Bratislava, Slovakia (NV) – Trong bối cảnh vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tưởng chừng như đã được dàn xếp để khép lại giữa Đức và Việt Nam thì tờ Slovak Spectator của Slovakia hôm 7 Tháng Hai bất ngờ cho hay Thủ Tướng Đức Angela Merkel đề cập vụ này trong chuyến thăm nhằm cải thiện quan hệ với Slovakia.
Tờ báo tường thuật: “Trong cuộc hội đàm, Thủ Tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Peter Pellegrini đã thảo luận về trường hợp của doanh nhân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, người bị bắt cóc ở Đức và đưa về Việt Nam qua ngả Slovakia, bằng cách tận dụng máy bay của chính phủ nước này.”
Bà Merkel được báo Slovak Spectator dẫn lời: “Tôi không có nghi ngờ gì về việc Slovakia đang làm mọi thứ để điều tra vụ bắt cóc này.”
“Các nhóm điều tra vẫn đang thu thập thêm bằng chứng trong vụ này,” Thủ Tướng Pellegrini nói và cho biết thêm rằng nghi phạm chính đã bị bắt giam.
Tiết lộ của báo Slovak Spectator cho thấy Đức chưa “bỏ qua” cho nhà cầm quyền CSVN về vụ Trịnh Xuân Thanh trong lúc Đại Sứ CS Nguyễn Minh Vũ vừa trình quốc thư.
Theo VietnamPlus, ngày 8 Tháng Hai, Nguyễn Minh Vũ, đại sứ CS Việt Nam tại Đức đã trình quốc thư lên Tổng thống Frank-Walter Steinmeier.
Tờ báo cho hay: “Đại Sứ Vũ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Đức, đối tác hàng đầu của Việt Nam tại EU trên hầu hết các lĩnh vực.”
Hệ lụy của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là quan hệ ngoại giao Đức-Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng trong nhiều tháng liền. Đồng thời, vụ này còn khiến Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu–Việt Nam (EVFTA) được dự báo gần như không thể thông qua trong năm 2019 vì vụ bắt cóc là bằng chứng rõ rệt nhất cho tình trạng vi phạm nhân quyền và coi thường luật pháp quốc tế của CSVN.
Dường như tình hình vận động cho EVFTA chưa được cải thiện vì Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc được ghi nhận đã tránh gặp Thủ Tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị Davos diễn ra hồi trung tuần Tháng Giêng, 2019.
Liên quan đến vụ này, hồi cuối năm 2018, giới quan sát suy đoán rằng CSVN sẽ “gửi trả” ông Thanh, người đang thụ hai án chung thân ở Hà Nội, cho nước Đức để nhằm cứu vãn quan hệ. Tuy nhiên, đến nay, điều đó chưa xảy ra.
Bà Nguyễn Thanh Mai, thành viên của Văn Lang, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong cộng đồng người Việt Nam tại Châu Âu bình luận trên trang Luật Khoa Tạp Chí hôm 9 Tháng Hai: “Đã sang năm 2019 và hiệp định EVFTA vẫn chưa thấy đâu. Trên trang mạng của Quốc Hội châu Âu có thể đọc thấy lý do của sự chậm trễ này là tình trạng nhân quyền hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện và diễn biến trong lĩnh vực này có thể dẫn đến việc Quốc Hội hoãn hoặc từ chối chấp nhận phê chuẩn.”
Bà Mai dẫn chứng là trong năm 2017, các tòa án tại Việt Nam do đảng CSVN kiểm soát “đã kết án 15 blogger và các nhà hoạt động”, và con số đó “tăng gần ba lần, lên tới 42 người trong năm 2018”. (T.K.)
No comments:
Post a Comment