Monday, June 17, 2019

CSVN cảnh cáo đảng viên chớ ‘bắt tay với âm binh’

Một người giới thiệu logo của Facebook trên chiếc điện thoại cầm tay. (Hình: LOIC VENANCE/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một bài viết dài tới 4,580 chữ phổ biến trên tờ Tiền Phong hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, 2019 được tờ báo đặt tựa đề “Không để thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội”. Bài viết sau đoạn giới thiệu của tờ báo thấy tấm hình và đề “Đồng Chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.”
Cũng bài viết này được phổ biến trên tất cả các báo điện tử lớn như Người Lao Động, Lao Động, Thanh Niên, Vietnamnet,… với các tựa đề khác như “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam….”
Có thể bài viết tuy ký tên ông Thưởng nhưng do một người hay một nhóm người trong nhóm chuyên viết lý luận, tuyên truyền của “Tuyên giáo trung ương” chấp bút nhằm cảnh giác đám đảng viên từ trên xuống dưới về nguy cơ từ mạng xã hội có thể dẫn đến “sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh”.
Hiển nhiên, bài viết ám chỉ đến chế độ độc tài và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam cũng không thoát khỏi, nếu không đối phó đủ liều lượng.
Những năm gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã tạo nhiều áp lực, buộc các mạng xã hội, đặc biệt YouTube, Facebook, phải gỡ bỏ hoặc chặn các video clip, hình ảnh, bài viết được gọi là “xấu độc” đối với chế độ. Họ lại còn khoe có nhiều tổ chức, lực lượng đông hàng sư đoàn tay cầm bút hay gõ phím tuyên truyền giải độc trên mạng.
Nhưng như bài viết trên tờ Tiền Phong gián tiếp xác nhận, cả guồng máy đảng và nhà nước gồng lên đấu tranh ngày đêm như thế, lại còn đưa nhiều thứ luật để trói tay trói chân dân chúng, mà đến nay vẫn còn phải gào lên “Không để thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội”.
Internet đẻ ra các mạng xã hội. Các mạng xã hội đẻ ra “tầng lớp KOLs (Key Opinion Leader), influencers là những người có “thương hiệu” hoặc là “người bình thường” mà thông tin, quan điểm nêu ra có sức thu hút, ảnh hưởng, được “cư dân mạng” chia sẻ, khuếch tán nhanh trên phạm vi rộng.”
Bài viết trên tờ Tiền Phong nhiều phần dựa vào các tài liệu nghiên cứu ở nước ngoài viết như thế để tấn công “những KOLs, influencers có động cơ không trong sáng, nền tảng văn hóa thấp, bất mãn chế độ, thậm chí từng vi phạm pháp luật nhưng lại biết ‘khơi gợi những cảm xúc xấu xa’; lạm dụng chữ nghĩa, ảo tưởng ‘quyền lực bàn phím’, luôn tìm cách điều hướng dư luận; tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi; đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức…”
Bài viết trên cáo buộc “Một số được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ chức thù địch bên ngoài. Lợi dụng những bất cập trong quản lý nhà nước về Internet, mạng xã hội, chúng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, ‘nuôi’ nick (tên tài khoản), lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức. Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện “diễn biến hòa bình”, đòi lật đổ chế độ. Từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự Luật về Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…”
Nguy hiểm hơn nữa “Có hiện tượng KOLs, influencers được hỗ trợ ‘không trong sáng’ từ những thông tin mật trong nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước bị rò rỉ, không loại trừ có cả những cái ‘bắt tay với âm binh’ vô cùng nguy hiểm của những cán bộ suy thoái, cơ hội chính trị, đầy tham vọng cá nhân.”
Để đối phó với đảng viên “suy thoái, biến chất” hợp tác với “bè lũ phản động” và “thế lực thù địch”, bài viết trên tờ Tiền Phong đưa ra cái công thức một là, hai là, ba là…coi như kim chỉ nam cho chế độ hành động, giành lại ảnh hưởng trên internet.
Theo đó, phải “đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,… chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ”.
Mới 10 ngày trước ông thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc thúc các cơ quan và những người làm thông tin đối ngoại cả nước “cần đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động”.
Trước đó nữa, ông tổng bí thư đảng CSVN kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu trong Hội nghị Công an toàn quốc 2019 ngày 3 Tháng Giêng 2019 trong đó nhấn mạnh vấn đề chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngành này. (TN)

No comments:

Post a Comment