QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Ảnh hưởng của cơn bão số 9 và số 10, mưa lớn tiếp tục trong những ngày qua, hai tỉnh Bình Định và Quảng Nam, bị thiệt hại nặng nề và có rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Báo Lao Động ngày 9 Tháng Mười Một, dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Trung – Tây Nguyên cho biết tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề về mưa bão, đặc biệt hàng loạt vụ sạt lở đã làm nhiều người tử vong và mất tích.
Hiện huyện Nam Trà My còn 15 điểm “nguy cơ cao sạt trượt” tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don… Trong khi huyện Bắc Trà My có đến khoảng 30 điểm “nguy cơ cao” tập trung tại thị trấn Trà My, xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác.
Tại huyện Phước Sơn, còn khoảng 13 điểm “nguy cơ cao” tập trung tại thị trấn Khâm Đức, xã Phước Lộc, xã Phước Thành, Phước Xuân… Riêng huyện Tây Giang, có một điểm nguy cơ sạt trượt tại các xã A Tiêng, A Vương, Ch’ơm, Lăng, Dang, Bhale…
Ông Trần Huy Dũng, chủ tịch huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho hay sau bão số 9 và bị ảnh hưởng của bão số 10 vừa qua, mưa lớn xuất hiện trong huyện khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt đường vào xã Trà Leng có nhiều điểm sạt lở và chưa lưu thông được.
Đáng nói, mưa lớn đã cuốn trôi hoàn toàn bốn căn nhà và gây hư hỏng cấu trúc, hư hỏng nặng 10 căn nhà và sạt lở một điểm trường tại thôn 2, xã Trà Leng.
“Trước mắt đã di dời các gia đình ở nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Riêng xã Trà Leng sẽ tìm bố trí lại 54 gia đình,” ông Dũng cho biết.
Tương tự, mưa lớn trong những ngày qua khiến tuyến đường độc đạo lên các xã huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, bị sạt lở nghiêm trọng.
Hôm 8 Tháng Mười Một, ông Bùi Tấn Thành, phó chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh, cho biết xã Vĩnh Kim có khoảng 30 điểm sạt lở lớn nhỏ. Xã có 600 gia đình với hơn 2,000 người, trong đó khoảng 30 hộ nằm trong diện nguy cơ sạt lở.
Theo đánh giá của ông Hồ Quốc Dũng, bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Bình Định, việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng “chưa từng xảy ra ở huyện miền núi này.”
Cũng theo ông Dũng, tuy không có thiệt hại về người, nhưng về lâu dài phải tính phương án di tản các gia đình ra khỏi khu vực nguy hiểm ven núi.
“Nếu hiện tượng này đã xảy ra một lần, thì có thể sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa,” ông Dũng nhận định.
Theo báo Thanh Niên, Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Bình Định, cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều 9 đến ngày 12 Tháng Mười Một, khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to. Do đó, “nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.” Cụ thể như huyện An Lão, huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn và huyện Vĩnh Thạnh. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment