Monday, January 18, 2021

Ai bán đứng đồng minh?

 


 Dương Quốc Chính|

Gần đây phía DLV rộ lên quan điểm là “Đừng có tin vào bọn Mỹ, không thấy nó bán đứng đồng minh thân cận là VNCH, để mất Hoàng Sa đấy sao? TQ lấy bãi đá Scarborough từ Philippines mà bọn Mỹ có phản ứng gì đâu, trong khi 2 nước đang là đồng minh quân sự nhé. Tin vào đồng minh Mỹ thì mất hết biển đảo thôi”. Các bạn ấy hò hét là chúng ta phải tự lực tự cường để giữ biển đảo. Nhưng nếu hỏi là làm thế nào để tự cường thì các bạn ấy tịt. Quan điểm trên thoạt nhìn thì đúng, nhưng chỉ là với người thiếu hiểu biết về lịch sử thôi. Mình sẽ phân tích cho rõ.

Năm 74, khi TQ chiếm HS của VNCH thì đúng là Mỹ không cứu cho dù hải quân Mỹ đang ở khá gần, biết thông tin cả. Ngay cả khi ông Thiệu muốn tái chiếm thì chính tùy viên quân sự Mỹ (thay cho cố vấn quân sự) cũng can là thôi, không nên. Đó là sự thật. Nhưng bối cảnh của sự thật đó là VNCH, VNDCCH, Mỹ vừa ký hiệp định Paris năm 73. Trong đó có điều khoản là Mỹ và đồng minh rút toàn bộ quân đội, cảnh sát, cố vấn quân sự, vũ khí, khí tài ra khỏi VNCH và không can thiệp gì vào VNCH nữa. Mỹ là nước dân chủ, quốc hội giám sát tổng thống rất chặt nên Mỹ chả có cách gì can thiệp quân sự vào cuộc chiến Hoàng Sa tuy vẫn là đồng minh của VNCH. Đó cũng là lý do mà quân Bắc Việt dễ dàng chiến thắng năm 75 mà không hề bị Mỹ yểm trợ không kích cho VNCH như hồi mùa hè đỏ lửa năm 72. Nếu xét xa hơn nữa thì Mỹ buộc phải ký HĐ Paris là do sức ép của VNDCCH, thành ra Hoàng Sa bị mất thì nguyên nhân sâu xa là do VNDCCH chứ chả phải do Mỹ bỏ rơi đồng minh. TQ chiếm HS vào thời điểm này chứ trước HĐ Paris thì đố dám.

Về vụ TQ lấy đá Scarborough của Phil. Thì lúc đó đúng là Mỹ và Phi đang có Hiệp ước phòng thủ chung, ký năm 1951, hiệu lực vô thời hạn. Xin lưu ý là vô thời hạn nhé, không liên quan đến việc Mỹ rút quân khỏi Phil, gần đây Phil mới mời Mỹ quay lại đóng quân tại vịnh Subic và căn cứ không quân Clark (từ căn cứ này Mỹ xuất kích ném bom B52 vào Bắc Việt hồi trước 73). Tuy nhiên, trong hiệp ước có chi tiết là:

Điều khoản IV: Mỗi thành viên nhận thức rằng một cuộc tấn công vũ trang ở vùng Thái Bình Dương vào bất cứ bên nào trong hiệp ước sẽ là mối đe dọa đến hòa bình và an ninh của bên đó và tuyên bố rằng họ sẽ đáp trả mối đe dọa theo đúng như hiến pháp của họ quy định.

Các hành động tấn công vũ trang và biện pháp đối phó tương ứng phải ngay lập tức được trình báo lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Các biện pháp đối phó phải ngay lập tức chấm dứt khi Hội Đồng Bảo An đã thực thi những biện pháp cần thiết để vãn hồi và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Điều khoản V: Bổ sung cho điều IV (người dịch: lần nữa, không sát với cụm từ gốc), các hành động được xem như hành động tấn công vũ trang và bất cứ thành viên nào của hiệp ước bao gồm tấn công vũ trang vào địa hạt trung tâm, hải đảo thuộc quyền tài phán trong vùng Thái Bình Dương, quân lực, hải thuyền hoặc phi cơ công cộng của một trong các bên trong hiệp ước.

(hết trích) đoạn trích trên ăn cắp bản dịch của hải quân trung sỹ Mỹ là Le Tran Quangvu link bản tiếng Anh http://avalon.law.yale.edu/20th_century/phil001.asp

Đọc đoạn trên có thể thấy là đảo Scarborough không thuộc phạm vi bảo vệ của hiệp ước, vì đang nằm trong vùng tranh chấp, không thuộc quyền tài phán của Phil. TQ lấy đảo này 1 cách khá lưu manh, hèn hạ là nhân dịp có bão, 2 bên cùng đồng ý rút hết tàu về để tránh bão. Nhưng khi Phil rút về thì TQ nhân cơ hội chiếm luôn đảo bằng cách không cho tàu của Phil quay lại nữa. Có nghĩa là 2 bên không hề có giao tranh quân sự (hải thuyền bị tấn công) nên Mỹ không có lý do để can thiệp theo hiệp ước. Như vậy Mỹ không hề bỏ rơi đồng minh như DLV tuyên truyền.

Trong khi đó, có 1 sự kiện quan trọng và gần gũi hơn cả, là sự kiện TQ lấy đảo Gạc Ma của VN năm 88 trong khi VN và Liên Xô cũng đang có Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ký năm 1978, trong đó có đoạn viết:

Hai bên sẽ trao đổi ý kiến với nhau về tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng có liên quan đến lợi ích của hai nước, trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công, hoặc bị đe doạ tấn công, thì hai bên sẽ lập tức trao đổi với nhau nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để đảm bảo hoà bình và an ninh của hai nước.

(hết trích)

Với hiệp ước này, vào năm 79, khi TQ tấn công VN thì LX có hỗ trợ tương đối cho VN bằng không vận quân đội từ Cam về, cử cố vấn quân sự và viện trợ vũ khí cũng như tập trung quân tại biên giới với TQ để gây sức ép. Tuy nhiên, đến năm 88, khi hiệp ước vẫn còn giá trị (26 năm), Liên Xô lại đang đóng quân tại Cam Ranh, nhưng họ lại không hề có động tĩnh gì cả về quân sự lẫn ngoại giao để phản đối TQ. Lý do là lúc đó LX đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ với TQ. Các bạn có thể tham khảo chi tiết tại báo chính thống của VN bên dưới.

