Saturday, June 27, 2015

Làn sóng người tỵ nạn chính trị từ Việt Nam (4)

Anh Vũ, thông tính viên RFA
2015-06-27
Một nhóm người Thượng Việt Nam từ Campuchia chạy qua Thái Lan. RFA Photo
Trong làn sóng những người Việt Nam đi tỵ nạn ở nước ngoài, không thể không nhắc đến những người Thượng Tây nguyên đang tỵ nạn ở Thái Lan. Cuộc sống của họ hiện nay ra sao và họ có những mong muốn gì?

Vì mất đất canh tác

Trong những năm 2001 đến 2007, trước hiện trạng đất canh tác dần dần bị rơi vào tay các đồn điền cao su của người Kinh di cư từ miền xuôi lên, cộng với sự cấm đoán ngặt nghèo của chính quyền đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hàng loạt các cuộc biểu tình của người Thượng Tây nguyên đã nổ ra để đòi trả lại đất đai bị thu hồi và đòi nới rộng quyền tự do tôn giáo.
Để đối phó với các cuộc biểu tình đông người, chính quyền VN đã tiến hành nhiều đợt đàn áp nhằm vào người Thượng ở Tây Nguyên, từ đó nhiều người Thượng Tây nguyên tìm đường trốn chạy sang Campuchia để tìm qui chế tỵ nạn.
Người Thượng mình hiện nay ở Thái Lan nếu gom lại thì có khoảng hơn 300 người. Chạy sang đây tỵ nạn vì mình không có tự do tín ngưỡng về tôn giáo, còn về đất đai của mình thì chính quyền họ đã cướp đi. Họ còn đàn áp những người có niềm tin tôn giáo, có người bị bắt bỏ tù và cũng có người đã chết trong tù.
-Ông R’Ma B’Lie
Nói về lý do phải chạy sang Thái Lan tỵ nạn, ông R’Ma B’Lie người dân tộc Jarai, ở tỉnh Gia rai đến Thái Lan tỵ nạn vào tháng 12/2011 cho chúng tôi biết:
“Người Thượng mình hiện nay ở Thái Lan nếu gom lại thì có khoảng hơn 300 người. Chạy sang đây tỵ nạn vì mình không có tự do tín ngưỡng về tôn giáo, còn về đất đai của mình thì chính quyền họ đã cướp đi. Họ còn đàn áp những người có niềm tin tôn giáo, có người bị bắt bỏ tù và cũng có người đã chết trong tù.”
Ông Y Thoat Knul dân tộc M’Nông ở tỉnh Đaklac, một tín đồ Tin lành tiếp lời:
“Do sự truy đuổi của cộng sản VN nên tôi đã phải bỏ chạy sang Campuchia xin tỵ nạn. Trong thời gian ở trong trại tỵ nạn ở Campuchia tất cả những người Thượng đang tỵ nạn đã bị Cao ủy LHQ trục xuất về Việt Nam. Tôi không thể chấp nhận quay trở về VN vì nếu quay về VN thì sẽ bị cầm tù hoặc là chết. Chính vì thế tôi đã phải liều chết để chạy trốn sang Thái Lan để xin tỵ nạn.”
Ông Y Heo KNuil Ly dân tộc Ê đê ở tỉnh Đaklac đã chạy sang tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2008 nói với chúng tôi:
“Từ trại tỵ nạn ở Campuchia chúng tôi phải chạy trốn sang Thái Lan vào năm 2008, lý do tôi phải bỏ trốn khỏi đất nước quê hương tôi một phần cũng vì vấn đề chính trị. Trước việc đất đai của cha ông chúng tôi đã bị chính quyền thu hết thì chúng tôi đã đi biểu tình để phản đối cái đó và yêu cầu chính phủ Hà nội phải tôn trọng quyền của người Thượng ở Tây nguyên. Một phần nữa họ đã ghép tôi tội hoạt động tôn giáo Tin lành và họ đã ghét bỏ tôi nên buộc tôi phải chạy sang Campuchia để tỵ nạn.”
Nói về những khó khăn của những người Thượng Tây nguyên tỵ nạn ở Thái Lan đã và đang gặp phải trong thời gian vừa qua, ông Y Thoat Knul bày tỏ:

Ngày 20/03/2014, hàng ngàn người dân tộc H'mong tập trung phản đối phiên tòa kết tội hai người H'mong vi phạm điều 258.
Ngày 20/03/2014, nhiều người dân tộc H'mong cũng đã tập trung phản đối phiên tòa kết tội hai người H'mong vi phạm điều 258. (Hình minh họa)
“Vì mình không có giấy tờ nên phải đi làm chui thôi, làm phụ hồ, làm rửa xe, làm đủ các công việc. Mỗi ngày phải làm việc từ 10-14 tiếng đồng hồ, không có nghỉ, phải chấp nhận làm nô lệ thôi. Với cuộc sống bơ vơ hiện tại thì khôngbiết tin vào ai, không biết phải làm gì và không biết mình sẽ rơi vào tay ai. Đó còn chưa kể đến chuyện ốm đau, bệnh tật và biết bao các thứ chuyện khác.”
Trước cuộc sống vô vàn khó khăn của họ như vậy, song việc cứu xét để chấp thuận quy chế tỵ nạn cho những người Thượng Tây nguyên hiện nay của Cao ủy LHQ cũng hết sức khó khăn. Ông R’Ma B’Lie khẳng định:
“Tình trạng người Thượng tỵ nạn ở đây hết sức là khó khăn, cuộc sống thì tạm bợ không có giấy tờ, về vật chất thì hết sức thiếu thốn. Còn thủ tục giấy tỵ nạn thì UN hoãn đi hoãn lại, có khi UN hẹn ngày phỏng vấn rồi họ hoãn lại sang ngày khác nữa. Trung bình một người thì họ hoãn tới 2-3 lần.”

Gia đình còn ở lại VN

Một trong những khó khăn của những người Thượng Tây nguyên tỵ nạn là gia đình, vợ con họ còn ở lại VN đã bị chính quyền phân biết đối xử và liên tục sách nhiễu. Ông Y Heo KNuil Ly bày tỏ:
“Trước khi tôi rời bỏ VN thì gia đình tôi còn ở lại VN hết, gia đình tôi có 02 cháu và một vợ và đã bị họ phân biệt đối xử rất khó nghe lắm. Họ bảo với con tôi là bố mày là phản quốc bán nước, còn vợ tôi là giáo viên thì bị họ làm khó dễ. Vừa rồi vợ tôi có nhắn cho tôi trên facebook rằng họ đang làm khó khăn cho mẹ con em ở nhà.”
Trước khi tôi rời bỏ VN thì gia đình tôi còn ở lại VN hết, gia đình tôi có 02 cháu và một vợ và đã bị họ phân biệt đối xử rất khó nghe lắm. Họ bảo với con tôi là bố mày là phản quốc bán nước, còn vợ tôi là giáo viên thì bị họ làm khó dễ.
-Ông Y Heo KNuil Ly
Song vượt lên các khó khăn của cuộc sống hiện tại, các sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Thượng Tây nguyên vẫn được duy trì thường xuyên. Ông R’Ma B’Lie cho hay:
“Việc sinh hoạt tôn giáo ở Thái Lan thì bây giờ chúng tôi đang làm lễ ở một nhà thờ  người Thái của mục sư Phonchai. Hiện tại vào mỗi ngày chủ nhật vào buổi chiều thì tôi qua đó làm thông dịch cho nhà thờ để bà con người Thượng đang tỵ nạn ở Thái Lan.”
Tuy vậy, cũng có một số người cũng không có điều kiện để thực hiện mong muốn của họ. Ông Y Thoat Knul nói với chúng tôi:
“Bây giờ ở Thái Lan một thân một mình tôi không thể tham gia sinh hoạt về tôn giáo, vì hàng ngày bây giờ chỉ biết cắm đầu cắm cổ để đi làm nên không có thì giờ. Cũng vì ở chỗ tôi đang ở bây giờ cũng không có nhà thờ, không có hội thánh. Từ đây đi đến nhà thờ nếu đi bằng xe taxi 500-600 baht, cả đi cả về tới 1.000 baht thì lấy đâu ra tiền để đi.”
Bất kể ở trong hoàn cảnh nào song không ít những người Thượng Tây nguyên vẫn mong muốn được tiếp tục đấu tranh cho một nước VN có tự do và dân chủ một cách thực sự. Ông Y Heo KNuil Ly ghi nhận:
“Bây giờ thú thật việc đấu tranh thì hiện tại chưa có, song cũng rất muốn có một ai hoặc một tổ chức nào để tâm sự. Tôi muốn có một người nào đó thúc đẩy tôi để tham gia đấu tranh vì dân chủ, vì tôi nghĩ rằng chỉ khi nào đất nước mình có nhân quyền và dân chủ thì con người mình ở VN mới có được tự do. ”
Tình cảnh những người Thượng Tây nguyên đang tỵ nạn ở Thái Lan khó khăn là như vậy, song sự quan tâm của các tổ chức và cá nhân người Việt đối với họ còn ở mức hết sức khiêm tốn. Trong một tâm trạng buồn tủi, ông Y Thoat Knul nói về nguyện ước của ông và bà con người Thượng Tây nguyên đang tỵ nạn ở Thái Lan. Ông nói:
“Cuộc sống của chúng tôi rất mong manh, không biết sẽ đi đâu, về đâu khi mà Cao ủy LHQ đã bỏ rơi chúng tôi hoàn toàn. Chúng tôi bây giờ chỉ cầu mong tất cả cộng đồng người Việt ở Hải ngoại và các tổ chức hãy quan tâm đến sự sống của người Thượng tỵ nạn. Đây là lời nói chân thành từ đáy lòng.”
Chính quyền Hà Nội luôn cho rằng những người Thượng lợi dụng vỏ bọc tôn giáo nhằm hoạt động chính trị, từ đó có thể gây bất ổn và ảnh hưởng đến quyền lực của đảng CSVN. Trong lúc đó, những người Thượng ở Tây nguyên thì cho rằng các chính sách thiếu công bằng của chính quyền đã biến họ trở thành các sắc tộc thiểu số bị chèn ép ngay trên quê hương xứ sở của họ.

No comments:

Post a Comment