RFA-2019-01-28
BOT An Sương - An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh-Photo: RFA
Trong cuộc họp báo ngày 27/1/2019, công ty IDICO - chủ đầu tư của trạm thu phí BOT An Sương, An Lạc đang bị người dân phản đối nói với báo giới trong nước rằng, việc xây thêm 4 cây cầu vượt làm giảm ùn tắc trên Quốc lộ 1, do đó dù tài xế không đi lên cầu cũng sẽ phải thu phí, tuy nhiên một tài xế mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc không đồng tình với ý kiến này.
Không qua cầu nhưng vẫn phải trả phí
Tại buổi họp báo có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO giải thích, việc đầu tư quản lý khai thác các cầu vượt gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương - An Lạc với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông tại các nút giao nhằm ổn định, thông suốt trên QL1, do đó người dân cần phải trả phí dù đi trên cầu vượt hay đi dưới mặt đường bên cạnh cầu.
Sở Giao thông vận tải TPHCM ngày 28/1 cũng có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan liên quan đồng ý với giải thích trên của IDICO và nói thêm rằng, nếu tách riêng các cây cầu vượt để thu phí thì phải giải phóng mặt bằng và đặt thêm trạm thu phí, do đó có thể làm chi phí đầu tư tăng cao.
Ý người ta là muốn lùa người dân đi hết lên cầu để buộc trả tiền phí, sử dụng dịch vụ của họ thì phải trả tiền phí, nhưng thật ra mình không có nhu cầu đi lên cầu nên mình đi xuống dưới và vì vậy không thể buộc mình trả tiền - Ông Minh Trí, một tài xế
Ông Minh Trí, một tài xế tham gia phản đối trạm thu phí BOT đặt tại Quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân không đồng tình ý kiến này vì người dân phải sử dụng thì mới trả tiền.
“Họ làm cây cầu để băng qua các ngã tư, nhưng mật độ qua các ngã tư đó rất là đông, cho nên cho dù người ta nói là để giảm ùn tắc giao thông, nhưng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên chứ không như người ta nói.
Thứ hai quan điểm của tài xế bọn em là có đi, có sử dụng mới trả tiền chứ không thể là anh xây dựng cầu, rồi người ta không đi, anh cũng bắt đi lên cầu là không đúng.
Đằng này ở trước cây cầu người ta có cái biển là các phương tiện đi thẳng theo Quốc lộ 1A phải đi lên cầu,ý người ta là muốn lùa người dân đi hết lên cầu để buộc trả tiền phí, sử dụng dịch vụ của họ thì phải trả tiền phí, nhưng thật ra mình không có nhu cầu đi lên cầu nên mình đi xuống dưới và vì vậy không thể buộc mình trả tiền,” ông Minh Trí nêu ý kiến với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại.
“Đã xử lý 3 người gây rối ở trạm BOT An Sương, An Lạc”
Báo Tuổi Trẻ ngày 27/1 có bài viết với tiêu đề lớn dẫn lời ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, thời gian qua, từ ngày 3-12-2018 đến 27-1-2019 công an quận này đã xử lý 3 trường hợp gây rối, tuy nhiên không nêu danh tính những tài xế này.
Một tờ báo khác ở TPHCM là Sài Gòn Giải Phóng lại nêu rõ 3 người bị lập biên bản xử phạt gồm Ngô Phương (3 lần xử phạt), Hữu Danh (2 lần xử phạt) và Huỳnh Long (1 lần xử phạt)
Theo truyền thông trong nước, các hành vi bị xử phạt đối với các tài xế này bao gồm dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định gây ách tắc giao thông (mức phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/trường hợp), không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng (1 - 3 triệu đồng/trường hợp), gây mất trật tự đường phố (2 - 3 triệu đồng/trường hợp).
Nữ tài xế Ngô Phương - người bị cơ quan ngôn luận của đảng bộ đảng Cộng sản TPHCM chỉ đích danh là bị xử phạt 3 lần nói rằng cô không quan tâm đến việc báo chí nói gì.
“Hiện giờ mọi vấn đề cũng có cơ quan chức năng vào cuộc rồi thì cái vấn đề nếu gây rối hay mất trật tự thì đó là điều tụi em không đáng quan tâm vì tụi em không sử dụng dịch vụ thì tụi em không thanh toán thôi,” cô Ngô Phương nói và từ chối bình luận thêm.
Ông Minh Trí thì cho biết, bản thân ông không phải là người gây rối như báo chí nói, mà chỉ làm những hành vi pháp luật không cấm.
“Với chúng tôi thì những vấn đề đó là trò hù con nít thôi, theo tôi biết thì 3 người đó đang làm đơn kiện cơ quan chức năng về việc giam giữ người trái pháp luật và lợi dụng chức vụ quyền hạn để đe dọa người dân.
Nói lại là họ đòi xử lý những cá nhân gây rối, mà mình không gây rối nên mình không sợ. Bản thân em là Minh Trí và những người khác đang làm đúng theo quy định của pháp luật, làm những điều gì nhà nước và pháp luật không cấm và luôn thượng tôn pháp luật.
Ví dụ em đi qua đó em thắc mắc vấn đề tại sao em không đi cầu mà bắt em trả tiền, ví dụ như em sử dụng trả tiền lẻ thì nhà nước không cấm. Trả tiền lẻ mà nhà nước vẫn cho lưu hành thì không thể ghép tội này tội kia được,” người tài xế được nhiều người biết qua vụ phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy khẳng định.
Sẽ xử lý bằng biện pháp mạnh hơn!
Trong buổi họp báo, Công an quận Bình Tân khẳng định từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán, lực lượng công an quận cùng với Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng, tích cực tuần tra, kiểm soát khu vực quận Bình Tân, đặc biệt khu vực trạm thu phí.
Đại diện Công an nói, các trường hợp vi phạm nhưng người vi phạm không hợp tác phải được xử lý bằng biện pháp mạnh hơn, có thể dùng xe cẩu để đưa phương tiện đi nơi khác để tiếp tục làm việc, đảm bảo giao thông.
Hồi năm 2017, Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra dự án BOT An Sương, An Lạc đã chỉ ra các sai phạm như, Bộ GTVT phê duyệt tăng sai tổng mức đầu tư (chi phí dự phòng) gần 17,7 tỷ đồng.
Kết luận của Thanh tra chính phủ còn cho thấy Bộ GTVT và chủ đầu tư IDICO đã tính toán phương án hoàn vốn không hợp lý dẫn đến kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn không đúng quy định. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu thực tế đầu tư vào Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc chỉ hơn 194,5 tỷ đồng, tương đương 25,76% tổng mức đầu tư dự án, không đủ tỷ lệ 30% theo quy định của hợp đồng vốn chủ sở hữu phải đạt,vi phạm quy định của Chính phủ về ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước.
No comments:
Post a Comment