Sunday, April 19, 2015

Trung Quốc: Vớt lợn chết dưới sông đem bán

Theo daikynguyenvn-04-19-2015
Dân làng chất đống xác lợn chết vào trong một kho khử trùng trong một nông trại tại một thị trấn ở thành phố Giang Tây, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, ngày 13/3/2013. (Ảnh: AFP/AFP/Getty Images)
Dân làng chất đống xác lợn chết vào trong một kho khử trùng trong một nông trại tại một thị trấn ở thành phố Giang Tây, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, ngày 13/3/2013. (Ảnh: AFP/AFP/Getty Images)

Nông dân Trung Quốc vứt lợn chết vì dịch bệnh xuống sông. Một số người đã kinh doanh bằng cách vớt số thịt bị nhiễm bệnh này, sau đó đưa ra thị trường.
Việc buôn bán này hình thành do tình trạng kiểm soát chất lượng lỏng lẻo và hối lộ. Vào ngày 8/4, hãng truyền thông Trung Quốc Sina đưa tin rằng một lò mổ ở tình Phúc Kiến đã được chuyển đổi mục đích để chế biến thịt lợn bẩn – tòa án tỉnh đã phát hiện tổng cộng 2.000 tấn thịt đã được bán với giá khoảng 7 triệu USD.
Hai trường hợp khác, cũng ở Phúc Kiến, có liên quan tới những người vớt thịt lợn chết bị vứt bỏ ở sông. Hai người đàn ông, Lin Shen và Lai Jianhua, đã bán khoảng 2 triệu USD tiền thịt lợn không đủ tiêu chuẩn theo cách này.
Một người đàn ông họ Ling thường thu mua động vật trực tiếp từ nông dân với giá từ 16 đến 80 USD.
“Tôi mua lợn tàn tật, lợn còi cọc do các vấn đề về sức khỏe, lợn ốm, lợn mới chết”, ông này nói với Sina.
Ông Ling làm việc cho Zhang Zhiqiang, chủ lò mổ Phúc Kiến. Họ chỉ trả khoảng 1 USD cho khoảng 0,5kg thịt thu mua.
“Chúng tôi đơn giản là mua tất cả mọi thứ”, ông Ling cho biết.
Nguồn cung
Những nông dân chăn nuôi lợn, thiếu mọi phương tiện để xử lý gia súc bị bệnh và vật nuôi dị dạng, cung cấp nguồn hàng cho những người như ông Ling và ông Zhang.
Wu Shengrong, một nông dân tại huyện Tân Hỏa tỉnh Phúc Kiến có nuôi hơn 2.000 con lợn. Với khoảng 30 con ngã bệnh mỗi tháng, việc vứt bỏ chúng đúng cách là điều rất phiền phức.
Đó là một lý do thúc đẩy việc bán lợn chết hoặc vứt xuống sông. Một vài nông dân nói với Sina rằng họ đã phải trả 30 USD để xử lý một cách an toàn mỗi một con lợn chết, trong khi chính quyền địa phương chỉ trợ cấp 12 USD cho mỗi con.
Quy định lỏng lẻo
Với nạn tham nhũng đang tràn lan tại Trung Quốc, thì điều này có nghĩa là các quy định trong công nghiệp không phải lúc nào cũng cần được tuân thủ.
Mỗi tháng, thanh tra lò mổ Zhang Shuihua nhận hối lộ từ những người như ông Lin và ông Lai. Ông Zhang có mối quan hệ thân thiết với ông Lin đến mức mà ông thậm chí cho phép ông Lin đi thẳng vào khu vực kiểm dịch.
“Thịt lợn từ ông Lin không bao giờ kèm theo giấy chứng nhận nguồn gốc hoặc báo cáo kiểm dịch”, ông Zhang nói với Sina. “Tuy nhiên, tôi đưa cho ông Lin giấy chứng nhận lợn của anh ta đủ tiêu chuẩn vì tôi nhận 2.100 nhân dân tệ (khoảng 340 USD) tiền phí từ anh ta mỗi tháng”.
“Việc Zhang Zhiqiang [chủ lò mổ] thường xuyên hối lộ cán bộ thanh tra là một bí mật mà ai cũng biết”, một công nhân làm việc ở khu vực kiểm dịch cho biết. “Tất cả chúng tôi đều nhắm mắt làm ngơ”.
Một người làm tại lò của mổ của Zhang Zhiqiang cho biết ông cũng như những người làm khác sẽ không ăn thịt được chế biến ở đây.
