Wednesday, April 8, 2015

Dưa hấu, đại nạn của nông dân

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-04-08   
Xe chở dưa hấu bị ùn tắc hàng chục km trước cửa khẩu ở Lạng Sơn
Xe chở dưa hấu bị ùn tắc hàng chục km trước cửa khẩu ở Lạng Sơn-RFA

Người nông dân trồng dưa hấu chưa kịp hoàng hồn sau vụ ngập úng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Huế thì hiện tại, cả người nông dân trồng dưa và người buôn dưa hấu lại một lần nữa lo lắng việc sắp tới đây, dưa hấu phải mang đi đổ hoặc bỏ ngập đồng bởi không tiêu thụ được. Trong đó, vấn đề thị trường Trung Quốc và các cửa khẩu có tác động rất mạnh đến sự sống còn của người trồng dưa và người buôn dưa Việt Nam.

Một người buôn dưa đang bị mắc kẹt ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Phải qua được cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn nhưng không biết có xuất sang được bên kia không vì xe của mình giờ xếp hàng dài, hỏng hết hàng, nó ép mình. Hàng bán cho nó phải hàng đẹp cơ, phải làm được giấy tờ hải quan, phải được hải quan của nó chấp nhận qua thì mới qua chứ không sao mình qua được.”

Theo người này, hiện tại, số lượng xe chở dưa và các loại nông sản xuất sang Trung Quốc bị mắc kẹt ở Tân Thanh có thể lên dến vài chục ngàn chiếc bởi đoạn đường xe bị dồn ứ đã vượt hơn 30 cây số. Với số lượng xe như thế này, cho dù có làm việc cả ngày lẫn đêm thì ít nhất một tuần sau, mới có thể thoát khỏi tình trạng ứ đọng.

Trong khi đó, tất cả các xe chở dưa hấu đều phải trải qua một đoạn đường dài hàng ngàn cây số dưới nắng mùa hè, dưới sức nóng nhiệt đới, cho dù có bảo quản tốt cỡ nào thì dưa vẫn hấp thụ nhiệt, vẫn bị ảnh hưởng, bị hư hại. Bây giờ lại thêm chuyện xe bị kẹt giữa đường, đứng im tại chỗ, thỉnh thoảng nhích lên vài mét, không có gió trời thông thoáng như lúc đang chạy ngoài đường, nguy cơ dưa bị thối sẽ rất cao.

Khác với mọi năm, không còn hy vọng qua được cửa khẩu bằng mọi giá rồi tính tiếp, nhà buôn Việt Nam bắt đầu rút kinh nghiệm và “tự phê bình, tự kiểm điểm” trước khi qua cửa. Thường thì xe nhích lên đến khu vực sát cửa khẩu, đây cũng là nơi có nhiều bãi đỗ xe, nhà buôn cho xe chạy lệch ra bên ngoài để kiểm tra thử còn bao nhiêu phần trăm dưa có thể tiêu thụ được. Nếu còn trên 50% thì nhà buôn quyết định qua cửa khẩu để đỡ được đồng nào mừng đồng đó, nếu còn dưới 50% thì tự quay xe tìm chỗ đổ bỏ tất tần tật cho nhẹ xe mà quay về.

"Phải qua được cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn nhưng không biết có xuất sang được bên kia không vì xe của mình giờ xếp hàng dài, hỏng hết hàng, nó ép mình. Hàng bán cho nó phải hàng đẹp cơ, phải làm được giấy tờ hải quan"-Một người buôn dưa

Quía trình tự phê bình tự kiểm điểm của nhà buôn mang lại cái lợi rất cơ bản, ít nhất họ khỏi phải tốn chi phí qua cửa khẩu và nhà xe cũng giảm được một ít nhiên liệu chạy sang bên kiua biên giới. Hơn nữa, khỏi phải chứng kiến cảnh người ta lắc đầu oai oái chê dưa không ra gì, thậm chí có nhiều đầu nậu người Trung Quốc ăn nói rất thô tục, thấy dưa bị hư hỏng nhiều, họ quát mắng, bảo nhà buôn hãy mang về đổ làm phân đi hoặc họ nói “bọn Việt Nam chẳng làm được trò trống gì!”.

Với người buôn dưa hấu này, không có gì khiến ông đau đớn và tủi nhục hơn khi bị đối tác mắng nhiếc mà p-hải cắn răng chịu đựng vì đồng tiền bát gạo. Nhưng một khi đã mang dưa sang đất Trung Quốc, tốn đủ thứ chi phí, trong đó gồm cả chi phí chung chi cho cán bộ cửa khẩu để được thông xe, ông đành ngậm đắng nuốt cay để lấy lại đồng vốn. Kể đến đây, ông lắc đầu, ứa nước mắt.

Cán bộ cửa khẩu vẫn tính nào tật nấy

Một người buôn dưa hấu sang Trung Quốc vào mùa nắng và cau non cùng nhiều loại nông sản khác vào mùa mưa, tên Hồng, chia sẻ: “Lúc này chưa đi được đâu, chắc phải vài hôm nữa xem thế nào chứ giờ thì.. Qua Trung Quốc thì hàng miền Nam ra nhiều với lại Vĩnh Phúc. Chắc cũng chuẩn bị thông quan cửa chính ngạch bởi bí thư đang sang thăm mà, nông thủy sản Việt Nam đang ế mà, nó đang xin thông quan cửa chính ngạch, cửa quốc tế bởi lâu nay toàn xuất cửa tiểu ngạch thôi. Lúc này vẫn chưa đi được, dưa hấu xuất được thì mười mấy hai chục ngàn một cân, coi như xe phải bốn năm chân mới chạy, cơ bản là phải xuất được sang Trung Quốc.”