Như vậy, các DLV và các bạn có thể tự thấy cường quốc nào mới thực sự bỏ rơi đồng minh, đơn phương xé bỏ hiệp ước đã ký. VN bây giờ vẫn coi Nga là đồng minh quân sự truyền thống đáng tin cậy nhất, trong khi họ không hề ủng hộ VN về vấn đề biển Đông, chỉ lăm le bán vũ khí cho cả 2 bên. Hãy nhìn tấm gương các đồng minh trong khu vực, có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, như Hàn quốc, Nhật bản, Philippines, Đài Loan xem họ có sợ TQ như VN không?

http://baodatviet.vn/…/cq-88vi-sao-lien-xo-lam-ngo…/…

Dân Hà Nội đang trả giá quá đắt vì sự thờ ơ, tham lam của một nhóm người: Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc!

 


Ô nhiễm Hà Nội đã bứt phá lên vị trí TOP những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, vượt mặt Bắc Kinh và New Delhi, có thời điểm cao gấp 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đến mức Hà Nội phải triệu tập cuộc họp khẩn và đề nghị người dân nên ở trong nhà. Đó chính là tình trạng đang diễn ra tại trung tâm đầu nào chính trị, trái tim của Việt Nam.

Nhân tố “đắc lực” đưa Hà Nội bứt phá lên vị trí TOP thế giới này, theo nhiều nghiên cứu cho thấy các nhà máy nhiệt điện than mọc lên như nấm bao quanh Thủ đô chính là nguyên nhân của tình trạng này. Và không chỉ Hà Nội, dân cả nước đều đang đối mặt với một sự hủy hoại nòi giống đến mức báo động, khi mà bụi mịn trong không khí đã trở nên đặc quánh, đến mức khó thở. Chẳng khác nào bài học Bắc Kinh vài năm trước mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập và khẩn thiết kêu gọi chính phủ ngừng các dự án nhiệt điện than trước khi quá muộn, nhưng hoàn toàn chẳng ai để ý.

Trong khi Trung Quốc đã hoàn tất đóng cửa tổ máy cuối cùng của nhà máy điện Hoa Năng, phía Nam Bắc Kinh vào ngày 18/03/2017, đưa thành phố này trở thành đô thị đầu tiên trong nước chấm dứt sử dụng năng lượng điện từ than đá. Thì cùng thời điểm trên, xung quanh Hà Nội là gần chục nhà máy nhiệt điện than với công suất lớn, được ưu ái thiết kế bao quanh Hà Nội như sợ “đặt” xa một chút thì dân Hà Nội không tận hưởng được từng tầng lớp bụi mịn khí than như bức tranh sương mù hiện nay mà ta thấy.

Nhiều lần các chuyên gia cảnh báo, bầu không khí ô nhiễm, nồng nặc axit của Bắc Kinh mà cả thế giới sợ hãi vài năm trước chính là tương lai của Hà Nội. Người ta còn nói đùa rằng, tại Bắc Kinh, bầu trời xanh duy nhất chỉ có trên màn hình tivi và trong ký ức của người dân mà thôi. Nếu chọn phát triển nhiệt điện than thì những hệ lụy ô nhiễm môi trường, lẫn thiệt hại kinh tế mà Trung Quốc đã và đang gánh chịu sẽ là tương lai của Việt Nam.

Để có công suất điện than hơn 13.000 MW như hiện nay, đổi lại, là con số 4.300 người Việt chết yểu mỗi năm. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất điện than đến năm 2030 sẽ lên tới 55.000 MW. Khi tất cả các nhà máy đi vào vận hành, con số người chết vì nhiệt điện than sẽ tăng lên gấp gần 6 lần, 25.000 người mỗi năm. Lộ trình dường như đã vạch sẵn, và người dân đang phải gánh chịu hậu quả.

Xây dựng nhiệt điện than là đi ngược lại với xu hướng của thời đại, cả nhân loại đang hướng tới năng lượng sạch. Bằng chứng là, ở Châu Âu 109 nhà máy nhiệt điện than đã bị đóng cửa. Ở Mỹ 165 nhà máy nhiệt điện than đã ngưng hoạt động, 179 dự án xây mới bị hủy bỏ. Một số quốc gia cũng đã có lộ trình bỏ các nhà máy nhiệt điện than như Anh đến năm 2025, Pháp đến năm 2023, Canada năm 2030. Trung Quốc, nước sản xuất năng lượng từ than cao nhất thế giới cũng đã đóng cửa nhiều nhà máy nhiệt điện than và ngưng các dự án đang thi công – năm 2016 ngưng 18 dự án điện than, đầu năm 2017 ngưng 85 dự án và mới đây, ngày 18/3 thành phố Bắc Kinh đã cho đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng.

Nhiệt điện than là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Hiện nay, vấn đề xỉ than và tro bay sau quá trình đốt lên đến cả triệu tấn/năm phải làm thế nào ? Ngay cả nước có công nghệ tiên tiến như Mỹ cũng chỉ xử lý được 40% xỉ than.

Hiện Trung Quốc đã đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện than và tương lai sẽ bỏ hoàn toàn, nhưng họ lại làm tổng thầu hầu hết các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến tháng 4/2014, Trung Quốc làm tổng thầu trọn gói 15 trong số 20 dự án nhiệt điện đang thi công (chiếm 75%).

Mức đóng góp vào nồng độ PM2.5 của riêng các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam dự báo 2030

Câu hỏi đặt ra, có hay chăng việc Trung Quốc sẽ sử dụng thiết bị cũ từ nhà máy đóng cửa, tân trang lại rồi bán cho Việt Nam? Và hậu quả tất yếu là ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao… Và không cần chờ 10 năm, 20 năm mới thấy được hậu quả của nhiệt điện than, mà bây giờ nó đã hiện hữu trước mắt đe dọa sinh mạng không chỉ dân Hà Nội, đầu não chính trị của đất nước mà đã trải dài khắp mảnh đất hình chữ S.

Mặc kệ những cảnh báo phát triển nhiệt điện than là đi ngược lại với xu thế thời đại, hay khẳng định của người đứng đầu Chính phủ về việc “Không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt”, dường như người ta vẫn bất chấp mọi hậu quả để “có năng lượng phát triển kinh tế”? Người ta mặc cho đất nước bị tàn phá, mặc sự sống của người dân. Bài học từ việc phá rừng, xây dựng thủy điện, khai thác boxit, Formosa… Sinh lực đất nước đang ngày càng cạn kiệt bởi lòng tham không đáy, tầm nhìn hạn hẹp vì lợi ích của một nhóm người nào đó.

