‘Hội nghị hòa hợp văn học’ bị phá sản đến hai lần vào năm 2017…
Lần đầu tiên kể từ năm ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’, đảng CSVN bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, đồng nghĩa với cơ chế mặc nhiên chấp nhận nhiều ca khúc mà trước đó bị xem là ‘nhạc vàng’, ‘nhạc ngụy’ và ‘ca khúc phản động’, cũng đồng nghĩa với tương lai Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mất mát một giấy phép con chủ chốt và do đó ‘mất ăn’.
Vào ngày đầu tiên sau tết nguyên đán 2019, báo chí nhà nước đưa tin “Chính phủ đã đồng ý với một số đề xuất xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 79, như bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng thì sẽ bị cấm”.
Kế hoạch tổ chức hội nghị trên được đề xuất bởi nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và là quan chức được xem làm ‘ngoan hiền dễ bảo’ của đảng cầm quyền nên đã được đảng cho ngồi yên ấm trên ghế chủ tịch này đến 4 khóa, bất chấp ông Thỉnh đã gần tám chục tuổi.Hiện tượng đặc biệt trên khiến người ta nhớ lại một hiện tượng đặc biệt khác diễn ra vào năm 2017: ‘Hội nghị hòa hợp văn học’ bị phá sản đến hai lần vào năm đó.
Vào đầu năm 2017, Hữu Thỉnh đã bất ngờ công bố một kế hoạch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tồn tại của đảng: Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người từng cầm bút phục vụ chế độ cũ (VNCH), về dự “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”.
Ngay sau khi ông Hữu Thỉnh phát ra tuyên bố về “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học,” khắp các diễn đàn trong nước và đặc biệt ở hải ngoại đã phản ứng như sóng lừng. Rất nhiều ý kiến của nhà văn, nhà báo hải ngoại cho rằng sự kiện này về thực chất chỉ mang tính “cuội.” Họ tung ra một câu hỏi quá khó để trả lời rằng Nghị Quyết 36 của Bộ Chính Trị về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” đã ra đời mười mấy năm trước mà hầu như chưa làm được gì cả, nhưng tại sao đến nay mới sinh ra mới cái cử chỉ như thể “chiêu dụ người Việt hải ngoại” như thế?
Nhiều ý kiến từ hải ngoại cũng thấu tim gan “đảng quang vinh” về chuyện suốt từ năm 1975 đến nay, đảng chỉ quan tâm đến “khúc ruột ngàn dặm” nhằm hút đô la “làm giàu cho đất nước” càng nhiều càng tốt, nhưng ai cũng hiểu là không có đô la thì chế độ không thể nào tồn tại.
Nhưng lại quá hiếm trường hợp trí thức của “khúc ruột ngàn dặm” được đảng ưu ái tạo cho đất dụng võ ở quê nhà. Sau hơn bốn chục năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” vẫn còn quá nhiều cảnh kỳ thị của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới trí thức và văn nghệ sĩ hải ngoại. Nhiều trí thức hải ngoại ôm mộng trở về Việt Nam để “cống hiến,” nhưng cuối cùng đã phải chua chát biệt ly khỏi “vòng tay của đảng.” Nếu tạm gác lại nhu cầu đô la, “khúc ruột ngàn dặm” đã chẳng có gì khác hơn là “ruột dư.”
Chỉ sau năm 2016, “ruột dư” mới có cơ hội để phục hồi tư cách “khúc ruột ngàn dặm.” Chính vào năm 2016, lượng kiều hối thực gửi về Việt Nam chỉ có 9 tỷ USD, giảm đến 30% so với năm 2015. Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối trong năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam đã bị giảm khoảng 1,5%. Đây cũng là sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 23 năm qua, phát ra một tín hiệu hiển hiện về triển vọng kiều hối về Việt Nam đang bắt đầu chu kỳ suy thoái, và có thể suy thoái trầm trọng.
Sát lễ kỷ niệm giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng Ba âm lịch, có tin cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đã phát đi trên năm chục thư mời đến các nhà văn hải ngoại. Nhưng lại chẳng có tin gì về hồi đáp từ những người được mời. Hẳn đó là nguyên nhân chủ yếu mà đã khiến “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” không cách nào đủ túc số nhân sự để “gầy sòng.”
Khi hào hứng nhận lãnh chiến dịch “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”, Chủ tịch Hội Nhà văn việt Nam Hữu Thỉnh có lẽ không thể hình dung ra việc ông ta sẽ phải thực hiện một công việc “khó bằng trời”, một công việc nhằm lôi kéo thuyết mị những người không còn chút khái niệm tin cậy nào về “hòa hợp hòa giải”.
Món lợi dễ thấy nhất và có thể là duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam trong chiến dịch trên chỉ là cơ hội lớn để xin ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh hội đoàn này đã bị ngân sách cắt giảm kinh phí đến 50% trong vài năm qua.
Vào tháng 10 năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam còn cố gắng thêm một lần nữa. Khi đó trên facebook của một số trí thức người Việt hải ngoại lan truyền hai bức thư là lạ: một thư được cho là của ông Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam – gửi ông Phan Nhật Nam – tác giả của sách “Mùa hè đỏ lửa” và từng là người bên kia chiến tuyến, đang định cư ở Hoa Kỳ, mời ông Nam về Việt Nam “gặp mặt” với các nhà văn trong nước “với ý nghĩa cao cả, góp phần làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc, xứng đáng để chúng ta vượt qua mọi xa cách và trở ngại, cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp”.
Người được cho là nhà thơ Hữu Thỉnh – vào những năm trước vẫn là một cây cổ thụ trong làng “chống diễn biến hòa bình” và mạnh miệng lên án “các thế lực phản động” ở nước ngoài – đã bất thần da diết chưa từng có với nhà văn hải ngoại: “Anh Nam ơi, tôi muốn nói thêm rằng, chúng ta đều không còn trẻ nữa. Tôi hình dung cuộc gặp này là rất có ý nghĩa cho những năm tháng còn lại của mỗi chúng ta. Tôi cũng dự đoán rằng, có thể có những khó khăn. Nhưng từ trong sâu thẳm thiên chức nhà văn, chúng ta cùng chọn Dân Tộc làm mẫu số chung để vượt qua tất cả”.
Cuối thư này là hứa hẹn của ông Thỉnh “Cuộc gặp mặt dự kiến sẽ diễn ra từ 20 đến 25 tháng 10 năm 2017 tại Hà Nội và một số địa phương ở phía Bắc. Trường hợp anh Nam, Ban tổ chức sẽ lo chi phí toàn bộ đi về và thời gian tham gia Cuộc gặp mặt”.
Còn bức thư thứ hai là lời từ chối “gặp mặt” của ông Phan Nhật Nam với lý do “TÔI KHÔNG CÓ LIÊN HỆ NÀO VỚI GIỚI VĂN CHƯƠNG, HỌC THUẬT MIỀN NAM TRƯỚC 1975. LẼ TẤT NHIÊN SAU 1975 CŨNG VẬY, TRONG NƯỚC CŨNG NHƯ Ở HẢI NGOẠI..” (chữ in hoa của tác giả).
Đến đầu năm 2019, đã không còn thấy “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” nữa, mà thay vào đó là hiện tượng mang tính tín hiệu: “bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975”.
Chính vào thời gian này, tình trạng chính trị và kinh tế của đảng cầm quyền là khó khăn hơn bao giờ hết./.
No comments:
Post a Comment