Thảo Vy (VNTB)|Để các hộ dân Thủ Thiêm không tiếp tục khiếu nại vượt cấp tại các cơ quan Trung ương, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Chủ tịch UBND quận 2 hướng dẫn người dân thực hiện việc khiếu nại bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp theo Luật Khiếu nại. TP.HCM sẽ hướng dẫn cho những hộ dân cho rằng nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đó là thông tin mà báo chí ở Sài Gòn được ‘lệnh’ đăng tải. Dường như những người ngồi phòng máy lạnh để soạn ra chỉ đạo này tiếp tục không chịu nhìn thẳng vào sự thật: chẳng người dân nào dư dả bạc tiền và phung phí thời gian để ‘đội đơn’ chầu chực tận Hà Nội để ‘nhờ đèn giời’ soi xét.
Đó là chuyện nói theo ngôn ngữ dân dã: ‘cực chẳng đã’…
Khu vườn rau Lộc Hưng: vì sao chính quyền vẫn câm lặng?
Việc chính quyền quận Tân Bình, TP.HCM đã đập phá nhà cửa, cưỡng chiếm đất đai, tài sản của người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng trong những ngày giáp tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, cho đến nay mặc dù nhóm luật sư cùng người dân Lộc Hưng đã kiên trì thực hiện theo đúng trình tự hành chánh pháp luật liên quan trong khiếu nại, tố cáo, song chính quyền vẫn lặp lại kịch bản đã diễn ròng rã suốt hơn hai mươi năm qua đối với dân oan Thủ Thiêm: câm lặng!
Đâu chỉ có Lộc Hưng hay Thủ Thiêm. Trong 6 tháng đầu năm, số liệu báo cáo từ Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã nhận được 1.756 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có tới 1.684 đơn thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm 95,9%.
Trong tổng số 893 vụ việc phải xử lý có 6 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao; 21 vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Bộ; 2 vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng, 26 vụ việc đã có quyết định giải quyết lần 2 của địa phương; còn lại 838 vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Cũng trong 6 tháng qua, bộ phận tiếp công dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp 173 lượt với 326 người, có 17 lượt đoàn đông người với 166 người. So với cùng kỳ năm 2018, số lượt tiếp công dân tăng 52 lượt, số đoàn đông người tăng 9 lượt, số người đến khiếu nại tại Bộ tăng 145 người. Nội dung khiếu nại công dân đến trình bày chủ yếu liên quan đến việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số trường hợp tố cáo sai phạm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai.
Cứ khăn gói ra Hà Nội là kiện vượt cấp?
Kiện vượt cấp, hiểu một cách máy móc, đó chính là việc chủ thể khiếu nại chưa đúng người có thẩm quyền giải quyết. Sở dĩ gọi là ‘máy móc’, vì ngay lúc ban đầu, phía khiếu nại làm đúng theo trình tự, đúng cấp nhưng tất cả đều không được ai xử trí – như vụ vườn rau Lộc Hưng suốt 7 tháng qua chẳng hạn. Vậy là đành phải khiếu nại lên cấp quản lý cao hơn, tức cơ quan cấp trung ương có trụ sở tại Hà Nội.
Ở Việt Nam, cơ quan Đảng ‘bao sân’ mọi chuyện như Điều 4, Hiến pháp ghi, nên người dân ‘luôn tiện’ cũng ‘đệ đơn’ đến các cơ quan trung ương Đảng cho việc khiếu nại, khiếu kiện.
“Kiện” nếu xét theo từ ngữ dùng trong các văn bản quy phạm pháp luật, thường được hiểu là việc chủ thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, thông thường việc khởi kiện ra Tòa án, ngoài việc quy định khá rõ ràng về thẩm quyền trong Bộ luật Tố tụng dân sự, thì nếu như chủ thể khởi kiện nộp đơn lên Tòa án không đúng thẩm quyền, thì Tòa án sẽ hướng dẫn người khởi kiện ngay khi họ nộp đơn.
Thêm vào đó, cũng do tính chất và đặc thù của việc khởi kiện ra Tòa án nên không có nhiều trường hợp được cho là kiện vượt cấp. Vì vậy, kiện vượt cấp có thể gọi một cách chính xác hơn là “khiếu nại vượt cấp”.
Tuy nhiên những lập luận ở trên chỉ thuần ý nghĩa về lý thuyết của sự tốt đẹp, mang tính tụng ca nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thực tế thì bất cứ người nào khi đã khiếu nại vượt cấp, đều không ngoài mong muốn vụ việc của mình được giải quyết nhanh chóng, đúng quy định, mong được nghe những lời giải thích hợp tình, hợp lý từ phía cơ quan nhà nước, hay ít ra là vụ việc của mình đến được với những lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Trong thời gian phụ trách ban bạn đọc ở tòa soạn, người viết ghi nhận phản ánh, sở dĩ có khiếu nại vượt cấp là vì chính quyền cấp cơ sở ít khi tuân thủ thời gian giải quyết khiếu nại theo đúng luật.
Điều 28, Luật Khiếu nại quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày. Hết thời gian đó, nếu khiếu nại chưa được giải quyết thì người dân có quyền khiếu nại lên cấp trên.
Đến khi đơn chuyển lên cấp trên thì lại bị chuyển ngược về cấp giải quyết lần đầu. Nguyên nhân, hầu hết các đơn vị thụ lý khiếu nại chỉ nhận đơn mà không đưa giấy biên nhận để người dân có thể chứng minh thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu đã hết.
Điều 27 của Luật Khiếu nại quy định “trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do”.
Thế nhưng, hầu như chẳng nơi nào thực hiện. Không có “thông báo bằng văn bản” thì người dân không có chứng cứ chứng minh thời hạn thụ lý đơn khiếu nại.
Chính vì các cơ quan, địa phương không tuân thủ pháp luật ngay từ đầu, đã dẫn đến thực trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp như lâu nay.
Thay cho lời kết
Trong một chia sẻ với báo chí, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp “tế nhị” trong việc sửa sai. Ông dẫn chứng một trường hợp ra quyết định có dấu hiệu sai, nhưng hiện là lãnh đạo cấp cao nên “rất khó cho anh em”. Khi làm việc, các cán bộ dù công nhận đó là sai, nhưng khi được hỏi giải quyết ra sao thì “lại cứ ấp úng”.
“Cái sai là của người thân, hoặc khi sửa sai sẽ xảy ra tình huống tiêu cực… đều là những điều hết sức tế nhị. Trường hợp này buộc phải khách quan, đặt lợi ích của người khiếu nại cũng như đảm bảo an ninh trật tự lên trên hết” – ông Thanh nói và nhìn nhận đó vẫn là câu chuyện của ‘anh sai nên khó… cho cấp dưới như em’./.
No comments:
Post a Comment