Saturday, May 16, 2015

Việt Nam xây dựng ở Biển Đông chỉ để phòng thủ

HÀ NỘI (NV) - Đó là nội dung của một lá thư do ông Carlyle A. Thayer, chuyên gia về Châu Á, làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Úc gửi các cơ quan truyền thông quốc tế.


Một số cư dân Hà Nội tổ chức lễ tưởng niệm các binh sĩ hy sinh trong trận đánh ở Trường Sa với Trung Quốc. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Sau một thời gian dài bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì vẫn tiếp tục bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và mở rộng các căn cứ quân sự ở quần đảo Hoàng Sa, khiến tình hình ở khu vực Đông Nam Á càng lúc càng căng thẳng, hồi thượng tuần tháng này, lần đầu tiên, Trung Quốc cáo buộc Việt Nam và Philippines “xây dựng trái phép” tại Biển Đông. Trong khi ngay sau đó, Philippines thách Trung Quốc chứng minh cáo buộc đó là có cơ sở thì mãi đến hôm qua, Việt Nam mới chính thức có ý kiến về cáo buộc này.

Hôm 14 tháng 5, ông Lê Hải Bình thừa nhận, Việt Nam có hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa và khẳng định các hoạt động đó không làm thay đổi hiện trạng hoặc khiến mức độ căng thẳng trong khu vực gia tăng. Ông Bình nhấn mạnh các hoạt động xây dựng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa là “bình thường và hợp pháp” nhằm đáp ứng nhu cầu căn bản của cư dân trong khu vực do Việt Nam quản lý.

Cũng vào thượng tuần tháng 5, ngoài cáo buộc của Trung Quốc, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế của Hoa Kỳ (CSIS) công bố những không ảnh cho thấy, Việt Nam có hoạt động xây dựng tại hai đảo Sơn Ca và bãi Đá Tây.

Sau đó ít ngày, ông Trương Triều Dương, đại sứ Việt Nam tại Philippines, tuyên bố, những thông tin của CSIS “không hoàn toàn chính xác.” Ông Dương cho biết, Việt Nam chỉ sửa chữa nhỏ như đắp đất chống xói mòn, xây bến tàu tại một số đảo thuộc quyền tài phán của Việt Nam với quy mô rất nhỏ. Những hoạt động xây dựng đó khác xa với hoạt động xây dựng của Trung Quốc.

Theo ông Dương, hoạt động xây dựng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa tuân thủ tinh thần Tuyên Bố Ứng Xử Các Bên Ở Biển Đông (DOC) và không hề làm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Ông Dương nhấn mạnh, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trong thư ngỏ ghi ngày 9 tháng 5 gửi các cơ quan truyền thông quốc tế, ông Thayer - người mà cách nay cả chục năm đã nhiều lần cảnh cáo cả Việt Nam lẫn ASEAN và cộng đồng quốc tế về tham vọng của Trung Quốc - cho rằng, báo cáo và ảnh vệ tinh do CSIS công bố, được đăng trên website Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Âu (AMTI), có thể được Trung Quốc dùng để biện bạch cho chuỗi hành động thay đổi nguyên trạng Biển Đông chỉ nhằm “đuổi kịp các quốc gia trong vùng.”

Ông Thayer tin rằng, CSIS đã nhầm lẫn khi nhấn mạnh, hoạt động xây dựng các căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa là “đáng kể.”

Ông Thayer lưu ý rằng phải chú ý đến các không ảnh mà CSIS sử dụng về hoạt động xây dựng của Việt Nam tại hai đảo Sơn Ca và bãi Đá Tây. Đó là những không ảnh được chụp suốt từ năm 2010 đến nay. Mặt khác, Việt Nam đã “đứng” trên hai đảo đó từ 1956 - thời Việt Nam Cộng Hòa. Các ngọn hải đăng đã được dựng tại đó cách nay vài thập niên.

Tất cả các đảo, thực thể lãnh thổ mà Việt Nam chiếm giữ đều có lính trấn giữ và tất nhiên có các “công sự” để phòng thủ nhưng những “công sự” này không kiên cố. Cũng vì vậy, hoạt động xây dựng của Việt Nam là những hoạt động bình thường mang tính phòng thủ và không đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ông Thayer còn lưu ý, các số liệu mà CSIS công bố cho thấy, hoạt động xây dựng của Việt Nam chỉ bằng 1.9% so với Trung Quốc.

Ông Thayer nhắc lại lịch sử mà theo đó, Trung Quốc liên tục sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm giữ các đảo và thực thể lãnh thổ ở Biển Đông: Tháng 1 năm 1974 cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tháng 3 năm 1988 cưỡng chiếm bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và các thực thể lãnh thổ lân cận. Rồi đột ngột chiếm đóng bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef). Thôn tính đảo Hoàng Nham (Scarborough Shoal), bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Theo sau việc liên tục sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm giữ các đảo và thực thể lãnh thổ ở Biển Đông là những hành động nhằm thay đổi nguyên trạng Biển Đông, mở rộng các đảo, bồi đắp các bãi đá, thiết lập chuỗi căn cứ quân sự và mới đây, Trung Quốc tuyên bố có quyền thiết lập Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) cùng lúc với việc liên tục sách nhiễu các phi cơ của Philippines khi những phi cơ này bay ngang quần đảo Trường Sa.

Ông Thayer nhận định, báo cáo của CSIS về hoạt động xây dựng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa với những từ như “đáng kể,” “quân sự” có thể làm cho mọi việc trở thành rối ren, không rõ ràng, trong khi lẽ ra cần xem xét những không ảnh đó trong bối cảnh riêng, theo tinh thần DOC.

Chuyên gia về Châu Á đang làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Úc này bảo rằng, lẽ ra các viên chức của ASEAN và Trung Quốc đang làm việc trong Nhóm Công tác Hỗn Hợp Về Thực Hiện DOC, phải đối chiếu các hoạt động xây dựng của Trung Quốc và Việt Nam xem có bên nào vi phạm điều khoản “tự kiềm chế” và những hoạt động đó có ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong vùng hay không, song Nhóm Công Tác Hỗn Hợp Về Thực Hiện DOC đã không làm điều này. (G.Đ)
05-16- 2015 5:57:21 PM

No comments:

Post a Comment