HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng trăm cá nhân và tổ chức người Việt trong và ngoài nước thúc giục nhà cầm quyền CSVN không để nhà thầu Trung Quốc tham gia làm đường cao tốc Bắc-Nam.
Trên mạng xã hội hôm Chủ Nhật, 31 Tháng Ba, 2019, loan truyền qua nhiều trang Facebook một bản tuyên bố của bảy tổ chức xã hội dân sự và 443 cá nhân thúc giục nhà cầm quyền “Loại bỏ dứt khoát nhà thầu Trung Quốc, không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc.” Trong số các người tham gia ký tên trên bản tuyên bố, ngoài những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng trong ngoài nước, còn có nhiều người từng là đảng viên CSVN.
“Mọi công trình hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc từ trước đến nay đều đội vốn rất lớn, thi công dây dưa. Thủ đoạn của họ là bỏ thầu rẻ, thi công trì trệ, kết hợp với quan tham Việt Nam đẩy giá lên. Trên thực tế, hầu hết các công trình có yếu tố Trung Quốc đều yếu chất lượng, kém an toàn khi thi công, khi vận hành và gây ô nhiễm trầm trọng môi trường. Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông cho bài học xương máu.” Bản tuyên bố nói trên viết. “Các nhà thầu Trung Quốc luôn đem các công nghệ lạc hậu, nhân lực Trung Quốc, kể cả lao động phổ thông vào Việt Nam, đến đâu ở lì đó, gây phức tạp an ninh xã hội.”
Họ cho hay “Hiện nay các nước từ Châu Phi, đến Ấn Độ Dương, Đông Á… đều tẩy chay các dự án đầu tư của Trung Quốc. Tiếp tục thuê nhà thầu Trung Quốc là tiếp tay cho tham nhũng.”
Những người tham gia ký tên kêu gọi nhà nước “Tổ chức ngay việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước, tham vấn các nhà thầu Mỹ, Pháp, Nhật Bản… tìm phương án tối ưu cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam.”
Bản tuyên bố của hàng trăm người Việt trong ngoài nước đưa ra vào ngày có cuộc biểu tình của giáo dân giáo xứ Song Ngọc thuộc Giáo Phận Vinh. Họ trương các băng rôn với các khẩu hiệu như “Kiên quyết không để nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam,” “Không ai được thờ ơ với vận mệnh đất nước,” “Tổ quốc không phải của riêng bộ trưởng,” “Nếu chính phủ tự ý để nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam, chúng tôi sẽ xuống đường phản đối,” “Tẩy chay các dự án đầu tư từ Trung Quốc”…
Theo tin tức những ngày gần đây, dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông được nhà cầm quyền thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, chia nhỏ ra làm 11 dự án thành phần, trong đó có ba đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, tám đoạn còn lại sẽ được kêu gọi đầu tư vốn tư nhân theo hình thức PPP (công tư hợp tác thực hiện).
Đối với tám dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Giao Thông Vận Tải phát hành hồ sơ mời thầu 21 gói thầu/8 dự án, sẽ lựa chọn nhà thầu trong quý I, 2019.
Toàn tuyến cao tốc có tổng chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư khoảng 118,716 tỷ đồng (hơn $5.1 tỷ), đi qua địa phận 13 tỉnh từ Bắc tới Nam gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Hồi đầu Tháng Ba, báo chí trong nước cho hay đại diện Tập Đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) đến Bộ Giao Thông Vận Tải đề nghị bao thầu “trọn gói” dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Qua các báo Đất Việt, Tiền Phong, Dân Trí… nhiều chuyên viên trong nước đã lên tiếng khuyến cáo về những tai hại “xương máu” khi để đám quan tham cấu kết với nhà thầu Trung Quốc, đã từng xảy ra qua rất nhiều dự án.
Cái dự án đang dây dưa từ “đội vốn” từ hơn $400 triệu lên gần $1 tỷ đến phẩm chất tồi tệ là dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội. Hàng chục dự án lớn khác như Đạm Ninh Bình, Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Đạm Hà Bắc, một số dự án ethanol cũng được cho là sử dụng công nghệ của Trung Quốc như nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy ethanol Đại Việt (Đắk Nông), nhà máy ethanol Đắk Tô (Kon Tum)… tiền đổ ra rồi nhưng nay đang “đắp chiếu.” (TN)