HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong chín tháng qua, cơ quan điều tra đã khởi tố 214 vụ án tham nhũng với 487 bị can, tăng 56 người so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có nhiều vụ án kinh tế lớn “đã chứng minh được yếu tố tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp” được dư luận quan tâm.
Theo báo VNExpress, sáng ngày 12 Tháng Chín, 2019, tại phiên họp thứ 37 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN, trình bày thẩm tra phúc trình của chính phủ về “Công Tác Phòng, Chống Tham Nhũng năm 2019,” bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp, cho biết trước đây một số các vụ án kinh tế lớn mà “dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng” nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được nên phải xử theo hướng kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được.
Điển hình như vụ hai cựu bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ.”
Và vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh, phó phòng Phòng Chống Tham Nhũng, Thanh Tra Bộ Xây Dựng và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc.
Hoặc vụ năm cán bộ Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong lúc thanh tra một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Hay như vụ ông Đặng Trường An, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện Tân Châu (Tây Ninh) nhận hối lộ…
Tuy nhiên, theo bà Nga tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn chưa bị đẩy lùi. Đặc biệt, khi sự việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn “lợi ích nhóm,” hay “sân sau” được đẩy mạnh, thì “loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…”
Chẳng hạn, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn, thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn. Đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi với số tiền rất lớn như vụ Công Ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công Ty Cổ Phần Nghe Nhìn Toàn Cầu AVG; vụ liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm; sai phạm tại Tập Đoàn Than, Khoáng Sản Việt Nam…
“Tình trạng này làm giảm niềm tin của người dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, là vấn đề cần được Chính Phủ, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao… đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục,” bà Nga đề nghị.
Theo báo Tiền Phong, về thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, theo phúc trình của chính phủ, trong giai đoạn điều tra, các cơ quan đã thu hồi được hơn 615 tỷ đồng ($26.5 triệu) và hơn 11,800 mét vuông đất, kê biên 795 tỷ đồng ($34.3 triệu).
Ngoài ra, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã tích cực yêu cầu và áp dụng nhiều biện pháp tố tụng tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10,000 tỷ đồng ($431.8 triệu).
Trả lời báo chí về việc giải quyết các vụ án tham nhũng lớn bị phanh phui kể trên, ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An, chỉ cho biết “các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ điều tra theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ Ðạo Trung Ương Về Phòng, Chống Tham Nhũng.” (Tr.N)
No comments:
Post a Comment