Không chỉ Phúc Kiến
Một nhà phân phối thực phẩm đông lạnh ở Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến, cho biết, công ty của ông đã mua 480.000 USD tiền thịt từ ông Zhang Zhiqiang, vì ông ta có giấy chứng nhận đúng theo quy định.
Chủ một cửa hàng bán mì tại thành phố Triển Bình, thuộc tỉnh Phúc Kiến cho biết ông đã mua khoảng 10.000 USD tiền thịt từ lò mổ của ông Zhang từ năm 2010.
“Một số thịt đã có những nốt đỏ thẫm hoặc đen”, chủ cửa hàng cho biết.
Thịt nhiễm bẩn do ông Zhang Zhiqiang và ông Lin Shen chế biến được bán tại một chuỗi các thành phố thuộc nhiều tỉnh trên toàn Trung Quốc, với doanh thu đạt gần 9 triệu USD.
Tỉnh Phúc Kiến có vẻ như không phải là trường hợp duy nhất.
Tại tỉnh Hà Bắc, một công ty được đưa tin là đã mua lợn sống mắc bệnh lở mồm long móng từ nông dân địa phương. Thanh tra chất lượng tại hiện trường không đưa ra được giấy chứng nhận cho thấy những con lợn được kiểm tra hợp lệ. Thế nhưng, chúng vẫn được đưa đến lò mổ.
Một nông dân cho biết, cán bộ thanh tra tại một lò mổ địa phương đánh giá lợn chỉ bằng cách nhìn qua mà không thực hiện bất kỳ kiểm tra nào khác.
Chính quyền yêu cầu phải xem xét lại các quy định của ngành công nghiệp thực phẩm tại tỉnh Sơn Đông khi phát hiện thấy một con vật có tình trạng thực tế không khớp với những gì được ghi trên giấy chứng nhận.
“Anh có thể tự làm được giấy chứng nhận”, một lái xe vận chuyển lợn cho biết.
Phân bón “Thần Nông”
Thịt lợn nhiễm bẩn chỉ là một khía cạnh trong hệ thống tham nhũng lâu dài của ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc.
Phiên bản trực tuyến của tờ báo nhà nước Nhân dân Nhật báo, The People’s Net đã đưa tin vào tháng 5/2013 về trường hợp của một nông dân 65 tuổi tên Zhang Chunxin. Ông Zhang đã trồng rau được 40 năm.
“Thuốc trừ sâu phorate và ‘phân bón Thần Nông’ là có tác dụng tốt nhất”, ông Zhang nói. “Việc mua và sử dụng những sản phẩm này là bất hợp pháp, nhưng các cửa hàng đều bán chúng”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WB) coi thuốc trừ sâu phorate là một hóa chất “cực kỳ nguy hiểm”. Một lượng nhỏ chất này có thể gây buồn nôn và chóng mặt, trong khi tiếp xúc với nồng độ cao có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong, theo các nhóm môi trường.
“Phân bón Thần Nông” được đặt tên theo Thần Nông, một vị thần nông dân Trung Hoa theo truyền thuyết, giúp tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp. Ông Zhang Chunxin cho biết chất này đã tăng gấp đôi lượng thu hoạch dưa hấu và gấp 3 lần lượng thu hoạch cần tây.
“Ai không dùng cơ chứ?”, ông Zhang nói.
Hầu hết các loại rau của ông Zhang đều được bán cho các chợ bán buôn và các siêu thị địa phương. Tờ báo đưa tin ông này cũng không tiến hành kiểm định rau trước khi bán.
Một trong những thành phần hoạt tính của phân bón Thần Nông là chất aldicarb, một loại thuốc trừ sâu đã bị Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cấm vào năm 2010.
Con trai của ông Zhang cảnh giác trước số rau mà ông Zhang trồng ra.
“Khi đã nhìn thấy tất cả các lọ hóa chất độc mà cha tôi đã mua thì không đời nào tôi lại ăn chúng”.
Thu Hiền biên dịch

No comments:

Post a Comment