Nam Anh

Bóp nặn

 



Nguyễn Thông|

Hôm 9.1 báo VnExpress đăng tin “Theo Thông tư mới của Bộ Tài chính, từ nay đến hết tháng 6.2021, khi người dân chuyển từ chứng minh nhân dân (CMND) 9 số hoặc 12 số sang thẻ căn cước công dân thì mức lệ phí giảm từ 30.000 đồng mỗi thẻ xuống còn 15.000 đồng”.

Phải nói rằng đám có quyền rất vớ vẩn, trắng trợn và tham lam. Bất cứ thứ gì, việc gì cũng tìm cách bóp nặn móc túi dân, ăn tàn bạo.

Tôi hỏi nhà nước và mấy ông công an, cái chứng minh thư (CMND) 9 số của người ta đang hợp pháp, còn thời hiệu sử dụng do chính các ngài quy định, nay các ngài bắt phải đổi sang thứ thẻ mới, đó là lỗi tại ai? Làm sai, sao lại bắt dân trả tiền? Túm lại là rất nhố nhăng.

Tôi đồng ý, những ai thẻ cũ (CMND loại 9 số hoặc 12 số), căn cước công dân mã vạch (vừa mới được ban hành và đưa vào sử dụng) đã hết hạn, bị hư hỏng, làm mất thẻ, giờ xin cấp hoặc đổi cái mới thì phải trả tiền (phí) chi cho công sá, vật liệu. Không ai cho không nhau cái gì. Nhưng thẻ của người ta vẫn còn giá trị, còn hiệu lực thì chính các ngài phải đổi miễn phí bởi sự thay đổi, phiền hà là do chính các ngài gây ra.

Dân không phải cái túi tiền để các ngài muốn móc thì móc nhằm thỏa lòng tham không đáy. Quyền lực trong tay các ngài, nếu dân chúng không đổi thẻ mới sẽ bị biến thành thứ người bất hợp pháp nên dù gì cũng phải đổi. Tuy nhiên đồng thời với việc trả món tiền vô lý, họ lại nuôi thêm mối bất bình, căm giận.

Lạ cho đám báo chí mậu dịch, thấy nhà cai trị thông báo giảm thì tưởng hay ho tốt đẹp nhân ái, cứ tớn lên, khen này khen nọ, làm như nhà nước thương dân lắm ấy.

Là một công dân đang có thẻ hợp pháp, tôi yêu cầu hủy bỏ ngay sự thu tiền vô lý kia. Những người sử dụng CMND 9 số khi đổi phải được miễn phí./.

Nguyễn Thông

Đại hội 13: Năm năm chưa tới đã qua

 Theo VOA/Nguyễn Hùng/19/01/2021

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp những những người bất đồng chính kiến trước thềm đại hội Đảng 13. Photo HRW

Dù Đại hội 13 của Đảng Cộng sản còn chưa diễn ra, năm năm tới đây có thể coi như là thời gian vô nghĩa cho những ai hy vọng vào một xã hội tự do và cởi mở hơn ở Việt Nam.

Ngay cả Văn phòng Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng nói chính quyền Việt Nam gửi ra thông điệp “ớn lạnh” trước thềm đại hội bằng những bản án nặng cho các nhà hoạt động đòi các quyền con người căn bản như tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do biểu tình.

Toà án ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/1 đã kết án ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tổng cộng 37 năm tù vì tuyên truyền chống nhà nước. Chủ tịch và người sáng lập hội Phạm Chí Dũng chịu án 15 năm trong khi hai thành viên Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người bị kết án 11 năm tù.

Bằng việc kết án ngay trước khi Đại hội đảng diễn ra từ 25/1-2/2 với mức án nặng nề, các nhà lãnh đạo bảo thủ của Việt Nam đã dập tắt bất kỳ hy vọng nào vào những tiến bộ về tự do ngôn luật trọng nhiệm kỳ tới của các nhà lãnh đạo mà người ta đang đồn đoán vẫn toàn các gương mặt cũ.

Điều này xảy ra bất chấp những cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người và sự hội nhập sâu hơn với thế giới văn minh về kinh tế, thương mại và đầu tư. Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu EU đã có hiệu lực từ tháng 8/2020 trong khi cuối năm Việt Nam cũng hoàn tất hiệp định với Anh, nước mới rời EU.

Với kinh nghiệm cay đắng ở Trung Quốc, Phương Tây có lẽ không ngây thơ tin rằng quan hệ kinh tế sâu rộng thêm sẽ mang tới những thay đổi về dân chủ và nhân quyền. Nhưng họ vẫn cần thị trường gần 100 triệu dân, cần tới nguồn lao động, đất đai và tài nguyên còn tương đối rẻ để kiếm lời. Họ sẽ vẫn lên tiếng mỗi khi có những vi phạm nhân quyền trắng trợn nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẵn sàng hy sinh những lợi ích thương mại để gây sức ép với Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam hoàn toàn hiểu điều này và họ muốn xử cho thật nặng những người dũng cảm đấu tranh đòi một tương lai tốt đẹp hơn. Mục tiêu là dập tắt những phong trào đấu tranh từ khi chúng mới chỉ là đốm lửa. Điều trớ trêu là họ đang làm những gì mà thực dân Pháp trước đây làm với họ khi chính họ muốn có một tương lai tốt đẹp hơn.

Hôm vừa rồi tôi có dịp nói chuyện với một nhà báo chuyên đưa tin về Việt Nam từ nước ngoài và nghe lời than giờ phỏng vấn chuyện trong nước khó hơn vì quá nhiều nhà hoạt động đã bị bắt. Ngoài nhóm ba người vừa bị kết án, các nhà hoạt động khác như Phạm Đoan Trangba người trong gia đình bà Cấn Thị Thêu gồm bà và hai con trai Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương, nhà văn Phạm Thành và nhiều người khác đã bị bắt.

Năm 2020 đánh dấu 20 năm tôi rời Việt Nam để có thể viết mà không sợ bị tổng biên tập gạch đỏ bài vì sợ quan tuyên giáo, hay bị an ninh sách nhiễu vì không theo lề phải. Thế mới thấy tự do ngôn luận ở Việt Nam dậm chân tại chỗ, thậm chí xấu đi trong hai thập niên qua. Dù điều luật võ đoán tuyên truyền chống nhà nước đã đổi số từ 88 sang 117, bản chất của cả nó lẫn của những người vẽ ra nó vẫn vậy. Nhưng trông mong gì khi câu “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” của Chế Lan Viên còn quá đúng với những người tự xưng là cộng sản cũng như ủng hộ viên của họ.

Tự do ngôn luận đang bị tấn công

 Theo VOAPhạm Phú Khải/19/01/2021

Các nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa ngày 5/1/2021 tại Tp. Hồ Chí Minh. Photo Tiền Phong

Tôi phản đối những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền được nói của bạn cho đến chết (I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it.) - Voltaire

Tự do ngôn luận đang là đề tài nóng hổi tại Mỹ, được sự quan tâm theo dõi của người Việt khắp nơi.

Tự do ngôn luận là một trong các quyền căn bản và tự nhiên nhất của con người. Ai trong chúng ta mà không muốn có quyền được công nhận chính thức và được tự do nói lên những gì mình suy nghĩ, dù cho nó khó nghe và cho dù người ta không muốn nghe. Ai không muốn có quyền và tự do nói điều không thuận tai, không chỉ cho cấp dưới mà nhất là với cấp trên, những người có quyền uy, giới cầm quyền.

Tự do ngôn luận cũng là nền tảng của mọi tự do khác. Không có tự do ngôn luận thì không thể trình bày các quan điểm đúng đắn và những gì được tin là tốt nhất cho chính mình và người khác. Không có, thì sẽ không thể đem lại những thay đổi tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Như thế, chúng ta sẽ không thể tranh đấu cho các quyền và tự do căn bản khác của con người.

Nhưng cũng như mọi sự tự do khác, tự do ngôn luận không thể là tuyệt đối. Nó cần đi đôi với tinh thần trách nhiệm và sự ràng buộc. Không thể dùng nó để phỉ báng, mạ lị người khác. Chẳng hạn, không thể dùng tự do ngôn luận để vu khống, chụp mũ, kết tội và gây tổn thương và uy tín của người khác. Hay để kích động bạo lực, hận thù, chia rẽ v.v… Cũng không thể dùng tự do ngôn luận để phát tán thông tin không trung thực, thuyết âm mưu, sự tuyên truyền dối trá, hay các tin giả độc hại nhằm đánh lừa dư luận.

Câu nói nổi tiếng mang tính triết lý của Voltaire “Tôi phản đối những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền được nói của bạn cho đến chết.” (cho đến nay, theo điều nghiên thì câu nói này rút ra từ niềm tin của Voltaire nhưng do Evelyn Beatrice Hall viết ra) trở thành nguyên tắc của tự do ngôn luận, đặc biệt trong Tu Chánh Án 1 của Hiến pháp Mỹ. Nếu đó là Voltaire, và nếu Voltaire còn sống, thì tôi không thể tưởng tượng rằng ông sẽ bảo vệ quyền được nói cho những lời kêu gọi đầy hận thù và bạo động của Nhà nước Hồi giáo (ISIS), hay bao nhiêu những xu hướng tôn giáo và chính trị khác nhau mang đầy hận thù và bạo động như thế.

Tự do ngôn luận là một nhu cầu quan trọng của người Việt Nam, nhưng dường như nó chưa bao giờ được xem là khẩn cấp.

Phải chăng đây là lý do văn hóa, xã hội?

Đời sống vật chất vẫn luôn chiếm mối quan tâm và sự ưu tiên hàng đầu của đại đa số người Việt, mặc dầu người dân không còn thiếu ăn thiếu mặc như xưa.

Mối quan hệ của người Việt là một thứ quan hệ cấp bậc. Không có gì biểu hiện rõ hơn mối quan hệ này qua cách xưng hô của người Việt. Nó nói lên được cấp bậc trong gia đình, trong khi xã hội chỉ là một gia đình mở rộng.

Trong mối quan hệ chằng chịt và cấp bậc này, những tiếng nói thấp cổ bé miệng, cho dù đúng đắn và chính xác, cũng không dễ dàng gì được lắng nghe hay chấp nhận, ngoại trừ người đó có quyền hay có tiền (trong xã hội vật chất, có tiền là có quyền, và có quyền là có tiền). Dường như trong gia đình và xã hội Việt Nam, một người chỉ được lắng nghe nếu có quyền lực hoặc ảnh hưởng (power or influence). Còn tiếng nói của trí tuệ, lý luận, lẽ phải, sự thật v.v… cũng chỉ là thứ yếu. Nó thường bị gạt ra bên lề xã hội.

Có lẽ người Việt bị đè nén quá lâu, bị điều kiện hóa từ bao đời, bao ngàn năm dưới các triều đại phong kiến, rồi quân chủ tuyệt đối, cho đến thực dân rồi cộng sản. Tất cả các chế độ chuyên chế đều không chấp nhận bất kể điều gì, dù đúng đắn mấy, nhưng có nguy cơ thách thức quyền lực cai trị của họ. Mọi chế độ chuyên chế đều xem quyền lực là thước đo của quyền được nói, kể cả láo phét. Cho nên hiển nhiên, tự do ngôn luận là một thách thức lớn nhất của các nhà chuyên chế. Là những nạn nhân lâu đời, nên phần lớn người Việt vẫn chưa hoàn toàn ý thức và tự chủ về nhu cầu tự do ngôn luận của mỗi con người. Trong gia đình Việt Nam, chẳng hạn, tự do ngôn luận chủ yếu được ưu tiên và định hình theo cấp bậc. Vì thế, cho đến khi nào điều này thay đổi, nghĩa là tự do ngôn luận được tôn trọng một cách tương đối cho mọi thành viên, thì gia đình và xã hội Việt Nam cũng chỉ thay đổi bề ngoài, không phải thực chất tinh thần bên trong.

Tự do ngôn luận không phải là nói để làm vừa lòng người khác, bởi nói điều đó không cần quyền hay tự do. Tự do ngôn luận là nói lên các ý kiến khác biệt; thẳng thắn phê bình vì mục đích “chân, thiện, mỹ”; thách thức các ý kiến và quyết định của cấp trên, hay của giới cầm quyền, vì muốn bảo vệ và đề cao các giá trị và nguyên tắc đúng mực của con người v.v…

Trong trường hợp Việt Nam, tự do ngôn luận, theo chuẩn mực trên, là thứ khan hiếm tại Việt Nam. Nhưng là điều dễ hiểu.

Một thành phần không nhỏ tại Việt Nam, gồm hơn bốn triệu đảng viên đảng cộng sản, gia đình của họ, cũng như những người ít nhiều được hưởng lợi từ chế độ cầm quyền hiện nay, sẽ biện minh cho chính thể chuyên chế. Nếu không biện minh thì cũng im lặng. Họ không có lý do gì để phải lên tiếng phê bình, phản đối. Ngoài lợi ích cá nhân và gia đình, đánh đổi để có được tự do ngôn luận là cái giá quá đắt. Có người đã làm và đã trả giá, nhưng kết quả vẫn xa vời vợi. Trường hợp mới nhất là nhà báo Phạm Chí Dũng, bị kết án 15 năm tù và Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm. Hay trường hợp của nhà báo Phạm Đoan Trang. Hiểu rằng, những kẻ xâm phạm ở đây là những người đưa ra quyết định phi lý bất công dành cho các tù nhân lương tâm này, và đồng bọn quyền lực đứng đằng sau.

