Friday, May 1, 2015

Đoạn trường hơn 40 năm 'lơ lửng' của cụ ông hai lần bị tuyên án

Mặc dù đã được trả tự do, nhưng cụ Trần Văn Thêm lại không có bất cứ một thứ giấy tờ gì để chứng minh là mình đã bị kết án oan.

Đoạn trường từ con số 0
Là người nhanh nhẹn, lại có kinh nghiệm trong nghề buôn bán, sau khi vợ mất, cụ Thêm dặn dò con cái tự trông nom lẫn nhau, còn mình tranh thủ đi buôn bán nhỏ lẻ ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trời không phụ lòng người, dần dần cuộc sống của mấy bố con cũng tạm ổn, không đến nỗi nheo nhóc như hồi cụ còn ở trong trại giam.
Mặc dù không còn chịu cảnh tù tội, nhưng cụ Thêm lại không có một thứ giấy tờ gì chứng minh là mình đã bị kết án oan. Lúc được tha tù, cơ quan công an chỉ cấp cho cụ giấy chứng nhận bị thương, miễn lao động công ích. Hồi đó đất nước vừa mới giải phóng, người dân thường xuyên phải đi lao động công ích. Có tờ giấy, cụ Thêm được miễn thực hiện nghĩa vụ này. Nhưng cũng chính vì không có một thứ giấy tờ nào trong tay, do vậy người đời vẫn xem cụ là người có tì vết về pháp luật.
Trong nhiều năm qua, cụ Trần Văn Thêm và người thân trong gia đình đã bỏ ra nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đi gõ cửa các cơ quan chức năng (TANDTC, VKSNDTC, bộ Công an), đề nghị xem xét lại vụ án năm xưa và minh oan cho cụ bằng một bản án hoặc văn bản có dấu đỏ của Nhà nước.

Theo lời kể của cụ Thêm, hành trình đi tìm công lý của cụ khởi đầu vào khoảng năm 1976, khi ấy cụ ra Hà Nội làm nghề buôn bán đồng nát. Cụ may mắn gặp được ông Điền, cán bộ hộ tịch ở phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã giúp cụ viết lá đơn khiến nại đầu tiên.
Có đơn trong tay, cụ tự tin tìm đến các cơ quan tiến hành tố tụng, gõ cửa, nộp đơn và trình bày về nỗi oan khuất của mình. Lần đầu, họ niềm nở tiếp chuyện cụ, nhưng vì cụ không thể làm đúng theo yêu cầu của họ là bổ sung đầy đủ những giấy tờ cần thiết liên quan đến vụ án năm xưa, nên những lần sau đó, cứ hễ trông thấy cụ là họ... né!?
Nhớ về chuỗi ngày gian nan đưa chú Thêm đi tìm công lý, ông Trần Văn Năm (67 tuổi) kể vanh vách với PV: “Vì chú tôi bị kết án oan mà gia đình giao cho tôi trách nhiệm cùng chú đi tìm công lý. Chúng tôi là những người dân quê cục mịch, nên khi đến các cơ quan công quyền, họ hỏi chúng tôi giấy tờ đâu, rồi kiếm cớ đuổi khéo chúng tôi. Chú tôi năm nay gần 80 tuổi, sức khỏe yếu lắm rồi. Cụ chỉ có mong muốn được giải oan trước khi nhắm mắt xuôi tay”.
Cay đắng ba tiếng “hồ sơ đâu?”
Theo lời kể của ông Năm, hai chú cháu đã đi hàng trăm lần bằng xe đạp, xe ô tô khách từ quê nhà Bắc Ninh đến các cơ quan như TAND tỉnh Phú Thọ, trại giam Phủ Đức, TANDTC, VKSNDTC, bộ Công an ở Hà Nội để kêu oan. Mỗi khi ra Hà Nội, hai chú cháu lại phải dành dụm tiền bạc và chi tiêu hết sức tằn tiện, nhưng do phải đi lại nhiều lần, tính đến nay, chỉ riêng tiền đi đường của cả hai chú cháu đã lên tới hàng chục triệu đồng.
doan-truong-hon-40-nam-lo-lung-cua-cu-ong-hai-lan-bi-tuyen-an
Ông Trần Văn Năm (ngoài cùng bên phải) cùng người thân trao đổi với PV.
Nhiều lúc cụ Thêm bi quan, nản chí, nghĩ việc “rửa tiếng oan” của mình khó chẳng khác nào... lên trời, vì đơn thư của cụ có được cơ quan nào đoái hoài, để tâm đến đâu?
Ngay như TAND tỉnh Phú Thọ, đơn vị trước đây quản lý hồ sơ của vụ án, sau khi nhận được đơn của cụ Trần Văn Thêm, yêu cầu tìm lại hồ sơ vụ án và minh oan cho cụ đã ra văn bản số 72 ngày 2/10/2006 khẳng định: Theo nội dung đơn của ông thể hiện vụ án đã xảy ra từ năm 1970, trong thời kỳ đang chiến tranh, toàn bộ hồ sơ các vụ án chuyển đi sơ tán ở nhiều nơi.
Do vậy hầu hết các vụ án thời kỳ này đã bị thất lạc, đến nay TAND tỉnh Phú Thọ không còn quản lý hồ sơ các vụ án đó. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, người khiếu kiện hoặc có yêu cầu phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền, giải quyết những tài liệu cần thiết cho yêu cầu của mình. Để có cơ sở xem xét nội dung đề nghị của ông, TAND tỉnh Phú Thọ yêu cầu ông cung cấp cho TAND tỉnh những tài liệu chứng minh cho đề nghị của mình.
Trước đó một năm (ngày 7/3/2005), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội cũng có văn bản số 1557 trả lời đơn khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388 của cụ Trần Văn Thêm với nội dung: “...Không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan. Trường hợp nếu ông bị xét xử oan, thì phải được Chánh án TAND Tối cao hoặc Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị để Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm để hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, tuyên bố ông không phạm tội giết người, cướp của và đình chỉ vụ án.
“Cơ quan Nhà nước giữ hồ sơ phải biết nó ở đâu. Đằng này, khi chúng tôi đến hỏi xin hồ sơ liên quan đến vụ án của cụ Thêm năm xưa, nhân viên các cơ quan pháp luật lại hỏi chúng tôi: “Hồ sơ đâu?””, ông Năm bức xúc nói.
Nhiều năm gian nan trên con đường đi tìm công lý cùng với cụ Thêm đã tiêu tốn của ông Năm rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc. Được vợ con cảm thông, động viên, đến nay người cháu 67 tuổi vẫn kiên tâm song hành cùng ông chú 78 tuổi đi tìm công lý. Bởi giờ đây, việc minh oan cho cụ Trần Văn Thêm là công việc chung của nội tộc họ Trần ở Bắc Ninh.
Mới đây nhất, ngày 7/3/2014, VKSNDTC ra văn bản số 501 gửi ông Trần Văn Thêm, có nội dung: “VKSND Tối cao nhận được đơn khiếu nại của ông đề nghị minh oan trong vụ án giết người oan sai. Ngày 8/1/2014, VKSND Tối cao đã có công văn yêu cầu ông Thêm, TAND Tối cao, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm - VKSND Tối cao tại Hà Nội, Công an các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, VKSND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TAND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Trung tâm lưu trữ quốc gia III cung cấp bổ sung những tài liệu liên quan đến vụ án như ông nêu trong đơn
. Đồng thời VKSND Tối cao đã trực tiếp đi xác minh tại TANDTC, Tòaphúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội, viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm - VKSNDTC tại Hà Nội và Trung tâm lưu trữ quốc gia III. Sau quá trình nêu yêu cầu, trực tiếp làm việc với các cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan nêu trên, VKSND Tối cao không tìm thấy tài liệu liên quan đến vụ án của ông như ông trình bày trong đơn. Do đó không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan”.
Không có giấy tờ chứng minh, đừng hy vọng được giải oan?
Có thể nói, đây là vụ án có một không hai trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam. Vì thời gian quá dài (hơn 40 năm), nên hầu hết các tài liệu liên quan đến vụ án đều đã bị thất lạc.
Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm này, chỉ có tài liệu duy nhất liên quan trực tiếp đến vụ án của cụ Trần Văn Thêm là hai bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú và bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên tử hình đối với cụ. Đây là một khó khăn lớn với cụ Trần Văn Thêm trong việc đi tìm chứng cứ, chứng minh mình vô tội.
01/05/2015 20:09

Nguồn: Nguoiduatin.vn

No comments:

Post a Comment