HÀ NỘI (NV) – Guồng máy sản xuất hàng hóa để xuất cảng của Việt Nam hoạt động tối đa để tận dụng lợi thế từ thương chiến Mỹ-Trung, nhưng tình trạng thiếu hụt năng lượng đang đe dọa tương lai của nền kinh tế.
Những báo cáo gần đây nói tình trạng thiếu điện nghiêm trọng sẽ xảy đến có thể từ năm 2021 nên Hà Nội đốc thúc các viên chức các ngành liên quan phải tìm cách thúc đẩy nhanh các dự án xây dựng các nhà máy điện hiện có thể đang bị dở dang vì nhiều lý do khác nhau.
Hiển nhiên, các cơ sở sản xuất công nghệ đòi hỏi một lượng điện năng rất lớn. Nhiều nhà sản xuất lớn ở Trung Quốc tính chạy qua Việt Nam để tránh bị kẹt trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Một số công ty nhỏ đã tràn tới rồi trong khi nhiều đại công ty quốc tế còn đang lưỡng lự, trong đó có vấn đề hạ tầng cơ sở yếu kém của Việt Nam mà điện là một.
Theo một bài phân tích trên báo tài chính Financial Times hôm Thứ Hai, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ có thể xảy ra cùng một lúc hai cuộc khủng hoảng về năng lượng. Thứ nhất là sự thiếu hụt khả năng sản xuất điện từng là một căn bệnh kinh niên được báo động đã từ lâu, mà vì thiếu tiền nên không thể giải quyết nhanh.
Thứ hai, Việt Nam bị Trung Quốc ngáng cẳng, không để yên cho dò tìm và khai thác dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên Biển Đông.
Với một cái xứ muốn đu dây chính trị và kinh tế giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh để tồn tại, Hà Nội đối diện với sự lựa chọn đoản kỳ về năng lượng được nhìn thấy sẽ có những hệ quả địa chính trị cho những năm trước mặt.
“Nguồn cung cấp tiềm năng từ dự trữ dầu khí nội địa của Việt Nam đang bị thử thách và chậm trễ. Hoặc là nó do khả năng tài chính giới hạn của công ty dầu khí nội địa không thể phát triển các mỏ, hoặc là các tranh chấp trên biển hay các căng thẳng chính trị,” lời ông Andrew Harwood, giám đốc nghiên cứu của nhóm dò tìm và phát triển dầu khí Wood Mackenzie ở Singapore. “Người ta quan tâm việc Việt Nam làm thế nào có thể thỏa mãn được nhu cầu năng lượng trong tương lai.”
Việt Nam hiện nay phần lớn tùy thuộc vào các nhà máy thủy điện, các nhà máy nhiệt điện chạy than và chạy dầu để sản xuất điện. Tuy nhiên, nhiều dự án điện bị đình trệ mấy năm gần đây. Lý do có thể từ thủ tục hành chính phức tạp, quan lại tham nhũng rút ruột, hoặc nhà đầu tư nước ngoài không được nhà nước bảo đảm cho những khoản tín dụng xây dựng nhà máy điện.
Năm 2016, Hà Nội đã đình hoãn vô thời hạn dự án nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận sau tai nạn thảm khốc xảy ra tại nước Nhật. Dĩ nhiên còn nhiều lý do khác nữa từ khả năng đầu tư tài chính đến chuyên viên nguyên tử năng không có bao nhiêu.
Mới một hai năm trở lại đây, người ta thấy nhà cầm quyền trung ương khuyến khích thực hiện các dự án điện mặt trời. Tuần trước, thấy có tin tức một cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) sẽ được đầu tư xây dựng ở cảng Thị Vải, Vũng Tàu. Đồng thời Việt Nam cũng tính toán cả chuyện mua thêm điện từ Lào và Trung Quốc.
Mới đầu Tháng Chín này, một nhà máy điện mặt trời với vốn đầu tư $391 triệu, bắt đầu phát điện tại tỉnh Tây Ninh. Viên chức Tập Ðoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) cho hay tại Việt Nam có hơn 4,000 căn nhà đã lắp hệ thống điện mặt trời chỉ trong vòng 3 tháng qua với khả năng tạo ra 200MW. Khoảng 300MW nữa sẽ được những nhà khác lắp đặt trên mái nhà từ nay đến cuối năm.
“Sự gia tăng nhanh chóng việc đặt hệ thống sản xuất điện mặt trời trên mái nhà trong năm 2019 là dấu hiệu nhà cầm quyền muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, trong đó, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được khuyến khích nhiều hơn.” Gavin Smith, giam đốc phát triển năng lượng sạch tại công ty đầu tư Dragon Capital ở Sài Gòn phát biểu.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: “Vấn đề là sự gia tăng nhanh chóng phát triển điện mặt trời từ năm 2018 đến nay có đủ để giải tỏa sự thiếu hụt năng lượng dẫn đến tình trạng bị cúp điện trong ba năm tới hay không.”
Nhu cầu điện năng tại Việt Nam gia tăng trung bình hàng năm khoảng 9% trong khi nền kinh tế tăng trưởng khoảng 7% năm ngoái.
Môt viên chức chính quyền không nêu tên nói với báo FT rằng “có một số nguy cơ về thiếu điện trong những hoàn cảnh bất thường và đặc biệt khẩn trương, hầu như xảy ra khi các đập chứa nước cho các nhà máy thủy điện sử dụng lại xuống quá thấp,” tức không đủ để chạy máy.
Một số viên chức cũng từng đề cập tới việc mua điện từ Trung Quốc nhưng đây là vấn đề nhạy cảm chính trị tại một đất nước có tinh thần quần chúng chống Trung Quốc rất cao, nhất là khi có các tin tức liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, căng thẳng đối đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Một số công ty Mỹ cũng như một số quan chức nhà nước cổ võ sử dụng khí hóa lỏng (LNG) như giải pháp giải quyết nạn thiếu điện, lại giúp Việt Nam giảm thiểu thâm hụt thương mại cho Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp có thể giải quyết ngay tức thì nạn thiếu điện. Bởi vì Việt Nam cần phải xây dựng các cơ sở tiếp nhận LNG.
Khả năng phát triển các mỏ dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam hiện đang là cái nhức đầu của Hà Nội. Từ đầu Tháng Bảy đến nay, Bắc Kinh đưa một đoàn tàu lớn hộ tống tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 quấy rối tại bãi Tư Chính, nơi Việt Nam đang cho liên doanh Vietnam Petro-Rosnef khai thác mỏ Lan Tây-Lan Đỏ ở lô 6-1.
Những ngày gần đây, có tin Tập Ðoàn Exxon-Mobil muốn chạy khỏi Việt Nam mà nhà cầm quyền Hà Nội cho đó là tin đồn không căn cứ trong khi tập đoàn dầu khí Mỹ thì không bình luận.
Nguy cơ thiếu điện của Việt Nam lại dấy lên khi báo chí trong nước đưa tin sáng 21 Tháng Chín, 2019, Tập Ðoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) khánh thành dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tại Trung Tâm Nhiệt Ðiện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Đây là loại nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm môi trường từ không khí đến thải ra một lượng xỉ than khổng lồ. Dân chúng địa phương đã biểu tình phản đối rất nhiều lần nhưng tình trạng cũng không cải thiện được nhiều. (TN)
No comments:
Post a Comment