Sunday, April 5, 2015

Liên đoàn lao động Hoa Kỳ và chiến dịch chống lại quyền đàm phán nhanh đối với TPP

Việt Hà, phóng viên RFA 2015-04-05
AFL - CIO website www.aflcio.org
AFL - CIO website www.aflcio.org-RFA files photos
Trong khi chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang hối thúc Quốc hội Mỹ cho quyền đàm phán nhanh để kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia khác trong đó có Việt Nam trong năm nay, thì Liên đoàn lao động Mỹ cùng một số hội đoàn và tổ chức khác tại Mỹ lại lên tiếng chống lại kế hoạch này vì cho rằng TPP hiện đang được đàm phán có nhiều điểm bất lợi cho Mỹ. Để tìm hiểu về chiến dịch này cùng các yêu sách của Liên đoàn lao động Mỹ cùng các tổ chức khác về TPP, Việt Hà phỏng vấn bà Celeste Drake, chuyên gia về thương mại của Liên đoàn lao động Mỹ.
Việt Hà: thưa bà, được biết Liên đoàn Lao động Mỹ đang có chiến dịch chống lại việc đàm phán TPP của Mỹ với các nước khác, xin bà cho biết tại sao Liên đoàn lại thực hiện chiến dịch này?
Celeste Drake: trước hết để tôi nói rõ là chúng tôi không chống lại TPP, chúng tôi đang trong chiến dịch chống lại quyền đàm phán nhanh, một quá trình mà theo đó quốc hội cho bên hành pháp quyền được đàm phán các thỏa thuận thương mại mà bất chấp chất lượng của nó ra sao và quốc hội sẽ không sửa đổi được sau đó. Chúng tôi đã có rất nhiều những chỉ trích về những gì mà chúng tôi biết về  TPP nhưng rất tiếc là nó được đàm phán bí mật và chúng tôi cảm thấy là chúng tôi không được biết đủ về nó. Chúng tôi không muốn xét đoán trước về thỏa thuận này khi mà chúng tôi cũng không thể sửa những gì mà chúng tôi không biết cho nên vào lúc này chúng tôi kiềm chế không đưa ra những đánh giá về TPP.
Việt Hà: theo đánh giá của chính phủ Mỹ và một số chuyên gia về thương mại, đầu tư, TPP sẽ giúp Hoa Kỳ xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang các nước khác, vậy điều gì trong  TPP khiến Liên đoàn lao động Mỹ quan ngại?
Celeste Drake: Hoa Kỳ sẽ xuất khẩu được nhiều hơn và không phải thuê nhân công từ bên ngoài đã là những hứa hẹn trong các thỏa thuận thương mại trước đó, nhưng nó đã không thành sự thật. Nó đã là điểm hứa hẹn với người dân Mỹ về NAFTA, Hiệp ước tự do thương mại Bắc Mỹ giữa Canada, Mỹ và Mexi co vào năm 1992, 1993. Nhưng điều mà chúng tôi thấy là nó đã làm tăng việc thuê nhân công ở các nước khác vì nó bao gồm giảm thuế…. Chúng tôi thấy là thay vì xuất khẩu nhiều hơn sản phẩm vào Mexico, nhưng chúng tôi đã chuyển công ty vào mexico và các công ty đó xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ là những sản phẩm mà chúng tôi từng làm trước đó. … nhưng còn hơn thế nữa, chúng tôi không chỉ lo ngại về vấn đề thuê nhân công bên ngoài, chúng tôi còn lo ngại về cấu trúc của thỏa thuận theo cái cách mà nó sẽ ảnh hưởng đến lương của người lao độn.
Chúng tôi không chống lại TPP, chúng tôi đang trong chiến dịch chống lại quyền đàm phán nhanh, một quá trình mà theo đó quốc hội cho bên hành pháp quyền được đàm phán các thỏa thuận thương mại mà bất chấp chất lượng của nó ra sao và quốc hội sẽ không sửa đổi được sau đó
Celeste Drake
Với NAFTA chúng tôi đã có 20 năm kinh nghiệm và điều mà chúng tôi thấy là trong cả 3 nước đã có việc giảm sự có mặt của các nghiệp đoàn lao động, gia tăng những hạn chế về quyền của người lao động, và chính phủ thì không xử lý vấn đề này một cách hợp lý. Điều mà chúng tôi thấy là sự gia tăng trong bất bình đẳng, tăng số người sống dưới mức nghèo khổ. Cho nên điều đang xảy ra là các chủ thuê lao động đang khiến các công nhân đối chọi lại với nhau. Họ nói rằng anh chị cần phải chấp nhận giảm lương, giảm phúc lợi hay đừng thành lập công đoàn vì trừ khi anh chi nghe chúng tôi nếu không chúng tôi sẽ chuyển việc của anh chị sang nơi khác. Khi công nhân bị đe dọa, không thể lập nghiệp đoàn thì điều này sẽ làm cho lương của họ giảm xuống. Khi lương công nhân ở Mexico giảm, chúng ta có thỏa thuận thương mại với Mexico và lương của công nhân Mỹ cũng bị giảm, tương tự như với Canada.
