Thay vì kêu ca, than vãn chuyện ngập úng, người dân TP. HCM đã thích ứng. Thậm chí người ta đã tính đến chuyện “biến thù thành bạn” khi nghiên cứu những khả năng quảng bá hình ảnh Sài Gòn ngập úng trở thành nét đặc trưng văn hóa nhằm thu hút khách du lịch và tự hào về nó.
Người Việt vẫn thường tự hào vì một Sài Gòn ồn ào và nhộn nhịp, một thành phố không ngủ. Thế nhưng những điều như vậy rất đỗi bình thường ở các đô thị, đặc biệt là đô thị lớn. Thành ra khi tìm một thứ có thể trở thành “thương hiệu”, nét đặc trưng văn hóa của thành phố thì mọi người cứ tranh luận mãi không thôi.
Cho đến một ngày đẹp trời, bỗng nhiên người ta nhận ra rằng dường như thương hiệu của Sài Gòn không hề cao siêu, đặc biệt. Nó chỉ đơn giản là những thứ mà mọi người nhìn thấy, quen thuộc hàng ngày. Và xét như vậy, ngập lụt ở Sài Gòn quả thật là lựa chọn hoàn hảo để trở thành hình ảnh đại diện của thành phố.
Người Sài Gòn vốn đã quá quen chuyện ngập lụt, tháng nào cũng dăm ba lần bì bõm trên những nẻo đường mà hầu như nơi nào cũng ngập nước. Không mưa cũng ngập vì triều cường và khi có một trận mưa nhỏ, đường phố bỗng thành sông. Người ta cũng đã quá quen với cảnh chạy lụt, nhà ở thành phố mà luôn đầy đủ những bao cát nhỏ, nguyên liệu để sẵn sàng xây dựng những con đê trước cửa, cản dòng “nước lũ” vào nhà.
Mới đây, tối ngày 4/12, trận triều cường lịch sử cao nhất 61 năm qua, đã khiến hàng trăm hộ dân ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) chỉ kịp chạy thoát thân. Trong chốc lát, tài sản đã chìm trong biển nước. Nhìn những chậu mai bạc triệu tươi tắn, rực rỡ chuẩn bị cho tết bỗng chốc trở nên không còn giá trị khiến ai nấy đều phải đau lòng, xót xa. Mà nghe dự báo, từ nay đến tết còn tới những 4 đợt triều cường vượt mức báo động ba, có nghĩa người dân vẫn phải sống chung với ngập dài dài.
Cho nên mới có chuyện người Sài Gòn nói rằng hình ảnh thành phố bây giờ không chỉ để lại trong tâm trí người địa phương mà người dân cả nước là cụm từ “4 mùa nước ngập”.
Dư luận ví von rằng, Sài Gòn đã thành Venice của Châu Á. Sài Gòn ngập là đề tài cho cư dân thoải mái phóng tác những bài ca với những ca từ “Sài Gòn ngập lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”, rồi “Nửa đêm đang ngủ lim dim/ Bỗng đâu nàng đến làm chân ướt mèm…”, và hình ảnh người dân ngồi trên thuyền, giăng câu trên đường phố Sài Gòn đã xuất hiện trên tờ tạp chí nước ngoài. Đáng tự hào quá còn gì!
Có thể thấy, thay vì kêu ca, than vãn chuyện ngập úng, người dân TP. HCM đã nhanh chóng thích ứng và trở nên quen thuộc với tình trạng tưởng như vô cùng khó chịu này. Thậm chí người ta đã tính đến chuyện “biến thù thành bạn” khi nghiên cứu những khả năng quảng bá hình ảnh Sài Gòn ngập úng trở thành nét đặc trưng văn hóa nhằm thu hút khách du lịch hay nói cách khác là thúc đẩy “du lịch triều cường”.
Khi du khách đã chán cảnh đi bộ, ngắm đường phố nhộn nhịp thì Sài Gòn sẽ là một điểm đến hứa hẹn sự mới lạ. Mọi người có thể thong dong đi thuyền ngắm nhìn cảnh người dân thi nhau tát nước, chồng bao cát, cảnh người dân bì bõm dắt xe trên đường vì chết máy. Hay vui vẻ trở lại tuổi thơ khi ngắm nhìn trẻ con Sài Gòn vô tư bơi trên đường ngập lụt. Những hình ảnh như vậy du khách may ra chỉ có thể nhìn thấy trong mơ chứ ở nước ngoài thì ở đâu có mà chứng kiến.
Nếu quý vị vẫn còn lăn tăn, lo lắng có xúc tiến quảng bá “du lịch triều cường” sẽ không được dài hạn vì nghĩ rằng tình trạng ấy sẽ được khắc phục nhanh chóng thì rõ là khéo “lo bò trắng răng”. Ngoài xã hội đang còn bao nhiêu thứ phải lo kia kìa! Nào là án oan, tham nhũng lãng phí, hay gần gũi với cuộc sống hơn là thực phẩm bản độc, hôi của… những thứ ấy có mà lo vài năm chẳng hết ấy chứ. Còn chuyện cỏn con như ngập úng thì khỏi phải lo. Thực tế cho thấy mọi người cứ yên tâm, ngập úng còn lâu mới khắc phục được vì lâu nay ở TP.HCM càng chống ngập thì ngập lại càng nhiều hơn.
Chẳng thế mà buổi làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa VIII ngày 11/12 nhiều đại biểu đã chỉ rõ các dự án chống ngập lại “đẻ” ra nhiều điểm ngập khác nhau, thậm chí ngập cả trong khu dân cư. Đại diện cho cử tri thành phố, ông đại biểu Võ Văn Sen nêu bất cập của chương trình chống ngập: “ Chương trình chống, tái ngập hiện nay hoàn toàn không hiệu quả khi phát sinh nhiều điểm ngập mới”.
Đơn cử, năm 2013 thành phố xóa và xử lý được 9 điểm ngập, nhưng phát sinh 21 điểm ngập mới. Nghĩa là giảm 9 tăng thêm 12 điểm. Vậy số điểm phát sinh mới nhiều hơn những điểm cơ bản vì có nhiều điểm gây cản dòng chảy.
Cho nên chắc chắn “du lịch triều cường” sẽ được phát triển dài dài.
Mặt khác, du lịch Việt Nam năm vừa qua cũng đối mặt với tình trạng rất khó khăn, du khách sụt giảm. Chính vì thế tăng thêm sự lựa chọn cho du khách bằng những điểm đến mới lạ, hấp dẫn chắc chắn sẽ thúc sự phát triển của ngành, đồng thời tăng thêm thu nhập cho ngân sách Nhà nước, góp phần giảm lạm chi.
Vì vậy mà nếu ai đó muốn đang bực bội vì ngập úng ảnh hưởng đến cuộc sống, việc kinh doanh của bản thân thì nên nhanh chóng nghĩ đến việc kinh doanh dịch vụ xung quanh “du lịch triều cường”. Bởi một khi việc ngập úng được thành phố công nhận là nét văn hóa đặc trưng thì các dịch vụ ăn theo chắc chắn sẽ hái ra tiền. Đến lúc ấy, dân sẽ chăng còn mấy người khó chịu, bực tức vì triều cường nữa mà có khi quay sang mong ngóng, đếm từng ngày để có triều cường, để “phố cũng như sông” mọi lúc, mọi nơi.
THEO PHỤ NỮ TODAY
No comments:
Post a Comment