Trong những tháng gần dây, cảnh sát Campuchia đã trục xuất ít nhất 54 người Thượng về lại Việt Nam.
Ron Corben, Trà Mi-VOA
26.06.2015
Nghe tường thuật chi tiết của Trà Mi
Quân đội Thái Lan đã mở rộng vụ trấn át tự do truyền thông, bãi bỏ một cuộc họp báo ở Bangkok về việc Việt Nam bị cáo buộc vi phạm nhân quyền của đồng bào Thượng thiểu số.
Cuộc họp báo hôm nay do tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở Hoa Kỳ hướng dẫn, đã bị cảnh sát địa phương ngăn chặn, qua việc xuất trình một công văn của tập đoàn quân nhân cầm quyền nói rằng cuộc họp báo đe dọa đến an ninh quốc gia và quan hệ song phương.
Cuộc họp báo cáo của Human Rights Watch ghi nhận chi tiết những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào khối thiểu số theo Cơ đốc giáo ở Việt Nam, là người Thượng. Nhưng ngay sau khi sự kiện sắp bắt đầu thì nhân viên đồng phục và thường phục đã đến trụ sở Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Thái Lan, FCCT và bắt đầu quay phim nhưng người có mặt.
Nhà báo Veronica Pedrosa, một giám đốc của câu lạc bộ, cho biết tập đoàn cầm quyền tức Hội đồng Trật tự và Hòa giải Dân tộc, còn gọi tắt là NCPO, đã viện dẫn điều khoản số 44 trong hiến pháp tạm thời dành cho các nhà lãnh đạo quân đội các quyền vô giới hạn.
Bà nói: “Đây là một cuộc họp do Human Rights Watch đài thọ. NCPO thông qua cảnh sát cuộc Lumpini, đã liên lạc với cả FCCT lẫn Human Rights Watch và thông báo rằng theo Điều 44 thì cuộc họp không thể được tổ chức bởi lẽ nó có tính cách nhạy cảm đối với bang giao Thái-Việt và có thể gây mất ổn định và mất an ninh ở Thái Lan.”
Buổi báo cáo nêu chi tiết những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào khối thiểu số người Thượng theo Cơ đốc giáo ở vùng trung nguyên Việt Nam. Human Rights Watch nói cuộc họp sẽ nêu bật những vụ vi phạm nhân quyền rộng lớn hơn nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam.
Ông Sunai Pasuk, nhà nghiên cứu về Thái Lan của tổ chức Human Rights Watch, đã nói chuyện với các cảnh sát viên tại câu lạc bộ ký giả, nói các biện pháp của quân đội đánh dấu thêm các nỗ lực cản trở thảo luận về nhân quyền ở Thái Lan và trong khu vực.
Ông nói: “Đây hoàn toàn là một sự can thiệp của NCPO nhằm ém nhẹm các báo cáo về nhân quyền, bịt miệng những nhà hoạt động nhân quyền không được có diễn đàn để kể cho thế giới về những gì đang xảy ra ở mỗi một nước có những vi phạm nhân quyền. Họ coi việc báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam là một hành động gây phương hại đến tình thân hữu và hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam và có thể gây nguy cơ cho an ninh quốc gia.”
Các giới chức Bộ Ngoại giao Thái Lan, theo tổ chức nhân quyền này, đã nêu ra những quan ngại rằng nội dung báo cáo có thể gây phương hại đến bang giao song phương với Việt Nam trước một chuyến thăm chính thức đến Thái Lan của thủ tướng Việt Nam.
'Vi phạm quyền tự do'
Ông Phil Robertson, phó giám đốc Á châu của tổ chức Human Rights Watch, gọi hành động của quân đội là “đáng ngạc nhiên”.
Trong một thông cáo chính thức, Human Rights Watch bày tỏ sự thất vọng về việc bãi bỏ cuộc họp báo và nói rằng đó là một sự vi phạm quyền tự do hội họp và “khinh thường quyền tự do báo chí.”
Ông Phil Robertson, phó giám đốc Á châu của tổ chức Human Rights Watch, gọi hành động của quân đội là “đáng ngạc nhiên” xét vì báo cáo không có liên hệ gì đến Thái Lan, với nhiều lời đề cập đến người Thượng, dựa vào các cơ quan truyền thông tiếng Việt.
Ông nói: “Khi nói về một nước khác là ta nói đến Việt Nam. Trước đây đã có nhiều báo cáo công bố ở Thái Lan về những nước khác, vì thế thật là điều đáng ngạc nhiên trong vụ này một báo cáo về Việt Nam không có chút gì liên quan đến Thái Lan lại không được phép diễn ra.”
Ông Robertson cho biết đây không phải là lần đầu tiên Human Rights Watch đúc kết, phổ biến báo cáo về tình trạng người Thượng Tây Nguyên Việt Nam và chính phủ Việt Nam một phần nào đó cũng đã thừa nhận các vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng này.
Human Rights Watch nói bản phúc trình lần này chỉ rõ thực trạng đàn áp đang diễn ra với người Thượng Tây Nguyên qua các cuộc phỏng vấn với chính những người vượt thoát sang Campuchea hay Thái Lan tìm đường tị nạn chính trị và qua các thông tin do chính Việt Nam công bố trên các phương tiện truyền thông của nhà nước.
Chưa có bình luận chính thức từ phía chính phủ Việt Nam về vụ việc.
Vụ can thiệp diễn ra vào lúc Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên mới nhất về nhân quyền, chỉ trích thành tích nhân quyền của tập đoàn cầm quyền Thái Lan kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5 năm ngoái.
Hoa Kỳ nói quân đội đã hạn chế gay gắt các quyền tự do phát biểu và báo chí cũng như đã tạm thời bắt giam hơn 900 người mà không truy tố.
No comments:
Post a Comment