Trần Kỳ Khôi-3-12-2023
Từ sau năm 1975, nền giáo dục trong thể chế độc tài toàn trị trở nên “ưu việt” hơn bao giờ hết. Ở đó, một anh y tá miệt vườn chẳng cần đi học cũng có được học vị tiến sĩ y khoa; một phụ nữ làm nghề uốn tóc, gội đầu, bỗng chốc có bằng thạc sĩ, hay một kẻ học bổ túc văn hoá cũng kiếm được học hàm giáo sư!
Nhưng tệ hại và xuống cấp đạo đức đến kinh hoàng thì phải nhắc đến hai trường hợp: Một kẻ chưa học xong cấp hai có thể làm Chủ tịch Hội đồng một trường đại học lớn và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Kẻ còn lại là sĩ quan công an, có học vị tiến sĩ, là lãnh đạo khoa Lý luận Chính trị của một trường đại học Cảnh sát Nhân dân, hoá ra là con quỷ đội lốt người.
Từ ngài Chủ tịch Hội đồng trường đại học Kinh Bắc…
Đoàn Xuân Tiếp sinh năm 1950, quê Gia Bình, Bắc Ninh. Nhà nghèo, cha mất sớm, học chưa hết cấp hai, Tiếp bỏ học. Năm 1972, Đoàn Xuân Tiếp đăng ký đi bộ đội, được đơn vị điều đi học lái xe rồi anh ta ở trong quân ngũ, đến năm 1991 thì xuất ngũ.
Tích lũy được một số vốn liếng, Tiếp hùn hạp cùng vài người, mở một hợp tác xã chuyên làm thủ công mỹ nghệ, lấy tên là Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc, tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau đó, Đoàn Xuân Tiếp nâng cấp Trung tâm này thành công ty TNHH Chân – Thiện – Mỹ tại Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh.
Mặc dù trước đó Đoàn Xuân Tiếp đã có vợ và hai con trai, nhưng ông ta sống chung với người tình mới, vốn là một nữ cổ đông có nhiều tiền, tên là Nguyễn Thị Tuyết Hồngsau. Sau đó ông Tiếp ly hôn người vợ mấy chục năm đầu ấp tay gối, để kết hôn với người tình mới.
Năm 2012, Đoàn Xuân Tiếp và Nguyễn Thị Tuyết Hồng làm hồ sơ xin mở trường đại học tư thục Kinh Bắc. Ngày 26-3-2012, Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 350/TTg, cho phép thành lập trường Đại học Kinh Bắc. Nhờ vậy, Đoàn Xuân Tiếp xin được 28 hecta đất tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội 20 km.
Trường đóng ở Bắc Ninh, nhưng họ mở thêm văn phòng tại nơi vợ chồng Đoàn Xuân Tiếp đăng ký hộ khẩu thường trú, số 110 phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, để tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh nhắm vào học sinh Hà Nội và các vùng phụ cận.
Để hợp pháp hồ sơ nhân thân và trình độ học vấn, dù chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở (cấp I) ông Tiếp xài bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc, ghi tên Đoàn Xuân Tiếp, số 0334833/BTPT do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp năm 2003. Theo bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, danh sách tốt nghiệp kỳ thi Bổ túc – trung học phổ thông ngày 3-6-2003 tại Hội đồng thi Cầu Giấy, TP Hà Nội, không có tên Đoàn Xuân Tiếp, sinh năm 1950, trong danh sách đậu tốt nghiệp.
Chưa dừng lại ở đó, Đoàn Xuân Tiếp còn xài thêm bằng giả “cử nhân tại chức” Trường ĐH Mỏ – Địa chất, khóa học 2005 -2010. Ngày 12-6-2023 Trường Đại học Mỏ – Địa chất có văn bản số 455/MĐC- ĐTĐH, xác nhận, Đoàn Xuân Tiếp, sinh ngày 19-5-1950, chưa từng học tại Trường Đại học Mỏ – Địa chất, không có tên trong sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp. Vậy là bằng tốt nghiệp đại học số hiệu 00107535, số vào sổ cấp bằng SĐ50-76 ngày 4-5-2010 mang tên Đoàn Xuân Tiếp là đồ giả.
Ảnh: Bằng đại học và bảng điểm của Đoàn Xuân Tiếp, cùng công văn trả lời của trường Đại học Mỏ – Địa chất. Nguồn: Tác giả gửi tới TD
Có bằng “cử nhân”, ông Tiếp mua tiếp bằng thạc sĩ mang tên Đoàn Xuân Tiếp do Trường đại học Bulacan State (Bulacan State University – BSU), Philippines cấp, để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở… Malaysia!
Gia đình Đoàn Xuân Tiếp điều hành trường đại học ở Kinh Bắc. Ông Tiếp làm chủ tịch Hội đồng trường. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng làm Phó chủ tịch Hội đồng kiêm trưởng Ban tài chính. Con trai ông Tiếp là Đoàn Xuân Tĩnh làm chủ tịch HĐQT. Một người con trai nữa của ông ta tên Đoàn Xuân Toản làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Phó Hiệu trưởng trường. Còn lại, từ hiệu trưởng trở xuống, tất cả đều được gia đình ông Tiếp ký hợp đồng làm thuê.
Từ đó phát sinh câu chuyện cười ra nước mắt: Bà Nguyễn Thị Minh Châu, sinh năm 1958, hộ khẩu thường trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà Châu được gia đình Đoàn Xuân Tiếp mời về làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh Bắc. Giai đoạn 2018-2019 xảy ra “Vụ án cấp Văn bằng 2, ngành Ngôn ngữ Anh giả mạo” tại Đại học Kinh Bắc.
Mặc dù số tiền kiếm lợi bất hợp pháp 4,6 tỷ đồng từ vụ án nói trên được chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, vợ ông Đoàn Xuân Tiếp; thế nhưng, tại bản án số 30/2021/HS-ST ngày 22/3/2021, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt bà Nguyễn Thị Minh Châu, phó Hiệu trưởng Đại học Kinh Bắc 5 năm tù về tội “Giả mạo trong công tác”. Phó hiệu trưởng nhận án tù, trong khi hiệu trưởng Đại học Kinh Bắc và cả gia đình Đoàn Xuân Tiếp đều bình an vô sự.
Đại học Kinh Bắc được giới thiệu có 200 giảng viên gồm 9 giáo sư, 25 phó giáo sư, 35 tiến sĩ, 131 thạc sĩ. Trường đào tạo gồm 18 ngành học, có cả Y khoa và Dược khoa. Số lượng sinh viên đang theo học hơn 10.000 sinh viên, Đại học Kinh Bắc còn được phép đào tạo cả cao học và cấp bằng… thạc sĩ.
Ngoài việc gian lận bằng cấp, học vị, Đoàn Xuân Tiếp còn tha hoá trong đạo đức và lối sống. Có nhiều đơn thư tố cáo ông Tiếp cặp bồ với sinh viên trong trường, sống như vợ chồng với những cô gái chỉ đáng tuổi con cháu mình. Để đối phó dư luận, đầu tháng 5-2023, Đoàn Xuân Tiếp xin từ chức vì lý do … sức khỏe. Bốn tháng sau, ngày 6-9-2023, ông ta có thư thông báo quay trở lại chức Chủ tịch Hội đồng trường.
No comments:
Post a Comment