Cuối cùng cả miền Nam đều buồn.
Mẹ tôi không nói ra, nhưng có vẻ héo hắt đi. Đôi mắt hõm sâu thêm vì những đêm không ngủ. Nụ cười úa tàn không còn oan oang như trước nữa. Bố tôi thì bề ngoài thấy như vẫn vậy. Thói quen của mẹ dấu diếm những điều cho riêng mình đã thành tật. Do đó, nó khoét sâu vào tâm khảm, đục khoét cơ thể lúc nào không hay. Người cứ nhẹ đi như bấc. Có những buổi trưa bất ngờ sang thăm mẹ. Mẹ ngồi ngủ gục, ẻo lả một bên. Tôi ngỡ ngàng kinh ngạc, xót xa. Con rể đi học tập, con trai lang thang, lếch thếch ngoài Vũng Tàu tìm đường đi. Con cả ở ngoài bắc vẫn biệt tăm, vẫn mù mịt, không biết sống hay chết. Đã mấy chục năm rồi sao chưa về. Nổi đau quá khứ trộn thêm nỗi lo hiện tại. Các con tứ tán. Mẹ vẫn không một lời ca thán. Mà mẹ biết trách ai bây giờ.
Chẳng bao lâu sau, mẹ từ giã cõi đời vì gánh nặng cuộc đời không gánh nổi.
Mẹ tôi chết. Không còn cách gì cản quyết tâm phải ra đi của tôi nữa. Đúng là mẹ tôi ép tôi phải ra đi.
————————————-
Từ ngày Cách mạng vào đến giờ, tôi tự hỏi: đã có một ngày, đã có việc gì làm cho chúng tôi vui? Chưa. Chỉ có những chuyện buồn, hết chuyện nọ đến chuyện kia. Thế giới chia cách từ chỗ đó.
Trong vấn đề đi học tập này, chắc cần phải nói thêm cho rõ. Có vài người trong chính quyền mới là các ông Năm Xuân, Mai Chí Thọ và ông Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ, Võ Văn Kiệt, ông Sáu Ngọc, giám đốc công an thành phố rồi Sáu Đức, tỏ ra nới tay đối với một số trí thức miền Nam. Không có mấy ông này thì nhiều người cũng khốn khổ lắm. Theo ông Hồ Ngọc Nhuận, sau 30/4/75, lãnh đạo đã cho ông một đặc ân là lên danh sách những người được đi học tập cải tạo riêng. Ông Nhuận có kể trưởng hợp Dương Văn Ba bị lọt sổ (DVB). Can thiệp mấy cũng không được. Ông Tạ Bá Tòng thì cứ nhất định phải đưa DVB đi học tập. Đến phút chót, ông Tòng mới xét lại và miễn cho DVB khỏi đi học tập cải tạo tập trung. Có những anh đã được can thiệp như dân biểu Thạch Phen, đại uý quận trưởng, gốc Khmer hay Trần Ngọc Giao đã được miễn học tập tập trung… Nhưng về địa phương thì lại khác, bị bắt, rôi được thả, rồi cả hai ông đều chết. Không có ông Mai Chí Thọ thì ông Nguyễn Chức Sắc, chồng bà dân biểu Kiều Mộng Thu hay dân biểu Lê Tấn Trạng làm sao thoát cảnh tù đầy.
Cũng cần nhắc lại ở đây là thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã đánh giá khá tích cực ba thành phần sau đây sẽ là những yếu tố thuận lợi sau này trong việc xây dựng, tái thiết và phát triển miền Nam. Bỏ qua ba yếu tố này sẽ là những bất lợi bất cập gây trở ngại cho việc tái thiết và phát triển miền Nam.
Đó là 3 thành phần cơ hữu của chế độ cũ cần được đánh giá đúng mức: Người Việt gốc Hoa, viên chức và sĩ quan chế độ cũ và khối người Thiên Chúa giáo.
Rất tiếc, sự đối xử phân biệt với người Hoa cũng như việc trục xuất người Hoa ra khỏi VN, việc đánh tư sản mà phần lớn là người gốc Hoa, việc bắt viên chức cũng như sĩ quan đi học cải tạo lâu ngày đã đưa đến thảm cảnh ‘boat people’ như mọi người đã thấy. Việc trục xuất khâm sứ toà thánh và các thừa sai ngoại quốc mà theo đề nghị của ông Nguyễn Cơ Thạch là nên duy trì tòa Đại sứ Hoa Kỳ để cho việc bang giao quốc tế không bị gián đoạn.
Nếu đề nghị của ông Nguyễn Cơ Thạch, một người có kinh nghiệm về những bang giao chính trị trên thế giới, được chấp nhận, thì đã hẳn có thể tránh được nhiều thảm họa cho đất nước.
Cơ hội xây dựng đất nước đã một lần để hụt tay
Một chuyện vui kể lại: Gia đình tôi có dịp đón tiếp anh chị Kim, con nhà bác từ Hà nội vào. Anh chị cũng hiền lắm. Hình như cũng không được khá giả gì. Anh có cô con gái là nữ ca sĩ nổi tiếng miền Bắc lúc bấy giờ. Giọng cháu lanh lảnh, thánh thót, sắc cạnh, cao vút, nhưng không truyền cảm lắm. Nghe vẫn chưa quen, thấy thế nào ấy. Thấy hay, nhưng vẫn không cảm được. Cho cái gì, anh chị cũng nhận mang về, tất cả chỉ là đồ cũ. Tôi có chai rượu Black and White để dành, nhân dịp đó mang ra đãi anh. Hình như chỉ qua chầu rượu thứ hai, anh đã say mèm. Say rồi , anh chả giữ ý tứ, chả rào trước đón sau, chả nói theo bài bản nữa như lúc mới đến. Anh lộ nguyên hình hài là anh, con người thật. Anh chửi hăng quá, chửi cho đã như thể chưa bao giờ có dịp để chửi như thế, như thể đã nhịn nhiều năm. Anh chửi những nhân vật đời thường anh chỉ biết tụng niệm.
Xin đổi câu thơ này ra để tặng anh:
Sống mình không được nói
Chết mới được ra lời.
Anh không chết, nhưng rượu vào làm anh chết giả và lúc đó anh mới sống thật với lòng mình. Tôi chỉ buồn cười. Cũng thương anh rồi dìu anh đi ngủ. Chị ấy thì sáng hôm sau có vẻ rất băn khoăn khổ sở về bữa rượu hôm trước. Tôi thì thấy thường quá, say nói lăng nhăng ai chấp làm gì. Từ đó, anh chị không bao giờ vào chơi nữa. Thật đáng tiếc.
12 tháng 6, 1975. Mỹ gửi đến tòa Đại sứ Việt Nam một thông điệp
Thông điệp này do sứ quán Mỹ ở Paris gửi đến sứ quán của VN ở Paris: “Về nguyên tắc, Mỹ không thù hận gì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH). Đề nghị trên cơ sở đó tiến hành bất cứ quan hệ nào giữa hai bên. Mỹ sẵn sàng nghe bất cứ gợi ý nào mà phía VNDCCH có thể muốn đưa ra’’.
Sau đó có buổi họp giữa ta và Mỹ, cấp bí thư thứ nhất ngày 10/07, giữa ông Đỗ Thanh và Pratt chủ yếu bàn về vấn đề MIA. Mỹ chấp nhận Việt Nam vào LHQ, Mỹ có thể đóng góp khôi phục lại Việt Nam bằng cách phát triển buôn bán, hợp tác kinh tế.
Và theo ông Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng ngoại giao Công Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN0, năm 1977 ta đã có đủ khả năng để ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng ta đã bỏ qua. Thật là đáng tiếc.
Thứ bảy 14 tháng 6, 1975, thay đổi giờ thay đổi đời.
Kể từ sáng nay, giờ Hà nội (GMT-7) thay thế chính thức cho giờ ở Sài Gòn (GMT- 8). Đây là một thay đổi duy nhất mà người Sài Gòn không ai để ý tới. Chuyện thay đổi cả đời người còn chưa lý tới, một giờ thì nhằm nhò gì. Bây giờ là giờ của cách mạng hiểu theo nghĩa nào cũng đúng cả: Giờ của lịch sử, giờ của người chiến thắng.
Chỉ có kẻ thua trận là không có giờ và dĩ nhiên không có cả tương lai nữa.
Gia đình tôi lại có dịp tiếp đón một ông chú bên nhà vợ. Mọi người gọi là chú Tiến. Nghe nói, hình như chú là thứ trưởng bộ kinh tế thì phải. Tội nghiệp chú, các bà cô vợ tôi được dịp chửi rủa xả láng, nói bóng nói gió, chê bai đủ thứ. Chú chỉ cười. Chú chả thèm xin bất cứ thứ gì, có cho chắc cũng không lấy. Chú giầu chăng? Phần tôi, phải nhận tôi quý mến chú, dù ông chỉ hỏi thăm tôi một hai câu..
Giống anh chị Kim, ông chỉ tới thăm một lần và không bao giờ trở lại.
Dù sao, có bà con ở phía cách mạng cũng lợi, vì có thể chửi mà không sợ đi tù.
Thứ ba, 17 tháng 6, 1975, tất cả các ngân hàng tư nhân đều bị đóng cửa.
Tất cả tài sản và tiền của các ngân hàng đều phải chuyển giao về ngân hàng quốc gia VN. Tất cả các hãng xưởng, nhất là của người Pháp đều rơi vào tình trạng tê liệt không hoạt động được. Đó là các hãng Citroen, các đồn điền cao su, các hãng nước ngọt vv. Họ phải chuyển giao hãng xưởng, tài sản tư nhân phải bán, ra đi với hai tay trắng. Lời hứa của tướng Trần Văn Trà, ủy ban quân quản thành phố vào ngày 8 tháng năm trước đại diện 120 đại diện báo chí ngoại quốc không còn ai nhắc tới nữa: “tất cả các tài sản của người ngoại quốc sẻ được bảo đảm tôn trọng’’. Theo ông Duchemin đã được Mai văn Bộ trấn an: Người Pháp cứ việc yên tâm ở lại làm ăn.
Cái mà chính phủ nhắm tới là Người Tầu đang nắm giữ việc thương mại, buôn bán ở Chợ lớn. Nhưng chính phủ còn chưa ra tay. Mặc dầu vậy, những người Tầu có tiền của cũng đã chuẩn bị trong tay một giấy thông hành Đài Loan rồi.
Đừng quên rằng, sau những người Tàu Chợ Lớn, còn có cả một nước Tầu đứng sau họ.
Thứ bảy 21 tháng 6, 1975, giáo dục dưới mái trường XHCN.
Ngoài các trường công đã được hoạt động ngay những ngày đầu giải phóng, nay một số trường tư và trường chuyên môn dạy nghề được phép mở cửa, hoạt động trở lại. Đây là cái cửa mở đầu tiên được mở ra. Nhưng coi chừng, cửa chỉ mở hờ. Trường Regina Pacis nay không còn dạy giáo lý hay đọc kinh mà thay vào đó là những bài hát ca tụng Bác Hồ…
Các trường đại học cũng mở cửa lại, nhưng chưa có chính thức giảng dạy. Các chức Viện trưởng, khoa trưởng đều từ ngoài Bắc vào nắm giữ. Chuyên với hồng bắt đầu từ đây. Đây là keo thử thách nữa về sự phân biệt thế nào là chuyên, là hồng.
Đất nước tiến lên hay thụt lùi cũng từ cái khâu này.