Sự tước đoạt và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận một cách thô bạo như tại Việt Nam sẽ tiếp diễn cho đến khi nào phần lớn xã hội dám đứng lên đấu tranh, và sẵn sàng đánh đổi những thứ khác, để có được tự do ngôn luận đích thực. Nhưng tự do ngôn luận sẽ không có nghĩa lý gì nếu nó chỉ là lý thuyết. Khi nào những người thấp cổ bé miệng, như người nghèo, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ v.v… vẫn không được quyền, hay không dám nói, những gì mình nghĩ, và không thể thể hiện trong cung cách sống và hành xử giữa con người với nhau, thì nó chẳng có giá trị gì cả.

Một khi đã có quyền và tự do ngôn luận thì việc đó cũng không có nghĩa là vĩnh viễn. Đại đa số người dân phải cam kết và nỗ lực bảo vệ nó, và mọi thế hệ cần phải tiếp tục công việc này không ngừng nghỉ.

Cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận tại Việt Nam ngày càng khó khăn hơn khi chính nó đang gặp bao thử thách ngay tại những nền dân chủ hàng đầu trên thế giới: Những phát biểu xiển dương bạo lực, hận thù (hate speech); tin giả và tuyên truyền (misinformation/ disinformation); truyền thông xã hội và sự thiếu quy định hóa (regulation/regularization) các cơ quan này để ngăn ngừa sự lạm dụng về phát biểu hận thù và phát tán tuyên truyền lây lan v.v…

Nhìn chung, tự do ngôn luận đang bị tấn công từ hai mặt trận với những tác hại khủng khiếp. Một, nó bị bóp nghẹt tối đa bằng mọi lý do nguỵ biện từ các chính thể chuyên chế. Hai, nó bị làm mất giá trị bởi chính những kẻ vô minh lạm dụng và chà đạp từ cả chính thể chuyên chế và dân chủ.

Những người tự do và tôn trọng sự thật, và những người đang tranh đấu cho tự do để có sự thật, đang bị tổn hại nặng nề vì hai cuộc tấn công này. Kẻ hưởng lợi chính không ai khác là độc tài chuyên chế.

Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục hô hào ‘củng cố tin cậy chính trị’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN và Trung Quốc lại hô hào “tiếp tục củng cố tin cậy chính trị” nhân dịp kỷ niệm 71 năm thiết lập bang giao giữa “hai nước Cộng Sản anh em.”

Tờ Lao Động hôm Thứ Hai, 18 Tháng Giêng, 2021, viết: “Nhân kỷ niệm 71 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18.1.1950 – 18.1.2021), Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao đổi điện mừng với Tổng Bí thư, Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ Tướng Quốc Vụ Viện Lý Khắc Cường, Ủy Viên Trưởng Ủy Ban Thường Vụ Đại Hội đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc Lật Chiến Thư.”

Dân Hà Nội biểu tình ngày 19 Tháng Giêng, 2017, tưởng niệm các chiến sĩ VNCH hy sinh khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974. (Hình: AFP/Getty Images)

Cùng với những điện văn chúc mừng lẫn nhau một cách hình thức như vừa kể, chỉ có một lần trao đổi kêu gọi hợp tác, tình nghĩa ở cấp thấp “bằng hình thức ghi hình” giữa ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Nông Nghiệp và Xây Dựng Nông Thôn với đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Xiong Bo (Hùng Ba). Điều này chứng tỏ mối quan hệ giữa “hai nước Cộng Sản anh em” không mấy mặn nồng.

Không có “giao lưu biên giới,” không có ca múa tuyên truyền, không có những bài bình luận về tình nghĩa đồng chí anh em núi liền núi sông liền sông như những năm trước.

Trong bản tin “Tiếp tục củng cố tin cậy chính trị Việt Nam-Trung Quốc,” tờ Lao Động viết rằng: “Việt Nam chân thành mong muốn cùng Trung Quốc thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao, tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, kiểm soát tốt bất đồng.”

Trong đó, thuật lời ông Nguyễn Xuân Cường ca ngợi: “Quan hệ láng giềng hữu nghị ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’ do Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Chủ Tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp đã trở thành là tài sản chung quý báu của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước cùng có trách nhiệm gìn giữ, kế thừa và phát huy.”

Ông Cường tảng lờ những ức hiếp của đàn anh phương Bắc trên Biển Đông để nói ngược lại sự thật là “mặc dù chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng quan hệ Việt-Trung tiếp tục duy trì xu thế phát triển.” Và “tin tưởng, trong thời gian tới, với sự nỗ lực chung của hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước sẽ không ngừng được củng cố, phát triển và đi vào chiều sâu.”

Đáp lại, Đại Sứ Trung Quốc tại Hà Nội Hùng Ba được tờ Lao Động thuật lời, “Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam củng cố tin cậy chính trị, nắm vững phương hướng phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước, duy trì trao đổi cấp cao, mở ra cục diện mới và khởi động những bước tiến thuận lợi cho quan hệ Trung-Việt thời kỳ mới.”

Tàu Cảnh Sát Biển CSVN bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc chận đường khi lực lượng hai bên đối đầu ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa hồi Tháng Năm, 2014. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Trên trang mạng Tân Hoa Xã, có bản tin tường thuật cuộc trao đổi qua mạng giữa hai ông Hùng Ba và Nguyễn Xuân Cường với những lời lẽ tuyên truyền tương tự. Ông Hùng Ba còn nhắc cho ông Cường biết rằng mậu dịch hai chiều giữa hai nước đạt được hơn $190 tỉ năm 2020. Đồng thời Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài đứng hàng thứ ba tại Việt Nam.

Hôm Chủ Nhật, 10 Tháng Giêng vừa qua, Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo đưa ra lời đe dọa CSVN là “hãy ngừng nhảy múa với Mỹ và kích động rắc rối, nếu không (chúng mày) sau cùng sẽ tự làm hại mình.”

Lời đe dọa vừa kể tuy mượn lời “các nhà phân tích” nhưng chỉ là cách viết ném đá giấu tay của Bắc Kinh khi đưa tin Ngoại Trưởng Vương Nghị đi thăm bốn nước ASEAN từ ngày Thứ Hai, 11 Tháng Giêng, “giúp củng cố tình hữu nghị với các nước sau khi đã trải qua một số xáo trộn và thụt lùi những năm gần đây.”

Vương Nghị không tới Hà Nội dù mấy tháng qua, ông ta đã đi hết các nước ASEAN, trừ Việt Nam, để vận động họ đừng theo Mỹ chống lại Bắc Kinh.

Ngày mà Hà Nội kỷ niệm thiết lập bang giao với Bắc Kinh cũng là ngày dân chúng Việt Nam tưởng nhớ các chiến sĩ Hải Quân VNCH bỏ mình vì nước khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa chống lại Trung Quốc xâm lược. (TN) [kn]

Lính Trung Quốc học Anh ngữ, đe dọa chiếm đảo trên Biển Đông

 BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Lính Trung Quốc được học Anh ngữ, chuẩn bị cho chiến tranh, kể cả chiếm các đảo trên Biển Đông của các nước khác.

Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Hai, 18 Tháng Giêng, viết rằng: “ Lính Trung Quốc đồn trú trên Biển Đông đang được học ngôn ngữ chiến trận bằng Anh ngữ để tránh hiểu lầm và tránh đánh giá sai khi đối địch với lực lượng các nước khác ở vùng biển tranh chấp.”

Lính Trung Quốc ngồi học Anh ngữ trong phòng học với dụng cụ thính thị. (Hình: SCMP)

Tấm hình trên báo SCMP đi kèm bài viết là lính Trung Quốc ngồi học trong phòng với dụng cụ thính thị. Nhưng hình ảnh và video clip phổ biến trên trang Twitter của tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 17 Tháng Giêng cho thấy một nhóm lính Trung Quốc ngồi học nói tiếng Anh trên bãi biển, có vẻ như tại một hòn đảo nào đó trong quần đảo Hoàng Sa.

Chú thích của tấm hình trên Twitter của Hoàn Cầu Thời Báo qua câu Anh ngữ họ được học là “các anh đang bị bao vây. Hãy đầu hàng.” Và “Bộ Tư Lệnh Quân Khu phía Nam gửi thông điệp rõ ràng cho ‘quân địch’ trên Biển Đông khi học tập, bằng Anh ngữ.”

Rõ ràng họ nhắm vào lực lượng đồn trú của các nước nhỏ khu vực đang trấn giữ một số đảo tại quần đảo Trường Sa gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia mà Việt Nam có lực lượng trấn giữ nhiều đảo nhất, những cái gai to nhất.

Theo SCMP thuật theo mạng truyền hình Trung Quốc CGTN, việc dạy Anh ngữ cho lính đồn trú trên Biển Đông là cần thiết và phải được trau dồi.

Trong một cuộc tập trận gần đây ở một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, SCMP nói, một phần trong cuộc tập trận thấy gồm cả dùng Anh ngữ khi đối địch với kẻ địch. Người ta nghe thấy một người lính la lớn bằng Anh ngữ: “Các anh đã bị bao vây. Hãy đầu hàng.”

Hải Quân Trung Quốc cũng dùng Anh ngữ để xua đuổi các tàu nước ngoài trên Biển Đông. Gần đây nhất, họ xua đuổi các tàu thương mại khi đến gần các vùng biển mà Hải Quân Trung Quốc tập trận.

Những ngày cuối năm 2020 sang đầu năm 2021, Hải Quân Trung Quốc đã đưa cả mẫu hạm Liêu Đông tới tập trận ở bốn khu vực phía Nam đảo Hải Nam suốt 10 ngày.

Trong năm vừa qua, cả Mỹ cũng như Trung Quốc đã tổ chức rất nhiều cuộc tập trận quy mô trên Biển Đông không kể những chuyến đi “tự do hải hành” của Hải Quân Mỹ thách đố tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh.

Lính Trung Quốc ngồi học Anh ngữ trên bãi biển của một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Twitter/Global Times)

Tạp chí National Interest từng nhiều lần cảnh báo rằng nếu chiến tranh thế giới lần thứ ba xảy ra, Biển Đông là một trong những điểm nóng nhất. Tuy không nước nào muốn chiến tranh, nhưng theo dõi những nỗ lực đóng tàu chiến và máy bay, hỏa tiễn tầm xa của Trung Quốc vừa nhiều vừa nhanh được ví như “gà đẻ,” trong khi Mỹ cũng không hề thấy xuống thang lên án Bắc Kinh, nguy cơ xung đột võ trang càng ngày càng thấy gần hơn.

Tin tức gần đây từ Washington, DC. nói Tổng Thống Mỹ tân cử Joe Biden dùng ông Kurt Campbell làm một cố vấn đối phó với Trung Quốc ở khu vực Á Châu. Một số nhà bình luận thời sự tin rằng điều này báo hiệu chính sách của Mỹ sẽ không mấy hòa hoãn hay thụt lùi trong chính sách về Biển Đông và Hoa Đông mà Bắc Kinh muốn.

Ông Kurt Campbell từng là phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Vụ của Bộ Ngoại Giao dưới thời Tổng Thống Barack Obama.

Chỉ còn vài ngày là mãn nhiệm chức vụ ngoại trưởng Mỹ nhưng ông Mike Pompeo, hôm 14 Tháng Giêng, vẫn phổ biến một bản tuyên bố lên án Bắc Kinh “quấy rối các nước khác khai thác dầu khí” cũng như cho các tàu đánh cá (dân quân biển) và tàu khảo sát được tàu quân sự hộ tống xâm phạm các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khu vực Biển Đông. (TN) [kn]

Làm giả hồ sơ đi Mỹ, cựu giám đốc Sở Ngoại Vụ Khánh Hòa lãnh 7 năm tù

 KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Cựu giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh Khánh Hòa bị cáo buộc tội làm giả hồ sơ xin visa đi Mỹ và sai phạm tài chính.

Sáng 18 Tháng Giêng, tòa án thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã tuyên bản án bảy năm tù với Nguyễn Quốc Trâm (53 tuổi, trú phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang), cựu giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh Khánh Hòa, vì phạm hai tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Giả mạo trong công tác.”

Bị cáo Nguyễn Quốc Trâm, nguyên giám đốc Sở Ngoại Vụ tại tòa án. (Hình: Xuân Ngọc/VNExpress)

Các báo nhà nước cho biết, đồng phạm với ông Trâm là Nguyễn Thụy Phương Thảo (33 tuổi, ở phường Phước Tân, thành phố Nha Trang), nguyên nhân viên kế toán Sở Ngoại Vụ, bị tuyên án ba năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Ngoài án tù, hai bị cáo Trâm và Phương Thảo bị buộc phải liên đới bồi thường cho nhà nước số tiền hơn 46 triệu đồng ($1,995).

