Diễm Thi-2023.10.25
Ngoài việc thu thập họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, nhóm máu, tình trạng hôn nhân... như hiện tại, Bộ Công an mới đây đề xuất thu thập thêm số điện thoại và địa chỉ e-mail của người dân với mục đích được nói là để tạo lập số định danh cá nhân, giúp phân biệt người này với người khác trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý dân cư.
Bộ Công an lý giải trên trang web của mình: Đối với thông tin về nhóm máu để phục vụ công tác cấp cứu, xây dựng nguồn máu dự phòng trong khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch phát triển, dự phòng y tế…
Đối với thông tin về số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử để bảo đảm sự liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân (giải quyết thủ tục hành chính, tuyên truyền chính sách, cung cấp tin tức phòng chống tội phạm, xử lý tình huống đột xuất, phức tạp về quốc phòng, an ninh…); để thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước…
Tôi cho rằng, đây cũng là một chủ trương mà Bộ Công an Việt Nam đang hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc, nhất là trong chuyến đi từ ngày 12 đến 16 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Công an Tô Lâm đến Trung Quốc. - Nhà báo Lê Trung Khoa
Cũng theo Bộ này, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu duy nhất của nhà nước được Chính phủ đầu tư bài bản từ cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm.
Một số người Việt trong và ngoài nước cho rằng, cách làm của Bộ Công an là từng bước kiểm soát người dân ngày càng chặt. Nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức nói với RFA:
“Tôi cho rằng, Bộ Công an Việt Nam đang thực hiện chủ trường của ĐCS VN là dần dần bóp nghẹt tiếng nói người dân trong nước. Họ tìm mọi cách quản lý càng nhiều thông tin có thể, để theo dõi và truy soát những người họ muốn khi cần thiết. Tôi cho rằng, đây cũng là một chủ trương mà Bộ Công an Việt Nam đang hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc, nhất là trong chuyến đi từ ngày 12 đến 16 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Công an Tô Lâm đến Trung Quốc.
Tại đó đã có những ký kết và cam kết thực hiện nội dung, tôi có đọc, là hai bên tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trên lĩnh vực quản lý dân cư, quản lý xã hội trên nền tảng số. Có nghĩa là Việt nam sẽ dần dần thực hiện như Trung Quốc. Tôi e ngại đến một lúc nào đó, Việt Nam cũng sẽ chấm điểm công dân như Trung Quốc. Đó là điều rất tồi tệ.”
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là hai dự án được triển khai từ tháng 6 năm 2021, do Bộ Công an chủ trì. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết xây dựng, triển khai hai dự án này hôm 22 tháng 6 năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân chính thức đi vào hoạt động là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.
Là một chuyên gia về công nghệ thông tin ở Úc luôn theo dõi tình hình trong nước, ông Hoàng Ngọc Diêu nêu quan điểm của ông với RFA về việc Bộ Công an muốn thu thập cả nhóm máu, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người dân với lý do phục vụ công tác quản lý dân cư:
“Đối với nhóm máu của mỗi cá nhân, chỉ có Bộ Y tế mới có quyền thu thập thông tin này với sự đồng ý của mỗi cá nhân, và thông tin này là thông tin mật và thuộc về y tế. Không có lý do gì mà Bộ Công an lại thâu thập nhóm máu của công dân. Còn số thuê bao điện thoại di động là sở hữu cá nhân và số này có thể thay đổi liên tục, tuỳ hoàn cảnh. Không có lý do gì mà Bộ Công an lại thu thập số điện thoại di động của công dân. Địa chỉ thư điện tử cũng như số điện thoại di động, là những thông tin cá nhân và không có lý do gì để bộ công an thu thập những thông tin như thế.
Ngay cả địa chỉ nhà, tên và tuổi là thông tin chỉ có cơ quan hành chánh dân sự được quyền nắm. Công an không có quyền thu thập những thông tin này. Nếu cần, họ có thể liên hệ với các cơ quan hành chánh để lấy thông tin, tùy trường hợp và phải hợp pháp.
Những cố gắng thu thập thông tin của công dân mà Bộ Công an Việt Nam đã và đang làm trong suốt thời gian mấy chục năm nay chỉ với một mục đích duy nhất: Kiểm soát công dân.”
Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân cũng đang được Bộ Công an soạn thảo với nhiều thay đổi so với Luật căn cước công dân năm 2014 đang có hiệu lực. Theo đó, để tương thích với tên gọi mới của dự thảo luật, Bộ Công an cũng đề xuất đổi thẻ ‘căn cước công dân’ thành thẻ ‘căn cước’; ‘quê quán’ đổi thành ‘nơi đăng ký khai sinh’; ‘nơi thường trú’ đổi thành ‘nơi cư trú’.
Cựu binh Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội nêu quan điểm của ông sáng ngày 25 tháng 10 năm 2023:
“Trong 8 năm qua, Bộ Công an đã có 3 lần loanh quanh mãi với căn cước công dân, thẻ công dân, căn cước công dân 9 số, căn cước công dân 10 số… làm tốn kém ngân sách và làm phiến phức nhân dân.
Người dân trong nước nghi ngại vể chuyện căn cước công dân gắn chip đã đành, họ sợ phía công an, an ninh theo dõi nhất cử nhất động của người dân. Tức là xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dân. Chính vì vậy mà bộ trưởng công an Tô Lâm đã phải lên diễn đàn Quốc hội để giải thích. Nhưng dân vẫn chưa yên tâm. Bây giờ còn thu thập nhóm máu, số điện thoại và địa chỉ e-mail là thừa. Bởi người dân khi mua sim điện thoại đã bọ các nhà mạng đòi hỏi danh tính, chụp ảnh rồi… Còn nhóm máu thì không thuộc lĩnh vực của Bộ Công an mà thuộc Bộ Y tế.
Hiện nay đất nước mở cửa nên quyền con người phải được tôn trọng. Nếu Bộ Công an cứ nay thu thập cái này, mai thu thập cái khác thì người dân sẽ mang tâm lý là công an đang tước đoạt dần quyền riêng tư, quyền tự do của người dân. Bộ Công an nên tìm hiểu cách làm của các nước dân chủ kết hợp với đặc thù văn hóa, tập quán, phong tục của Việt Nam.”
Hiện nay, người dân có nhiều loại giấy tờ chứng minh nhân thân như chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch, căn cước công dân gắn chip…
Hiện nay đất nước mở cửa nên quyền con người phải được tôn trọng. Nếu Bộ Công an cứ nay thu thập cái này, mai thu thập cái khác thì người dân sẽ mang tâm lý là công an đang tước đoạt dần quyền riêng tư, quyền tự do của người dân. Bộ Công an nên tìm hiểu cách làm của các nước dân chủ kết hợp với đặc thù văn hóa, tập quán, phong tục của Việt Nam. - Cựu binh Nguyễn Khắc Toàn
Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ trong phiên họp về vấn đề này hồi tháng 8 vừa qua nhấn mạnh, phải xem xét kỹ các điều khoản áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp, vì nếu không đầy đủ, rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn ách tắc, bất cập, sai lệch trong quá trình thực hiện luật.
No comments:
Post a Comment