Theo bà Hồng, vấn đề khó khăn nhất của nhà buôn vẫn là cửa khẩu. Chính cửa khẩu đã gián tiếp, thậm chí trực tiếp nối tay cho nhà buôn Trung Quốc ép nhà buôn Việt Nam. Cho đến thời điểm bây giờ, bà Hồng vẫn chưa khẳng định được là nhà buôn Trung Quốc có mua chuộc nhân viên an ninh cửa khẩu để ếm hàng khi cần thiết hay không nhưng mỗi khi nhà buôn Trung Quốc ép hàng nhà buôn Việt Nam thì trước đó diễn ra chuyện kẹt xe ở cửa khẩu.

Nghĩa là theo bà Hồng nghi vấn, rất có thể nhà buôn Trung Quốc và nhân viên cửa khẩu của Trung Quốc đã ăn rơ với nhau, mỗi khi hàng hóa Việt Nam sang nhiều, có dấu hiệu ứ hàng thì phía Việt Nam, tự dưng có hàng ngàn xe bị ứ lại, thủ tục xuất cảnh hết sức khắc khe, khi hàng bị ứ vài ngày, xuất được sang bên Trung Quốc thì tâm lý nhà buôn Việt Nam đã quá mệt mỏi, chỉ mong sao bán được hàng để quay về, nhà xe cũng quá mệt mỏi, mong sao trút được hàng để quay về nước. Đây cũng là lúc nhà buôn Trung Quốc tha hồ ép giá hàng Việt. Như hiện tại, giá dưa hấu mua tại bãi đã lên 5000 đồng hoặc 6000 đồng mỗi ký lô nhưng nhiều nhà buôn Việt Nam xuất được hàng sang Trung Quốc quay về cho bà biết họ cũng chỉ mua với giá 7000 đồng mỗi ký lô.

Như vậy, với mức giá thu mua 7000 đồng mỗi ký, nhà buôn Việt Nam thua lỗ nặng nề, không tài nào gỡ được vốn. Và đương nhiên khi trở về Việt Nam, họ buộc phải ép giá dưa của người nông dân xuống còn 3000 đồng mỗi ký lô mới dám buôn tiếp. Mà với mức giá 3000 đồng mỗi ký, người nông dân sẽ bị thua lỗ, cao nhất cũng chỉ huề vốn.

Bà Hồng chia sẻ thêm là nạn mãi lộ khi qua cửa khẩu vẫn không có gì thay đổi, thậm chí nặng nề hơn mọi năm. Nhiều lần bà muốn chuyển sang một nước khác để buôn bán nhưng cơ hội này hoàn toàn không có. Bởi đường tiêu thụ duy nhất cho nông sản Việt Nam, ngoại trừ cà phê, tất cả các loại nông sản khác đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Và cay đắng hơn là tất cả mọi loại hàng hóa phổ dụng trên thị trường Việt Nam cũng phụ thuộc vào Trung Quốc.

"Bao giờ còn chơi với Trung Quốc, người Việt Nam còn chịu thiệt thòi và lép vế, thậm chí người Việt Nam còn bị họ mạt sát mà không dám hé nửa lời phản kháng. Càng đi buôn lâu năm với người Trung Quốc...bà Hồng cảm nhận thấy mình chịu nhục quá nặng"

Điều này cho thấy đầu ra và đầu vào của hàng hóa đều phụ thuộc vào Trung Quốc, mọi ưu tiên xuất nhập khẩu đều dành cho Trung Quốc. Tâm lý của một nhà buôn Việt Nam, với bà Hồng, đây là cơ hội để nhà buôn Trung Quốc tha hồ chèn ép, thậm chí mạt sát nhà buôn Việt Nam. Và một khi nhà buôn Việt Nam bị chèn ép, cái đích thiệt thòi cuối cùng bao giờ cũng rơi vào người nông dân.

Với kinh nghiệm hơn mười năm buôn hàng chuyến sang Trung Quốc, bà Hồng đưa ra nhận xét: Bao giờ còn chơi với Trung Quốc, người Việt Nam còn chịu thiệt thòi và lép vế, thậm chí người Việt Nam còn bị họ mạt sát mà không dám hé nửa lời phản kháng. Càng đi buôn lâu năm với người Trung Quốc, cũng vì lỡ lao theo chén cơm manh áo, nếu không theo thì cũng không biết làm gì khác vì đã quen với thị trường này, bà Hồng cảm nhận thấy mình chịu nhục quá nặng.

Bà Hồng nói rằng bà vẫn đang tìm một cơ hội buôn bán khác không liên quan đến Trung Quốc và các nhân viên cửa khẩu nhưng nghe ra có vẻ khó nếu buôn hàng xuyên quốc gia. Bà nhấn mạnh: Đối với bà, suốt quá trình chuyển hàng sang Trung Quốc để kiếm lãi, bà chỉ nhận được một chữ “nhục” to tướng. Còn người nông dân thì nhận được một chữ “khổ” vĩ đại.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment