Wednesday, April 8, 2015

Tình trạng bắt giữ tùy tiện – trách nhiệm thuộc về ai?

Bị cáo Lê Đức Hoàn - Ảnh TTO


Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Danlambao) - Ngày 7/4/2015, phiên tòa sơ thẩm lần 2 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên, vụ án 5 công an đánh chết nạn nhân Ngô Thanh Kiều được mở lại sau hai lần xét xử. Lần đầu tiên nguyên phó trưởng Công an Thành phố Tuy Hòa – bị cáo Lê Đức Hoàn – bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Hoàn không thừa nhận việc chỉ đạo bắt người lúc 3g sáng ngày 13/05/2012, và giải thích rằng hành vi dẫn giải, còng tay nạn nhân Ngô Thanh Kiều khi chưa có lệnh là “mời”.

Tôi quan sát phiên tòa diễn ra ngày thứ nhất và nhận ra rằng, tình trạng công an đến nhà “mời” hoặc bắt giữ người tùy tiện, diễn ra thường xuyên và phổ biến, nhưng không có cơ quan nào lên tiếng và ngăn chặn nó.

Nạn nhân Kiều có thể bị bắt vì bị tình nghi là đối tượng trong chuyên án trộm cắp, bất chấp các quy trình pháp luật, dẫn đến việc nôn nóng tùy tiện trong khi điều tra xét hỏi để lập thành tích đã dẫn tới tình trạng nạn nhân bị đánh đến chết trong đồn công an mà không có một cá nhân nào nhận trách nhiệm.

Hung khí gây ra cái chết cho nạn nhân Kiều là dùi cui – đến hết ngày xét xử thứ nhất không có bị cáo nào trả lời trước tòa vì sao dùi cui nằm sẵn trên bàn và mục đích sử dụng dùi cui khi được xem như công cụ hỗ trợ của ngành công an là gì?

Quay trở lại tình trạng bắt giữ tùy tiện, hiện nay, lực lượng công an luôn có biện pháp nghiệp vụ chối bỏ hành vi “bắt cóc” của mình bằng lý do “mời làm việc”.

Thế nào là mời khi anh sử dụng quyền lực và công cụ để ngăn cản tự do của người khác nhằm được việc của ngành?

Tâm lý luôn xem người khác là tội phạm và tùy tiện áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, thậm chí là bức cung, dùng nhục hình do có quá nhiều đặc quyền đã khiến ngành công an luôn đứng trên luật pháp.

Những lời lý giải trong phiên tòa về lệnh miệng, chỉ đạo từ cấp trên trong phiên tòa tại Phú Yên cho thấy sự bất cập trong công tác bảo vệ luật pháp chính trong ngành công an.

Rất nhiều lần, tôi nghe câu “làm theo chỉ đạo” và không có lời giải thích, và vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm về kiểu chỉ đạo tùy tiện như trên.

Ngô Thanh Kiều bị "mời" và bị tra tấn đến chết khi chưa có lệnh với lý do tình nghi trong giai đoạn điều tra.

Những người bất đồng chính kiến, bị bắt cóc, bị tạm giữ tuỳ tiện vì lý do an ninh quốc gia.

Có mối liên quan nào không?

Câu trả lời là CÓ. Nó thể hiện biên độ tùy tiện của lực lượng công an mà không có giới hạn chế tài.

Làm thế nào để chấm dứt việc bắt giữ tùy tiện? Đây là một vấn đề cần đưa ra công luận và thế giới, để bảo vệ quyền tự do của công dân Việt Nam.


No comments:

Post a Comment