Chuẩn nghèo mới và kêu gọi của thủ tướng VN đừng để ‘tầng trên sung sướng, tầng dưới khó khăn
Hình minh hoạ. Khu nhà ổ chuột bên kênh Xuyên Tâm ở thành phố Hồ Chí Minh-AFP
Việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia là căn cứ nhằm xác định, nhận diện chính xác, toàn diện hơn về nghèo, cận nghèo đa chiều, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện.
Theo Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương hôm 29/12/2020, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới, giai đoạn 2021-2025, là cơ sở để đưa ra các chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững. Tiêu chí đo lường nghèo đa chiều bao gồm thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn nghèo đa chiều nằm trong khái niệm của sự phát triển bền vững do Liên Hiệp Quốc đề ra, Việt Nam dựa vào đó để quyết định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia của mình, là giải thích đầu tiên của kinh tế gia Phạm Chi Lan, nguyên Phó phòng Thương Mại- Công Nghiệp, hiện là nhà nghiên cứu độc lập trong nước:
“Trong mục tiêu mới SDG Phát Triển Bền Vững có nói đến chuẩn nghèo đa chiều chứ không phải nghèo bình thường”
“Nghèo đa chiều còn nói đến cả cuộc sống về văn hóa về tình thần của người dân. Phải xem xét cả các vấn đề như khả năng tham gia học hành rồi là hưởng thụ các sản phẩm văn hóa vân vân…
Việt Nam, vẫn lời nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan, cũng đã nêu chuẩn nghèo đa chiều mấy năm nay, bây giờ đưa ra chỉ số cho giai đoạn 5 năm trước mắt:
“Tôi nghĩ rất cần bởi vì Việt Nam đang phấn đấu để 2025 trở thành một nước thu nhập trung bình, ra khỏi mức nghèo và trở thành mức vừa để rồi tiến tới mức trung bình cao. Chính vì vậy nên cần xác định rõ hơn”
Dựa trên các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng. Chuẩn nghèo khu vực thành thị là 900.000 đồng/ người/tháng.
Hộ cận nghèo khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người một triệu đồng, còn khu vực thành thị là 1triệu 300 ngàn đồng:
“Thu nhập tính bình quân như vậy rõ ràng cũng mới chỉ là hợp với yêu cầu và điều kiện sống của Việt Nam hiện nay thôi. Hai nữa, con số tuy nhỏ nhoi nhưng ở Việt Nam nếu tính theo sức mua tính theo giá tương đương thì mức đó đối với chuẩn nghèo ở Việt Nam tôi nghĩ có thể chấp nhận được. Về giá sinh hoạt bình thường thì giá cả ở Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các nước khác. Thí dụ một tô phở ở Mỹ là 10USD thì ở Việt Nam chừng 1USD thôi, nó khác nhau nhiều và mọi thứ khác cũng vậy.”
Bằng cái nhìn thực tế của một nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích tiếp:
“Thứ ba nữa, thực tế cuộc sống người dân, nhất là vùng nông thôn, còn có thêm phần sản xuất tự cấp. Thí dụ đồ ăn thức uống hàng ngày, rau củ, chăn nuôi gia cầm, heo… cũng là có cái vừa để bán vừa để dùng. Thế cho nên có nhiều thứ trong sinh hoạt của dân và người ta có nhiều cách khác nhau để bù đắp được, và nếu tính vào thu nhập thì nhiều khi không tính ra vì nó là cái phần mang tính tự cấp tự túc”.
Nhìn chung thì chuẩn nghèo đối với Việt Nam, mà Thủ tướng Chính phủ cho ban hành cuối năm 2020, tính ra phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay, bà Phạm Chi Lan khẳng định:
“Tôi thấy đưa một con số rõ ràng hơn ở các khu vực là để tránh cách tính mà cứ nói là “thu nhập bình quân đầu người tăng cao”, nhưng mà thu nhập bình quân đầu người tăng cao đó nhiều khi cái phần cao thuộc về một số rất ít người, còn nếu mà chia bình quân cho người thu nhập thấp hơn họ hàng trăm hoặc hàng ngàn lần thì rốt cuộc là đông đảo người ở mức thu nhập thấp hơn trên thực tế không được cải thiện bao nhiêu. Cho nên tính rõ ra như vậy là việc rất cần thiết”.
