Theo RFA-Thanh Trúc-2020-04-09
Hình minh hoạ. Người đeo khẩu trang chống dịch COVID-19 ngồi cách xa tại một nơi xét nghiệm ở Hà Nội hôm 31/3/2020-AFP
Theo chỉ thị từ Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch Trung Ương từ ngày 28 tháng Ba, Ủy Ban Nhân Dân cấp phường có quyền xử phạt hành chính ngay lập tức những ai không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.
Bên cạnh đó, lệnh ‘giãn cách xã hội’, ở yên trong nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, cũng được yêu cầu thực hiện một cách triệt để kể từ ngày 1 tháng 4.
Đây là những biện pháp được đại đa số người dân hoan nghênh cũng như chấp hành. Tuy nhiên tờ Tuổi Trẻ Online ngày 5 tháng Tư đã phản ảnh 3 trường hợp ở quận Ba Đình, Hà Nội, bị phạt mỗi người 200.000 Đồng vì ra đường không có lý do cần thiết. Quyết định phạt dựa trên Điểm A Khoản 1 Điều 11 của Nghị định 176/2013 về hành vi "không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế".
Những chuyện như vậy có bị cho là tùy tiện hay lạm quyền không? Cô Ngọc, một cư dân Sài Gòn, nói rằng cô không tin có sự tùy tiện hay lạm quyền trong việc xử phạt hành chính ở đây:
“ Cho đến thời điểm hiện tại thì cũng chưa thấy chính quyền địa phương hay công an, nói chung là những người thực hiện xử phạt, thì tôi chưa thấy vấn đề tùy tiện hoặc lạm dụng chức quyền để xử phạt những người không thực hiện giãn cách xã hội, chưa thấy vấn đề đó xảy ra”
Vẫn lời cô Ngọc, giả như có sự xử phạt tùy tiện hay lạm quyền gì đó thiết tưởng người dân cũng nên ý thức trước tiên là đừng tùy tiện vi phạm dẫn đến những tranh cãi đôi co không đáng có giữa mình với người thi hành việc xử phạt:
“ Thực sự nếu có ý thức cho bản thân mình và cho cộng đồng thì họ tự biết mình phải làm như thế nào. Trước khi đưa ra lệnh phải đeo khẩu trang hay không được tụ tập đông người thì chính phủ và Bộ Y Tế đã luôn luôn nhắc nhở, gởi tin nhắn mỗi ngày cho dân. Tên những mạng như Vietnam Mobil hay Mobil Phone gì đó thì chính phủ đổi thành “Hãy Ở Nhà”, ví dụ như vậy. Kể cả những người bán ve chai, bán vé số, quét rác mà còn biết dịch thế nào, bản thân họ có sự đề phòng. Nhưng đến khi chính phủ thấy có những người ra đường không đeo khẩu trang, vẫn tụ tập vẫn ăn chơi vẫn tiệc tùng này nọ thì nhà nước phải đưa ra luật xử phạt đó”.
Theo luật sư Đặng Trọng Dũng, Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh, xử phạt hành chính đối với hành vi được cho là vi phạm giãn cách xã hội luôn phải căn cứ trên nội dung, điều khoản mà chính phủ đã ban hành:
“ Nhất là có hướng dẫn thông tư Tòa Án Nhân Dân Tối Cao do chánh án Nguyễn Hòa Bình ký và ban hành khẩn cấp. Tuy nhiên do vấn đề này hoàn toàn mới, chưa được thông hiểu kỹ mà phải mang ra áp dụng ngay thành rất khó cho cán bộ thực thi pháp luật”
“ Tôi lấy thí dụ cụ thể, trong văn bản xử phạt vi phạm hành chánh, hay là Chỉ Thị 16, có một câu tức là chỉ được đi ra ngoài đường khi thấy thực sự cần thiết. Cái thực sự cần thiết này đối với nhiều người nó khác nhau, thực sự cần thiết của ông khác với thực sự cần thiết của tôi. Do đó nếu dung từ như vậy trong một văn bản quan trọng như vậy tạo ra sự tùy tiện”.
“ Báo thành phố Hồ Chí Minh có nêu một trường hợp người xử phạt hành chánh sai và sau đó phải có văn bản xin lỗi người bị xử phạt. Lạm quyền hay không trong xử phạt hành chính đối với sự việc giãn cách xã hội này là vấn đề đã xảy ra”.
Một số tỉnh, thành trong những ngày qua cũng có chỉ thị riêng về việc không cho người dân trong tỉnh đến nơi khác hay từ nơi khác đến địa phương của họ.
Cụ thể vào ngày 9 tháng 4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang có công văn yêu cầu tất cả công dân Bắc Giang nếu không vì lý do công vụ thì không được di chuyển đến các tỉnh, thành phố có dịch như Hà Nội, TPHCM…
Vào ngày 2 tháng Tư, tỉnh Thái Bình không cho người từ những vùng bị cho là có dịch vào tỉnh này.
