiền lãi nhờ bán vé cho khách du lịch đến xem đời sống của bà con H’ Mông.
Những ai biết cuốn theo chiều gió thì trong phút chốc sẽ thành gái bao cho khách, trở thành một thứ hàng hóa tình dục thời hiện đại với danh xưng “gái mọi” và phục vụ cho những khách thích “chơi mọi”. Hoặc người H’ Mông tự biến mình thành một loại ăn xin trước khách du lịch bốn phương bằng cách ẵm con nhỏ lẽo đẽo theo sau khách để xin tiền, năn nỉ người ta mua vài món hàng lưu niệm đểu do Trung Quốc sản xuất.
Tất cả mọi thứ chính sách dành cho người H’ Mông và đồng bào thiểu số đều có nguy cơ đẩy người H’ Mông nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung lùi sâu về đời sống mông muội. Nhưng rất tiếc, đời sống mông muội này lại bị đánh cắp mất bản tính hồn nhiên, yêu tự do và ngày càng kéo người H’ Mông xa dần những cánh rừng ngút ngàn tiếng hát đỉnh trời huyền nhiệm. Chỉ còn sót lại đói nghèo, ngột ngạt và bất công!
Bà Hà chép miệng, lắc đầu và thở dài sau khi nói câu này để chia tay với chúng tôi!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment