HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 12 Tháng Giêng, trong lúc truyền thông nhà nước không thể dập tắt các lập luận, phân tích đa chiều của giới xã hội dân sự về cái chết của ông Lê Đình Kình trong vụ tấn công Đồng Tâm, báo Hà Nội Mới vô tình để lộ việc CSVN chưa ép buộc được Facebook “tuân thủ pháp luật Việt Nam.”
Cơ quan ngôn luận của Thành Ủy Hà Nội viết rằng Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN “đã yêu cầu các mạng xã hội trong và ngoài nước gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật kích động bạo lực” nhưng Facebook “vẫn thực hiện theo quy trình cũ vừa mất thời gian, hiệu quả rất thấp.”
“Chẳng hạn các yêu cầu do Bộ Thông Tin Truyền Thông gửi thì họ đòi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, trong khi đó, với vụ việc chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm có những video livestream (phát trực tiếp) dài đến vài tiếng đồng hồ, kêu gọi bạo lực, nhưng họ vẫn làm theo quy trình cũ là dịch toàn bộ sang tiếng Anh sau đó đưa đi thẩm định thường từ hai đến ba ngày,” tờ báo viết.
Báo Hà Nội Mới đưa cảnh báo rằng nhà cầm quyền CSVN hiện “không còn kiên nhẫn với Facebook nếu Facebook tiếp tục không tuân thủ luật pháp Việt Nam như họ đã cam kết.”
Theo quan điểm của Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN, Facebook “thu tiền hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh thì phải có trách nhiệm bảo vệ người dùng người dân Việt Nam và chống lại những tác hại đến cộng đồng người dân Việt Nam.”
Cùng thời điểm, trang web của Đài Truyền Hình Quốc Gia VTV phê phán rằng trên Facebook những ngày qua “xuất hiện tràn lan thông tin lệch lạc, sai sự thật, nhiều bình luận mặc sức miệt thị chính quyền, cơ quan chức năng, đả phá chế độ.”
VTV cũng không quên chỉ trích Facebook “rất thiếu trách nhiệm” cũng như “coi thường pháp luật Việt Nam.”
Trong diễn biến vụ Đồng Tâm, Facebook được coi là kênh truyền thông chính đáng tin cậy vì đưa tin đa chiều, không bị kiểm duyệt như các báo đảng. Tình hình căng thẳng tại Đồng Tâm được ghi nhận khởi phát từ hôm 30, Tháng Mười Hai, 2019. Ngay từ hôm đó, công an đã mở màn chiến dịch phát loa tuyên truyền, đưa tin vu khống nhắm vào ông Lê Đình Kình. Đổi lại, người dân Đồng Tâm đã lên Facebook cậy nhờ cộng đồng mạng lên tiếng và quan tâm đến diễn biến tại cánh đồng Sênh và thôn Hoành.
Trong một hành động được cho là nhằm ngăn chặn hiệu ứng truyền thông qua Facebook trước khi mở cuộc “đánh cướp” Đồng Tâm, từ đêm 7 Tháng Giêng, thôn Hoành đã bị cắt Internet, phá sóng điện thoại, trang Đồng Tâm Media cũng bị đánh sập. Đến khi cái chết của ông Kình được các báo nhà nước chính thức xác nhận, Facebook lập tức tràn ngập các post bày tỏ sự xót thương ông xen lẫn phẫn nộ về cách hành xử bạo lực, vô pháp vô luân của chính quyền vào đúng ngày rằm Tháng Chạp Âm lịch.
Trước phản ứng của cộng đồng mạng có vẻ bất lợi cho CSVN, hàng ngàn dư luận viên thuộc lực lượng “tác chiến không gian mạng” được ghi nhận mở cuộc tấn công, chửi bới các Facebooker có tầm ảnh hưởng như Phó Giáo Sư-Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, nhà báo tự do Phạm Thành (Blogger Bà Đầm Xòe)…
Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bình luận trên trang cá nhân rằng thái độ của Facebook “khá cứng cỏi, thậm chí đề nghị phía Việt Nam phải để cho Facebook thực hiện công việc theo đúng quy trình của họ.” Tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân” nói đây là “một tin vui đối với những người Việt có lương tri, biết yêu tự do-dân chủ, biết phẫn nộ trước bất công và biết xót thương cho đồng bào mình – những nạn nhân của bạo quyền.” (N.H.K)
No comments:
Post a Comment