Một số nơi như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng…đã ra văn bản với qui định những ai đến từ Saigon, Hà Nội đều nằm trong diện cách ly tập trung.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng những địa phương này đang lạm quyền Bộ Y Tế và Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch Trung Ương vì trên nguyên tắc chưa có văn bản chính thức thì không được xác định vùng nào là vùng dịch.
Đó cũng là nhận định của luật sư Đào Kim Lân, Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông, địa phương đã phạm luật khi tự tiện quyết định cách ly bắt buộc đối với người đến từ Sài Gòn hay Hà Nội mà không cần biết họ có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID 19 hay là có gần với người bị nghi nhiễm COVID-19 hay không. Điều này có nghĩa địa phương đã hồ đồ khi tự xác định Sài Gòn hay Hà Nội là “vùng dịch”.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh, còn nêu Điều 2 Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, xác quyết vùng có dịch phải được định nghĩa là khu vực được cơ quan thẩm quyền xác định có dịch”.
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo góp ý như sau:
“Với tư cách người có bằng cử nhân Luật và đồng thời có 8 năm làm Hội Thẩm Nhân Dân tôi nghĩ ý thức về Luật của tôi không đến nỗi quá tệ. Đà Nẵng đã tự ra qui định mà tôi cho là vi phạm pháp luật. Bởi vì hiện nay chính phủ Việt Nam đã công bố thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội là vùng dịch đâu mà họ dám đặt ra những qui định như thế? Đấy là cái tôi cho là lạm quyền, là vi phạm”.
Nguyên nhân lạm quyền hay vi phạm nhiều phần bắt nguồn từ câu chữ có phần mập mờ hay không rõ nghĩa trong Chỉ Thị 16 của thủ tướng chính phủ. Nhà báo Võ Văn Tạo phân tích:
“Trong Chỉ Thị 16 có câu rất rõ ràng, cách ly xã hôi thì ghi là thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Cho nên có hiện tượng Hà Nội và Sài Gòn lập một số điểm chốt, người Sài Gòn từ trong nôi thành ra ngoại ô để đi tỉnh khác thì bị chặn lại, buộc quay đầu trở về. Xe từ ngoại thành muốn vào Sài Gòn mà đến cửa Sài Gòn thì bị chặn lại, buộc quay đầu xe không cho vào Sài Gòn. Tôi nghĩ vì văn bản viết như thế cho nên các địa phương hiểu lầm thì không có gì chê trách người ta được, văn bản soạn thảo đã không chính xác về từ ngữ.
“Cho nên sau này, thấy tình hình có vẻ cực đoan thì Văn Phòng Chính Phủ lại truyền đạt ý kiến là các địa phương đã hiểu sai Chỉ Thị 16. Tôi nghĩ họ không hiểu sai bởi vì câu chữ nó rành rành như thế, thậm chí trước đó còn qui định rằng máy bay từ các tỉnh không được phép vào Sài Gòn hay ra Hà Nội và ngược lại, và từ Hà Nội đến Sài Gòn mỗi hang máy bay chỉ được bay 1 chuyến/ ngày thôi. Rõ ràng cấm máy bay thì ô tô cũng bị hạn chế. Tôi cho rằng lúc đầu do tình hình dịch căng cho nên người ta nhận thức chưa rõ, không phù hợp với tình hình thực tế cho nên sau này phải có công văn của Văn Phòng Chính Phủ giải thích lại”.
Luật sư Đăng Trọng Dũng cũng như nhà báo Võ Văn Tạo đồng quan điểm với giải thích trên báo chí của luật sư Đào Kim Lân, rằng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Công văn 1601 của Văn Phòng Chính Phủ không ngăn cấm sự tự do đi lại của người dân các tỉnh, thành, cũng không thực hiện lệnh phong tỏa giữa các địa phương.
Nói một cách khác, việc một số tỉnh buộc cách ly tập trung người đến từ thành phố Hồ Chí Minh, từ Hà Nội…cần phải có ý kiến chính thức của thủ tướng, của Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch Quốc Gia và của Bô Y Tế chứ không thể tùy tiện mà được. Nhà báo Võ Văn Tạo:
“Trong quá trình thực hiện có một số những nơi, những người, kể cả chính phủ, kể cả như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng… đã có những biện pháp không đúng, nó cực đoan quá đáng, nó cũng tác động đến người dân mà không cần thiết”.
“Tôi cho rằng Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch Quốc Gia khi thấy có những địa phương có những biểu hiện như thế là phải có ý kiến ngay, lập tức phải có ý kiến với Đà Nẵng ngay tức khắc. Thế nhưng đến hôm nay vẫn chưa thấy”.
Báo chí trong nước hôm 8/4 dẫn lời Luật sư Nguyễn Đình Thuận, Đoàn Luật sư TP. HCM, cho biết khoản 9 điều 22 quy định Chủ tịch UBND tỉnh là người có nhiệm vụ chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nhà. Làm đúng theo quy định pháo luật là điều được Luật sư Nguyễn Đình Thuận nhấn mạnh, nghĩa là không được sáng chế kiểu cách riêng để một mình một chợ trong việc phòng chống dịch.
No comments:
Post a Comment