HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hệ thống báo chí quốc doanh tại Việt Nam lại bị thúc ép gia tăng nhiệm vụ “đấu tranh với thông tin xấu, độc” phục vụ nhu cầu tuyên truyền của đảng.
Ngày Thứ Hai, 30 Tháng Mười, tờ Người Lao Động tường thuật hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong thời kỳ chuyển đổi số” do Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức tại tỉnh Tiền Giang ngày 27 Tháng Mười vừa qua.
Mục đích của cuộc họp là nhắc nhở vai trò “xung kích” của của người lãnh lương làm nhiệm vụ tuyên truyền cho chế độ “luôn có ý thức tự giác, trách nhiệm không chỉ trong việc tuyên truyền, nhận diện và phê phán thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, báo chí mà còn cả trên trang mạng cá nhân” theo sự đòi hỏi của ông chủ lớn ngồi ở Bắc Bộ Phủ.
Dịp này, các người làm báo tuyên truyền cho chế độ Hà Nội phải nghe lại điệp khúc “đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa,’ chủ động đấu tranh chống âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch, quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị…”
Tuy Việt Nam có hơn 700 tờ báo các loại, dư luận đều biết chỉ có một “tổng biên tập” duy nhất ngồi ở Hà Nội ra lệnh các kẻ cầm bút phải viết gì, cái gì không được phép đụng chạm. Người được gọi là “tổng biên tập” ngồi tại tờ báo, thật ra, chỉ là kẻ nhận chỉ thị từ trung ương, điều hành nội dung tờ báo không đi chệch ra ngoài cái khuôn khổ mà họ được phép hoạt động, kiểu con ngựa chạy theo tầm nhìn của hai con mắt bị “định hướng.”
CSVN không cho phép tư nhân ra báo hay mở một cơ quan truyền thông độc lập dưới bất cứ hình thức nào dù là báo giấy hay báo điện tử, đài phát thanh hay đài truyền hình. Các người làm báo độc lập đều bị bỏ tù như các ông bà Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang, Phạm Thành, Lê Trọng Hùng,…
Năm 2020, đặc vụ CSVN đã bắt cóc nhà báo độc lập Trương Duy Nhất đem về Việt Nam kết án 10 năm tù dù ông đang xin cấp thẻ tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, chờ đi định cư tại một nước thứ ba. Đến Tháng Tư, 2023, đặc vụ CSVN lại bắt cóc ông Đường Văn Thái đem về Việt Nam vì ông này mở kênh trực tuyến trên Youtube và Facebook thông tin thời sự trái với tuyên truyền bóp méo sự thật của Hà Nội.
Hội Nhà Báo Quốc Tế (IFJ), trụ sở ở nước Bỉ ra bản thông cáo ngày 20 Tháng Tư nói rằng, việc ông Đường Văn Thái bị bắt cóc là “nguy cơ lớn lao mà các nhà báo Việt Nam phải đối mặt cũng như tạo tiền lệ tồi tệ về sự an nguy của những người làm công tác truyền thông ở nước ngoài.”
Chỉ vài ngày trước khi bị bắt cóc, ông Đường Văn Thái livestrem về phiên tòa xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội và chuyến công du của Ngoại Trưởng Mỹ Anthony Blinken đến Việt Nam. Trước đó, ông cũng đưa tin về tham nhũng và đấu đá trong nội bộ cấp cao của chế độ Hà Nội.
“Đấu tranh với thông tin xấu, độc” là một điệp khúc được nhắc nhở thường xuyên trên hệ thống thông tin tuyên truyền của chế độ từ cơ quan truyền thông tại trung ương đến các tờ báo nhỏ ở các địa phương. Những kẻ cầm bút, gõ máy tính viết tin hay viết bài tuyên truyền lúc nào cũng có cái khẩu hiệu đó cột sẵn trên đầu trên cổ. Nếu làm sai là chính họ cũng bị trừng phạt.
Không ít tờ báo, cả trung ương và địa phương phục vụ chế độ đã bị phạt tiền, thậm chí bị đóng cửa vì đi chệch ra ngoài khuôn phép. Tạp chí thì không được “báo hóa” tức hoạt động như một tờ nhật báo. Tháng Năm vừa qua, tin tức cho hay Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN đã lập một danh sách và “theo dõi chặt 77 tổ chức lập trang tin có dấu hiệu báo hóa” để trị tội.
Tạp chí Zing News là “tạp chí điện tử Tri Thức trực tuyến” đã bị Bộ Thông Tin và Truyền Thông đóng cửa ba tháng kể từ ngày 14 Tháng Bảy ngoài số tiền phạt 243.5 triệu đồng vì “không hoạt động đúng tôn chỉ mục đích” tức bị lên án là “báo hóa.” Nay đã quá hạn ba tháng mà báo này không thấy tục bản, rất có thể tắt thở vĩnh viễn không chừng.
Năm 2019, chế độ Hà Nội ra lệnh “sắp xếp” lại guồng máy tuyên truyền. Từ 858 “cơ quan báo chí” có từ năm 2015 được dẹp bỏ bớt một số nên đến năm 2021 chỉ còn 779 “cơ quan báo chí” các loại. Trong đó, gồm 142 tờ báo và 612 tạp chí và 35 “cơ quan báo chí điện tử độc lập.” Tổng cộng có 41,000 hoạt động trong lãnh vực truyền thông nhưng chỉ có 21,132 người được gọi là “nhà báo” và được cấp thẻ nhà báo. (TN)
No comments:
Post a Comment