Diễm Thi, RFA-2019-02-08
Các bạn trẻ cầu khấn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 2 năm 2019 tức mùng Một Tết Kỷ Hợi.AFP
Trước đây thành phần cúng bái, cầu khấn, đi chùa, xem bói thường là những người già và phụ nữ… Bây giờ nhiều người trẻ cũng tham gia vào việc cầu xin, cầu may. Một trong những nơi thu hút giới trẻ đến để cầu xin những điều may mắn trong việc học hành, thi cử là Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Thống kê của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Hà Nội cho biết chỉ trong mấy ngày Tết năm 2018, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón hơn 100.000 lượt khách đến tham quan và “xin chữ” đầu năm.
Ngoài ra, các chùa chiền hay những nơi tổ chức lễ hội để người tham gia xin ấn, xin lộc cũng rất đông các bạn trẻ tham gia.
Truyền thông trong nước trích dẫn lời giáo sư Ngô Đức Thịnh rằng khi số lượng người trẻ, người có học thức đặt niềm tin vào tâm linh quá nhiều là điều đáng lo:
“Tất nhiên thời nào cũng có tình trạng mê tín dị đoan. Nhưng hiện điều đáng lo lại là số lượng người trẻ, người có học thức đặt niềm tin vào tâm linh khá nhiều. Không khó để thấy các sĩ tử trước ngày thi vào Văn Miếu thi nhau sờ đầu rùa, dùng tiền quết lên bia tiến sĩ để mong làm bài được trúng tủ.”
Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng một khi xã hội không an toàn thì người ta tìm chỗ bấu víu khác, bất kể là người già hay người trẻ. Bà nói:
“Cái này thuộc về tâm linh tín ngưỡng nên cũng tùy thuộc vào từng người. Có người tin nhiều, có người tin ít, người già hay người trẻ cũng thế thôi. Ở Việt Nam bây giờ người ta cầu khấn, cúng bái không hẳn chỉ do tín ngưỡng, mà họ muốn cầu cho một sự an toàn nào đó. Nếu một xã hội không bảo đảm an sinh, cuộc sống nhiều bấp bênh thì mức độ người dân phải cầu, cúng, bấu víu vào một cái gì đó để có chút niềm tin sẽ càng tăng. Còn nếu một xã hội an toàn hơn thì mức độ cầu cúng của người dân chắc sẽ giảm xuống.”
Bà nói thêm rằng tâm lý của người Việt Nam là có kiêng có lành cho nên người ta cầu khấn bất cứ đâu, bất cứ tôn giáo nào, miễn sao họ thấy an lành là được.
Cứ vào những ngày rằm, mùng một thì các ngôi chùa ở Việt Nam luôn có đông người đến lễ bái. Còn những ngày đặc biệt trong năm như rằm tháng giêng, đêm giao thừa hay sáng mùng một Tết thì không chỗ chen chân. Người ta đến xin lộc, hái lộc, xem quẻ đầu năm…
Bà Minh, một người dân thường xuyên đi lễ chùa nói với RFA:
"Xã hội bây giờ bệnh tật thì nhiều, ra đường thì người dân không có ý thức đi ẩu gây ra tai nạn giao thông, ăn uống thì thực phẩm bẩn, môi trường thì ô nhiễm… đâm ra cũng chẳng biết trông chờ gì. Thôi tốt nhất là cứ theo mặt tâm linh đi lễ cầu mong sức khoẻ, bình an cho gia đình mà thôi."
Nhà báo Võ Văn Tạo thì cho rằng chuyện cúng bái, cầu khấn, xin lộc thì rõ ràng là mê tín dị đoan chứ không phải đức tin về đạo đức, tôn giáo.
Trong cuốn ‘Believing in Magic’, tác giả Stuart Vyse viết rằng “gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát. Con người luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong các hoàn cảnh bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi và làm con người cảm thấy tốt hơn”.
Ở Việt Nam những năm sau này, người ta dường như cúng bái nhiều hơn. Báo chí trong nước thường xuyên đưa những bài viết, hình ảnh những quan chức cao cấp hay vợ con của họ, trước đây theo chủ thuyết cộng sản là vô thần, bây giờ cũng đi chùa, dâng mâm cúng chùa. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng có ba nguyên nhân dẫn đến chuyện này:
“Thứ nhất là những năm chiến tranh trước đây, nhà nước cộng sản miền Bắc chủ trương diệt những gì mà gây phân tán tư tưởng xã hội. Họ chỉ muốn người dân tập trung căm thù Mỹ, đánh Mỹ giải phóng miền Nam. Với học thuyết Mac – Lenin thì họ rất ghét các niềm tin khác, họ chỉ muốn người dân tuyệt đối vào ĐCSVN thôi.
So với trước đây thì bây giờ có khác, tất nhiên ĐCSVN vẫn muốn độc quyền cai trị đất nước, nhưng khách quan mà nói thì họ cũng có nới lỏng khi người dân đặt niềm tin chỗ khác.
Nguyên nhân thứ hai là khi cuộc sống đỡ thiếu thốn về vật chất thì ‘phú quý sinh lễ nghĩa’, hay đi chùa, đi đền, cúng sao giải hạn…đặc biệt ở ngoài bắc phát triển mạnh trong vài thập niên trở lại đây.
Nguyên nhân thứ ba là đạo đức xã hội xuống cấp, người dân đã mất hết niềm tin vào ban lãnh đạo đất nước. Không chỉ với giới chóp bu mà ngay cả cán bộ phường khóm, thôn, xã tiếp xúc hàng ngày với dân cũng ăn hối lộ, gây khó dễ cho dân, nói một đằng làm một nẻo. Nhu cầu cuộc sống luôn phải có chỗ để gửi gấm niềm tin. Bây giờ họ phải đặt niềm tin chỗ khác. Đó cũng là nhu cầu tự nhiên thôi.”
Facebooker Đỗ Ngà trong một bài viết vào ngày 7 tháng 2 cho rằng đa số người Việt khi bị bế tắc thì cầu thánh thần ban riêng cho họ sự giàu sang mà quên mất một điều là nếu đất nước thịnh vượng thì tất cả mọi người, trong đó có họ và cả con cháu họ sau này cũng được hưởng sự thịnh vượng đó.
No comments:
Post a Comment