Sunday, March 17, 2019

Nguyễn Tấn Dũng ‘bị khui’ trong vụ PVN đầu tư ngàn tỷ ở Venezuela

Nguyễn Tấn Dũng, tại thời điểm năm 2012. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cựu tổng thư ký toà soạn báo Thanh Niên, nhà báo Hoàng Hải Vân nêu đích danh nguyên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đầu tư dầu khí ở Venezuela.
Trong lúc các báo nhà nước đồng loạt đưa tin về cuộc điều tra về dự án tỷ đô sa lầy của PVN ở Venezuela, nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, bất ngờ viết trên trang cá nhân về mối liên quan của cựu Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng với vụ này.
Ông Hoàng Hải Vân viết trên Facebook: “Năm 2007, chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng cho phép PVN do ông Đinh La Thăng đứng đầu, đầu tư vào một công ty khai thác dầu khí tại Venezuela. Một liên doanh sau đó được ra đời giữa PVN và Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Venezuela, gọi là ‘Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2,’ với tổng vốn đầu tư $12.4 tỷ, liên doanh vay 60%, tương ứng $5.8 tỷ; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng $3.1 tỷ. Phía Việt Nam tham gia 40% với sô vốn góp là $1.24 tỷ. Cộng với một khoản chi kỳ quái gọi là ‘phí tham gia hợp đồng’ (bonus) $584 triệu, tổng vốn của phía Việt Nam phải bỏ ra là $1.82 tỷ…”
Một câu hỏi được ông Hoàng Hải Vân đặt ra trong bài viết: “Cuộc ‘đánh bạc’ ở Venezuela đang được điều tra. Ông Thăng chắc sẽ phải thêm một lần nữa hầu tòa. Một loạt cựu quan chức dầu khí sẽ tiếp tục vào lò, một loạt quan chức các bộ, ngành có liên quan chắc chắn sẽ bị liên đới. Vấn đề là, PVN không thể tự mình vượt qua thẩm quyền của quốc hội để mang hàng trăm triệu, hàng tỉ đô la ra phung phí. Ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng lẽ vô can?”
Cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên cũng đưa bình luận trên mạng xã hội: “Một dự án đầu tư lớn như trên mà không thông qua Quốc Hội thì dù vì lý do gì cũng là chà đạp luật pháp. Tôi cũng nghe nói người mang phiếu đến xin ý kiến từng ủy viên Bộ Chính Trị [CSVN] là ông Thăng, người sai ông Thăng làm việc đó chỉ có thể là ông Dũng. Dùng ý kiến đa số Bộ Chính Trị thay cho sự phê chuẩn của Quốc Hội, ông Dũng đã ngồi xổm lên Hiến Pháp.”
Đáng lưu ý, ông Hải Vân mạnh miệng chỉ đích danh ông Nguyễn Tấn Dũng trong lúc tất cả các báo nhà nước khi đề cập vụ này chỉ viết thoáng qua và chung chung là “thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng đầu tư dự án” mà không nêu danh tính người đứng đầu chính phủ thời điểm đó.
Chưa dừng lại ở đó, ông Hoàng Hải Vân còn nêu ra cả ông Nông Đức Mạnh, người đứng đầu Bộ Chính Trị Đảng CSVN lúc đó.
“Và người đứng đầu Bộ Chính Trị lúc đó là ông Nông Đức Mạnh chẳng lẽ không biết, nếu biết thì sao không ngăn cản, nếu không biết không ngăn cản thì ông làm những việc gì?” Ông Hoàng Hải Vân viết.
Khi cuộc điều tra vụ đầu tư dầu khí “mất trắng hàng trăm triệu đô” tại Venezuela hồi đầu thập niên 2010 đang diễn ra thì ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, tổng giám đốc PVN bất ngờ từ chức. Điều này làm dấy lên những bàn tán về việc các “sếp” trong ngành dầu khí sẽ bị xử lý như thế nào.
Trong bài báo “Sếp lớn PVN thời ông Đinh La Thăng: Cả loạt từ chức, vướng lao lý” đăng hôm 15 Tháng Ba, báo VietNamNet hai lần nhắc tên ông Nguyễn Tấn Dũng là người “ký quyết định để ông Sơn (Nguyễn Xuân Sơn) thôi chức chủ tịch PVN vào Tháng Bảy, 2015” và “ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Khánh giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Thành Viên PVN hồi Tháng Giêng 2016.” Ông Sơn bị tuyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản” hồi năm 2017 trong lúc ông Khánh bị tuyên án 7 năm tù hồi năm 2018. (T.K.)

No comments:

Post a Comment