“Hội Nghị Trung Ương 10,” một sự kiện quan trọng của đảng CSVN mà rất thường là không thể vắng mặt Nguyễn Phú Trọng, sẽ diễn ra vào khoảng trung tuần Tháng Năm, 2019, và ngay trước kỳ họp Quốc Hội cùng tháng. Liệu Nguyễn Phú Trọng có kịp hiện ra với tình trạng sức khỏe được xem là “đã hồi phục” và “ổn định” để “hai tay gìn giữ môt sơn hà” – như cử tri Trần Viết Hoàn, được xem là một trong những “gà đảng” cứ mỗi khi diễn ra cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng, trông mong?
Vẫn biệt tích
Sự có mặt của Nguyễn Phú Trọng tại “Hội Nghị 10” là đặc biệt cần thiết vì những lý do cũ như tính cần kíp phải duy trì chiến dịch “đốt lò,” tiếp tục tăng tốc “cơ cấu cán bộ cấp chiến lược” để chuẩn bị cho Đại Hội 13.
Bên cạnh đó là những lý do mới hơn, cần có ý kiến chính thức của Trọng về một số dự luật, như 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, Bộ Luật Lao Động, Luật về Hội… liên quan đến quan điểm của chính thể Việt Nam buộc phải nhượng bộ trước Liên Minh Châu Âu (EU) trước khi EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) được ký kết và phê chuẩn trong nửa cuối năm 2019…
Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là bàn về nội dung và công tác sắp xếp “bầu đoàn thê tử” cho chuyến đi Mỹ dự trù sắp tới của Trọng theo lời mời chính thức của Donald Trump.
Nhưng kể từ sau biến cố ở Kiên Giang, địa danh được xem là “căn cứ địa cách mạng của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng” vào ngày 14 Tháng Tư, 2019, ông Trọng đã “biệt tích” tại những sự kiện chính trị quan trọng như: Dịp lễ “30 Tháng Tư,” mà chưa bao giờ ông ta để mất vai trò chủ trì; tại đám tang ngày 3 Tháng Năm của Lê Đức Anh, viên tướng từng ra lệnh “không được nổ súng” khiến toàn bộ đội Việt Nam chết oan mạng trong trận Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma năm 1988; và gần nhất là buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, vào sáng Thứ Bảy, 4 Tháng Năm, 2019.
Bất chấp trước đó Bộ Ngoại Giao đã thông báo là Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc, còn Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội, thông báo rằng tình hình “đồng chí tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang phục hồi sức khỏe nhanh chóng”…
Hội Nghị Trung Ương 10 là thách thức lớn hơn nhiều so với đám tang Lê Đức Anh.
Nếu Trọng không thể xuất hiện tại “Hội Nghị Trung Ương 10,” khi đó không chỉ dân chúng mà cả giới cách mạng lão thành và các quan chức trong nội bộ đảng hoàn toàn có thể nghi ngờ về Trọng không thể đảm bảo sức khỏe để ông ta có thể “ngồi” từ đây cho đến khi Đại Hội 13 diễn ra vào năm 2021.
Từ đó, sẽ xuất hiện những đòi hỏi cần phải minh bạch hóa tin tức về Trọng, và chính Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương là cơ quan phải làm nhiệm vụ này. Nếu Trọng không còn đủ tỉnh táo để “lèo lái con thuyền của đảng và dân tộc” thì phải bàn đến phương án “nước không thể một ngày thiếu vua.”
Trọng vắng mặt, chuyện gì sẽ xảy ra?
Vào năm 2018, chính Nguyễn Phú Trọng là người đặt ra quy định về các ủy viên trung ương và ủy viên Bộ Chính Trị phải bảo đảm sức khỏe thì mới có thể tham chính. Thậm chí quy định này còn nêu rõ phải có sự xác nhận của Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương đối với tình trạng sức khỏe của các quan chức cao cấp.
Cần chú ý là quy định này được thường trực Ban Bí Thư ban hành vào lúc Trần Đại Quang – chủ tịch nước và cho tới khi đó đã nổi lên như một đối thủ chính trị khó nuốt của Trọng – chưa rơi vào cái chết đầy nghi vấn vào Tháng Chín, 2018.
Nhưng chính bản quy định về sức khỏe trên lại đang lóe cái lưỡi sắc lẻm thứ hai đối với Nguyễn Phú Trọng. Nếu buộc phải thừa nhận mình bị tai biến mạch máu não và thậm chí bị đột quỵ như quá nhiều dư luận trong nước và cả quốc tế dậy lên đồn đoán, Trọng sẽ bị bản quy định trên loại ra khỏi danh sách “cán bộ cấp chiến lược cho Đại Hội 13.”
Điều này khiến Nguyễn Phú Trọng không những mất hẳn tương lai tiếp tục ngồi ghế “tổng tịch” mà cái ghế đó còn bị đe dọa bởi không ít đồng chí cấp dưới, những người đang sẵn sàng tranh đoạt quyền lực nếu “vua” băng hà, hoặc ốm liệt giường liệt chiếu, nếu chưa chết.
