(Baodatviet) - Khoảng 40 quốc gia đã tham gia liên minh chống IS. Trong khi đó, Al-Qaeda tấn công rocket nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở Yemen để báo thù.
Mở rộng không kích
Ngày 27/9, liên minh quốc tế do Mỹ chỉ huy đã mở rộng chiến dịch không kích chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria trong lúc máy bay chiến đấu Anh thực hiện nhiệm vụ không kích đầu tiên của mình nhằm vào IS tại Iraq, nước láng giềng của Syria.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết 7 mục tiêu của IS tại Syria đã bị tấn công, trong đó có tại thị trấn Ain al-Arab của người Kurd giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang bị phiến quân IS bao vây và tại thị trấn Eupharates, thuộc tỉnh miền Bắc Raqa - nơi IS hồi tháng 6 vừa qua tuyên bố lấy làm tổng hành dinh khi lực lượng này bắt đầu đánh chiếm các khu vực ở Iraq và Syria.
Bỉ và Đan Mạch cũng đã thông qua kế hoạch cùng với Pháp và Hà Lan tham gia chiến dịch chống IS tại Iraq, cho phép Mỹ tập trung vào chiến dịch chống IS ở Syria. Trong khi đó, nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Tổng thống nước này Tayyip Erdogan tuyên bố nước này có thể đóng vai trò quân sự trong liên minh chống IS, trong bối cảnh Ankara đang tiến tới đảm nhiệm vị trí tiền tuyến của chiến dịch này.Trong khi đó, máy bay chiến đấu Tornado GR4 của lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đã trở về căn cứ ở Akrotiri, Cyprus, sau khi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tại Iraq. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh cho biết máy bay đã không thả bom dẫn đường bằng lade vì lần này không có mục tiêu nào được xác định là cần không kích ngay.
Trong bình luận được đưa ra trước báo giới Thổ Nhĩ Kỳ trên đường trở về từ Mỹ, ông Erdogan cũng ngầm bày tỏ sự ủng hộ việc sử dụng binh sĩ tác chiến trên bộ tại Syria. Tuyên bố của Tổng thống Erdogan gần như khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến tới đóng vai trò quân sự một khi chính phủ nước này giành được sự phê chuẩn của quốc hội tại cuộc tranh luận vào ngày 2/10.
Hiện tại, có tới 40 quốc gia - bao gồm một số nước Trung Đông - đã tham gia liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Phát biểu tại Lầu Năm Góc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, IS tại Syria đang gánh chịu thiệt hại qua các cuộc không kích. Nhưng ông Dempsey cho rằng nếu chỉ không kích sẽ không đủ để đánh bại Nhà nước Hồi giáo mà còn cần thêm bộ binh và giải pháp chính trị.
Ông Dempsey nhẩm tính, phải cần thêm sự trợ giúp của khoảng 15.000 chiến binh phe đối lập Syria mới có thể đánh bại tổ chức này.
Giữa tháng 9 vừa qua, ông Dempsey cũng để ngỏ khả năng Mỹ sẽ dùng bộ binh tấn công IS nếu chiến dịch không kích không mang lại kết quả như mong muốn.
Trước đó, Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ không sử dụng lực lượng trên bộ trong kế hoạch tiêu diệt IS ở Iraq và Syria.
Mỹ bắt đầu phải trả giá?
Trong khi liên minh do Mỹ cầm đầu đang mở rộng các cuộc không kích chống IS thì nhóm khủng bố Al-Qaeda tuyên bố sẽ "trừng phạt" liên minh. Trong một đoạn video đăng tải trên mạng, Al-Nusra Front, một tổ chức của Syria Al-Qaeda, tuyên bố các cuộc tấn công vào Syria là "cuộc chiến chống Hồi giáo" và đe dọa sẽ tấn công các lợi ích của các quốc gia tham gia trên toàn thế giới.
Ở một diễn biến có liên quan, nhóm Ansar al-Sharia có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda ngày 27/9 đã nhận trách nhiệm bắn rocket vào gần tòa đại sứ Mỹ ở thủ đô Sanaa của Yemen, ngay sau khi đại sứ quán này cho rằng dường như họ không phải là mục tiêu của vụ tấn công.
Trên trang mạng xã hội Twitter, nhóm thánh chiến trên tuyên bố: "Ansar al-Sharia đã tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Sanaa bằng một quả rốckét LAW... để trả thù cho những trẻ em Hồi giáo bị máy bay không người lái của Mỹ tấn công trong vụ oanh kích tại tỉnh Jawf hôm 26/9".
Theo nhóm này, một số binh sĩ Yemen canh gác tại tòa đại sứ Mỹ đã bị thương trong vụ tấn công.
Trước đó, đại sứ quán Mỹ nói trên trang Twitter rằng "không có lý do gì để tin rằng Đại sứ quán Mỹ là mục tiêu" của vụ tấn công, đồng thời cho biết văn phòng đại sứ "không bị ảnh hưởng" và nhà chức trách Yemen đang điều tra vụ việc.
Trước đó, đại sứ quán Mỹ nói trên trang Twitter rằng "không có lý do gì để tin rằng Đại sứ quán Mỹ là mục tiêu" của vụ tấn công, đồng thời cho biết văn phòng đại sứ "không bị ảnh hưởng" và nhà chức trách Yemen đang điều tra vụ việc.
Nguyên nhân gây bất ổn và hỗn loạn?
Trong khi đó, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích Mỹ “can thiệp quân sự” để bảo vệ các lợi ích của mình.
Ông Lavrov dẫn lại ví dụ về các chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ khởi xướng trước đây tại Nam Tư, Iraq, Libya và Afghanistan, xem đó như nguyên nhân gây ra bất ổn và hỗn loạn.
“Washington đã công khai tuyên bố quyền được đơn phương sử dụng vũ lực tại bất kỳ đâu để bảo vệ các lợi ích của họ. Can thiệp quân sự đã trở thành một chuẩn mực – bất chấp những kết quả tồi tệ của những chiến dịch sử dụng sức mạnh trước đây mà Mỹ đã thực hiện vài năm qua”.
Nga, một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gọi chiến dịch không kích mà Mỹ thực hiện nhắm vào các phiến quân IS tại Syria là phi pháp, và cho rằng phương Tây cần phải hợp tác với Damascus trong việc đối phó với các phần tử thánh chiến.
Lavrov cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây của mình tự cho họ là những người bảo vệ dân chủ, trong khi thực tế là họ “đang cố gắng quyết định điều gì là tốt hay xấu cho tất cả mọi người”.
Nga đã gửi “một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự” tới Iraq, Syria và các nước khác tại Trung Đông, và sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Nga đã cung cấp cho Iraq lô máy bay trực thăng Mi-35 thứ ba được trang bị vũ khí với độ chính xác cao và có vận tốc lớn để giáng trả IS. Số lượng máy bay chuyển giao không được tiết lộ.
Minh Thái
No comments:
Post a Comment