HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – CSVN loan báo gói an sinh xã hội trị giá 62,000 tỷ đồng ($2.6 tỷ) nhằm giúp khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Điều đáng nói, đứng đầu danh sách là “những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.”
Hôm 10 Tháng Tư, các báo nhà nước đưa tin “20 triệu người được hưởng gói hỗ trợ trên 62,000 tỷ đồng ($2.6 tỷ).”
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Khoảng 20 triệu người là những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Lao Động, Thương Binh và Xã Hội CSVN: “Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội ở thời điểm này là cấp bách, cũng là vấn đề chưa có tiền lệ, và theo lãnh đạo đảng, nhà nước yêu cầu, việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách. Phải công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách.”
Facebooker Mỹ Ngọc viết trên trang cá nhân: “Nhà nước hỗ trợ nhưng [tôi] nộp giấy tờ cho ai. Giấy kê khai nộp công ty thì bảo về thôn. Về thôn thì bảo xuống công ty. Tóm lại biết đi đâu và về đâu. Có bạn nào làm rồi cho mình ý kiến với. Xin cảm ơn.”
Cùng thời điểm, giới xã hội dân sự nêu nghi vấn và đặt ra một loạt câu hỏi về việc liệu gói an sinh xã hội cuối cùng có đến được tay những người yếu thế hay bị “rơi rớt” vào tay nhóm lợi ích và quan tham ở các địa phương.
Facebooker Phạm Minh Vũ, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, bình luận trên trang cá nhân: “Nhìn vào danh sách ưu tiên của gói cứu trợ, người ta sẽ thấy ngay là người được hưởng ưu tiên nhất là ‘người có công với cách mạng.’ Theo tôi được biết người có công với cách mạng đã có trợ cấp hằng tháng, mà họ cũng đã lớn tuổi rồi, không phải nhóm người lao động tạo ra của cải trong xã hội, chưa kể đa số đều có con cháu không làm cán bộ ở tỉnh cũng là huyện, bèo lắm là xã, không thể đói ngay được mà phải ưu tiên khẩn cấp.”
Facebooker này cũng đặt câu hỏi: “Gói cứu trợ 62,000 tỷ đồng của chính phủ liệu sẽ đến với người cần đến? Hay nó vẫn lạc vào nơi biệt phủ xa hoa, nơi có siêu xe hàng chục tỷ đồng, nơi có bộ bàn ghế mạ vàng lóng lánh trảm phượng múa rồng bay?”
Việc giới xã hội dân sự nêu nghi ngờ về tình trạng cán bộ ăn chặn tiền cứu trợ là có cơ sở, vì các báo nhà nước từng viết về chuyện này. Báo Dân Trí hồi Tháng Hai, 2018, tường thuật vụ một số hộ dân thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, khi đến nhận tiền trợ giúp của nhà nước do họ bị ảnh hưởng từ bão lũ, đã buộc phải chi lại cho lãnh đạo xã 15% “tiền chè nước, đi lại.” (N.H.K)
No comments:
Post a Comment