Việt Hà: Tuyên bố mới đây của Liên đoàn cho thấy Liên đoàn cũng thảo luận vấn đề với các nghị sĩ, dân biểu quốc hội để chống lại quyền đàm phán nhanh với TPP, theo bà thì khả năng lời kêu gọi của Liên đoàn sẽ dành được ủng hộ ra sao từ phía quốc hội?
Celeste Drake: tôi không muốn đưa dự đoán trước nhưng có khá đông các dân biểu quốc hội cả trong thượng và hạ viện đều đồng ý với chúng tôi là quyền đàm phán nhanh là không  hợp lý với TPP vào lúc này khi mà nội dung của nó hoàn toàn bí mật và những gì mà chúng tôi biết được thì chúng tôi không thích. Và đó là một dấu hiệu tốt và nó tạo sức ép lên Tổng thống và chính phủ của ông để cố gắng nhìn nhận những quan ngại này và có những cải thiện trong thỏa thuận.
Chúng tôi hy vọng là người lao động và những đối tác thương mại của chúng ta cũng sẽ gây sức ép tương tự lên chính phủ của họ để làm điều tương tự. Một trong những điều khoản bị rò rỉ ra ngoài mà chúng tôi biết được là bảo hộ quá mức bằng sáng chế với thuốc khiến thuốc quá đắt và gần như khó có thể tiếp cận đối với các gia đình lao động trên thế giới. Đó là quan tâm mà chúng tôi chia sẻ cùng với tất cả các gia đình lao động ở các nước tham gia TPP. Chúng tôi nghĩ là điều này đi ngược lại quyền lợi của mọi người vì nó tạo ra quy định làm cho việc cứu sống con người trở nên khó khăn hơn.
Điều mà chúng tôi muốn là công nhân ở Việt Nam, ở Brunei hay Malaysia có thể đến chỗ làm và nếu họ quyết định thành lập nghiệp đoàn của họ và tham gia vào đàm phán với người chủ về quyền của họ, để tăng lương cho họ
Celeste Drake
Việt Hà: Bà có nói về một số điều khoản rò rỉ ra ngoài mà bà cho rằng là không thích hợp, ngoài điều vừa nói, xin bà cho biết còn điều khoản nào theo bà là chưa hợp lý và cần điều chỉnh?
Celeste Drake: Chúng tôi lo ngại về việc thiếu những quy định liên quan đến phá giá đồng nội tệ. Chúng tôi biết đây là một vấn đề gây tranh cãi. Chúng tôi cũng thấy có nhiều nước châu Á đang tham gia vào chuyện, một phần là vì Trung Quốc đã làm vậy và các nước khác ở châu Á cũng cạnh tranh với Trung Quốc làm vậy, tạo sức ép lên giá trị tiền của họ. Nó có thể tạo ra những trợ cấp cho xuất khẩu và tăng thuế đối với hàng nhập khẩu, trong khi chúng tôi đang muốn tìm kiếm một sân chơi công bằng. Thêm nữa là quyền của người lao động.
Như chúng tôi hiểu thì sẽ có điều khoản về quyền của người lao động trong thỏa thuận, và chúng tôi cho rằng đó là điều tốt nhưng chúng tôi đặt câu hỏi là quy định này có mạnh và hiệu quả không vì điều mà chúng tôi muốn là công nhân ở Việt Nam, ở Brunei hay Malaysia có thể đến chỗ làm và nếu họ quyết định thành lập nghiệp đoàn của họ và tham gia vào đàm phán với người chủ về quyền của họ, để tăng lương cho họ, chúng tôi lo lắng không biết là nếu họ không có quyền tự do đó thì họ có thể bị bắt khi cố gắng thành lập nghiệp đoàn, họ có thể bị đe dọa bởi bạo lực. Nếu họ không có các quyền đó thì lương của họ sẽ bị đẩy xuống và điều này không tốt đối với họ và cũng không tốt đối với chúng tôi.