Lại có vụ ám sát giết hai bộ đội sáng nay ở đường Trần Hưng Đạo. Họ bị cứa đứt cổ. Chẳng biết là thật hay giả. Dù sao, những tin tức kiểu đó cũng là món ăn giải trí và bổ đưỡng cho những kẻ thua trận.
Các giáo sư tuần tự đến trường đều đặn. Không bảo nhau mà trong trường chia ra phe phái rõ ràng không có quy ước và không có giới tuyến. Anh Hiệu trưởng cu ky một mình. Anh kín đáo quá. Hiệu phó lăng xăng vẫn không che đậy hết cái gốc tư sản của anh. Mọi việc giao tiếp, xử lý, hình như anh đại diện hiệu trưởng lo liệu. Một anh trẻ tên Hùng, đang là đoàn viên, rất gương mẫu, rất kỷ luật, rất khe khắt với chính mình và đồng nghiệp. Con mắt có vẻ soi mói mọi người, mọi chỗ. Anh cũng cu ky một mình theo cách của anh. Sau này, anh tình nguyện đi lính sang Campuchia. Anh đã không có cơ hội trở về. Cùng lắm anh có Hương, một đoàn viên khác là bạn đồng hành. Nhưng tuy không nói ra người ta vẫn đọc được tâm sự ẩn kín của Hương. Ánh mắt lúc nào cũng gợi buồn, sự cố gắng đến mệt mỏi, nụ cười gượng gạo. Hoá ra, số phận Hương có thể còn khổ gấp đôi lần những người bạn đồng nghiệp. Một số nữ giáo viên lớn tuổi mà có thể chồng con đi học tập, họ làm việc, tuân thủ như cái máy không hồn. Một cuộc sống bất đắc dĩ. Một cuộc sống mơ về một cuộc sống ở một nơi nào khác.
Đa số giáo viên trẻ còn vui đùa hồn nhiên họp thành một đám. Hố thẳm rơi của những người cùng thân phận. Nhiều tình cảm nẩy nở giữa họ do cùng tâm trạng, cùng hoàn cảnh, cùng suy nghĩ. Ít lắm, có vài đồng nghiệp trẻ mà nhen nhúm quý mến nhau hết mực, trân trọng hết mực, bảo vệ nhau hết mực..cho mãi đến về sau này.
Điều mà người ta không hề có, điều mà người ta không có dịp để sống trong những thời gian trước 75..
Thứ sáu 27 tháng 6, 1975, các tin đồn mỗi ngày mỗi nhiều.
Có bốn bộ đội canh gác ở ngay trong thư viện quốc gia bị giết. Hai bị đâm chết, hai bị cắt cổ. Trong ngày, nhiều tiếng nổ lớn được nghe thấy từ phía Tân Sơn Nhứt. Hai thường dân cưỡi Honda bị bắn hạ trước cửa toà lãnh sự Pháp vào lúc 4 giờ. Đến 20 giờ tối, ba bộ đội bị bắn chết bởi hai người đi trên xe Honda ở góc Phan Thanh Giản, Phan đình Phùng.
Tin đồn như thức ăn hằng ngày của dân Sàigòn.
Mùng 10, tháng 7, 1975, tờ báo Công giáo và dân tộc: tiếng nói của chính quyền.
Sau đúng 10 tuần lễ, một tờ báo công giáo được xuất bản:
Tờ Công giáo và Dân tộc do nhóm Trương Bá Cần, hay nói ngược lại là Trần Bá Cường, Vương Đình Bích, Phan KhắcTừ, Huỳnh Công Minh điều hành. Họ là người của Cộng sản. Xin ghi lại đây lời của Vương Đình Bích: “Đảng Cộng Sản đã gây dựng 4 người chúng tôi làm đầu nảo mọi hoạt động của đảng trong giới Công giáo’’ . Phần Huỳnh Công Minh, khi được chọn làm đại biểu Quốc Hội đã phát thệ: “Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ’’. Trong một bài viết trên Tin nhà, số 43, 2000. Nguyễn Hữu Tấn Đức gọi bọn bốn ông này là Prêtres et commissaires. Linh mục và cán bộ. Thật ra tiền thân của nó là từ một tờ báo Công Gíao và Dân Tộc (CGDT) ở giáo xứ Paris, từ 69-75 do ông Nguyễn Đình Thi đứng đầu. Nó có mặt từ đây cũng là do tiền của Nguyễn Đình Thi tài trợ lúc ban đầu. Tất cả 4 người trên đều có dính dáng, liên lạc hay hoạt động với chế độ cộng sản từ trước. Tờ báo chỉ là nối kết những tổ chức tôn giáo nhà nước như trước đây ở Hànội. Chẳng hạn, ngoài Bắc có tổ chức với cái tên rất dài là: Ũy Ban liên lạc toàn quốc những người VN yêu tổ quốc, yêu hoà bình (UBLLCGTQ) Tờ báo CGDT ở Sài Gòn tọa lạc trên một toà nhà ba tầng gồm 50 nhân viên, trong đó có một vài tu sĩ. Vốn liếng tài trợ tờ báo là những hợp tác xã, cơ sở kinh doanh được nhà nước tài trợ như xí nghiệp làm bút bi, quạt trần, khách sạn Đại Kết, công ty Tinh Hoa, trường ngoại ngữ Nguyễn Trường Tộ, trường dạy nghề và máy vi tính Bạch Đằng..
Cho đến nay, tờ báo vẫn còn họat động đều đặn. Có lẽ đây là tờ báo duy nhất được sinh ra từ sau giải phóng và tồn tại lâu dài như vậy. Nó không thể chết, vì nếu nó chết thì cái đã làm nên nó chắc hẳn cũng không còn nữa. Vì có tính cách chính thức như tiếng nói của chính quyền nên nhiều người nghi kỵ và dè dặt. Người dân có cái nhạy cảm và dị ứng với cái gì chính thức, cái công quyền. Trước đây, các tờ Chỉ Đạo, Cách Mạng Quốc Gia cũng nhận được sự rẻ rúng của dư luận quần chúng. Đây là cái bình phong che chắn cho chế độ. Sau này, chính nội bộ của họ cũng tố cáo nhau như trường hợp giữa ông Nguyễn Đình Đầu và ông Trần bá Cường tức Trương Bá Cần viết lộn ngược. Ông Vương Đình Bích thì đã viết thư hạch hỏi ông Phan KhắcTừ về tội lem nhem tiền bạc, về tổ chức, về chuyện một vợ hai con của ông. Tiền bạc vốn tài trợ ngoại quốc khoảng 150 ngàn Mỹ kim. Vốn vay để thêm thu nhập cho tờ CGDT như ở trên đã nhắc tới. Ông Bích hỏi ông Từ tiền lời lãi do xí nghiệp làm bút bi, quạt trần, đỡ đầu cho công Ty Tinh Hoa, vay vốn hai tỉ để lập nhà máy may và trồng 33 mẫu cao su, rồi đầu tư với công ty Singapore, đầu tư khách sạn Đại Kết, trường ngoại ngữ Nguyễn Trường Tộ, trường dạy nghề may và trường dạy vi tính Bạch Đằng là bao nhiêu, tiền đó bây giờ ở đâu. Tất cả đều do ông Từ đừng tên. Làm sao người dân biết được những chuyện làm ăn đó. Thì cũng do chính họ tố giác nhau mà dân mới biết được.
Nhưng chuyện lem nhem của các ông thì có liên quan gì đến chính quyền, miễn là tiếng nói của các ông vẫn theo một điệu nhạc đã sọan sẵn, bài bản được dàn dựng.
Sau này, Đức cha Nguyễn Minh Nhật, chủ tịch Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam đã trả lời phỏng vấn trên tờ Églises d’Asie là: “người Thiên Chúa giáo hết tin tưởng vào Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo (UBĐKCG) và tờ báo Công giáo và Dân tộc”. Câu trả lời như thế có thể bị hiểu lầm là trước đây người ta vẫn tin, bây giờ mới hết tin.
Thứ tư mồng 9 tháng 7, 1975, vẫn lại những phụ nữ có chồng đi học tập.
Có một nhóm phụ nữ có chồng đi trình diện học tập cải tạo đã tụ tập trước dinh Độc Lập cũ. Họ đòi hỏi cho biết tin tức về chồng con của họ. Bộ đội đã đến giải tán. Có những tin đồn cho biết, có 4 xe nhà binh chở bọn họ bị giết trên đường đi. Chế độ càng bưng bít, tin đồn càng nhiều. Sự lo sợ càng lúc càng gia tăng. Người ta bắt đầu đặt ra nhiều dấu hỏi về số phận những người đi học tập này.
Sau này, vào năm 1979, Việt Trần đã nhắc lại điều ấy trong cuốn sách của ông: J’ai choisi l’exil. nxb Seuil, 1979.
Hai chị tôi cũng nằm trong số những người đàn bà bất hạnh trên. Anh rể tôi, một sĩ quan đại uý an ninh quân đội. Một thứ sĩ quan bàn giấy mà suốt đời chỉ là đại uý. Chưa hề bao giờ biết bắn súng. Vậy mà anh đi biền biệt ra Bắc hơn mười năm sau mới trở về. Chị lớn tôi, một nách 7 đứa con, hai đứa lớn nhất còn ngồi ghế đại học, đứa út chập chững vào trung học. Chị nhỏ cũng không thua, 6 đứa. Gia đình chị lớn trước đây sống bương chải nhờ có thêm hiệu hớt tóc ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Cuộc sống đạm bạc qua ngày, chắt chiu và hà tiện để nuôi các con ra người. Chị tôi cùng lắm là loại đàn bà đảm đang, khéo thu vén như nhiều người khác. Nhưng nay chồng đi học tập. Gánh nặng đè trên hai vai các chị. Bỗng chốc hai chị tôi trở thành những người đàn bà phi thường. Một chị buôn bán kem. Một chị xông xáo, hàng gì cũng buôn, buôn đủ thứ. Đã hai lần, hễ cứ buôn bán có tiền là “xuất cảng” quẳng mấy đứa nhỏ ra biển. Hết lớp này đến lớp kia như lên cơn dồng. Hai lớp đã quẳng chúng ra biển đều thoát và không bị hãm hiếp. Nỗi lo, nỗi mừng cứ như sóng dồi. Các chị tôi như mê, như say điên cuồng không còn biết sợ là gì. Tôi sang trước, năn nỉ, lạy van các chị đừng cho các cháu đi nữa. Vẫn đi. Đi là đi. Đi xong tất cả chừng nấy đứa thì chị nào chị nấy như cái khăn ướt vắt khô nước, cạn kiệt. Chị nhỏ tuổi gục xuống như cây chuối bị phạng ngang lưng như mẹ tôi trước đây, chưa kịp đi đoàn tụ. Bên này, tôi tức tưởi khóc lén một mình. Chị lớn vừa sang ít lâu, gục theo không kèn, không trống. Gục xuống vì công việc đã hoàn tất. Mission accomplie.
In memoriam những dòng này cho hai chị tôi. Những người đàn bà bất hạnh trong một đất nước mà trời đất nổi cơn gió bụi, mà nước mắt như mưa sa, mà lòng người độc ác vô tận, mà hận oán như trời đất bao la.
Dù sao thì các anh rể tôi cũng may mắn hơn nhiều người đi học tập khác. Tôi có người bạn, anh Nguyễn Thanh Ty, anh nguyên là giáo sư biệt phái nên phải đi học tập. Mới đây anh có viết một cuốn sách và gửi tặng cho tôi đọc: Trong lao tù, CS, Trại Đá Bàn và A.30. Mấy tháng sau ngày đi học tập, anh đã nhận được thư vợ viết như sau: Nếu những ngày tới, em không còn cách nào kiếm được gạo nuôi con nữa thì mẹ con em sẽ cùng uống thuốc chuột chết cho xong. Em và các con đã khổ quá rồi. Nỗi bất hạnh của anh không dừng ở đó, sau này anh biết vợ anh đã bỏ lại các con cho bà nội để tìm một bến đậu khác. Nào có thể trách ai bây giờ.
