Tiến Dũng/Người Việt
TÂY NINH, Việt Nam (NV) – Người Sài Gòn xưa nay thường chọn Núi Sập, có Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, tỉnh An Giang và núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh để hành hương. Trong tâm thức người dân đồng bằng, việc đi cúng chùa ở hai địa phương gần gũi có núi thiêng luôn là một đức tin dù nhân gian qua bao biến động bền vững.
Đã hết Tháng Giêng Âm Lịch năm Kỷ Hợi, nhưng hàng ngàn người chưa đi hoặc tránh cảnh chen lấn ngày Tết đã nhân ngày nghỉ cuối tuần rời Sài Gòn và mọi địa phương cùng đổ về hướng Tây Ninh để đi cúng chùa Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Tiên Thạch.
Những ai nhiều năm chưa đến địa danh hành hương nổi tiếng này thì cảnh quang bề ngoài khu du lịch dưới chân núi Bà Đen đã thay đổi đến mức kinh ngạc. Từ nhà cửa, công viên cây cảnh, các phương tiện phục vụ du khách đều được nâng cấp, nhưng bên ngoài cổng chào vẫn là cảnh các bãi giữ xe, hàng quán, trật tự giao thông… bừa bộn, cũng có phần xuống cấp tệ hơn trước đây. Núi và chùa Bà Đen từ một điểm hành hương linh thiêng nay trở thành điểm kinh doanh du lịch tâm linh.
Giới trẻ khi đến nơi này thì họ có thể đi bộ leo núi, theo nhiều đường mòn để lên tận đỉnh núi hay lên chùa, nhưng đa phần khách hành hương cả người già, người trẻ, sau khi mua vé vào cổng, ai thích đi xe điện thì trả tiền lên xe tiếp tục đi đến một chỗ bán vé cáp treo hay máng trượt để lên chùa.
Vào những ngày cao điểm hành hương như lúc chúng tôi có mặt, để được ngồi vô thùng cáp treo gọi là hiện đại di chuyển khoảng vài trăm mét lên tới chùa, phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ, trong khi nếu đủ thể lực leo núi thì chỉ cần nửa thời gian chờ cáp treo bạn đã lên tới nơi.
Dù khí hậu nóng bức giữa trưa của xứ Tây Ninh thời biến đổi khí hậu có đến mức nào đi nữa thì hàng ngàn người đã đến núi thiêng cũng phải lên núi cúng, cầu xin cho mình một hay nhiều điều theo nguyện vọng.
Một sinh viên Bách Khoa lúc chờ lên núi, đây là lần đầu anh đến địa danh này, anh nói: “Đông người chờ đợi chen lên như vầy, núi cũng chảy mồ hôi, mệt đứt hơi hết thiêng luôn.”
Cảnh lên núi là vậy nhưng cảnh ở quần thể chùa Bà Đen còn ngộp thở hơn, bởi trong một khoảng lưng núi chật hẹp mà người đông, khói hương, lửa, tro đốt hàng mã bốc lên mù mịt. Một người trong số chúng tôi cố chen lấn để lên tới am, nơi an vị tượng Bà Đen để cầu nguyện, lúc anh trở lại, áo quần mặt mũi ướt đẫm mồ hôi. Anh nói: “đến lạy Bà cũng không có chỗ mà quỳ, khom lưng cúi đầu cũng đụng người phía trước, biết như vầy đứng dưới chân núi thành tâm cầu nguyện còn tốt hơn.”
Trước khoảng sân nhỏ đầy rác của khu thí thực, cảnh đông người hành hương đứng chờ có chén đũa, thực phẩm, chỗ ngồi để ăn cơm chùa khiến những ai đang đói bụng hay khát nước cũng phải nản lòng.
Nhưng có khi nhìn cảnh này mới cảm phục các vị làm công quả ở chùa; và không có gì quá đáng khi cho rằng các vị nam, nữ làm công quả lo cho bá tánh thập phương có bữa ăn miễn phí trên núi cao, tất cả họ đều là bậc thiện nhân. Bữa cơm chùa chỉ có tương, chao và vài món kho chay nhưng lửa bếp cháy suốt ngày, người công quả rửa chén cũng không lúc nào được khô đôi tay; vậy mà kẻ ăn đồ thí thực ăn xong đồ ăn dư, chén đũa, dĩa, tô cứ bày bừa ra bàn.
Một vị đàn ông có tuổi, tay cầm cái chén không, ông thở dài, nói: “Dân tui hồi nào tới giờ đâu có kiểu ăn cơm chùa kỳ cục như mấy người này. Ăn chơm chùa hay ăn đồ thí thực xưa nay ai cũng tự giác lo vệ sinh chung, giữ gìn nề nếp, đỡ tay đỡ việc cho nhà chùa. Thấy cảnh này xấu hổ quá.”
Mọi dịch vụ kinh doanh tâm linh ở Núi Bà-Tây Ninh càng ngày càng tăng lợi nhuận. Nhưng trớ trêu thay nếu ở khu du lịch dưới chân núi ra vẻ sạch sẽ tươm tất bao nhiều thì ngược lại ở quần thể chùa Bà Đen lại đầy rác thải và không hề có nề nếp cúng viếng xứng với cõi thanh tịnh. Vì sao có sự khác biệt này?
Trên đường chúng tôi xuống núi, nhìn cảnh người nhà chùa đưa từng bao rác trên chùa xuống núi, ai cũng thấy điều đó cực nhọc; và họ thắc mắc tại sao có ngàn chuyến cáp treo mỗi ngày lên xuống núi, chính cái dịch vụ thu hốt tiền không đếm xuể này lại không hề dành ra một vài chuyến cáp để giúp nhà chùa giữ sự thanh khiết cho núi thiêng.
Sài Gòn và cả miền Nam, các hội đoàn xã hội dân sự luôn tự hào duy trì được các lễ hội tâm linh với những nét đẹp văn minh lâu đời. Ai có dịp trở lại cúng viếng chùa Bà Đen-Tây Ninh đều cảm nhận, có thể ngọn núi thiêng bao đời ngự giữa đồng bằng và tâm thức người Việt không còn nguyên vẹn chân khí linh sơn như ngày xưa nữa. Nhưng không thể vì thế mà hủy hoại nền nếp văn minh lễ hội cộng đồng đã hình thành bao đời bằng việc mượn vẻ ngoài sơn son thiếp vàng… để tận thu lợi nhuận kinh doanh tâm linh mà không có trách nhiệm gì với linh sơn thanh tịnh. (Trần Tiến Dũng)
No comments:
Post a Comment