Việt Hà: Liên đoàn hiện có kết hợp cùng với những tổ chức nào tại Mỹ trong chiến dịch chống lại quyền đàm phán nhanh không?
Celeste Drake: chúng tôi làm việc với các tổ chức khác bao gồm tất cả các tổ chức của người lao động thuộc liên đoàn lao động, tức là hơn 56 tổ chức và những nghiệp đoàn khác không nằm trong Liên đoàn và một số nhóm về môi trường, người tiêu dùng, các nhóm tôn giáo, một số nhóm nông dân nhỏ và doanh nghiệp nhỏ để chống lại quyền đàm phán nhanh . Nếu chúng tôi có thể chống lại việc cho phép quyền đàm phán nhanh, chúng tôi nghĩ là chúng tôi sẽ khiến họ làm chậm lại tiến trình của TPP, ngồi lại vào vòng đàm phán và đưa vào một số điểm làm nó có lợi hơn cho mọi người và môi trường, và đưa vào một số điểm mà chúng tôi kêu gọi.
Nếu chúng tôi có thể chống lại việc cho phép quyền đàm phán nhanh, chúng tôi nghĩ là chúng tôi sẽ khiến họ làm chậm lại tiến trình của TPP, ngồi lại vào vòng đàm phán và đưa vào một số điểm làm nó có lợi hơn cho mọi người và môi trường, và đưa vào một số điểm mà chúng tôi kêu gọi
Celeste Drake
Đây là một chiến dịch lớn. Chúng tôi có cá hoạt động tích cực ở quốc hội để đề nghị các dân biểu bỏ phiếu chống lại quyền đàm phán nhanh. Chúng tôi có chiến dịch viết thư, chúng tôi đã làm các kiến nghị, biểu tình, hội họp trên cả nước, ở các hội đồng thành phố, cơ quan lập pháp cấp tiểu bang để xem xét các cách giải quyết để đưa ra với chính phủ liên bang. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu để tiêu diệt cái mà chúng tôi coi là một quá trình tiến đến một thỏa thuận không tốt mà nó chỉ có lợi khi bạn là một công ty lớn toàn cầu nhưng không có lợi cho người lao động.
Việt Hà: bà nghĩ thế nào về khả năng TPP sẽ được hoàn tất trong năm nay, và nếu như nó không thể hoàn tất vào năm nay thì liệu nó có gặp khó khăn không khi vào năm tới là bầu cử tại Mỹ và không ai có thể biết được liệu vị Tổng thống mới của Mỹ sẽ thuôc đảng cộng hòa hay dân chủ?
Celeste Drake: rất có thể là thỏa thuận này sẽ được hoàn tất trong năm nay. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng chúng tôi cũng nghe là một số quốc gia đang chưa muốn đưa ra quyết định cuối cùng vì họ muốn chờ xem điều gì sẽ xảy ra với quyền đàm phán nhanh. Nhưng về chính trị mà nói nếu họ không thể hoàn tất vào năm nay thì khó có thể hoàn tất vào năm sau và nếu chờ đến 2017 một số nước sẽ bỏ đi, một số sẽ chờ đợi quyết định từ phía Mỹ. Một trong những lập luận chống lại chúng tôi là chúng tôi thuộc phe cánh tả, đừng chống lại quyền đàm phán nhanh vì khi một Tổng thống cộng hòa lên thì thỏa thuận chỉ có thể còn tệ hơn. Chúng tôi nghĩ đó là một lập luận yếu, không ai có thể dự đoán tương lai chúng ta có Tổng thống nào.
Vào lúc này chúng ta có một vị Tổng thống dân chủ và trong phần lớn những điều ông làm thì đều vì công nhân, người lao động, ví dụ như luật về bảo hiểm y tế hay tăng lương cơ bản, hay như chế độ nghỉ ngơi. Nhưng rất tiếc là chúng tôi không đồng ý với thỏa thuận thương mại mới vì chúng tôi thấy nó có hại cho người lao động và theo chúng tôi nó cũng giống như thỏa thuận khi Tổng thống Bush còn đương nhiệm hay dưới thời tổng thống Clinton. Các thỏa thuận thương mại dưới các thời tổng thống dường như là khá có tính thống nhất giữa các đảng. Chúng tôi làm những gì cần làm vì quyền lợi của người lao động Mỹ, vì các doanh nghiệp và chúng tôi nghĩ là những nước tham gia TPP cũng mà có lợi nếu chúng ta có thể ngăn được quyền đàm phán nhanh và đưa các ý tưởng của chúng tôi vào thỏa thuận.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn

No comments:

Post a Comment