Một trích dẫn cuối cùng. “Hai mươi năm làm vợ lính thời chiến, 13 năm vợ tù cải tạo thời bình, là người con gái ở miền quê Bầu Trai. Tôi có làm gì đâu mà suốt đời chỉ sống với nước mắt’’ (Trích Người Bàu Trai. Tháng tư 2004.)
Qua những câu truyện kể trên, hễ mà một chính quyền hảnh dân, làm dân khổ thì ta sẽ xếp hàng về phía những người cùng thân phận hay đứng về phía kẻ có quyền lực. Sự chọn lựa hẳn đã là rõ.
Một cảnh đời khác đang vẽ ra…
Trong khi đó thì theo tin hãng France-presse cho biết, ở Hà nội nay có nhiều xe Honda từ Sàigòn chạy trên đường phố. Xe gắn máy dần thế chỗ cho xe đạp. Một nếp sống mới đang thành hình. Người ta còn thấy nhiều loại nước uống sản xuất bởi hãng B.G.I cũng được bầy bán ở đây. Bát nước chè xanh nay thay thế bằng ly nước xã xị hiệu Con Cọp.
Sàigòn thì như một thành phố bị chiếm đóng và có nạn hôi của những người thua cuộc để khuân về Hà nội. Nhiều nhất là salon, tủ lạnh, quạt máy, máy hát, vải vóc, thuốc tây và ngay cả bột giặt. Nghĩa là tất cả những gì ở Hà nội không có. Những chiếc xe nhà binh chở lính vào thì nay đầy nhóc những món hàng của kẻ thua cuộc để lại. Một cuộc vơ vét thẳng tay và khá trắng trợn.
Hãng giấy Cogido có 8.000 tấn giấy trong kho đã được lệnh chuyển ra Bắc. Tất cả những xe hơi mới của hãng Citroen, Renault, Peugeot cũng được lệnh chở ra Bắc. Hãng Engineco, có 165 xe được tân trang cũng chờ để được chở ra Bắc. Cách mạng bị mang tiếng nhiều về vấn đề này lắm. Những lời mỉa mai, bóng gió không thiếu qua cái câu chẳng thơm tho gì: Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng này.
Hạt gạo miền Nam đã thiếu hụt nay lại phải cắn chia đôi, chia ba cho miền Bắc.
11 tháng 7, 1975, Tướng Trần Văn Trà: Mắt xích cuối cùng của cánh miền Nam
Tướng Trà , tác giả cuốn sách: Kết thúc chiến tranh 30 năm, bị gọi ra Bắc để trả lời và trình bày về những rối ren, về tình trạng an ninh và nhất là tình trạng tham nhũng hối lộ. Vai trò của ông và mặt trận có dấu hiệu không còn nữa.
Cho đến lúc này, nạn tham nhũng trong thành phần cán bộ lãnh đạo, trong chính quyền bắt đâu lộ dạng. Và kể từ đó đến nay, sau gần 30 năm, không có dấu hiệu gì có sự cải tiến. Đã có bao nhiêu nghị quyết? đã có bao nhiêu lần tuyên bố cương quyết diệt trừ tham nhũng?
Ở một nước Tự do thì người dân sẽ có cảm tưởng chính quyền coi thường dân chúng. Có thể thế được chăng? Có thể kéo dài mãi chăng?
11 tháng 8, 1975, tờ Tin Sáng với nhóm cựu dân biểu đối lập thời VNCH
Một tờ báo tư nhân đầu tiên đã được phép xuất bản. Tờ Tin Sáng mà một số người đứng đầu trước đây đều là những dân biểu đối lập trong chính quyền Ngụy. Đó là các ông Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Hiệp, Hồ Ngọc Cứ, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Ngọc Biên, Trương Lộc, Phan Ba, Dương văn Tòng.
Lý Quý Chung tin tưởng rằng với sự có mặt của tờ Tin Sáng cho thấy có sự hợp tác giữa chính quyền mới và những người trí thức chế độ cũ. Ông còn nói thêm, xưa làm báo như thể những người bửa củi, còn bây giờ làm báo như một người thợ nề xây cất.
Theo những người chủ trương tờ báo, họ hãnh diện đây là tờ báo duy nhất không phải Cộng Sản trong lòng một chế độ Cộng Sản. Tờ báo tồn tại được bao lâu? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời. Trong le Nouvel Observateur, mồng 4 tháng 8, 1975, Jean Lacouture viết:
“Ngô Công Đức n’est pas un conformiste. Le revoici à pied d’oeuvre. On verra dans la marge de liberté d!expression qui lui sera laissée un test décisif de L’esprit démocratique du nouveau régime”. Năm năm sau N. Chomsky trong Guerre en Asie viết: “Cinq années se sont passées. Le Tin Sáng de Ngô Công Đức et ses amis parait toujours. Le test est il positif?” Câu hỏi vẫn còn đó, câu trả lời thì có rồi.
Sau này, ông Võ Văn Kiệt trong một bài phỏng vấn vào ngày 30 tháng 4 năm 1980 cũng coi Tin Sáng như một biểu tượng hợp tác giữa chính quyền CS và trí thức miền Nam.
Nhưng chẳng bao lâu sau thì tờ Tin Sáng bị đóng cửa, vì ‘‘đã hoàn thành nhiệm vụ’’ (Tin sáng 1975-1980)
Tờ Tin Sáng ăn mừng:
Ông Hồ Ngọc Nhuận có ý tổ chức một bữa ăn “Đoàn Viên” trong nhóm bạn bè của ông, ở địa chỉ số 132, Lê Lai. Không biết ai trong số những người này đã thay chủ bút mời bữa ăn đó. Có thể là Nguyễn Xuân Lập, Trần Thị Huệ, Huỳnh Tấn Mẫm hay Dương Đầy. Chỉ biết là phường khóm không cho. Cuối cùng chỉ vì một bữa ăn mà phải cầu cứu đến ông Tạ Bá Tòng. Ông Tạ Bá Tòng lại xin ở cấp cao hơn nữa. Nhận được giấy phép ở cấp cao hơn nữa rồi mấy người lu bu, tụ tập đầy đủ ở trên lầu. Phường khóm đã vác súng đến hỏi chguyện. Năn nỉ mãi thì cũng được thông cảm, sau khi xin lỗi và hứa lần sau rút kinh nghiệm hơn. Ông chủ tịch phường khóm khi ra về không quên nhắc: “Nên nhớ, thủ tướng cũng phải xin phép, nếu muốn làm gì ở đây…”
Thứ năm 7 tháng 8, 1975, Học Tập Không Ngày Về
Nay đã hơn 7 tuần rồi, quá cái giới hạn đi học tập một tháng rồi. Chính quyền cho biết nay những người đi học tập có quyền gửi thư về nhà một tháng một lần. Lại một hứa hẹn nữa nhằm xoa dịu đám vợ sĩ quan ở nhà. Chính sách học tập cải tạo là một lãng phí nhân tài, sức lao động sản xuất và nhất là gây hận oán trong bà con, thân nhân người đi học tập. Việc kéo dài thời gian đi học tập một cách không cần thiết làm buồn lòng dân Sàigòn và tạo ra sự mất tin tưởng vào chế độ. Có ai có đủ thành thật để cho biết họ đã học được gì? và đã cải tạo được như thế nào? Vì vậy mà thành phần những người đi học, dù sau này đã được sang đây vẫn canh cánh bên lòng nỗi hận oán chế độ?
Nhân khi đọc bài này, tôi có người bạn là anh Lê Tấn Lộc, giáo sư Triết, nguyên Trưởng Khu Học Chánh 12 tỉnh miền Đông. Với chức vụ đó, anh phải đi trình diện học tập cải tạo. Hai người bạn tù đã chết. Anh có kể rằng có một phái đoàn của Hội Ân xá quốc tế tới thăm trại học tập. Họ đã lùa các anh tù cải tạo vào trong rừng, chỉ để lại một số người làm cò mồi. Trong khi đó, trên tờ Tin Sáng, một trí thức tên tuổi có viết rằng: người đi học tập được ăn thịt gà rôti, nghĩ mát và chơi bóng chuyền. Vui và khỏe mạnh. Cũng ông, khi người con trai của ông làm nghĩa vụ sang đánh Campuchia.. Ông đã làm một bài thơ ca tụng những người thanh niên lý tưởng đã từ bỏ gia đình ra đi giúp nước. Sau này, một số trí thức, trong đó có ông, đã ký tên trong một danh sách biện hộ cho đường lối của chính quyền trong vấn đề tù cải tạo, vấn đề người di tản vv.
Anh Lê Tấn Lộc có quyền bất nhẫn về chuyện đó như kẻ trong cuộc bị phản bội
Xin nêu danh tánh một số trí thức miền Nam đã đặc biệt đứng tên ủng hộ chế độ mới, ủng hộ chính sách đi học tập cải tạo trong một lá thư gửi ra cho bạn bè người ngoại quốc. Họ không cần thanh minh với 3 triệu người VN di tản, mà chỉ biện bạch với người ngoại quốc thôi. Họ là Giáo sư Hồ đắc An. Ông Trương Bá Cần. Ông Võ Đình Cường. Thượng tọa Minh Châu. Nghệ sĩ Kim Cương. Dân biểu Lý Quý Chung. Bác sĩ Trần Văn Du. Nhà báo Ngô Công Đức. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà. Nhà văn Vũ Hạnh. Giáo sư Trần Vình Hiển. Ông Tôn Thất Dương Kỵ. Giáo sư Bùi Thị Lang, Luật sư Trần Ngọc Liễng, Thẩm phán Trần Thúc Linh, luật sư Nguyễn Long, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, giáo sư Châu Tâm Luân, sư Huỳnh Liên, ông Huỳnh Công Minh, Thẩm Phán Triệu Quốc Mạnh, giáo sư Nguyễn Vinh My, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, giáo sư Nguyễn Quang Nhạc, Giáo sư Chu phạm Ngọc Sơn, giáo sư Phạm Biểu Tâm, giáo sư Trần Kim Thạch, giáo sư Lê Văn Thới, Luật sư Ngô Bá Thành, giáo sư Lý Chánh Trung, ông Phan Khắc Từ, kỹ sư Lâm Văn Vạng, kỹ sư Đinh Xa.
Trong số những người này, đôi khi có người bất đắc dĩ có tên. Họ cũng muối mặt câm lặng, cũng có thể khổ sở lắm. Nhưng phần tôi, cũng bất đắc dĩ phải hài tên họ ra vì trong tay tôi có tên tuổi họ và lá thư trên.
Đây là nội dung mở đầu tóm tắt của lá thư đó: Nous, intellectuels de l’ancien sud Viet Nam, profondément indignés par la bruyante campagne de calomnie et de dénigrement menée dans certains pays occidentaux contre la République socialiste du VN, notre patrie, estimons de notre devoir de publier la présente lettre’’
Và quan điểm của các trí thức có tên tuổi ở trên trùng hợp với quan điểm của một vài nhà báo: “Ces camps ne sont ni des clubs de vacances ni des Goulag’’. Ý kiến của R. Pic, tháng tư 1976. J. Lacouture thì viết: “Ce n’est pas le Goulag apparemment- pas l’école des Roches non plus’’ tháng 5, 1976. Nói tóm một chữ: Chúng không phải những trại tập trung. Cũng không có cái bề ngoài của một trại diệt chủng. Đó là ý kiến của phóng viên đã đến thăm trại Nam Hà và đã gặp cựu đại tá Lê Thanh Hoà, cựu Trung Tướng Huỳnh Văn Cao, cựu nghị sĩ Ng. Văn Hàm.
Họ, những người trí thức có tên ở trên đã tự hạ mình để nói gian dối che đậy cho chế độ.
Phần tôi, xin được phép kiệm lời khi nói đến số phận người tù cải tạo. Bởi vì tôi không đủ tư cách, đủ lời để nói về điều ấy. Còn quá nhiều người mà nỗi khổ, nỗi nhục của họ không thể cất ra lời. Chẳng biết văn chương nào có thể chuyển tải những nỗi đau làm người của kẻ thua trận. Tôi cùng lắm chỉ đứng ngoài mà nhìn vào. Chỉ biết rằng khi tôi đọc: Một nửa Việt Nam Cộng Hoà nối dài của Tạ Chí Đại Trường nhắc đến đoạn: một người đàn bà ngồi trên xe ba bánh trên một đoạn đường đất đỏ, bụi mù. Xe vừa lướt qua thì thấy một đoàn người tù cải tạo đang lếch thếch trên đường về trại. Bà mủi lòng hất bao bố củ sắn xuống và những người tù xấu số đã chạy xô đến tranh dành như một lũ chó đói. Người đàn bà trên xe Lambretta ba bánh thấy cảnh đó bèn vội ôm mặt khóc. Tôi cũng chẳng làm gì khác hơn người đàn bà bất hạnh ấy.
—————————–
Thành lập Hội Trí thức yêu nước
Bên cạnh việc cho Tin Sáng hoạt động trở lại, còn có một biến cố khá quan trọng không thể không nói đến ở đây: việc thành lập Hội Trí Thức yêu nước. Để có được cơ sở hoạt động, chính quyền đã lấy một cơ sở của các cha dòng Đa Minh. Đó là câu lạc bộ Phục Hưng mà trước đây dành cho sinh viên có chỗ ăn ở. Cư xá này do cha Đỗ Minh Vọng, Cras thiết lập từ 1955. Đây chẳng những là nơi dành cho SV có chỗ ăn ở, nó còn là chỗ sinh hoạt của các tổ chức sinh viên công giáo, nơi đào luyện các trí thức trẻ trước khi vào đời. Sau Giải Phóng, như nhiều tổ chức khác tự động tan rã. LM Nguyễn Huy Lịch thời đó đã cho mượn trụ sở này. Người đến tiếp nhận cư xá Sinh Viên là ông Tạ Bá Tòng, một người cư xử rất tốt với đám trí thức miền Nam. Ông Tạ Bá Tòng đã giao cơ sở này cho Hội Trí Thức yêu nước mà đại diện là các ông Chu Phạm Ngọc Sơn và Lý Chánh Trung.
Tổng Thư Ký Hội trí thức yêu nước là ông Huỳnh Kim Báu, một đảng viên đảng Cộng Sản. Phần đông còn lại là trí thức cũ miền Nam, giới nhà văn và nhà giáo cộng với trí thức đi học tập về. Chẳng hạn như trường hợp Thế Uyên mới được thả ra từ trại học tập. Những người này đến Hội Trí thức như những người trú mưa dưới một cái dù che chắn cho khỏi ướt áo. Họ có mặt mà như thể vắng mặt, chìm lẩn vào đám đông.
Trong số những trí thức cũ, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ trước đó đã theo mặt trận hoặc có cảm tình với Mặt trận và lúc này họ nổi bật lên như Lý Chánh Trung, Nguyễn Trọng Văn, Hà Thúc Huy, Nguyễn Đình Đầu, Trần Văn Quảng, Huỳnh Ngọc Chênh, Phạm Hoàng Hộ, Chu Phạm Ngọc Sơn, Phạm Biểu Tâm, Châu Tâm Luân, Nguyễn Tân, Nguyễn Hữu Thái, Trương Thìn, Phạm Trọng Cầu, Hỷ Khương, Hoàng Điệp, Trần Long Ẩn, Miên Đức Thắng, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Đỗ Hồng Ngọc.
Sau này Hội có tổ chức những đêm văn nghệ hát nhạc TCS và được rất nhiều người đi nghe và tham dự. Thay vào tiếng hát Khánh Ly nay có nam ca sĩ Thanh Hải hát nhạc TCS. Nhiều người đi nghe cho rằng Thanh Hải có thể thay thế được tiếng hát của Khánh Ly.
Trịnh Công Sơn trong đêm Văn Nghệ đầu tiên này đang bận ở Huế đã không vào được. Mãi đến năm 1979, TCS mới bỏ Huế vào Sàigòn. Nhưng anh đã có gửi hai bài hát của anh vào nhờ nhạc sĩ Miên Đức Thắng hát dùm. Hai bài hát của TCS có tên là:
Gánh rau ra chợ và Máy kéo nông trường.
Chị Trần Tuyết Hoa, vợ anh Nguyễn Hữu Thái trong dịp này đã khuyên TCS không nên sáng tác những loại nhạc như thế. Không biết Miên ĐứcThắng hát như thế nào và hát làm sao. Hát gánh rau ra chợ, hát máy kéo nông trường đã hẳn không phải là dễ. Tự nhiên MĐT lại gánh cái trách nhiệm nặng nề này. Đây là hai bài hát lỗi nhịp nhất trong cuộc đời sáng tác của họ Trịnh. Biết để mà hiểu, không phải để ghét. Bằng vào hai bản nhạc này, người ta tự hỏi TCS có còn là TCS nữa hay không.
Thái Kim Lan, với bài: “Trịnh Công Sơn; nơi vùng ưu tư thành tiếng Du ca’’ đã viết như sau:’’ Cả một công trình sáng tác mười mấy năm đang bị đe dọa phải chối bỏ, kiểm soát, tự phê bình…Không có bàihát nào của Sơn trong quá khứ được cho lọt sổ. Nhạc Sơn bị cấm phổ biến..Tôi có cảm tưởng đau đớn là Sơn đang tập đi lại những bước nhạc ấu trĩ trong sự nghiệp sáng tác của mình, như kiểu kìa một đàn vịt đang bơi dưới ao hồ…’’ Sau này, tình hình khá hơn, chế độ lỏng tay hơn, TCS sáng tác được mấy bài khác đỡ hơn như Một hòn bi xanh, Ở trọ, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui… Hòn bi … xanh là có vấn đề rồi. Không có lập trường. Riêng bài Ở trọ, tôi nghĩ đấy chỉ là một bài hát rất tôn nghiêm. Tôi nay ở trọ trần gian, mưa nắng cũng ở trọ để rồi khoác áo chân như, bước tới hư vô. Bài hát rất người, rất tôn nghiêm, rất mùi đạo. Cuộc đời như một ở trọ. Đến bài Tôi chọn một niềm vui. Mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui, cùng nhau ca hát.. Tôi chọn nơi này, để thấy tiếng cười rộn rã bay. Tôi chọn một lần thôi, tôi chọn nắng đầy.. Nhưng mổi ngày, tôi chọn ngồi thật yên để nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình, vì sao tôi sống, vì đất nước cần, một trái tim. Hay và ngậm ngùi. Nhưng lại bị hiểu xuyên tạc, bị phản bác là đất nước nay đã thống nhất, thiếu gì niềm vui, hà cớ gì anh lại phải chọn niềm vui. Cắc cớ nữa, tại sao anh lại chọn ngồi thật yên. Anh phải nhúc nhích di chớ. Hà cớ gì lại chọn ngồi thật yên.. Có vấn đề, có vấn đề rồi.
Nhưng biết được hai bài này và những bài sau mới hiểu được thân phận người trí thức dưới chế dộ CS, hiểu đuợc nỗi lòng của họ Trịnh. Cũng như sau này, tôi được biết rằng, họ Trịnh than thở với một người bạn thân của mình là làm bài kiểm thảo đưa cho Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) xem trước, HPNT đọc xong cũng chê là viết chưa đạt yêu cầu, phải viết lại. HPNT đang cố lấy điểm để có được cái thẻ đảng. Tôi vẫn bực ông chưa hết và tôi biết rằng viết những dòng này những bạn bè chung quanh ông mà tôi dược biết họ, một số sẽ không vui. Nhưng tôi đành lòng trích một bài viết của tôi vào tháng 12, 2002: Về chính sách của Hànội và thái độ của một số nhà văn miền Bắc đối với văn học miền Nam qua cuốn Chân Dung Và Tác Phẩm của Trần Đăng Khoa: “Trong cuốn ký, chốc lát, thái độ của ông trở thành hung hãn, côn đồ. Ông xách mé gọi người lính Cộng Hoà là thằng lính Ngụy, thằng Diệm, thằng Thiệu. Những người CS thứ thiệt gọi như vậy còn nghe được. Nhưng ông, một trí thức miền Nam, được ăn học, được đào tạo, có cái nếp sống văn hoá của miền Nam, thật khó mà chấp nhận cái ngôn ngữ chợ cá như vậy. Chắc không phải là ông quá.’’. Ông vẫn chứng nào tật ấy, trên Nét Cố Đô, 2005, vào cái giờ này của hơn 30 năm sau, qua lời phỏng vấn cò mồi của Nguyễn Xuân Hoàng (Không phải NXH, giáo sư triết, nhà văn) ông cũng vẫn miệt thị gọi: bọn ngụy. Bọn ngụy là ai. Là tất cả bạn bè của ông, là tất cả họ hàng, bà con thân thuộc của ông ở ngoài Huế.
Đấy là nỗi khốn khổ thứ hai của họ Trịnh bị bạn bè ép. Ép mà phải cắn răng chịu.
Viết đến đây, tôi có điều để thưa. Trước hết cám ơn anh chị Nguyễn Hữu Thái, cựu sv kiến trúc, cựu sv tranh đấu Sàigòn cũ, người đã có cái hân hạnh đứng… bên cạnh tướng Dương Văn Minh, ký giấy đầu hàng CS. Mặc dầu, tôi đã có đôi lần viết hơi nặng lời với anh, anh vẫn không giận, vẫn hỏi thăm rồi gửi cho tôi bài viết của chị Trần Tuyết Hoa, vợ anh và chị đã thẳng thắn tiết lộ hai bài hát sáng tác bất hủ của họ Trịnh. Xin dùng mấy dòng chữ này cám ơn anh chị thay độc giả.
Phần những người được coi là bạn thân của họ Trịnh. Nhiều người chẳng hề tiết lộ hai bài hát này và những bài sau kế tiếp. Ngay cả mới đây, những người viết kỷ niệm 5 năm ngày TCS mất cũng né tránh. Viết thật mới là yêu mến TCS. Ở trong chế độ CS, đừng ai nói hay. Làm người bình thường đã là khó. Huống chi là người hùng.
10 năm sau, Hội Trí thức yêu nước này kể như không còn sinh hoạt gì đáng kể nữa. Một phần người ta lo sinh kế, lo tìm đường đi nước ngoài. Phần khác cán bộ đảng nhà nước ngoài Bắc vào nhiều. “Sự có mặt của họ kể như những thành phần Indésirable”.
Trong số những hội viên hội trí thức yêu nước có Nguyễn Văn Trung. Ông chưa tham dự được bao nhiêu buổi hội họp thì đã bị bắt vào hồi 18 giờ 30, ngày 14 tháng 6, 1978. Với tội danh được ghi trong biên bản: can tội Phản Cách mạng. Biên bản ghi tiếp. Sau khi bị can bị bắt, vợ của bị can là Trần Thị Minh Chi đã cùng đi với chúng tôi khám xét nhà ở thì thấy có những vật kê dưới đây, nghi có liên can đến vụ án (19. tội phản cách mạng):
– Một giấy chứng nhận của trường Đại Học Văn Khoa.
