RFA-2020-04-06
Nhiều xe bị yêu cầu quay đầu khi đến Quảng Ninh.kienthuc.net.vn
Chỉ thị ra ngày 31 tháng 3, ngay hôm sau tại Quảng Ninh diễn ra biện pháp đổ đất, dùng chướng ngại vật chặn đường giữa các làng xã trong tỉnh.
Hải Phòng không cho phép người dân ra khỏi nhà sau 22h hay việc Quảng Nam lập chốt kiểm soát chặn người dân đi qua nếu họ không có hộ khẩu địa phương…
Những hành xử của địa phương như thế bị chính Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ gọi là ‘ngăn sông, cấm chợ’ và nêu câu hỏi ‘ai cho phép làm như thế?
Vào ngày 6 tháng 4, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trong chỉ thị số 16, Văn phòng chính phủ đã quy định rõ việc thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo hướng bảo đảm khoảng cách xã hội giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm:
“Tôi nghĩ việc cách ly xã hội trong văn bản đó cũng nói rất rõ, tức là những người cán bộ cần phải biết và hiểu luật. Tôi thấy chỉ thị từ khi ban hành có một số nơi hiểu và thực hiện chưa thống nhất, nó dẫn đến việc quá tay ở một số địa phương và vừa rồi có chấn chỉnh những việc này.
Vấn đề là phải thực hiện nghiêm, chứ không phải là thực hiện sai và hiểu không đúng cụm từ ‘cách ly xã hội’. Trong lúc cả thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng thì đang huy động một nguồn lực để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh; tinh thần chống dịch được người dân rất ủng hộ.”
Tuy vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động tại Hà Nội, việc dùng từ ‘cách ly’ đã gây ra nhiều sự hiểu lầm trong các cấp và người dân Việt Nam:
“Người ta hiểu như thế có nghĩa dùng từ ‘cách ly’ thật sự tức là gì, là người ở đâu thì ở đấy, không có đi đâu. Đó chỉ là lời khuyên để mọi người cố gắng ở nhà, xa cách người khác, không tập trung đông người. Do dùng từ sai như vậy đã dẫn đến rất nhiều sự hiểu lầm và rất nhiều cơ quan nhà nước, chính quyền các địa phương khác nhau. Mỗi một người hiểu theo một ý—ông thì chặn đường; ông thì đổ đất ra chắn đường; cảnh sát thì truy tìm để phạt…v.v.”
Theo ông Nguyễn Quang A, nếu dùng từ đơn giản hơn để thay thế như ‘giãn cách xã hội’ hoặc ‘giãn cách về vật lý’ giữa người với người, việc hiểu lầm và những hành động ‘quá tay’ của các chính quyền địa phương có thể sẽ không xảy ra.
Tuyến đường nối xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long) - phường Vàng Danh (thành phố Uông Bí) ở Quảng Ninh được bịt kín. Ảnh Thanh niên.
Tuyến đường nối xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long) - phường Vàng Danh (thành phố Uông Bí) ở Quảng Ninh được bịt kín. Ảnh Thanh niên.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ý kiến của ông về việc sử dụng ngôn ngữ trong chỉ thị về việc ‘cách ly xã hội’ có phần không chuẩn xác; trong đó còn những từ ngữ như ‘cách ly thôn với thôn, xã với xã’ không có một ranh giới nào để có thể hiểu rằng giữa những khái niệm đó khác nhau như thế nào. Theo luật sư Mạnh, những từ ngữ được dùng rất tối nghĩa và cần có sự giải thích sâu để có thể truyền tải chính xác ý nghĩa của văn bản chỉ thị này:
“Ví dụ ‘cách ly xã hội’, như tôi biết là dịch từ thuật ngữ của tiếng nước ngoài, mà theo tiếng nước ngoài được hiểu rằng là cần phải giữ khoảng cách xã hội ví dụ theo y tế cần giữ khoảng cách giữa người với người là 2 mét, thì có thể đảm bảo được sự an toàn về y tế cho nhau. Nhưng khi chuyển ngữ qua tiếng Việt thì xài chữ ‘cách ly xã hội’, rõ ràng chữ ‘cách ly’ nó mang ý nghĩa nặng hơn, nghiêm trọng hơn. Mà trong chừng mực nào đó, chữ ‘cách ly’ dùng cho những người phải ở tù. Ở Việt Nam hay dùng từ ‘cách ly’ một người ra khỏi xã hội, có nghĩa là bắt buộc người đó phải ở tù.”
