HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mặc dù Lãnh Sự Quán Nam Hàn thông báo cho ghi danh xin cấp visa qua mạng Internet, nhằm giảm bớt lượng người đến làm việc trực tiếp quá nhiều. Thế nhưng, hàng trăm người vẫn kéo đến Văn Phòng Visa ở quận Cầu Giấy, chen lấn đến ngất xỉu để trực tiếp xin cho bằng được.
Một video clip của báo VNExpress hôm 25 Tháng Tư, 2019, quay lại một cảnh chen lấn kinh hoàng của hàng trăm người diễn ra trước Văn Phòng Visa mới của Nam Hàn tại tòa nhà Discovery, 302 Cầu Giấy (thành phố Hà Nội).
Từ sáng sớm bất chấp thời tiết ở Hà Nội đang oi bức, hàng trăm người phần lớn đến từ các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất… hoặc từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… đã túc trực kín khoảng sân trước văn phòng, xếp hàng khá trật tự.
Tuy nhiên, khoảng hơn 9 giờ 30 phút, khi nhân viên lãnh sự bắt đầu phát số thứ tự vào nộp hồ sơ thì tình trạng chen lấn diễn ra, càng lúc càng lan rộng. Đám đông không được phân luồng, xếp hàng, nên cứ chen lấn, xô đẩy nhau, thậm chí có người chịu không nổi ngất xỉu, buộc nhân viên lãnh sự Nam Hàn đang phát số nhiều lúc phải dừng lại để ổn định tình hình.
Đợi từ 6 giờ sáng cùng vài người ở cùng xã, bà Nguyễn Thị Lan (huyện Quốc Oai, Hà Nội) nói với báo VNExpress, bà đến xin visa để sang Nam Hàn “chơi với cháu.”
“Có thể mấy tháng nữa Nam Hàn lại siết chặt thủ tục nên tôi phải đi xin ngay, dù phải chờ đợi rất mệt mỏi,” bà Lan nói.
Ngoài số ít người xin visa đi du lịch thật sự, phần lớn người dân đến đây xin visa năm năm để đi lao động.
Nam Hàn hiện vẫn được coi là một thị trường lao động hấp dẫn, dễ kiếm việc làm đối với nhiều người dân Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, thuộc Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội, hiện đã có trên 100,000 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại Nam Hàn, trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Nam Hàn.
Phần lớn lao động người Việt sang Nam Hàn để làm các công việc chân tay, nặng nhọc, không đòi hỏi bằng cấp hay trình độ với mức lương được trả trung bình mỗi giờ khoảng 7,500 won ($6.4).
Nếu ai làm hết thời hạn ghi trong visa E9 (4 năm 10 tháng) thì lúc trở về Việt Nam cũng có trong tay từ 1 đến 1.5 tỷ đồng ($43,934 -$64,402), cao hơn Malaysia, Đài Loan và một số nước Trung Đông. Thậm chí, nếu chịu khó làm thêm giờ thì nhiều khi thu nhập còn cao hơn lao động ở Nhật Bản, bởi ở Nhật tuy mức lương cao hơn Nam Hàn, nhưng Chính phủ Nhật lại không cho làm thêm giờ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng lao động Việt Nam hết hạn visa trốn ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Nam Hàn trở thành “vấn đề nổi cộm.”
Phần lớn số người ở lại bất hợp pháp này sống trong các nơi ở chật chội, do chủ xây. Một số có gia đình thì đi thuê những căn nhà nhỏ ọp ẹp hay tầng hầm để làm chỗ trú qua ngày, với giá thuê từ 200,000-450,000 won ($171-$386) tùy theo diện tích, tiện nghi và khu vực. Nhìn chung, cuộc sống chỉ là tạm bợ, thậm chí thấp thỏm lo âu vì luôn sợ bị cơ quan hữu trách bắt giữ. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment