Theo NLĐO-27/04/2015 22:22
Bến xe, vỉa hè, bờ tường, cột điện, gốc cây… ở nhiều nơi công cộng đã trở thành nơi tiểu tiện, xả rác của những người vô ý thức
Sáng 26-4, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP HCM), một người đàn ông bước vội đến một bờ rào của một công trình đang xây dựng để “xả nước”. Thấy chúng tôi đưa máy hình lên, anh ta cười gượng gạo, phân trần: “Anh thấy đó, khu này không có nhà vệ sinh công cộng, đi kiếm thì xa, lại tốn tiền…”.
Đâu cũng có thể “trút bầu tâm sự”
Dạo quanh một số tuyến đường trung tâm TP như Bà Huyện Thanh Quan, Cách Mạng Tháng Tám, Hùng Vương, 3 Tháng 2, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…, chúng tôi không khó để ghi nhận hình ảnh những tài xế taxi, xe ôm, người buôn bán, khách vãng lai… thoải mái “trút bầu tâm sự” ngay gốc cây, trụ điện, bức tường, bên hông taxi, xe buýt đậu dưới phố.
Ngày 25-4, chúng tôi đến khu vực cổng số 1 Bến xe Miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh). Giữa trưa nắng chói chang, mùi khai nồng bốc lên từ phía bồn hoa khiến ai đi qua cũng muốn ngạt thở. Chỉ trong vòng 30 phút quan sát, chúng tôi đã thấy gần chục người đàn ông thay phiên nhau quay mặt vào phía bồn hoa thản nhiên tiểu tiện, xả rác. Khi được hỏi vì sao không vào nhà vệ sinh trong bến xe, một tài xế xe ôm cho biết: “Mỗi lần sử dụng nhà vệ sinh tốn 2.000 đồng, mỗi ngày vào 5-6 lần, tiền ở đâu chịu thấu? Xe ôm dạo này ế khách, nhiều hôm chẳng có cuốc nào…”.
Dọc đại lộ Võ Văn Kiệt có nhiều cây cầu vượt bắc qua kênh Tàu Hủ, dưới gầm cầu, mùi xú uế bốc lên. Thảm cỏ bên bờ kênh, nơi nhiều người tụ tập hóng mát, đi dạo cũng không thoát khỏi rác và mùi hôi. “Đường đẹp thế, cứ nghĩ mọi người sẽ biết giữ gìn nhưng số lượng rác lại tăng lên. Người ta không ngần ngại ăn uống xong là vứt rác, nhiều nhóm nhậu say nôn ói, tiểu tiện tại chỗ, làm hư cả bãi cỏ xanh” - chị Trang, công nhân vệ sinh trên tuyến đường này, than thở.
Rác dày đặc dưới tấm biển “Cấm đổ rác” bề thế Ảnh: Đức Thanh
Người đàn ông thản nhiên tiểu tiện bên hàng rào một công trình xây dựng Ảnh: Sỹ Đông
Trong khi đó, dọc Quốc lộ 1 (đoạn qua quận 12) có tới 5 bãi rác tự phát ở các khu đất trống. Một biển “Cấm đổ rác” với mức phạt có khi lên đến 8 triệu đồng không làm giảm tình trạng bãi rác ngày càng phình to. Nhiều khu vực có tường rào chạy dài, các công trình đang xây dựng ở quận 10 cũng là điểm đến của các bao xà bần, rác. Anh Nam, bảo vệ khu cao ốc đang xây dựng ở đây, lắc đầu: “Đuổi không xuể số người mang xà bần tới đổ, một người tới đổ là chẳng bao lâu lại có nhiều người khác. Thường là lúc đêm khuya, họ chở xe tới vứt nhanh rồi đi”.
Vỉa hè các con đường xung quanh bệnh viện, trường học cũng bị các hộ buôn bán hàng quán chiếm dụng để nấu nướng, rửa chén. Nước thải đổ thẳng ra đường, miệng cống, ruồi nhặng bu đầy nhưng cách đó không xa, nhiều người vẫn thản nhiên ngồi ăn.
Thả cá đến đâu, câu đến đó
Dọc kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cứ hơn 100 m là có biển cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức nhưng từ sáng sớm cho tới đêm khuya, lúc nào cũng có người câu cá. Mọi hoạt động diễn ra thường xuyên, công khai.
Chiều 24-4, đi dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chúng tôi chứng kiến hàng chục người với đủ đồ nghề ngồi câu bên cạnh biển cấm. Vừa giật lên được con cá rô phi, anh Trần Tuấn Hải, câu cá ở khu vực gần cầu Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), cho biết hằng tuần cùng nhóm bạn đến đây câu cá giải trí. Cạnh bên anh Hải, một người tên Nam “bật mí” có ngày câu được 3 kg cá rô phi và cá trê, ăn không hết thì bán hoặc làm khô.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Bá, Phó Chủ tịch UBND quận 3, cho biết từ ngày 15-4, lực lượng công an các phường đã đồng loạt ra quân, tuần tra hằng ngày để tuyên truyền, dẹp nạn câu cá trái phép trên kênh. “Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên chưa xử phạt hành chính người câu cá trái phép” - ông Bá nói.
Là người thường xuyên tập thể dục ở khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Vinh (ngụ quận 3) bức xúc: “Bữa giờ quận 3 ra quân nên khu vực quanh đây ít người đến câu. Có điều, con kênh này chạy qua nhiều quận: 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận… Dẹp ở quận 3 thì người ta nhích qua quận khác. Cá vẫn bị tận diệt, xót lắm. Sao các quận không cùng nhau đồng loạt ra quân, làm liên tục và xử phạt thật nghiêm? Đánh trống bỏ dùi, bắt cóc bỏ dĩa không thể nào dẹp được chuyện này”.
“Ổng bị khùng hả?”
Sáng 26-4, trên đường Nguyễn Khoái (quận 4), một người đàn ông dẫn theo con chó đi dạo, trên tay cầm theo tờ báo bọc trong bao ni-lông. Khi con chó dừng bên đường đi vệ sinh, ông ta dùng giấy báo gói lại, bỏ vào bao ni-lông rồi đi tiếp. Tôi chưa kịp tỏ lời thán phục bởi cử chỉ này thì người đàn ông ngồi uống cà phê bàn bên buột miệng: “Ổng bị khùng hả?”. Chị chủ quán bèn kể: “Mấy lần thấy ổng làm vậy, tôi nói ổng: “Kệ đi, ở ngoài đường, mắc mớ chi mệt vậy?”, ổng liền trả lời: “Mình làm vậy để khỏi phiền người khác”. Đúng là khùng thiệt”.
Lẽ nào việc tôn trọng người xung quanh, giữ đường phố sạch đẹp thì trong mắt của nhiều người Việt Nam, đó là một hành vi bất thường?
Bá Hậu (quận 4, TP HCM)
Sỹ Đông - Đức Thanh
No comments:
Post a Comment