– Một số sách báo, tài liệu cắt báo và chép tay
– Một máy đánh chữ
– Một chứng nhận được giữ sách báo cũ.
Trên đây là những tang vật liên quan đến tội phản cách mạng. Tôi cũng đọc lá thư của Bà Chi gửi vào cho chồng, đã qua kiểm duyệt của Ban Chấp pháp như sau: “Về tả bố, chẳng khác nào như trong truyện được săn sóc nuôi cho ăn uống mập thiệt là mập, trước ở nhà xanh vàng, mặt có những vết nhăn. Bây giờ thấy tròn quay, những vết nhăn biến đâu, trắng..
Bà Trung đã phải viết như thế đấy. Không viết không được. Viết như thế rồi cũng lộ ra những chỗ viết thật thà trong một lá thư khác như: Lưng quần tây của anh rộng nhờ ai khâu bớt vào hai bên.
Và trong hoàn cảnh cô đơn, tuyệt vọng như thế. Ông Trung có lúc tưởng mình không có hy vọng sống còn. Ông đã viết một lá thư như chúc thư để lại ngày 26-11-1978 trong đó có đoạn như sau: “Đối với họ hàng. Cho Bố gửi lời thăm chào từ biệt họ hàng nội ngoại. Xin tha cho Bố những điều đã làm mất lòng và xin hãy thương yêu giúp đỡ nhau, coi những tỵ hiềm là nhỏ mọn. Gia đình Đào chịu khó tiếp tục chăm sóc ông nội. Đối với bạn bè quen thuộc. Chuyển lời Bố xin mọi ngưởi tha thứ những điều đã làm cho buồn phiền và cầu nguyện cho Bố.’’ Nguyễn Văn Trung 26-11- 1978.
Xin đọc với tâm tình chia xẻ về cái khốn khổ trong lao tù Cộng Sản.
Và đến gnày 21 tháng 12 năm 1978. Ông Trung nhận được giấy tạm tha với nội dung: Căn cứ kết quả cuộc điều tra. Không ghi chữ nào cả. Xét thấy: Sức khoẻ bị can quá yếu (bệnh tim)… Trong khi chờ kết quả cuộc điều tra và quyết dịnh di lý.. Ký tên. TL Giám Đốc Công An, Trưởng phòng chấp pháp: Ngô Văn Dần.
Tội vẫn còn đó. Vẫn thế. Chỉ tạm tha thôi.
Cả hai Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung đều là trí thức thành phần thư ba. Viết cũng nhiều, ảnh hưởng cũng không ít. Ngưởi tham gia tích cực bằng hành động, người tham gia chỉ bằng ngòi bút. Một dân biểu, một đi tù. Tôi chỉ xin tóm tắt sự nghiệp của các ông bằng cách trích dẫn điều họ viết.
– Đối với Lý Chánh Trung, sự nghiệp viết lách của ông tóm tắt trong câu này: “Về một môn học mà thầy không muốn dạy và trò không muốn học”.
– Đối với Nguyễn Văn Trung, có thể tóm tắt trong lời phát biểu sau đây của ông: “Tham gia Cách Mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt sau này’’.
Về cái hội này, xét về mặt nhân đạo, nó cũng là nơi che dù cho nhiều trí thức miền Nam sau khi đi học tập về khỏi cảnh vùi dập đi kinh tế mới, hoặc khỏi bị phường khóm làm khó dễ, hoặc đỡ đần bao gạo khi túng đói. Sau này, hội trí thức giải tán và dổi ra thành Hội Liên Hiệp Khoa Học Kỹ thuật do Chu Phạm Ngọc Sơn làm chủ tịch. Hội này hoạt động bằng cách mở các lớp dạy sinh ngữ và các sinh hoạt khoa học kỹ thuật. Cuối cùng, dòng Đa Minh đã làm đơn đòi lại cơ sở này qua TGM Bình chỉ hai tháng trước khi ngài qua đời. Sau nhiều năm chờ đợi, nhà nước đã trả lại cơ sở này cho dòng Đa Minh ngày 22-12-2003.
Coi như một món quà Noel của nhà nước.
Thứ năm 14 tháng 8-1975
Có lẽ cái đụng chạm đến người dân miền Nam nhiều nhất vẫn là miếng ăn.
Cơm áo không biết đùa và không đùa với bất kỳ ai, bất kỳ họ là trẻ con hay người lớn. Sống trước đã, có cái ăn trước đã. Không có ăn là không được.
Đời sống mỗi ngày mỗi khó khăn, cái gì cũng trở thành khan hiếm, dĩ chí từ một hạt muối, thìa bột ngọt. Các giáo chức được phát một kỳ một gói bột ngọt, sau xuống mười thìa cà phê bột ngọt, nửa ký thịt trong một tháng, một tút thuốc lá (10 bao), sau xuống một bao rồi đến nửa bao Sàigòn Giải Phóng. Tôi nghiện thuốc lá, nhưng nay một bao thuốc lá mua hợp tác xã bán ra có thể thêm tiền chợ một ngày. Tôi bỏ hút thuốc lá từ đó.
Nhờ Giải phóng, tôi bỏ được tật xấu hút thuốc.
Giá thức phẩm gia tăng. Cái gì cũng khan hiếm đến không hiểu được. Muối là một sản phẩnm quá rẻ, không đáng nói tới cũng trở thành đắt. Một kílô muối tăng từ 50 đồng đến 500 đồng. Một bao quẹt tăng từ 20 đồng đến 40 đồng.. Giá cả tăng đến 80%. Dân chúng bắt đầu phải xếp hàng để đến các hợp tác xã. Đợi chờ cả nửa ngày cho nửa ký sà bông, nửa ký đường. Có những điều trước đây cứ có tiền là mua được, nay trở thành chế độ, xin cho của chính quyền. Chính quyền cho cái gì thì được cái nấy. Nghĩ lại câu nói của một kinh tế Gia Anh nói không sai:”Kẻ nào nắm giữ hầu bao là kẻ đó có quyền”.
Gạo bán ở tổ dân phố không ăn được. Hoặc mốc, muối mọt, hoặc có rất nhiều sạn. Chúng tôi bán đi để mua gạo ăn được. Nay tôi có thêm nghề chạy kiếm các mối bán thực phẩm. Lúc rảnh, tôi chạy xe Vespa ra tận Phú Lâm đón các xe hàng về để mua gạo lậu từ các bà buôn lậu. Họ dấu gạo ở bất cứ chỗ nào có thể dấu được, ngay cả chỗ kín bụng dưới. Đó là những xe thồ di động nơi những người đàn bà dị hình, dị tướng.
Cả nước nay chỉ lo có một chuyện: Lo ăn.
Về lỗi lầm lịch sử của chính quyền Cộng Sản để dân đói, xin được trích dẫn lới chứng của ông Trần Quang Cơ, trong Hồi ức như sau: “Là nhân chứng của lịch sử và cũng là người trực tiếp tham gia các hoạt động ngoại giao này với tư cách là vụ trưởng Vụ Bắc mỹ bộ ngoại giao, trực tiếp tham gia đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ ở Paris năm 1977, rồi Nữu Ước 1978, tôi thật sự đau xót vì ta đã bỏ lỡ mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam trong hòa bình…” Trong tập hồi ký của mình “From Third world to first”, Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nnhất, Lý Quang Diệu đã nhận xét: “Năm 1975, TP Hồ Chí Minh có thể sánh ngang với Bangkok. Nhưng nay, năm 1992, nó tụt lại đằng sau tới 20 năm.’’ Là người Việt Nam, đọc lời nhận xét này của Thủ Tướng Lý Quang Diệu, ai mà không đau xót, vì Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội. Chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam qua lời tuyên bố của ngoại trưởng Cyrus Vance: “Việc tiến tới bình thường hoá quan hệ Mỹ-Việt Nam phù hợp với lợi ích của hai nước.’’
Nhưng Việt Nam cương quyết đòi Mỹ giải quyết “trọn gói” 3 vấn đề. Bình thường hóa quan hệ ngoại giao, giải quyết vấn đề MIA và viện trợ 3 tỉ 2 như đã hứa. Mỹ bị quốc Hội bó tay trong vấn đề bồi thường. Đến lúc ta quyết định rút bỏ đòi hỏi Mỹ phải bồi thường chiến tranh viện trợ 3,2 tỉ và nhận công thức, “bình thường hóa quan hệ không điều kiện của Mỹ thì đã quá muộn’’.
Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và việc gia nhập khối Asean, mãi ngót 20 năm sau, 1955, ta mới thực hiện được một cách khá chật vật. Nếu chấp nhận bình thường hoá với Mỹ thì ta đã có thể Không phảỉ một mình đối đầu với Trung Quốc trong cái chiến tranh “dạy cho một bài học”
Đó là cuộc sống bất đắc dĩ.
Ở một góc cạnh khác của đời sống, xin kể là tôi có người bạn là anh Đặng Ngọc Thiềm, giáo sư trường Trần Lục. Không biết có phải vì phẫn chí, vì bất mãn hay có thể bị điên mà anh đã ra nông nỡi này.
Anh có lối sống mà tự bản thân đời sống nó là một lời tố cáo chế độ mới. Đời sống của anh là gián tiếp bôi nhọ chế độ: Chính các anh làm tôi ra nông nỗi này. Từ quần áo dơ bẩn, lôi thôi, từ phong cách thái độ, từ cách ứng xử, từ cách phát ngôn, từ cách thức làm việc, từ chiếc xe đạp cà rịch cà tàng, từ cách cho điểm, từ cách giảng dạy, từ nụ cười châm biếm chế nhạo.
Đến nỗi nhìn qua anh, nhìn ra chế độ. Anh chính là chế độ ấy.
Anh cố tình ăn mặc dơ dáy đến hôi hám, đến bẩn thỉu. Một giáo sư tự trọng, dù nghèo không thể ăn mặc như thế trước mặt học trò. Mỗi lần lĩnh nửa cân thịt, anh treo tòng teng ở ghi đông xe cho mọi người thấy. Anh để lên bàn giáo sư cho học sinh thấy. Anh dơ lên khoe với học trò anh được nửa kí thịt. Học trò im lặng nghe ông thầy làm xiếc, đóng kịch. Anh luôn luôn dùng đủ cách để khen chế độ đến lố bịch.
Anh tố cáo chế độ chỉ bằng những lời khen quá lố. Thông minh và xỏ lá.
Ban Giám hiệu là cấp lãnh đạo ở ngoài vào cũng như trên Quận, Sở đều không có một lời phê phán trực tiếp hay gián tiếp về anh. Họ cư xử thật đúng mực. Bình thường là phải để anh nghỉ việc.
Việc dạy học và cho điểm của anh cực kỳ phi lý và lố bịch. Cột điểm Sử địa của anh bao giờ cũng có ba cột điểm trong một tháng. Hãy coi bằng cách nào anh đã nghĩ ra lối cho điểm quái gở đến như thế. Tỉ dụ học sinh A: Anh cho 3 cột 9 điểm, 8 điểm và 7 điểm. Học sinh B, anh đổi vị trì điểm theo thứ tự như: 8 rồi 7, 9. Học sinh C là 7,8,9. Học sinh D là 7,9,8, E là 8,9,7. G là 9,7,8. Rồi anh cứ cho điểm xoay tua như thế.