Cần thiết để Chính phủ đo lường được khoảng cách xã hội và công việc xóa đói giảm nghèo một cách thực chất. Muốn hướng tới một nước thu nhập trung bình cao, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, thì rất cần thu nhập vừa cao lên vừa có sự công bằng nhiều hơn nữa trong xã hội.
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, chuyên gia UNDP - Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, từng có thời gian 3 năm làm việc ở Hà Nội và sau đó là các nước đang phát triển khác, nhận định:
“Có con số thì tương đối là khá hơn rồi. Nếu Việt Nam nói là 700.000/người/tháng tại nông thôn thì trung bình người nghèo được 1USD/ngày thôi; 900.000/người nghèo/một tháng ở thành phố thì chỉ 1,3 USD/ngày thôi. So với các nước Á Châu với giá cả hơn Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì tiêu chuẩn còn khá thấp”
Từ nỗ lực xóa đói giảm nghèo 3 thập niên qua, chuyên gia kinh tế Đinh Xuân Quân cho rằng mức thu nhập 1,5 đến 2USD/người/ngày là mức Việt Nam phải và có khả năng đạt được trong 5 năm tới:
“Phải cố gắng rất nhiều để kéo nông thôn lên bằng thành thị. Nông thôn khá được thì thu nhập trung bình của người dân mới lên cao được.”
So với Indonesia, Malaysia, Thái Lan là 3 nước Đông Nam Á đều có giá cả hơi giống Việt Nam với mức sống như là Việt Nam nhưng vấn đề nghèo khó họ tiến cao hơn mình nhiều. Chưa dám nói tới Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, rồi Nam Hàn hay Nhật Bản thì Việt Nam phải cố gắng rất nhiều nữa - TS. Đinh Xuân Quân
Tuy nhiên so với tiêu chuẩn quốc tế, dù như đạt tới 1,5 đến 2 USD/ ngày trong 5 năm tới như dự kiến thì Việt Nam vẫn chưa thể thoát nghèo:
“Tại vì sự cách biệt nông thôn và thành thị còn quá xa. Nông thôn mặc dù giá cả rẻ hơn nhưng muốn có dịch vụ, muốn cho con đi học thì cũng phải trả tiền. Nuôi con heo con gà là mình tự sống nhưng cũng phải trả tiền, hay là các dịch vụ khác mình cần phải có”
“Nhất là bây giờ xã hội Việt Nam bắt đầu có nhiều người lớn tuổi rồi. Phải có người trẻ nhiều thì mới có lao động nhiều. Việt Nam chưa lão hóa nhưng độ tuổi 50 hay 60 bắt đầu nhiều rồi”.
Tóm lại, vẫn theo tiến sĩ Đinh Xuân Quân, kế hoạch 5 năm hay 10 năm để thoát nghèo và nâng thu nhập trung bình từ thấp lên cao hơn của Việt Nam là khả thi nhưng chỉ nằm trong tiêu chuẩn của Việt Nam chứ chưa thể tính theo tiêu chuẩn UNDP Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc đề ra:
“So với Indonesia, Malaysia, Thái Lan là 3 nước Đông Nam Á đều có giá cả hơi giống Việt Nam với mức sống như là Việt Nam nhưng vấn đề nghèo khó họ tiến cao hơn mình nhiều. Chưa dám nói tới Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, rồi Nam Hàn hay Nhật Bản thì Việt Nam phải cố gắng rất nhiều nữa”.
Được biết chuẩn nghèo đa chiều áp dụng từ 2016-2020, ngoài thu nhập và khoảng cách giàu nghèo, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục người lớn; tình trạng học hành của trẻ, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin… là những tiêu chí phải điều nghiên trong giai đoạn đó.
Từ năm 1993, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia. Việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 là kế hoạch mới nhất với những con số.
Một nhà xã hội học trong nước, cô Tăng Duyên Hồng, Giám đốc tổ chức vô vị lợi Coins For Change, cho rằng trong tiến trình nâng mức thu nhập trung bình cho người dân phải có sự so sánh với lân bang chứ không thể chỉ quanh quẩn trong nội bộ và không thấy những sai biệt của mình ở chỗ nào:
“Tăng thu nhập đầu người ở Việt Nam đương nhiên sẽ đạt được kể cả như là chính phủ không có chính sách gì hay ho cả mà cứ thả trôi thả lỏng. Trước đây mình không có TV, không có Internet thì bây giờ từ sự phát triển của thế giới đương nhiên mình cũng có những cái đó”
“Xét theo khả năng tiếp cận đa chiều, khả năng tiếp cận giáo dục, online internet thì chắc chắn mức độ thoát nghèo, mức sống của người dân chắc chắn được cải thiện. Đấy là sự phát triển tự nhiên của con người cũng như nền kinh tế khi nó hội nhập thị trường”
Nếu so sánh với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, cô Tăng Duyên Hồng nhận xét tiếp, e rằng Việt Nam không bắt kịp Campuchia hay Lào với chính sách cởi mở và kinh tế phát triển.
Vẫn theo lời cô, Myanmar trong những năm gần đây cũng đã xóa đói giảm nghèo rất tốt, chưa kể Thái Lan luôn dẫn trên Việt Nam về mức độ phát triển.
Việt Nam đã bán khá nhiều tài nguyên ra ngoài, trong đó quan trọng nhất là tài nguyên về con người. Dịch bệnh khiến Việt Nam không thể tiếp tục xuất khẩu lao động sang các nước như một cách giải quyết công ăn việc làm cũng như thu nhập.
Điều này liệu có làm chậm tiến trình nâng mức thu nhập cũng như mức độ tiếp cận để phát triển của Việt Nam? Nhà xã hội học Tăng Duyên Hồng trả lời:
“Trừ khi Nhà Nước ra lệnh cấm Internet, cấm giao dịch thương mại điện tử, cấm kinh doanh tự do, cấm kinh doanh tư nhân… cấm luôn cả việc sử dụng những sản phẩm của những nước tư bản vân vân… thì mức sống đa chiều của mình không thể nào mà thụt lùi xuống được”.
Số liệu Nhà Nước cho thấy trong giai đoạn 2016 -2019, Việt Nam có hơn 6 triệu người thoát nghèo, 2 triệu người thoát cận nghèo. Năm 2020 cả nước dự kiến chỉ còn 2,75% hộ nghèo.
Theo nguồn từ Bộ Lao động, Thương binh, Xã Hội, Việt Nam phấn đấu đến 2030 trở thành một nước có thu nhập trung bình cao hơn hiện tại. Đến 2045, Việt Nam sẽ là quốc gia có lợi tức cao trong khu vực.
Mới vào ngày 3/1 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Hà Nội, về Đà Nẵng dự chương trình gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu quốc hội ở Việt Nam và tổng kết hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khóa 14. Dịp này, ông Phúc lên tiếng kêu gọi ‘Tết đến nơi rồi, cấp ủy- chính quyền phải lo cho dân; không để tầng trên sung sướng, tầng dưới khó khăn’.
Cộng sản Việt Nam từ những năm 30’ cho rằng cách mạng vô sản mang lại ‘cơm no, áo ấm’ tiêu diệt phong kiến, địa chủ, tư sản bóc lột người dân.
Lý tưởng đó đến nay vẫn chưa thực hiện được mà ngược lại tình trạng phân hóa giàu - nghèo trong xã hội Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn.
No comments:
Post a Comment