Thursday, January 7, 2021

Không có cầu, dân Quảng Nam kết bè bằng thùng nhựa vượt sông

 QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Hàng chục gia đình ở làng Tắc Rối, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, phải dùng tám thùng nhựa kết lại với nhau để làm bè đi lại hằng ngày và vận chuyển hàng hóa qua sông Tranh rất mạo hiểm.

Do không có cầu từ làng bắc qua sông Tranh rộng khoảng 70 mét để ra bên ngoài, nhiều năm qua hơn 40 gia đình với khoảng 250 người ở làng Tắc Rối, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, chỉ còn cách mùa nắng thì dùng thuyền, bè qua sông, mùa mưa nước lũ thì đành bám trụ ở làng, khiến việc đi lại của người dân bị hạn chế, thụ động.

Chiếc bè thứ năm mà người dân làng Tắc Rối tự làm để vượt sông Tranh. (Hình: Thanh Thắng/VOV)

Theo báo VNExpress, do bờ sông bị sạt lở ngày càng nặng, hồi Tháng Năm, 2019, chính quyền huyện Nam Trà My đã sắp xếp lại khu dân cư. Làng Tắc Rối mới được hình thành trên bãi đất tương đối bằng phẳng, phía sau là những ngọn núi cao, phía trước là dòng sông Tranh. Quốc lộ 40B nằm bên kia sông, song cũng không có cầu nối vào làng.

Bà Hồ Thị Vân (35 tuổi ở làng Tắc Rối), cho hay đã có một số trường hợp chết đuối do cố gắng lội qua sông, trong đó có một giáo viên tiểu học… Nhiều người đau ốm không thể qua sông đến bệnh viện kịp thời.

Thế là những ngày cuối năm 2020, sau khi vận động chuẩn bị đủ vật liệu gồm thùng nhựa, ván gỗ và dây thừng, đinh sắt…, người dân làng Tắc Rối đã cùng nhau làm một chiếc bè rộng 4 mét vuông, có sức chứa khoảng 500 kg để hằng ngày qua lại con sông Tranh nước chảy cuồn cuộn. Họ kéo dây cáp qua sông, nối chiếc bè vào sợi dây cáp bằng ròng rọc. Khi cần di chuyển bè, người trong bờ dùng dây kéo.

“Từ ngày về làng mới, người dân dùng ghe thuyền để qua sông nhưng chỉ chở được ít người. Giờ đi bè chở được nhiều người và hàng hóa hơn, song chúng tôi vẫn lo bởi bè thường chao nghiêng mỗi khi nước chảy xiết,” ông Hồ Văn Thịnh (37 tuổi, ở làng Tắc Rối) cho biết.

Theo ông Thịnh, bè chỉ giúp người dân đi lại lúc thời tiết bình thường, còn nếu trời mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh thì dan làng Tắc Rối như bị cô lập.

“Nước sông dâng lên sẽ khiến học sinh bán trú ở xã xã Trà Tập cuối tuần không thể về nhà, hoặc nếu đã về nhà trước đó thì không thể trở lại trường học. Trường hợp ốm đau gặp nước lớn cũng không thể đưa đi cấp cứu,” ông Thịnh lo lắng nói thêm.

Khi qua sông, người dân đi bè phải dùng tay để kéo rất nguy hiểm. (Hình: Đắc Thành/VNExpress)

Trả lời báo VNExpress về việc tại sao chính quyền không xây cầu cho dân làng, ông Trần Văn Mẫn, phó chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết huyện đã nhiều lần đề nghị với cấp có thẩm quyền xây cầu qua sông Tranh nhưng “chưa có kết quả.”

“Vừa qua, chúng tôi có khảo sát xây dựng cây cầu treo khoảng 2.5 tỷ đồng ($108,170), nhưng chưa có nguồn kinh phí để bố trí xây dựng. Đây là vấn đề rất lớn của huyện. Từ nay đến năm 2025, nếu không vận động được nguồn vốn thì huyện sẽ bỏ ngân sách ra làm để bảo đảm có cây cầu cho khu vực này,” ông Mẫn hứa hẹn.

Ông Lê Văn Bốn, giáo viên điểm trường Tắc Rối, thuộc trường phổ thông Dân Tộc Bán Trú Tiểu Học Trà Tập, huyện Nam Trà My, cho biết ông đã đi dạy ở miền núi hàng chục năm nay, nhưng Tắc Rối là điểm trường phải đi qua lại con sông Tranh bằng thuyền và bè đáng sợ nhất.

Nói thêm với báo VOV Đài Tiếng Nói Việt Nam, ông Hồ Văn Thịnh bày tỏ: “Đây là đợt thứ năm người làng vận động cùng nhau làm bè để cho bà con vượt sông bởi vừa rồi có hai người bị lật thuyền, nhưng may mắn có người vớt được. Những người không biết bơi đi bè ai cũng lo sợ, hoang mang, nhưng vì công việc, đói nghèo nên buộc phải đi thôi. Ước mơ lớn nhất là người dân nơi đây là có một cây cầu giúp mọi người qua lại sông Tranh dễ dàng hơn.” (Tr.N) [qd]

No comments:

Post a Comment