Tuesday, March 10, 2015

Lương tối thiểu ở Việt Nam không đủ 'nhu cầu tối thiểu'

HÀ NỘI (NV) .- “Lương tối thiểu mới đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu tối thiểu” tức là cán bộ công chức của chế độ không thể sống với cái mức lương ít ỏi như thế, nhưng guồng máy vẫn không chết.


Lương tối thiểu của cán bộ công chức CSVN “chỉ đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu tối thiểu”. (Hình Người Đưa Tin)

Hôm 9 tháng 3, 2015, phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp “triển khai nhiệm vụ năm 2015” của “Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công”.

Tại cuộc họp này, ông Ninh nghe đọc báo cáo “hiện mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện từ giữa năm 2013 là 1 triệu 150 ngàn đồng/tháng, mới chỉ đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu bình quân của 4 vùng của khu vực DN (2,6 triệu đồng/tháng) và 35,6% so với mức chi cho nhu cầu tối thiểu (3,23 triệu đồng/tháng), theo tường thuật của Vietnamnet.

Tiền lương cán bộ công chức CSVN không đủ sống không phải là chuyện mới xảy ra mà đã kéo dài từ bao năm qua. Nhà cầm quyền trung ương loay hoay tìm nguồn để tăng lương nhưng không tìm đâu ra ngoài cách bán thêm công khố phiếu, in thêm tiền, nâng mức nợ công năm sau cao hơn năm trước.

Vietnamnet cho hay “Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cải cách tiền lương là công việc khó khăn nhưng trong 2 năm qua, công tác này có những chuyển biến lớn. Đó là các chỉ đạo không tăng tổng biên chế nhà nước, số tuyển vào bằng một nửa so với số về hưu hay điều chuyển công tác...”

Lời “đánh giá” của ông Vũ Văn Ninh trái ngược hoàn toàn với một bài viết hồi giữa Tháng Hai vừa qua của tờ 'Giáo dục Việt Nam'. Trên tờ báo này, người ta thấy guồng máy hành chánh của chế độ mỗi ngày một phình to ra, dù năm nào cũng có những cuộc họp “tinh giản biên chế”, đưa ra các tiêu chí giảm nhân sự, gạt bỏ những kẻ dôi dư ăn bám mà lấy tiền tăng lương cho những người làm việc thật sự.

“Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì tăng từ 238,668 năm 2007 lên 275,620 năm 2014 (tức là tăng 36,952 người, tỷ lệ 15.48%).” Báo GDVN ngày 18/2/2015 viết.

Theo tờ GDVN, cán bộ, công chức chính thức ăn lương nhà nước từ cấp huyện trở lên (không kể Công an, Quân đội) tăng từ 346,379 năm 2007 lên 396,371 năm 2014 (tăng 49,992 người, tỷ lệ 14.43%). Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động “không chuyên trách” ở cấp xã hiện nay là trên 1.2 triệu người. Con số nhân sự của “các đơn vị sự nghiệp công lập” tăng nhanh, từ 1.63 triệu người năm 2010 lên 2.31 triệu người năm 2014.

Không thấy ông Vũ Văn Ninh trong phiên họp ngày 9/3/2015 đề cập cụ thể gì đến việc tăng lương cho cán bộ công chức nằm nay dù biết lương căn bản của họ chỉ đủ cho một phần ba các nhu cầu tối thiểu. Những gì ông nêu ra trong cuộc họp đều là những giải pháp “giật gấu vá vai” để có thể “nghiên cứu nguồn để điều chỉnh tiền lương”.

Trong phiên họp trước khi biểu quyết đề án ngân sách mới của chế độ, ngày 24/10/2014, một bà đại biểu quốc hội than rằng “Muốn có 40,000 tỉ đồng để cải cách tiền lương theo đúng lộ trình không tìm đâu ra được”, báo VietnamNet kể lại.

Nhà cầm quyền Việt Nam ở trong vòng luẩn quẩn. Cần phải cắt bỏ hàng trăm ngàn cán bộ dôi dư bị coi là đám ăn bám “sáng cắp ô đi tối cắp về” lên tới khoảng 840,000 người như sự thú nhận của ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lấy tiền đó tăng lương. Nhưng bộ máy ngày càng phình to ra chứ không phải “tinh giản”, tức là nói một đàng làm một nẻo.

“... nói thì rất hay, nhưng làm thì chưa được.” Bài viết ngày 24/10/2014 viết về cái vòng luẩn quẩn gỡ không được của chế độ Hà Nội là “Ẩn đằng sau cái không làm được này chính là câu chuyện lợi ích: lợi ích cá nhân, lợi ích bè bạn, đồng nghiệp, lợi ích gia đình, lợi ích cấp trên... và bây giờ còn thêm câu chuyện lợi ích nhóm. Chính những cái này đang làm cho hệ thống hành chính của chúng ta mang dấu ấn của một hệ thống hành chính "quan hệ".

Ngày 7 tháng 12 năm 2013, khi tiếp xúc với cử tri Quận Ba Đình, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN và cũng là “đại biểu nhân dân” giải đáp thắc mắc của cử tri quận Ba Đình về con số công chức không làm được việc, biên chế chỉ tăng chứ không giảm là “Bộ máy đúng là cồng kềnh”.

Lương tối thiểu chỉ đáp ứng một phần ba của nhu cầu sống căn bản thì tại sao guồng máy hành chánh của chế độ Hà Nội không chết? Lại vẫn có những cuộc thi tuyển hàng trăm hàng ngàn người nộp đơn.

“Nạn tham nhũng ở Việt Nam là nghiêm trọng, với những biểu hiện vừa tinh vi, phức tạp, vừa trắng trợn, lộ liễu, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, có những điểm giống và khác nhau so với tình hình tham nhũng ở các nước khác, nhưng đặc điểm nổi bật là tính phổ biến.... Nhiều khi pháp luật bị 'vô hiệu hóa' khi đụng đến tham nhũng!”

Đó là theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế nêu ra trong một cuộc hội thảo về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 9 năm 2012, VNExpress tường thuật. (TN)
03-09- 2015 5:08:45 PM

No comments:

Post a Comment