Có thể xem “Hội Nghị Trung Ương 10” là thách thức rất quan trọng mà Nguyễn Phú Trọng phải hiện ra và phải vượt qua, nếu ông ta còn muốn “ngồi” đến cuối Đại Hội 12, hoặc ít ra cũng có thể tồn tại trên cương vị “tổng tịch” mà không phải quá lo lắng cái ghế đó bị những kẻ khác xâu xé.
Nhưng nếu tình trạng khỏe của Nguyễn Phú Trọng vẫn phập phù, mà cụ thể hơn là vẫn không thể nói được, hoặc nói không thể rõ ràng, không đi lại được hoặc đi không vững,… liệu ông ta có “mất tích” tại “Hội Nghị Trung Ương 10” theo cách “trưởng ban lễ tang Nguyễn Phú Trọng” đã “không không thấy” tại đám tang Lê Đức Anh?
Hoặc do chính yêu cầu của Trọng mà “Hội Nghị Trung Ương 10” sẽ bị dời lại cho đến khi ông ta có thể đi lại và nói năng được?
Trở về dĩ vãng Nguyễn Bá Thanh?
Có một điểm trùng hợp thú vị vào cuối năm 2014, một hội nghị trung ương khi đó cũng mang số thứ tự là 10 đã phải dời lại đến khoảng một tháng rưỡi. Nguồn cơn sâu xa được ngầm hiểu là đảng cầm quyền rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi một mặt liên minh Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang bị thủ tướng khuynh đảo quyền lực khi đó là Nguyễn Tấn Dũng tấn công áp đảo và liên tục. Mặt khác “ngôi sao đang lên” Nguyễn Bá Thanh, cựu bí thư Đà Nẵng được Trọng đưa ra Hà Nội làm trưởng ban Nội Chính Trung Ương, lại bị một căn bệnh lạ lùng và quái ác đến nỗi phải đi đều trị ở Hoa Kỳ.
Mãi đến đầu năm 2015 khi Nguyễn Bá Thanh được cáng về Đà Nẵng trong tình trạng “tau khỏe mà, có chi mô” nhưng sau đó âm thầm lìa đời, Hội Nghị Trung Ương 10 mới được tổ chức với một mục tiêu đặc biệt “lấy ý kiến thăm dò uy tín tổng bí thư cho Đại Hội 12.”
Nhưng kết quả phiếu thăm dò trên vẫn không được công bố bất kỳ chi tiết nào cho tới nay. Trong khi đó, rất nhiều nguồn tin không chính thức đã cho biết Nguyễn Tấn Dũng mới là người xếp đầu bảng kết quả thăm dò uy tín tổng bí thư, còn Nguyễn Phú Trọng chỉ xếp thứ 8.
Đáng chú ý, cho tới nay đã không có bất kỳ phản bác hay cải chính nào của các cơ quan đảng và chính quyền Việt Nam về những tin tức không chính thức đó.
Cũng có một điểm trùng khớp thú vị khác là bầu không khí và những gì đã diễn ra trong “kịch bản Nguyễn Bá Thanh” dường như đang tái hiện vào năm 2019 ứng với cái tên Nguyễn Phú Trọng.
Cũng bắt đầu bởi một biến cố, sau đó là sự kìm giữ “bảo mật thông tin sức khỏe lãnh đạo” cùng những lời bàn tán nổi lên mối nghi ngờ trên mạng xã hội và trong dư luận xã hội về tình cảnh “gần đất xa trời.”
Ứng với trường hợp Nguyễn Bá Thanh, tiếp sau đó là sự xuất hiện của trang mạng Chân Dung Quyền Lực – một bóng ma khủng khiếp đe dọa phần lớn ủy viên bộ chính trị và có những tin tức rất chi tiết về số chuyến bay, giờ bay… đưa bệnh nhân Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng.
Liệu sẽ hiện ra một cái gì đó na ná như Chân Dung Quyền Lực ứng với trường hợp Nguyễn Phú Trọng?
Phép thử sống còn
Đó là điều có thể xảy ra, và thực ra đã bắt đầu xảy ra. Ngay từ sự biến Kiên Giang, vài trang facebook cá nhân có lượng truy cập lớn đã liên tục thông tin về tình trạng sức khỏe của Trọng. Những thông tin đó là chi tiết và rất có “định hướng,” mà hẳn Trọng nếu tỉnh lại thì phải nhận ra đó không phải là giọng điệu của “thế lực phản động,” mà thậm chí có thể từ chính những đồng chí đang vây quanh giường bệnh của ông ta.
Thời gian mà Nguyễn Phú Trọng phải kéo dài điều trị càng lâu, dư luận càng trở nên bất lợi đối với ông ta. Đang ngày càng rộ lên dư luận Trọng cố ý không chịu thông tin về cơn bạo bệnh của mình là nhằm duy trì cái ghế “tổng tịch” và không chịu rút khỏi danh sách “cán bộ cấp chiến lược của Đại Hội 13.”
Cũng đang hiện ra ngày càng rõ những dấu hiệu thách thức từ ngầm đến công khai đối với quyền lực của bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng, trên mạng xã hội, trong giới quan chức cấp dưới và cả trong giới cách mạng lão thành.
“Hội Nghị Trung Ương 10” cũng bởi thế sẽ là một phép thử đầu tiên mang tính sống còn đối với sự tồn tại mong manh và có thể là cuối cùng của Trọng. (Phạm Chí Dũng)
No comments:
Post a Comment