Anh không chấm bài, anh không cho điểm hay cho điểm đồng loạt là một cách miệt thị nền giáo dục ấy.
Anh Hiệu trưởng xem và không nói gì cả? Việc cho điểm của anh rõ ràng ngầm ngụ ý không đánh giá học trò, không đánh giá việc dạy học, phủ nhận vai trò thầy giáo và phủ nhận luôn việc dạy học.
Đây là một thứ phản đối tối thượng (Ultimate protest). Mang chính bản thân mình ra làm đối tượng diễu cợt.?
Nếu không có cuộc đổi đời, anh Thiềm sẽ là một giáo sư như thế nào? Trước đây, anh trịnh trọng, áo sơ mi là ủi dài tay, thắt cà vạt, dáng người to lớn, dềnh dàng, không thiếu trịnh trọng trong đi đứng, ăn nói, xử thế. Vài ba năm sau, tôi ra khỏi nước, được tin anh đã mất.
Tiếc cho một người tính tình lúc nào cũng vui cười với óc hài ước rất cao đã tìm cách tự hủy nhân cách mình dần dần một cách cố ý. (Suicide prolongé et intentionnel ) Cố ý tự hủy, cố ý sa đọa hoá nhân cách và con người như thể không còn là con người nữa.
Đó là lối tự hủy của người có học, của trí thức bầy tỏ một nhân cách lộn ngược, bất cần đời thường thấy nơi một số nhà văn, nhà trí thức, người hiểu đời, hiểu thế sự…
Thứ sáu 15 tháng 8-1975, giám mục Seitz, địa phận Kontum-Pleiku bị trục xuất khỏi Việt Nam
GM Seitz cùng với 9 người khác gồm 6 linh mục và ba nữ tu đã bị trục xuất khỏi VN. Các tu sĩ trên đã bị quản thúc tử tháng 3-1975 ở trên cao nguyên. Vài ngày trước đấy, họ được lệnh dời khỏi cao nguyên. Sau khi bộ đội lục soát hành lý của họ, họ được chở bằng xe che mui kín về Sàigòn và giam giữ ở khách sạn Caravelle, sau đó được dẫn ra phi trường. Đừng quên là sau này vào ngày 7-7-1976, những linh mục dòng tên cuối cùng cũng đã dời Việt Nam (gồm hai Pháp, 2 Y Pha Nho, một Gia Nã Đại và một Ý). Dòng tên còn lại khoảng 30 lm người Việt Nam.
Một số người Pháp vẫn tưởng rằng họ được chính quyền mới ưu đãi hơn các người ngoại quốc khác. Thực tế không phải vậy. Giám đốc đồn điền IPH và Chủ nhân hãng Michelin cũng phải cuốn gói. Chẳng những mất tài sản mà chính phủ Pháp qua đại diện còn phải đứng ra bảo lãnh những món thuế còn thiếu của các công ty này. Giám đốc CARIC cũng được phép dời VN để tìm sự trợ giúp tài chánh nơi chính phủ Pháp cho những công trình đóng tầu biển. Nói chung, các công ty này tự dâng hiến toàn bộ cơ sở vật chất, tài sản bất động sản mà vẫn còn nợ thuế chưa trả được.
Khi về lại Pháp, GM Kim có viết một cuốn sách nhan đề: “Le temps des chiens muets” (Thời của những con chó câm). Ông viết: “Les chiens muets, ce sont ceux qui ont peur de dire la vérité, qui n’osent pas aboyer” (Những con chó câm là những con chó sợ nói sự thật và không dám sủa).
Xin trích bản thông cáo lý do trục xuất các người ngoại quốc như sau: Communiqué du service d!information et de la culture de la province de Kontum.
Les étrangers qui viennent d!être expulsés le 12 aôut 1975 et dont les noms suivent: Paul Seitz. André Marty. Léon Dujon. Marcel Arnould. Josep Curient. Gabriel Brice. Olivier Deschamps. Edirc Baker. George Christian. Raphaelle Cormier. Marie-Renée Legal. Cécile de Boissy ont commis des crimes suivants:
Họ phạm 8 tội tất cả. Tội nào cũng đáng lãnh án chung thân hay tử hình như trong bản thông cáo nói: crimes qui méritent l!emprisonnement et la peine de mort. Vậy mà họ chỉ bị trục xuất mà còn bất mãn phản đối đòi ở lại.
Tội nặng như thế, trục xuất là phải rồi.
Phần tôi, tôi chỉ mong muốn thay thế chỗ của Paul Seitz để được trục xuất sang nước Pháp mà không được.
———————-
Số phận Tổng Giám Mục (TGM) Thuận đã được an bài
Cũng trong ngày 15 tháng 8 này, Phó TGM Nguyễn Văn Thuận rời thành phố Sài Gòn đi tù suốt 13 năm. Sau này, một trong số những người chống đối việc bổ nhiệm của Đức Cha (ĐC) Thuận như ông Nguyễn Văn Chín, đại diện phong trào Công giáo Dân tộc và là LM Thanh Lãng (TL) đã viết lời xin lỗi trong một lá thư di chúc vào ngày 28/11/1988 như sau: Tôi xin công khai sám hối với Chúa và Hội Thánh Toàn cầu và VN. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con mọi lầm lẫn và ban cho con lòng tin lòng trông cậy và ơn tha thứ. Tôi xin công khai sám hối xin lỗi đức Cha Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa gìn giữ và trả công cho đức Cha.
Ngày 28 tháng 11/1988. Đinh Xuân Nguyên, Thanh Lãng (TL). LM TL sau đó qua đời ngày 17/12/1988.
Về cái chết của TL, có dư luận nghi ngờ vì có sự ám toán mờ ám. TL có viết gửi nhà nước một thư ngỏ để bênh vực quan điểm của giáo hội về việc phong thánh. Bức thư được in ra nhiều bản chuyền tay nhiều người. Có một số sinh viên (SV) văn khoa đến xin được gửi bức thư ra Hải ngoại để được phổ biến rộng rãi. Ông đã tiếp họ trong trạng thái bình thường và vui vẻ. Thế rồi Công an quận Tân Bình mời lên gặp và qua ngày hôm sau, ông bị trúng gió và qua đời trong sự bán tin bán nghi của nhiều người.
Cũng trong cái tinh thần xám hối ấy mà sau này vào tháng 8/1988, một nhóm LM và giáo dân đã họp ở trụ sở báo ĐMHCG thuộc dòng Chúa Cứu Thế (CCT) soạn thảo hai bức thư, một gửi cho TGM Nguyễn Văn Bình, một gửi cho HĐGMVN vào ngày 15/8/1989 để yêu cầu đòi can thiệp cho TGM Thuận trở lại Sài Gòn.
Hai lần họp. Hồi 1975 tụ tập ở toà khâm sứ và toà TGM đòi trục xuất TGM Nguyễn Văn Thuận để ủng hộ chính quyền. 12 năm sau, tụ họp đòi cho TGM Thuận trở về, chính thức chống đối chính quyền.
Ngày 16 tháng 8/1975, một lá thư chung của Toà Giám Mục… ra quá chậm
Giáo hội thường được gọi là thầm lặng miền Bắc do Tổng Giám Mục (TGM) Trịnh Như Khuê đợi đến hơn 3 tháng sau, hôm nay mới chính thức ra thông tư, mà nội dung hoàn toàn đạo giáo, không nhắc gì đến ngày 30 tháng tư cả. Người ký thay Giám mục là LM Trần văn Mai.
Nội dung lá thư có những câu như: “cố gắng làm người công giáo tốt, người công dân tốt. Công giáo tốt thì cầu nguyện cho họ chóng được lên Thiên đàng, công dân tốt thì mừng Quốc khánh cách long trọng.”
Giọng điệu không có gì là hồ hởi, lại còn có vẻ lờ đi cái ngày trọng đại thống nhất 30 tháng tư nữa.
Trong khi đó lá thư trong Nam của cha Đức Cha (ĐC) Bình đề ngày 2/9/75 có những đoạn: “trong lòng của tín hữu, cõi trần gian và cõi trời không còn cách biệt, không còn phân ly, nhưng đã hoà đồng và vươn lên mãi dưới sức tác sinh của Thánh Thần Thiên Chúa. Sống niềm tin ấy trong những ngày lịch sử này của dân tộc, chúng ta không còn lý do gì để không vui mừng đón nhận những giá trị của Cách Mạng.”
Hai lá thư chung của hai TGM ở vào hai thời điểm khác nhau cho biết thái độ của họ đối với chính quyền như thế nào.
Hơn 20 năm sau sống dưới chế độ được mệnh danh là “giáo hội thầm lặng”, hình như những vị lãnh đạo Thiên Chúa giáo miền Bắc vẫn chưa nuốt nổi món ăn CS và mối quan ngại đối với chính quyền Cộng sản vẫn còn.
Vì thế, không lạ gì cuộc an táng ĐC Bình, khác hẳn cuộc an táng của Hồng Y Trịnh Như Khuê. Đám tang TGM Bình vào ngày 3/7/1995 được tổ chức trọng thể. Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) ra ngày 4/7/1975 cho biết rõ tên tuổi một số cơ quan và nhân vật tham dự. Đặt vòng hoa có: Ông Đỗ Mười, Tổng Bí Thư, ĐCSVN. Ông Lê Đức Anh chủ tịch nước CHXHCNVN. Ông Nông Đức Mạnh, chủ tịch Quốc Hội. Đến viếng có ông Nguyễn Văn Linh, Võ văn Kiệt và các Đoàn Đại biểu Uỷ ban Trung ương Mặt Trậ.n Tổ Quốc (UBTUMTTQ). Đoàn Đại biểu Dân Vận trung ương, Đoàn Đại biểu thành uỷ, Hội Đồng nhân dân TPHCM vv..
Cáo phó đăng hai lần liên tiếp trên tờ SGGP vào ngày mùng 2 và 3, tháng 7, trên trang nhất, góc dưới bên phải, chỗ thường chỉ để dành riêng cho các lãnh tụ Đảng và nhà nước từ trần mà thôi.
Và đây là một vài lời chia buồn của các viên chức nhà nước. Ông Lê Khắc Bình chủ tịch UBMTTQ Tp HCM ghi: “Vĩnh biệt cụ TGM Phao Lồ Nguyễn Văn Bình, đã góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân’’. Ông Võ Trần Chí, bí thư thành uỷ dẫn đầu đã ghi vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc cụ Phao Lồ Nguyễn Văn Bình, TGM giáo phận tp. HCM đã tận tụy suốt đời kính Chúa yêu nước, góp phần vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc’’ Trong khi đo thì ông Trần Bạch Đằng nói lén nhân một buổi hội nghị, TGM Bình là một ông cù lần nhất trong ba ông cù lần.
Có lẽ lời nhận xét trung thực nhất là cụ Bình là người luôn luôn chịu đựng, đứng mũi chịu sào và đồng thờĩ vừa phải tìm cách hợp tác với chính quyền mới.
Nhưng chẳng nên nhìn mấy cái bề ngoài phô trương của đảng này để xét đoán con người. Hãy nhớ lại những lời phát biểu của TGM trước khi chết như một chúc thư cho người ở lại qua lời phỏng vấn của Trần Bá Cường: ‘Nhưng với tôi, 20 năm qua, cảm tưởng sâu đậm của tôi là đã phải sống một thời gian dài nhất của đời người’. Hiểu câu này như một lời trối trăn để hiểu nỗi khổ tâm của một người chủ chiên ở trong một hoàn cảnh đất nước đã phải cam chịu trong 20 năm qua.
Thứ ba, ngày 19 tháng 8/1975, những món quà ý nghĩa
Ngày kỷ niệm nắm chính quyền của Việt Minh vào năm 1945. Chính quyền đã gửi đến cấp lãnh đạo Thiên Chúa giáo bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người có đạo. Nhưng người ta cũng chưa quên được việc trục xuất mới đây GM Kim và các thừa sai người Pháp.
Món quà thứ hai cho dân thành phố là việc phóng thích 200 người trong các trại học tập cải tạo. Con số quá ít ỏi, nhưng cũng cấy được một chút hy vọng mỏng manh nơi các gia đình có người thân còn trong trại học tập cải tạo. Niềm tin đó đã kéo dài lê thê trong nhiều năm sắp tới.
Món quà thứ ba đến từ Liên Xô. Một tầu dầu của Liên Xô đã cập bến Sài Gòn mang theo 31 vạn tấn dầu.
Trong những món quà khác, Hội Hồng Thập (HTT) Tự Quốc Tế đã gửi bằng đường biển đến VN thuốc men, dụng cụ y khoa. Điều đặc biệt là Hội Hồng Thập tự đã nhận được một giấy đòi thuế cho những món quà tặng đó. Số tiền là 36 vạn đô la mà Hội HTT phải trả. Hai bên đã thương lượng rất nhiều lần mới đi đến được thỏa thuận. Quà đã tới, đã trao làm sao thu hồi lại được. Vấn đề là làm sao trả bớt thuế. Cho quà mà còn phải đóng thuế, họa chăng chỉ có người VN.
Rút kinh nghiệm quà phải đóng thuế, cho phải trả tiền, một chuyến tầu khác của Hội Hồng Thập Tự đang trên đường đến VN đã được lệnh đổi hướng đến một nước khác biết điều hơn.
Thứ ba 26 tháng 8/1975, tờ Tin Sáng loan tin
Tin ở đây là chính quyền đã kiểm soát và làm chủ đến 70% các cơ sở xí nghiệp ở miền Nam. Trong đó có hãng Denis Frères của Pháp. Nhân công sau đó bị cho nghỉ việc mà không được bồi thưởng một đồng xu nào.
Các ngân hàng tư là những nạn nhân đầu tiên. Tiền bạc, tài sản đều đuợc chuyển giao về Ngân hàng Quốc Gia
Ngoài việc chiếm các cơ sở thương mại, các cán bộ cao cấp chính quyền mới còn chiếm các biệt thự, các dinh thự cũng như các tài sản ở trong đó. Mặc dầu có thông cáo ra lệnh:không có bất cứ tổ chức nào, không có bất cứ đơn vị quân đội nào có quyền trục xuất những người ở trong các biệt thự đó cũng như tịch thu tài sản của họ.
Có lẽ cùng lắm chỉ có dinh thự của ông Hannon, giám đốc CARIC là không ai đụng tới. Cũng vì vậy, chẳng mấy chốc mà những cán bộ cao cấp trong đảng trở thành triệu phú như ông Lu nhận xét. Ông Lu His-Ying, môt thương gia tiếng tăm và có thế lực của người Tàu, một người theo chủ nghĩa Mao cười nói rằng Trung Quốc rất chú ý đến ý nghĩa cuộc chiến thắng này, đồng thời đến số phận những người Trung Hoa như ông hiện nay. Có tất cả 1 triệu rưởi người Trung Hoa như ông Lu và đó là con số đáng kể. Sau đó, ông cho rằng những người của Hà nội ông có thể mua được dễ dàng. Lại cười.
Cái cười của người Trung Quốc.
Lời nói tiên tri của ông Lu phải chăng mở đầu cho một cơ cấu chính quyền tham nhũng như hiện nay.
Trong khi đó báo chí tuyên truyền, rỉ rả cho ngày lễ Độc Lập sắp tới. Để chuẩn bị cho ngày đó, 1000 nhà sư đã tụ tập đến rạp Rex vào ngày 27 tháng tám để học tập. Ngày hôm sau, cũng khoảng con số như thế những tu si Ki Tô giáo đến rạp này cũng để học tập.
Các nhà sư, các ông cha quen làm thày dạy người khác, quen giảng, quen thuyết pháp. Lần đầu tiên trong đời, họ trở thành những cụ, những quý vị LM, tu sĩ, những quý vị Thượng Tọa, đại đức trở thành các tỳ kheo, các học trò ngoan ngoãn như học trò nghe người khác dạy.
Nào trước đây ai đã dạy được các cha, các thày, các thuợng toạ, đại đức. Gớm thay cho người Cộng Sản.
Đó là những buổi học tập bất đắc dĩ để mừng một ngày lễ. Kể từ dây, hễ có lễ lạc là phải học tập. Bất đắc dĩ phải nghe, bất đắc dĩ để mừng.
Thứ bảy 30 tháng 8/1975, câu chuyện về các nhân vật chế độ cũ
Ông Trương Vĩnh Lễ (TVL), nguyên chủ tịch Quốc Hội VNCH thời đệ nhất, chủ nhân nhà in Sài gòn ấn quán. Hồi còn chế độ Ngô Đình Diệm, mỗi lần có dịp lễ lạc gì trên Viện Đại Học Đà Lạt, tôi đều nhận thấy ông có mặt. Có thể, ông đã không thiếu một buổi nào. Trông ông hiền lành như ma sơ. Một người như ông, hiền lành như bụt, chắc làm chính trị là phải. Ông có cả hai cái hiền đó cộng lại. Về sau này, những Trương Công Cừu, Trần Văn Lắm chỉ có cái giả vờ hiền. Thua ông Lễ nhiều lắm. Trong những buổi lễ như thế, tôi cứ chú mục nhìn ba người, nhìn ông Lễ, nhìn ông Diệm rồi sau đó đó lại liếc sang nhìn ông Nhu. Thật chả giống nhau tý nào. Ông Nhu có cái nhìn xa vắng, tiết ra cái oai dễ sợ lắm, ngồi đó mà nghĩ đâu đâu, không nhếch mép một nụ cười. Không thèm chú mục tới bất cứ ai. Không để ý tới những bài diễn văn, những lời chúc tụng chung quanh mình. Ông Diệm dễ mỉm cười, hơi tý đỏ mặt, có vẻ người bề ngoài là người phúc hậu, dễ gần, dễ cởi mở. Sau này, dư luận nói ông ác lắm, tôi cũng không tin. Ông Lễ thì khép nép từ tốn, chắp tay cúi đầu khi lên chịu mình thánh Chúa. Ông Diệm không còn là một Tổng Thống, mà là một ông cha. Còn ông TVL, không còn là chủ tịch QH, mà là một con chiên.
Từ đó, tôi đã biết chọn, ai trong ba người là người làm chính trị. Tự thâm tâm, tôi đâm mê ông Nhu, tôi để ý cái lối ngồi bất động, bộ áo vét hơi nhầu nát, chểnh mảng, mái tóc hoa râm, cứng, thưa và hơi biếng chải, làn da mặt đồi mồi hơi xạm tối, cái vóc dáng trí thức khác người, hơn người của ông. Tôi không lần nào thấy bà Nhu ngồi gần, hay bà ngồi đâu xa xa, lẩn vào đám đông. Chỉ có vậy mà tôi đã nhớ ông suốt đời. Sau này, tôi có nguời bạn là NTV cũng nhắc lại một tâm trạng giống y như tôi… chúng tôi đều chỉ ngồi nhìn ngắm ông Nhu.
Kể từ đó, tôi không thấy khuôn mặt chính trị nào đáng nể nữa. Nhưng nhắc tới ông Nhu là nhớ tới ông Lễ như một phụ bản. Tôi nhớ đến ông TVL là vì thế. Nay nhà in và toàn bộ máy móc của ông đã bị trưng thu kể từ tháng 7. Được tin ông bị bắt cùng với toàn thể gia đình vì có ý định trốn đi ra nước ngoài.
Tự nhiên, cả một quá khứ quay trở về. Tôi nhìn ra chỗ ngồi của ông TVL bên cạnh TT Ngô Đình Diệm và cuối hàng ghế đầu, phía tay trái, chỉ còn một người ngồi nữa là hết dãy ghế, chỗ của ông Ngô Đình Nhu, chỗ có vẻ khiêm tốn, khuất lấp. Thật ra chỗ của ông Nhu, ông muốn ngồi chỗ nào mà chả được.
Sau này, không biết số phận ông Trương Vĩnh Lễ ra sao.
Danh sách trí thức miền Nam ủng hộ chế độ mới — Đây là những trí thức trong thành phần thứ ba và nay ra hợp tác với chính quyền mới. Đây là danh sách cụt và ngắn gọn. Còn rất nhiều người tham gia hợp tác khác mà chưa đủ nổi, chưa tiện nói.
Cao Thị Quế Hương, Chân Tín, Huỳnh Công Minh, Huỳnh Liên, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Giáp, Lê Văn Thới, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Văn Nuôi, Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Nguyễn Duy Thông, Nguyễn Hửu Hiệp, Nguyễn Long, Phạm Biểu Tâm, Phan Khắc Từ, Thích Minh Châu, Tôn Thất Dương Kỵ, Trần Ngọc Liễng, Trần Thúc Linh, Triệu Quốc Mạnh, Trịnh Đình Thảo, Trương Bá Cần, Võ Đình Cường, Võ Thị Bạch Tuyết, Vương Đình Bích.
Phần cụ chủ tịch Thượng Nghị Viện VNCH Nguyễn Văn Huyền — Cụ đã đứng ngoài danh sách trên. Sau này cụ đau nặng. Nhưng Ủy Ban Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần mời cụ tham gia vào mặt trận. Cụ đã từ chối vì lý do sức khỏe. Trên tờ Đại Đoàn Kết, người ta nhắc lại với lời tán dương cụ là người đã biện hộ cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở thời kỳ chống Pháp. Nhưng họ cũng không quên nhắc khéo cụ đừng có làm cao quá về lời mời tham gia vào Mặt Trận… vậy mà cụ đã vô tình lặng lẽ ra đi chưa kịp có một lời giã biệt. Mới đây tờ báo điện tử Chuyển Luân, bên Úc đã cố ý nói không tốt về cụ gián tiếp cho rằng cụ và nhóm Trần Văn Lắm đã làm áp lực lên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đưa đến cái chết của TT Thích Thiện Minh ở trong tù. Một cái chết còn rất nhiều nghi vấn. Nhưng đưa ra một giả thuyết vô bằng như vậy quả là không nên.
Xin nêu ra vài nhận xét của Hồ Ngọc Nhuận về cụ Huyền. Kể cũng trớ trêu thật, cùng tên Nhuận mà mỗi người xét đoán sự việc mỗi người mỗi khác. Hoàng Nguyên Nhuận, trên Chuyển Luân thì nghi can cho cụ có trách nhiệm vào vụ thảm sát TT Thích Thiện Minh. Còn Hồ Ngọc Nhuận thì lại nghĩ rằng, cụ là một trong những nhà chính trị hiếm hoi của VNCH là người đạo đức. Cụ cũng là người mà Cao Thị Quế Hương, một sv Phật tử tranh đấu hết lòng bày tỏ sự biết ơn, vì thời gian ở tù, cô vẫn được cụ tới viếng thăm và giúp đỡ. Hồ Ngọc Nhuận đã viết như thế này: Không biết cụ lấy đâu ra từ trong con người ốm yếu của cụ cái chất giọng trầm, sắc, chắc, khoẻ, to và cái hơi dài như vậy. Hãy xem cảnh cụ Huyền điều khiển Thượng Viện dưới ngòi bút của Hồ Ngọc Nhuận:
Như trên đã nói, tôi muốn nói gì cứ nói, tôi muốn đao to búa lớn với hành pháp thế nào cũng được, như trong vụ dân biểu Trần Ngọc Châu bị bắt và trong nhiểu vụ khác… Nhưng khi tôi vừa cất giọng hướng mũi tấn công về cụ Lương coi như đồng lõa của hành pháp… thì nhanh như cắt, cụ Huyền chộp lấy cái búa gỗ… Hẳn cụ chủ tịch TV cho rằng cụ chủ tịch Hạ Viện là khách danh dự của cụ, nên cụ phải bảo vệ, không để ai động đến. Nhưng tôi đâu nỡ để cho cụ ‘búa’ mất sức lắm… và cảnh vờn nhau thầm lặng không kém phần quyết liệt giữa một già, một trẻ như vậy tại Hội Trường không chỉ diễn ra một lần, khiến nhiều đồng viện để ý theo dõi cũng phải bật cười.
