HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Công Thương CSVN, đang trốn tại Pháp, vừa bị CSVN khai trừ đảng vì “Vi phạm quản lý đất đai và tài sản nhà nước.”
Hôm 2 Tháng Mười Hai, nhiều báo nhà nước đưa tin biện pháp này được công bố trong bối cảnh bà Thoa đang định cư tại Pháp và hai tuần trước, mạng xã hội dấy lên tin bà cựu thứ trưởng sắp sửa bị dẫn độ về Việt Nam. Đến nay, chưa có chỉ dấu nào cho thấy tin đồn này sắp trở thành sự thật.
Báo Zing dẫn cáo buộc của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương nói bà Thoa đã có những vi phạm liên quan đến dự án “khu đất vàng” ở 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, Sài Gòn.
Sai phạm của bà Thoa bị cho là “rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Công Thương.”
Tuy vậy, biện pháp khai trừ đảng xem ra không có tác dụng đối với bà Thoa, vì cũng theo báo nhà nước, từ sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Thoa “đã bỏ sinh hoạt đảng và xuất cảnh.”
“Khai trừ đảng” được xem là biện pháp kỷ luật nghiêm khắc nhất trong nội bộ đảng CSVN và thường được tiến hành với việc bắt giam, khởi tố quan chức “vào lò Nguyễn Phú Trọng.”
Tuy vậy, biện pháp này chỉ hữu hiệu trong trường hợp quan chức bị kỷ luật vẫn còn ở Việt Nam và chưa có quốc tịch nào khác. Trong trường hợp bà Thoa được xác nhận trốn sang Paris mà vẫn chưa bị dẫn độ về Hà Nội, dù giữa hai nước có ký hiệp định dẫn độ, không loại trừ khả năng bà này nhập cảnh Pháp không phải bằng quốc tịch Việt Nam mà là một quốc tịch nào khác.
Trong vụ án này, các báo đảng nhấn mạnh rằng cơ quan điều tra Bộ Công An CSVN “đã tiến hành các thủ tục với Interpol để phối hợp với cảnh sát nước ngoài bắt bị can [Hồ Thị Kim Thoa] về nước xử lý theo quy định của pháp luật.”
Tuy vậy, một điều khoản trong hiệp định dẫn độ Việt-Pháp có đề cập về một số trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ như: “Đối với các tội phạm được Pháp xác định là tội phạm chính trị hoặc hành vi liên quan đến tội phạm chính trị; hoặc Pháp có lý do xác đáng để cho rằng việc dẫn độ được yêu cầu nhằm mục đích truy tố hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến; hoặc trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị xét xử bởi một tòa án không đáp ứng các bảo đảm cơ bản về thủ tục…”
Ngoài ra là trường hợp từ chối dẫn độ vì “lý do nhân đạo,” trong trường hợp việc chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ “có thể gây ra cho người đó những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe.”
Đến nay, khi được các phóng viên quốc tế hỏi về vụ bà Thoa, cả Bộ Công An lẫn Bộ Ngoại Giao CSVN đều trả lời chung là “chưa có thông tin.” (N.H.K) [qd]
No comments:
Post a Comment