HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Phải hơn một tháng sau khi ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, tổng giám đốc Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) nộp đơn xin từ chức, báo Tuổi Trẻ xác nhận tin người sắp thay nhân vật này là ông Lê Mạnh Hùng, 46 tuổi, hiện đang làm phó tổng giám đốc PVN.
Việc bổ nhiệm ông Hùng được diễn ra theo “quy trình nhân sự” của một doanh nghiệp nhà nước: Ứng viên được giới thiệu và tổ chức một hội nghị thông qua, tiếp đó Hội Đồng Thành Viên PVN sẽ có tờ trình nhân sự lên Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước để thực hiện các quy trình tiếp theo trước khi PVN công bố chính thức quyết định bổ nhiệm.
Báo Tuổi Trẻ cho hay ông Hùng “là kỹ sư công nghệ tổng hợp hóa dầu và hữu cơ, tiến sĩ chuyên ngành hóa dầu và xúc tác hữu cơ, có nhiều năm công tác trong ngành dầu khí”. Từ năm 2000 đến nay, ông làm tại Công Ty Liên Doanh Nhà Máy Lọc Dầu Việt Nga, Tổng Công Ty Dung Dịch Khoan và Hóa Phẩm Dầu Khí (DMC), Văn Phòng Chính Phủ [CSVN], PVN.
Tờ Năng Lượng Việt Nam của Hiệp Hội cùng tên bổ sung rằng ông Hùng “có bằng lý luận chính trị cao cấp, năng lực vượt trội khi độ tuổi còn trẻ, và là ứng viên duy nhất đáp ứng đủ cả 10 tiêu chí, cả ‘hồng và chuyên’ đối với lãnh đạo cao cấp để đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc PVN”.
Ông Lê Minh Nguyên, chuyên gia tư vấn độc lập về chiến lược, thị trường ngành năng lượng, bình luận trên trang cá nhân: “Một trong các thách thức nặng ký của ông Lê Mạnh Hùng khi ngồi vào ghế tổng giám đốc PVN là các vụ liên quan đến các sai phạm do các nhiệm kỳ trước để lại. [Ông] cần chủ động hợp tác tối đa với các cơ quan tư pháp để xử lý dứt điểm và nhanh chóng. Việc chậm trễ trong các vụ việc liên quan Oceanbank, các dự án âm vốn chủ sở hữu và dự án đầu tư ở nước ngoài, sẽ làm trì trệ tiến trình tái cơ cấu.”
“Về các dự án trọng điểm, cụ thể là Cá Voi Xanh và Lô B, ông Hùng và PVN nên tập trung thúc đẩy các nguồn lực và công tác chuẩn bị như giải phóng mặt bằng, san lấp, thu xếp tài chính, phối hợp với đối tác để dự án Cá Voi Xanh đi đúng tiến độ… Ngoài Cá Voi Xanh, PVN còn cần tập trung vốn đối ứng cho các dự án khác như Thái Bình 2, Cá Rồng Đỏ, Long Phú 1… Về tổng quan, việc chọn ông Hùng cho thấy mục tiêu dài hạn của PVN là hướng đến mô hình tập đoàn kinh tế chuyên biệt, đầu tư và quản trị tài chính và không can thiệp sâu vào hoạt động điều hành ở các thành viên hay các công ty điều hành chung nơi đã có Luật Dầu Khí, các ủy ban quản lý hay kỹ thuật giám sát,” theo Facebook Nguyen Le Minh.
Vị trí tổng giám đốc và chủ tịch PVN được cho là hai cái ghế “có huông” vì đến nay, đã có bốn đời chủ tịch, tổng giám đốc cùng nhiều lãnh đạo của tập đoàn này bị khởi tố và kết án, theo báo điện tử VietnamNet hồi Tháng Ba, 2019. Trong số này có cựu Chủ Tịch PVN Đinh La Thăng, cựu Tổng Giám Đốc PVN Phùng Đình Thực…
Hiện tại, chưa rõ số phận của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn thế nào sau khi rời ghế tổng giám đốc PVN. Mới đây, các báo nhà nước vừa đồng loạt công bố chuyện hàng tỉ đô la của PVN đầu tư ra nước ngoài “không đạt hiệu quả, buộc phải dừng hoặc chuyển nhượng lại dự án cho đối tác nước ngoài” trong giai đoạn ông Sơn điều hành. Nổi bật trong số này là vụ đầu tư dự án khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela “gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment