Luân Lê|
Khi mà các hệ giá trị bị đảo lộn và tha hoá thì giáo dục phải ra ngoài đường là lẽ hiển nhiên. Hôm trước tôi cũng đọc được tin thầy giáo đi câu cá kiếm sống vì lương quá bèo bọt không đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
Bên cạnh đó là một loạt các giáo viên hợp đồng có thể bị mất việc vì nhiều lý do khác nhau, không phải vì vấn đề chuyên môn mà vì nhiều thứ bất công trong việc tổ chức và sắp xếp nhân sự.
Thầy giáo đi buôn khói thuốc lá, cái thứ mà ở nước ngoài đánh thuế rất cao vì tính nguy hại của nó, cũng như rượu bia vậy.
-
Giáo sư quốc tế thạo 6 thứ tiếng về nước còn trở thành thất nghiệp. Thạc sỹ ở Anh thạo 2 ngoại ngữ rơi vào trầm cảm vì không được tuyển dụng.
Và học sinh thì vẫn đánh nhau, vẫn bị dâm ô, bạo hành, vẫn gánh trên vai đầy những nặng nhọc của những thứ kiến thức bị nhồi nhét, giáo điều, bị chính trị hoá, vẫn phải mua bán hay trao đổi điểm chác, đóng các loại quỹ, phí và ngày đêm học thêm, thi cử, mà rồi vẫn như những kẻ lạc loài khi bước chân ra ngoài đời để mưu sinh.
Thời thế tạo nên bọn ngu dốt và lưu manh có thể đứng vào hàng ngũ của những kẻ dạy người, chính bọn này mới là những kẻ cơ hội chính trị vì biết lựa thời để luồn lách và tìm cách chui được vào trong hệ thống nhờ tiền bạc và quan hệ, từ đó chúng liên kết và loại bỏ những người tài ra khỏi hệ thống và tác oai tác quái với đủ các chiêu trò và mục đích, nhưng cái cuối cùng của chúng là lợi ích đạt được là gì và bao nhiêu chứ không phải để gây dựng nên một điều gì đó tử tế và tốt đẹp.
Những người có phẩm chất về đạo đức và trí tuệ thì trở nên cô độc và bất mãn vì bị trù diệt, bị vây hãm và rồi khi thấy không thể đứng chung hàng ngũ với phường lưu manh trong giáo dục mà chúng làm cách nào đó trang bị cho mình rất nhiều bằng cấp thì tự thoái thoát ra khỏi cái vũng lầy nhơ nhớp đó.
Đáng sợ nhất chính là giáo dục trở nên tha hoá và suy đồi, vì nó là cái nôi ươm mầm cho nhiều thế hệ của một quốc gia và một dân tộc. Khi nó trở nên tồi bại và đốn mạt, là vì bởi hệ thống chính trị với một thể chế mà ở đó đã tạo ra cơ hội cho những phường thảo khấu có thể tại vị và chen chân vào trong nó.
Cái cuối cùng dẫn đến những suy cấp trong xã hội vẫn là do chính quyền đã không được tổ chức và vận hạnh một cách đủ khoa học nên đã để cho những tình trạng như vậy có thể được diễn ra, mà hơn hết là nó còn hoành hành mỗi ngày một kinh khiếp hơn, sâu rộng hơn và mãnh liệt hơn.
Những kẻ không bằng cấp, có khi chưa học hết tiểu học hay cấp hai, nhiều đám chưa có bằng phổ thông hay cử nhân, vẫn cứ thản nhiên được lãnh nhận những chức vụ nào đó trong chính quyền, mà những đám này lại có quyền để quyết định được đến vị trí của những nhà giáo, trong khi những người có thực tài và trí tâm cống hiến thì trở nên bơ vơ và mất phương hướng, bị gạt ra bên lề trên hành trình mà đáng ra những thứ đó phải thuộc về họ và cần họ hơn cả./.
No comments:
Post a Comment