Ông Đặng Đình Mạnh cho biết, sau khi có chỉ thị 16, một chợ tại TP HCM ra một văn bản cấm họp chợ. Các sở tư pháp ở các tỉnh cũng ra văn bản yêu cầu các tổ chức mang tính hỗ trợ pháp lý, như công chứng hoặc văn phòng luật sư phải ngưng hoạt động. Sau đó khi có nhiều sự phản ánh, chính phủ Việt Nam mới ra thêm văn bản giải thích chỉ thị về ‘cách ly xã hội’ chỉ mang tích chất ‘khuyến cáo’:
“Chính điều đó cho thấy rằng là chính các cơ quan tổ chức của nhà nước, họ cũng hiểu lầm. Vì họ hiểu lầm nên chính người dân cũng hiểu lầm, vị vậy mà tôi thấy rằng là công tác ban hành văn bản của cấp thủ tướng là nó có vấn đề và phải cần xem xét lại.”
Cũng theo luật sư Đặng Đình Mạnh, dưới phương diện thẩm quyền, thủ tướng chính phủ có quyền ra chỉ thị, nhưng chỉ thị chỉ trong phạm vi văn bản điều hành, chỉ dùng trong hệ thống chính quyền; thủ tướng chỉ thị cho các bộ hoặc UBND các cấp, còn chỉ thị văn bản không có hiệu lực đối với người dân:
“Ngay trong ngày 31 tháng 3 khi ra văn bản đó, có lẽ chính phủ cũng nhận thấy sự bất thường của văn bản cho nên đã có sự giải thích, cho rằng văn bản chỉ thị này mang ý nghĩa khuyến cáo người dân và thuyết phục người dân đồng thuận và chấp hành chỉ thị theo.
Khuyến cáo này lẽ ra họ phải ra văn bản mang tên ‘khuyến cáo’ thôi cũng được, vì văn bản không có tính cách cử hành; nó khuyến cáo người dân, tức là nó không thuộc vào loại một văn bản pháp luật nào cả, mà nó là sự khuyến cáo khơi khơi giữa ông thủ tướng với người dân.”
Theo ý kiến ông Nguyễn Quang A, sự hiểm lầm khi dùng từ ngữ không chuẩn xác trong chỉ thị về ‘cách ly xã hội’ đã dẫn đến việc chính quyền địa phương thi hành một cách gắt gao, dễ tổn hại nhiều đến mặt kinh tế và gây ra khó khăn cho đời sống của người dân:
“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, trong thời gian vừa ra có nhiều biện pháp, có lẽ thôi tôi nghĩ rằng là hơi quá đi. Lẽ ra những biện pháp chưa cần như vậy. Nếu mình làm quá gắt gao sẽ có tổn hại rất nhiều về mặt kinh tế, về mặt đời sống khó khăn cho người dân; cái đấy có thể tính ra bằng tiền, chưa nói đến chuyện về tổn thương tâm lý của người dân.”
Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng bên cạnh việc chống dịch, phải đảm bảo sự vận hành của xã hội, tạo đà cho kinh tế phát triển. Theo ông, chính quyền cần phải đặt mục tiêu kép khi thực hiện chỉ thị của chính phủ trong chiến dịch phòng chống bệnh truyền nhiễm—vừa chống dịch và vừa phải phát triển kinh tế, xã hội:
“Hai mục tiêu này luôn song hành cùng nhau và luôn hỗ trợ cho nhau, không thể lấy lý do phòng chống dịch để đóng băng toàn xã hội được. Những nhà máy, kinh doanh, dịch vụ thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động. Người dân vẫn phải ra ngoài mua lương thực, mua hàng hóa, cho nên vừa rồi phải chắn đường, bắt xe và làm những việc cực đoan, vì vậy cần phải chấn chỉnh lại những trường hợp này.”
No comments:
Post a Comment