Báo VNExpress dẫn cáo trạng cho biết hồi năm 2015-2016, ông Trâm đã ra lệnh cho cấp dưới làm giả tài liệu, bảng lương để bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo (41 tuổi, ở phường Vĩnh Thọ), một lao động tự do giữ chức phó Chánh Văn Phòng Sở Ngoại Vụ tỉnh Khánh Hòa.

Sau đó, ông Trâm chỉ đạo cấp dưới làm giả thư mời của tập đoàn Trần Group, nội dung là mời ông Trâm và Thảo đến Mỹ. Tất cả tài liệu gồm “công hàm giả” và “thư mời giả” đều được ông Trâm cho dịch sang tiếng Anh để hoàn tất hồ sơ gởi Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đề nghị cấp thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ cho ông và bà Ngọc Thảo.

Cả hai hồ sơ của ông Trâm và bà Ngọc Thảo đều được Sứ Quán Mỹ phê duyệt. Bà Thảo sau đó đến Mỹ trót lọt và hiện chưa rõ đã quay về nước hay đã tìm cách ở lại Mỹ.

Một tấm hình đăng tải trên Cổng Thông Tin Điện Tử tỉnh Khánh Hòa cho thấy ông Trâm hiện diện trong chuyến đi Mỹ hồi Tháng Sáu, 2015.

Tờ Tuổi Trẻ cho hay hồi năm 2017, ông Trâm đã bị điều chuyển làm phó chủ tịch Liên Hiệp Các Tổ Chức Hữu Nghị tỉnh Khánh Hòa, do Sở Ngoại Vụ dưới thời ông này “ba năm liền bị xếp hạng trung bình về cải cách hành chính.” Từ Tháng Sáu, 2019 đến Tháng Giêng, 2020, ông Trâm bị bắt tạm giam nhưng rồi được cho tại ngoại.

Hồi Tháng Mười Một, 2020, tòa từng đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó trả hồ sơ để điều tra bổ sung tội giả hồ sơ xin visa đi Mỹ của ông Trâm.

Bị cáo Nguyễn Thụy Phương Thảo bị tuyên án 3 năm tù giam. (Hình: N.V/Khánh Hòa)

Tại phiên xử lần này, ông Trâm thừa nhận sai phạm khi làm công hàm gửi Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ đề nghị làm visa cho bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo. Ông này cho rằng làm theo “chỉ đạo miệng của một lãnh đạo tỉnh.” Mục đích bà Thảo đến Mỹ là để “làm việc với tập đoàn Trần Group bán cổ phần công ty Môi Trường Đô Thị Nha Trang.” Bị cáo cho rằng bản thân “có nhiều thành tích trong công tác,” và xin được “xem xét giảm nhẹ mức án.”

Đối với bà Nguyễn Thụy Phương Thảo, từ năm 2015 đến 2017, theo chỉ đạo của ông Trâm đã lập hồ sơ, chứng từ trong việc thanh toán tiền lương, thưởng, phụ cấp cho nhiều người không phải là nhân viên của Sở Ngoại Vụ, với số tiền hơn 170 triệu đồng ($7,373) từ ngân sách. (Tr.N) [kn]

Hai tuần đầu năm, 2 người chết bất thường trong tay công an

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mới hai tuần lễ đầu của năm 2021 nhưng đã có hai người chết vì tay công an CSVN một cách bất thường, theo báo chí trong nước loan tin.

Tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Bảy, 16 Tháng Giêng thuật lời bà Triệu Ngọc Bình (58 tuổi), cư dân quận 6 cho biết con trai bà là Dương Quốc Minh (22 tuổi) chết không bình thường khi bị tạm giam tại nhà giam Chí Hòa. Minh bị bắt với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” tại quận I, giam tại Chí Hòa từ ngày 6 Tháng Mười Một, 2019 đến nay đã hơn một năm.

Bà Triệu Ngọc Bình chỉ những vết bầm trên tấm hình thi thể con trai là Dương Quốc Minh. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo lời bà Bình, buổi tối mùng 6 Tháng Giêng 2021, công an thông báo cho bà biết là con trai bà “đã chết do tự tử” và yêu cầu bà đến nhận thi thể. Theo tờ Tuổi Trẻ cho biết, nghi can Minh chết trên đường đưa đi cấp cứu tại Bệnh Viện Trưng Vương.

“Sáng hôm sau, tôi được hướng dẫn đến Trung Tâm Pháp Y Sài Gòn ở quận 5 xác nhận thi thể của con. Tiếp xúc thi thể, tôi thấy có rất nhiều vết bầm tím trên người nên đề nghị làm rõ nguyên nhân,” lời bà Bình nói với tờ Tuổi Trẻ.

Nguồn tin kể tiếp là, sau khi khám nghiệm tử thi, ngày 8 Tháng Giêng, 2021, điều tra viên Cơ Quan Cảnh Sát Ðiều Tra Công An Thành Phố Sài Gòn và cán bộ trại tạm giam Chí Hòa đã lập biên bản giao thi thể anh Minh cho bà Bình về lo hậu sự.

“Tôi đã gửi đơn trình báo khẩn cấp đến viện trưởng Viện Kiểm Sát cấp cao tại Sài Gòn, viện trưởng Viện Kiểm Sát Sài Gòn và giám đốc Công An thành phố Sài Gòn, khẩn thiết đề nghị điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của con tôi,” bà Bình nói thêm với nhà báo.

“Tự tử” là cách đổ vạ quen thuộc của công an CSVN mỗi khi nạn nhân chết vì tra tấn, nhục hình để ép cung. Thân thể nạn nhân bầm tím từ đầu tới chân, nội tạng vỡ nát, nứt xương sọ hay gãy xương sườn, xương chân tay, công an vẫn nói là “tự tử” để chối tội giết người.

Trước đó, hôm 13 Tháng Giêng, một người dân tên A Trâm (31 tuổi) thấy treo cổ chết phía sau nhà ở thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

Tờ Thanh Niên cho hay ông Trâm vào rừng đốn ít cây gỗ về sửa nhà nhưng bị công an địa phương “phát hiện, lập biên bản và mời lên làm việc nhiều lần.” Tại sao ông ta chết, đến giờ nhà cầm quyền địa phương vẫn nín lặng.

Trong năm 2020, ít nhất có 8 người chết bất thường trong tay công an CSVN khi mới bị tạm giam để điều tra, không kể hai người đã bị kết án tử hình vì buôn bán ma túy, nói là tự tử chết trong thời gian chờ thi hành án.

Căn nhà nơi A Trâm (31 tuổi) treo cổ ở xã Đăk Ruồng tỉnh Kontum. (Hình: Tiền Phong)

Ngày 25 Tháng Năm, 2020, tờ Tiền Phong thuật lời Nguyễn Xuân Hùng nguyên “Đội trưởng Đội Thanh Tra Pháp Luật Công An Thành Phố Hà Nội” nhìn nhận nạn tra tấn ép cung phổ biến gần như được dung dưỡng.

Ông Hùng nêu lý do xảy ra tra tấn ép cung “vì động cơ thành tích phá án để ép bằng được, thậm chí bức cung, nhục hình, tạo thêm chứng cứ không khách quan. Có những trường hợp làm giả chứng cứ, sửa cả hồ sơ để cố tình buộc tội. Khâu truy tố, xét xử cũng vậy, vì thành tích rồi xử lý ép hoặc bị quy kết như điều tra bảo làm đủ rồi, ông kiểm sát không truy tố là bỏ lọt tội phạm.”

Nhà cầm quyền CSVN ký tên tham gia Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn năm 2013, đến năm 2015 sửa lại Luật Tố Tụng Hình Sự quy định các nguyên tắc: Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người (Điều 10); bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11).

Đồng thời, luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ đầu năm 2016 cũng “nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.” (TN) [kn]

Nguyễn Phú Trọng không chịu buông ghế tổng bí thư

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù quá tuổi và đã từng bị đột quỵ, nhưng ông Tổng Bí Thư Kiêm Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng không muốn buông cái ghế tổng bí thư đảng.

Cuộc họp Trung Ương Ðảng CSVN kỳ thứ 15 vừa kết thúc nhanh chóng trong buổi sáng ngày 17 Tháng Giêng, 2021 sau một ngày rưỡi họp dù dự trù kéo dài đến 3 ngày.

Tổng Bí Thư Kiêm Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng và ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ngồi dự cuộc họp thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội ngày 12 Tháng Mười Một, 2020. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Lý do thật, xác định phải có cuộc họp vừa kể không thấy đề cập, nhưng lời lẽ và những điểm nổi bật công bố trên mặt báo tuyên truyền của chế độ chứng tỏ nội bộ chóp bu đảng phải dứt khoát chia xong ghế “tứ trụ” trước ngày đại hội đảng vào cuối tháng.

Sáng Chủ Nhật, 17 Tháng Giêng, ông Nguyễn Phú Trọng đọc bài diễn văn kết thúc cuộc họp nói rằng “Ủy viên Bộ Chính Trị khóa XII thuộc trường hợp ‘đặc biệt’ tái cử khoá XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà Nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao.”

Theo một số nhà phân tích dựa vào tin tức bị xì ra, Trần Quốc Vượng, “thường trực ban bí thư đảng CSVN,” nhân vật số 2 sau Nguyễn Phú Trọng và là tay chân thân cận của ông Trọng, được cài vào ghế tổng bí thư khóa tới ở kỳ họp đảng số 14, nhưng gặp sự chống đối của các phe cánh khác nên mới dẫn đến kỳ họp thứ 15 để giải quyết cho xong.

“Thông tin không chính thức nhưng đáng tin cậy từ hội nghị cho thấy Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ở lại giữ cương vị tổng bí thư và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đề bạt làm chủ tịch nước. Ông Lê Hồng Hiệp, một phân tích gia thời sự của Viện nghiên cứu chính trị Đông Nam Á ISEAS tại Singapore viết trên tạp chí “Nghiên Cứu Quốc Tế” do ông sáng lập, bài “Lộ diện ‘Tứ trụ’ và sự khó đoán định gia tăng trong chính trị Việt Nam” hôm Chủ Nhật.

Ông Hiệp viết tiếp, “Trong khi đó, vị trí thủ tướng sẽ do ông Phạm Minh Chính, hiện là trưởng ban tổ chức trung ương, tiếp quản, và ông Vương Đình Huệ, nguyên phó thủ tướng chính phủ và hiện là bí thư thành ủy Hà Nội, sẽ trở thành tân chủ tịch quốc hội.”

Phạm Minh Chính, sinh năm 1958, nguyên là tướng công an, từng là thứ trưởng Bộ Công An, hiện là trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Ðảng. Nếu những gì ông Hiệp biết được từ cuộc họp Trung Ương Ðảng CSVN vừa diễn ra ở Hà Nội là chính xác, nó chứng tỏ các đấu đá nội bộ chóp bu gay gắt trong bí mật, buộc phải thỏa hiệp.

Nguyễn Phú Trọng, năm nay đã sang tuổi 78. Ông ta đã quá tuổi nghỉ hưu từ kỳ được bầu làm tổng bí thư đảng lần đầu tiên. Nếu ông ta vẫn ngồi lại là chưa từng có tiền lệ. Thêm nữa, ông ta bị đột quỵ nhẹ vào đúng ngày sinh nhật 14 Tháng Tư, 2019 khi đến tỉnh Kiên Giang. Vì đi đứng không vững, nhiều hoạt động chính thức phải có mặt, ông ta không thấy xuất hiện.

Dân thất nghiệp đốt củi sưởi ấm trên đường phố Hà Nội trong khi chờ có người gọi đi làm. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Một số nhà phân tích gần đây cho rằng nếu Nguyễn Xuân Phúc, cũng đã quá tuổi nghỉ hưu, không tranh được ghế tổng bí thư sẽ ở lại làm thủ tướng thêm kỳ nữa. Hoặc nếu ông này làm tổng bí thư thì Vương Đình Huệ sẽ làm thủ tướng. Cả hai người vừa kể có hiểu biết kinh tế tài chính và tương đối có tiếng trong việc điều hành guồng máy nhà nước.

Nhưng sự chia chác trong hệ thống đảng CSVN nhiều khi diễn ra khác xa với những dự đoán “logic” của dư luận.

Theo ông Lê Hồng Hiệp “Quyết định của các nhà lãnh đạo Đảng chấp nhận phá vỡ các chuẩn tắc đã được thiết lập để thực hiện những thay đổi này cho thấy rằng họ đã có những mặc cả, thỏa hiệp đáng kể với nhau để biến những giải pháp dường như là không thể trở thành hiện thực.”

Theo đó “Mục tiêu cuối cùng của họ là đưa ra được một cơ cấu lãnh đạo mới được tất cả các phe nhóm chấp nhận. Trong quá trình này, việc thể chế hóa ‘chính trị kế nhiệm’ của Đảng có thể tạm thời bị bỏ qua một bên.”

Chỉ còn một tuần lễ nữa sẽ diễn ra đại hội đảng CSVN, coi như cái kết quả của cuộc họp chia ghế “tứ trụ” đã xong, chỉ chờ ngày hợp thức hoá vào 25 Tháng Giêng. (TN) [kn]