HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông lại có đợt gia hạn vận hành mới đến Tháng Ba, 2021.
Hôm 11 Tháng Mười Hai, truyền thông nhà nước cho hay đây là tuyến đường sắt tốn nhiều giấy mực, sau nhiều lần “đội vốn” và trễ hẹn ít nhất tám lần trong các năm qua.
Dự án dài 13 cây số gồm 12 nhà ga và một khu depot. Tổng mức đầu tư ban đầu gần $553 triệu, sau đó điều chỉnh lên $868 triệu. Trong số này, phần lớn là vốn vay ODA Trung Quốc.
Thời gian vận hành thử toàn tuyến dự trù diễn ra từ ngày 12 đến 31 Tháng Mười Hai, với sự tham gia của 681 người đang được tập huấn và sát hạch chuyên môn.
Trước đó, công trình đường sắt liên tục đội vốn, được nhà cầm quyền CSVN chỉ thị “phải chạy trước Đại Hội 13 (dự trù diễn ra vào đầu năm 2021).”
Tuy vậy, dường như đa số người dân Hà Nội tỏ vẻ không mấy hào hứng với lịch chạy thử hay chạy thật của Cát Linh-Hà Đông.
Luật Sư Nguyễn Danh Huế ở Hà Nội bình luận trên trang cá nhân: “Nếu đường sắt Cát Linh-Hà Đông chỉ dài 13 cây số khi vận hành cần 700 người thì quả là sự phỉ báng cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hàng chục năm trước, các nước Châu Âu đã có rất nhiều nhà ga tàu không có người khi mà bán vé, soát vé, chỉ dẫn hoàn toàn tự động, nhiều tuyến tàu điện mới ở Đức giờ thậm chí còn không cần người lái.”
Luật Sư Danh Huế nhận định rằng ít có quốc gia nào mà lãnh đạo nói nhiều về cuộc cách mạng 4.0 nhiều như lãnh đạo CSVN nhưng trên thực tế, “việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ có sẵn vào đời sống thì chẳng quốc gia nào ít như ở Việt Nam.”
Vị luật sư dẫn chứng rằng ở Hà Nội, tuyến xe buýt nhanh BRT “được đầu tư mấy ngàn tỷ đồng nhưng vẫn chủ yếu chạy bằng cơm [tài xế, phụ xe, nhân viên bán vé] trong khi việc bán vé và soát vé hoàn toàn có thể tự động để tiết kiệm chi phí.”
Dự án Cát Linh-Hà Đông được ghi nhận gắn liền với những phát ngôn cứng rắn của ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, trước thời điểm ông này bị bắt và khởi tố hồi cuối Tháng Tám.
Khoảng hai tháng trước khi vướng vòng lao lý, cựu Chủ Tịch Chung được báo VietNamNet dẫn lời: “Dự án này đã nhiều lần lỡ hẹn, Hà Nội đã thành lập ra một công ty đường sắt để tiếp nhận. Hà Nội chỉ tiếp nhận sau khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn.”
Ông Chung cũng được ghi nhận là giới chức từng mạnh miệng lên báo hứa hẹn đưa tuyến đường sắt này vào vận hành từ… Tháng Mười Hai, 2019, nhưng hiện tại đã một năm trôi qua từ thời điểm này.
Liên quan vụ dự án này nhiều lần “trễ hẹn,” dân mạng nửa đùa nửa thật bình luận rằng “đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã trải qua ba đời tổng thống Mỹ mà vẫn chưa chạy được.” (N.H.K) [qd]
No comments:
Post a Comment