Sau gần 20 năm sống thầm lặng, cụ bỗng được mời vào Trung Ương MTTQVN. Là người sùng đạo, cụ Huyền cũng là người mực thước, đức độ và rất được cố TGM Bình hết mực tin cậy. Cụ có người em gái là nữ tu dòng kín. Đến lúc cuối đời, cụ vẫn sống khiêm tốn, giản dị, hàn vi trong ngôi nhà nhỏ ở gần góc Hồng Thập Tự- Bùi Chu, một phần nhà mặt tiền dành cho một người cháu hành nghề hớt tóc. Yếu nhiều, cụ nghỉ ngơi, làm việc ngay tại phòng khách, cạnh giường luôn để sẵn cây gậy.
Một thời gian sau, cụ Huyền lặng lẽ ra đi. Mà không ai hay.
Tôi nghĩ viết như thế là đủ, khỏi cần tranh cãi với Hoàng Nguyên Nhuận.
Thứ ba, mồng 2/9/1975, Kỷ niệm ngày lễ Độc Lập
Đây là buổi tập trung đông đảo người nhất kể từ 30 tháng tư. Buổi chiều có pháo bông. Tờ Giải Phóng cho biết có 10 triệu người tham dự buổi Mít tinh trên tổng số hơn 3 triệu dân thành phố.
Lại những con số ảo đến lố bịch. Có những con số làm phiền, có những con số ảo lố bịch và có những con số làm ta phát nản.
Cũng trong dịp này, thành phố Hà nội khánh thành khách sạn Thắng Lợi. Cũng là dịp để mừng 30 năm ngày tuyên bố Độc Lập. Khách sạn này là do tiền tài trợ giúp của nước Cuba anh em cho Việt Nam. Vật liệu xây dựng từ bao xi măng đến cái nắm cửa, cho đến thày thợ đều chở từ Cuba sang. Ở vào thời kỳ đó thì khách sạn Thắng Lợi là niềm tự hào của hai nước và chỉ dành cho các khách sang, các nhà ngoại giao từ ngoại quốc đến. Ở đây cũng là kho lương thực cho các nhân viên đại sứ quán có thẻ lương thực mà tiêu chuẩn là một nửa lít sữa cho ba người một ngày và nửa kí lô đường cho một người trong một tháng.
Tiêu chuẩn lương thực như thế cũng chả có gì là hấp dẩn, nhưng đối với một người VN bình thường thì quả là không dễ mà có được.
So sánh khách sạn Thắng Lợi với khách sạn Thống Nhất, còn gọi là hotel Métropole cũ thì cũng khác xa nhau một trời một vực. Tòa Đại sứ Ý (Italy)ưu tiên có được hai phòng cho hai cố vấn tòa Đại sứ với gia đình họ ở khách sạn Thống Nhất. Toà đại sứ Iraq thì chỉ được một phòng, vừa làm văn phòng, vừa làm chỗ ăn ngủ cho 3 nhân viên sứ quán. Muốn có máy lạnh thì nhân viên sứ quán phải tự mang máy lạnh đến và khi dời khỏi khách sạn thì phải hứa tặng lại cho khách sạn.
Các nhân viên sứ quán thì bị hạn chế di chuyển và chỉ có chuột là tự do đi lại trong khách sạn. Nhân viên sứ quán Úc Đại lợi (Australia) nhận thấy nước máy quá dơ bẩn đã nghĩ ra được cách lọc nước máy đơn giản và hiệu quả. Buộc một chiếc bít tất vào vòi nước. Vậy là xong.
Kỳ tết vừa rồi, tôi có dịp đi ngang qua khách sạn này. Nó chẳng còn như xưa nữa mà đi vào sự hoang phế chờ để được đập phá đi.
Tất cả đã thay đổi nhiều lắm
Có tin bệnh viện Grall đóng cửa — Bệnh viện tư duy nhất của người Pháp còn để lại. Phải đóng cửa, vì thiếu thuốc men, mặc dầu có một số thùng thuốc được chở đến từ Singapore từ 22 tháng 7. Theo các bác sĩ trong bệnh viện, nhu cầu thuốc men cần cho bệnh viện lúc này là 20 tấn. Chuyện phải đến đã đến, mặc dầu Sài Gòn thiếu trầm trọng các bác sĩ, y tá cũng như thuốc men.
Tốt hơn hết trong lúc này là đừng có ốm đau gì cả.
Người ta có trhể nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn nói, tại sao lại không có thể nhịn ốm được nhỉ?
Thứ sáu, 12 tháng 9/1975, Hội nghị Hiệp Thương thống nhất tổ quốc
Phái đoàn gần 100 trí thức miền Nam ra thăm miền Bắc đi tham dự Hội Nghị Hiệp Thương Thống Nhất Tổ Quốc.
Trong phái đoàn đặc biệt có Ni sư Trưởng Huỳnh Liên, luôn luôn mặc áo toàn vàng nghệ, theo phái khất sĩ, đầu cạo láng coóng. Thật chẳng giống gì với mấy sư ông miền Bắc toàn một mầu nâu, đầu quấn khăn. Bên cạnh theo phù tá là Nữ nghệ sĩ Kim Cương cũng láng coóng theo kiểu áo dài trong Nam..
Trong phái đoàn có một nhà báo kỳ cựu là ông Nam Đình. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu được tại sao ông lại có mặt ở đây. Trước đây trong Hồi ký Nam Đình, hồi ký làm báo của ông, ông đã cực lực lên án phe đệ tam đã giết hại những người của phe đệ tứ như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu. Ông là một trong những nhà báo nổi tiếng có một thư viện đồ sộ và những tài liệu quý báu ít ai có được. ( Xem thêm, Nhìn lại sáu mươi năm tranh đấu cho Việt Nam. Hồ sơ đệ tứ, tập 3. Nhóm đệ tứ VN tại Pháp )
Còn Chân Tín thì trẻ con miền Bắc tưởng lầm là ông Liên Xô. Với vầng trán hói quá khổ và mái tóc dài thõa xuống ngang vai. Lúc đó, ông làm lớn lắm: Thứ nhất là Ủy viên Trung ương Mặt trận tổ quốc VN và phó chủ tịch Mặt trận thành phố. Mới đây, tôi gặp lại ông ở Sài Gòn thì đầu tóc đã ngắn không còn dài như trước nữa. Chỉ ít lâu sau khi về lại thành phố thì ông đã nói: Tôi được giải phóng rồi, nghĩa là mất tuột tất cả những chức vụ hữu danh vô thực trên. Lúc này thì ông kêu gọi người Cộng Sản phải sám hối.
Ông bị cô lập và cuối cùng giam lỏng ở Cần Giờ. Những người bị giam tù thời VNCH như Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Huy Diễm hay Võ Thị Bạch Tuyết, giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội thành phố cũng thường rủ nhau tới thăm ông. Thăm như một trả ơn nghĩa lúc ông là sáng lập Ủy Ban đòi cải thiện chế độ lao tù tại miền Nam VN.
Nguyễn Ngọc Lan thì cân cả quần, cả áo mới nặng được 33 kí lô sau khi ăn cơm xong. Ông tham quan Hà nội, 1975 về viết bài trên tờ Đứng Dậy, trước hồi VNCH là tờ Đối Diện. Bài báo nhằm giới thiệu Hà Nội một cách trung thực với nhan đề: Hà Nội tôi thế đó. Thế đó là thế nào. Nghĩa là nghèo xác xơ. Nói thế đâu có được. Nói thế là chửi xỏ xiên chế độ. Kết qua là Đứng Dạy đóng cửa và ít lâu sau, ông trở thành người đối lập chỉ trích nhà nước Cộng Sản trong: Những tin nhà.
Lại có thêm Lý Chánh Trung, người nổi bật nhất trong phái đoàn, có thói quen ngậm ống vố rất là cao sang và tự hào. Ông kể cho tôi là đi đến đâu, từ chị lái đò đến anh công nhân đều đã đọc bài viết của giáo sư trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Như thế, trình độ văn hóa của dân miền Bắc kể là cao hơn so với miền Nam. Nghe những truyện ông kể, tôi thật sự không vui. Tôi chỉ biết nói thế. Sau này mới đây gặp lại ông, hình như ông đã bỏ thói quen ngậm ống tẩu. Ông chỉ còn giữ lại được nụ cười nhếch mép cố hữu từ thời tuổi trẻ. Cái còn lại duy nhất của đời ông lúc tuổi xế chiều
Bà Ngô Bá Thành và Lý Quý Chung (cả hai đều đã mãn phần) đều coi đấy là một vinh dự hi hữu của cả một đời người. Riêng Lý Quý Chung, trong Hồi ký không tên của ông cho hay, khi ba ông, ông Lý Quý Phát, bị đột quỵ và lúc tập nói được thì câu đầu tiên ba ông đã nói với ông như sau: Tao không muốn gặp mày nữa, gia đình mày đã ra thế này, cha mày đã ra thế này mà mày còn viết báo cho Cộng Sản, cha mày từ mày. Ông thú nhận là chưa bao giờ ba của ông đã nặng lời với ông như thế. Ông viết thêm về gia đình ông: Cùng một lúc, tôi mất bảy đứa em, vào lúc này người vượt biển coi như không có hy vọng gặp người ở lại.
Nhưng câu thú nhận đau lòng nhất vẫn là: Sau 30 năm, tôi vẫn là “người khách đặc biệt”, chưa bao giờ là một thành viên trọn vẹn của chế độ mới.
Sau đó thì phái đoàn miền Nam được hướng dẫn đi tham quan một xã tiêu biểu là xã: Như Quỳnh, cách Hà nội 20 cây số trên đường đi Hải Phòng, thuộc tỉnh Hưng Yên. Sau chuyến tham quan về thì ông Hồ Ngọc Nhuận viết khác Nguyễn Ngọc Lan như thế này: Nhưng ngày nay thì đã hoàn toàn khác hẳn. Đồng bào nông thôn của ta ở miền Bắc đã thật sự được giải thoát khỏi áp bức bóc lột. Họ đã hoàn toàn làm chủ đời sống của họ, vận mệnh của họ và do đó thật sự là những người chủ đất nước. Chủ nghĩa xã hội là con đường tiến lên tất yếu… Và chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi tin rằng Độc lập dân tộc và Thống nhất tổ quốc phải được gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Và sau 25 năm, chính ông Hồ Ngọc Nhuận đã viết lại như thế này: “Và tôi nữa, sau 25 năm, khi đọc lại chính mình, tôi tìm thấy được bao nhiêu phần trăm của tôi hôm nay trong đó… Trong những gì mình viết, suy nghĩ, khẳng định năm xưa.”
No comments:
Post a Comment