VOA Tiếng Việt/15/04/2020
Người dân đeo khẩu trang đi qua một áp phích cảnh cáo về việc phát tán "tin giả" trên mạng về virus corona ở Hà Nội hôm 14/4. Một nghị định mới vừa được đưa ra để xử phạt những người vi phạm điều này.
Một nghị định mới nhằm xử phạt việc phát tán “tin giả” hoặc tin đồn “gây hoang mang dư luận” trên mạng xã hội vừa có hiệu lực ở Việt Nam hôm 15/4 giữa lúc những bình luận về đại dịch COVID-19 ngày càng lan nhanh trên mạng ở quốc gia Đông Nam Á này.
Kể từ khi dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra bùng phát ở Việt Nam hồi cuối tháng 1, chính quyền đã xử phạt hàng trăm người vì đưa thông tin mà họ cho là “tin giả” – một thuật ngữ trở nên nổi tiếng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng để chỉ trích các tin tức mà ông nói là bịa đặt trên truyền thông Mỹ – về loại virus đang làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng trên toàn thế giới. Tuy nhiên nghị định mới này, được soạn thảo vào tháng 2 vừa qua, thay thế một nghị định ban hành năm 2013, trong đó không có quy định về xử phạt “tin giả.”
Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực, có hiệu lực từ ngày 15/4, đã cụ thể hoá và “ưu tiên” một mục để quy định các hành vi vi phạm thông tin trên mạng, theo truyền thông trong nước, theo Thanh Niên.
Theo Điều 101 của nghị định mới, hành vi cung cấp thông tin “sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng. Mức phạt tương tự sẽ được áp dụng cho hành vi cung cấp và chia sẻ thông tin “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…”
Việc tiết lộ thông tin mà chính quyền cho là “bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” có thể bị phạt đến 30 triệu đồng, theo nghị định được Thanh Niên trích dẫn.
Các mức phạt này còn áp dụng cho những ai dùng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẽ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia” hay “chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm,” theo trích dẫn của Tuổi Trẻ.
Nghị định này không chỉ nhắm tới việc đối phó với những thông tin và bình luận trên mạng xã hội về đại dịch COVID-19 ở Việt Nam nên nó đang gây ra những quan ngại cho các nhóm đấu tranh cho nhân quyền mà trước đây thường lên tiếng chỉ trích luật an ninh mạng của Việt Nam, được áp dụng từ đầu năm ngoái.
“Nghị định này lại cho các giới chức Việt Nam thêm một vũ khí để đàn áp trên mạng,” Giám đốc về Công nghệ của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) Tanya O’Carroll, nói với Reuters. “Nó bao gồm nhiều điều khoản vi phạm trắng trợn nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam.”
Mark Little, CEO và nhà sáng lập công ty công nghệ Kinzen và phóng viên của TRE News ở Ireland, cho rằng những bộ luật như vậy không bảo vệ xã hội khỏi những thông tin sai sự thật. Ông viết trên trang Twitter cá nhân rằng đây là một sự tấn công vào “những tin giả” mà chúng ta gọi là một nền báo chí tự do.
Ngoài việc ngăn chặn thông tin “sai sự thật” về virus corona, chính quyền Việt Nam vào tháng trước đã phát động một chiến dịch tuyên truyền bằng hình ảnh trên các áp phích với khẩu hiệu “Tin giả gánh hậu quả thật.”
Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền gần đây đã lên tiếng việc hơn 650 Facebooker tại Việt Nam bị triệu tập và tra khảo về các bài viết của họ về bệnh dịch Covid-19, và hơn 150 người bị phạt tiền tới 15 triệu đồng vì những bài viết bị coi là “không đúng sự thực,” trong đó có cả giới văn nghệ sĩ.
No comments:
Post a Comment