Sunday, July 26, 2015

Cường quốc như Trung Quốc cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế

Dân trí “Vai trò của ASEAN trong vấn đề giải quyết các tranh chấp trên biển Đông rất quan trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cố tình chia rẽ ASEAN để ASEAN không có tiếng nói chung”, GS. Erik Franckx, Thành viên Tòa Trọng tài thường trực La Haye, Hà Lan nói.

Bên lề hội thảo Quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực” đang diễn ra tại TPHCM, GS. Erik Franckx đã có những chia sẻ với truyền thông xung quanh vấn đề Trung Quốc đang tôn tạo các đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.
GS. Erik Franckx cho rằng, hội thảo quốc tế này là cần thiết, đưa các vấn đề về Trung Quốc tôn tạo đảo nhân tạo chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam ở góc độ quốc tế chứ không phải là chuyện riêng của một quốc gia. Biển Đông và các nguyên tắc ứng xử trên biển Đông theo luật pháp quốc tế là vấn đề mà toàn bộ nhân loại quan tâm.
gs-erik-franckx-thanh-vien-toa-trong-tai-thuong-truc-la-haye-42780
Gs. Erik Franckx - thành viên Tòa trọng tài thường trực La Haye. (Ảnh: Hiệp Trần)
PV: Hiện tất cả ý kiến của các lãnh đạo trên thế giới như Tổng thống Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Philippines… đều quan tâm và phản đối hành vi tôn tạo trái phép các đảo trên biển Đông. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
GS. Erik Franckx: Tôi nghĩ rằng, cộng đồng quốc tế có đến 200 thành viên. Bất kỳ nước nào cũng không muốn đứng bên ngoài và vi phạm luật pháp quốc tế. Như vậy, với quan điểm đấy, cường quốc như Trung Quốc cũng phải tôn trọng quy định của quốc tế.
Quan điểm của ông như thế nào về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo. Các vấn đề pháp lý quốc tế quy định như thế nào đối với hành động này?
Để trả lời một cách chính xác, tôi nghĩ là cả một vấn đề nên không thể nói trong vòng 1-2 phút. Tôi nghĩ rằng, ai cũng có thể khẳng định, tin tưởng tất cả các vấn đề trên cơ sở Công ước luật Biển 1982. Nguyên tắc quan trọng là chúng ta không thể biến đổi thực trạng thiên nhiên. Chúng ta không thể đưa một thực thể ở dạng này sang dạng khác bằng hành vi nhân tạo vì điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi không phải của một quốc gia riêng biệt.
Khi làm đảo nhân tạo, quyền của các nước rất hạn chế. Trong Công ước luật Biển 1982, các nước chỉ yêu cầu khu vực an toàn xung quanh hòn đảo đó thôi.
Trong trường hợp khi một quốc gia tạo ra tranh chấp thì vấn đề đầu tiên là các bên phải ngồi lại với nhau để đưa ra những quy định hành vi ứng xử trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trên cơ sở thỏa thuận đó thì mới tiếp tục các quá trình giải quyết tranh chấp. Đó là quá trình giải quyết tranh chấp mà luật quốc tế tôn trọng.
Chính vì vậy, hội thảo quốc tế như thế này rất quan trọng và ý nghĩa vì nó nêu rõ những nguyên tắc nào các bên phải tôn trọng để giải quyết các vấn đề đang tồn tại.
Trong trường hợp Trung Quốc đang cố tình vi phạm các thỏa thuận và nguyên tắc của công ước luật biển để xây dựng các đảo nhân tạo, ASEAN và cộng đồng quốc tế ứng xử như thế nào?
Vai trò của ASEAN trong vụ việc giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông rất quan trọng. Vì thế, Trung Quốc đang cố tình chia rẽ ASEAN để ASEAN không có tiếng nói chung. Hiện các nước ASEAN cũng đang cố gắng tạo ra khung thỏa thuận về hành vi ứng xử nếu các bên áp dụng được thì tôi nghĩ vai trò ASEAN rất mạnh.
Vụ kiện Trung Quốc của Philippines sẽ đi đến đâu?
Việc này rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vấn đề biển Đông được đưa ra giải quyết bằng biện pháp tư pháp. Trong vụ kiện này, cơ quan tài phán có thể không giải quyết vấn đề chủ quyền trực tiếp khi họ giải thích vấn đề liên quan đến luật biển, hàng hải… thì họ có thể giải quyết phần nào đó của vấn đề.
Điều quan trọng tôi nghĩ chúng ta cần lưu ý trong vụ kiện này là mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia nhưng quyết định của cơ quan tài phán vẫn có tác động đến quốc gia liên quan và thông thường các quốc gia tuân thủ phán quyết của cơ quan tài phán.
Trong tương lai, Việt Nam có nên theo con đường của Philippines khởi kiện Trung Quốc?
Tôi nghĩ đây là vấn đề không đơn thuần về pháp lý mà là chính trị nữa. Đưa ra cơ quan tài phán quốc tế hay không là quyết định của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam nên cân nhắc, xem xét hướng giải quyết của Philippines. Có những tác động tích cực, tiêu cực nên cần cân nhắc rất kỹ càng.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Chủ Nhật, 26/07/2015 - 11:10
Công Quang

No comments:

Post a Comment