HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khác với các “ATM gạo” ở Sài Gòn để người đến nhận tự tay hứng gạo tại máy, thì Hà Nội dùng công nghệ “nhận diện khuôn mặt” để lưu danh tính người nhận trước khi cho họ lấy bao gạo 3 kg.
Thế nhưng, hôm 17 Tháng Tư, nhiều báo nhà nước đăng bài khen công nghệ “nhận diện khuôn mặt” do Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội phát gạo cho người nghèo tại địa chỉ 207 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng.
Dự trù 15 tấn gạo được phát tại địa điểm nêu trên từ nay đến ngày 30 Tháng Tư.
Truyền thông ghi nhận, mỗi người đến nhận gạo đều phải đứng trước camera vài phút để khai báo họ tên, địa chỉ và số điện thoại của họ.
Báo Tiền Phong tường thuật: “Nếu phát hiện trường hợp đã nhận trong ngày, hệ thống sẽ báo và chương trình sẽ từ chối phát gạo.”
Còn theo báo Thanh Niên, công nghệ “nhận diện khuôn mặt” được ứng dụng trong chuyện phát gạo là “để tránh phát tràn lan và rút kinh nghiệm từ các cây ‘ATM gạo.’”
Vài ngày trước, theo Tuổi Trẻ, một trạm “ATM gạo” ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, đã phải tạm dừng hoạt động sau bốn ngày vì xảy ra tình trạng những người nghèo chen lấn, giành nhau chỗ xếp hàng trước vì sợ hết gạo.
Trái với phần tường thuật của báo nhà nước, cư dân mạng có vẻ không đồng tình với “sáng kiến” dùng công nghệ “nhận diện khuôn mặt” để kiểm soát những người đến nhận gạo miễn phí như vậy.
Một số ý kiến cho rằng những người phát gạo đã không quan tâm đến liêm sỉ và tinh sĩ diện của người nghèo khi họ phải khai báo danh tánh trước một cái camera vô hồn. Trong vụ này, việc tận dụng công nghệ để đề phòng người tham lam có thể đem lại tiện ích đối với người cho, nhưng nhiều khả năng lại làm tổn thương người nhận.
Bác Sĩ Võ Xuân Sơn, người khởi xướng chương trình “Dĩa Cơm Trên Tường” (trao cơm miễn phí cho bệnh nhân) ở Sài Gòn, bình luận trên trang cá nhân: “Tạo ra một cái ‘ATM gạo’ là một sáng kiến đầy tình người. Nhưng bây giờ, khi mang nó ra khỏi nơi nó được sinh ra [Sài Gòn], nó lại phải gắn thêm một công nghệ khác, sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhân danh sự nhân bản, để chống lại sự ích kỷ, sự chụp giựt của chính con người.
Còn đâu cái tinh thần ‘Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác’ đầy chất Sài Gòn?”
Để việc cho gạo đúng với người cần nó, Bác Sĩ Sơn gợi ý rằng những người tổ chức cần tìm được những “đồng minh” là đối tác tại địa phương để giúp họ, cùng với việc thiết lập hệ thống giám sát.
“Tại sao không áp dụng hình thức phát hành một loại coin hoặc phiếu, rồi các tình nguyện viên, cùng với những người có thể tin tưởng được ở các địa phương, hoặc doanh nghiệp có nhiều người phải nghỉ việc, phát cho những gia đình thực sự khó khăn? Hay là tại địa phương đó không còn ai để chúng ta có thể tin được, để có thể phát những đồng coin, hay phiếu ấy, đúng đến tay người khó khăn?” theo Facebook Xuân Sơn Võ. (N.H.K) [qd]
No comments:
Post a Comment