QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Hàng ngàn khách hành hương viếng chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử những ngày qua bày tỏ bực tức khi họ buộc phải “mua vé tham quan” giá 40,000 đồng ($1.7)/lượt/người lớn, trẻ em mua nửa giá. Việc thu phí đã có hiệu lực từ đầu năm ngoái nhưng năm nay gặp phải phản ứng gay gắt hơn từ những người hành hương.
Tấm biển thông báo đặt trước trạm thu phí giải thích việc này “được thực hiện theo nghị quyết của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh và theo luật phí và lệ phí với du khách tham quan danh lam thắng cảnh Khu Di Tích Yên Tử.” Hình ảnh các nhân viên thu phí mặc áo bộ đội, đội nón cối cũng khiến người ta ngỡ ngàng vì không rõ thuộc “lực lượng” nào.
Quy định nêu trên chỉ miễn thu phí cho các tăng ni Phật giáo, trẻ em cao dưới 1.2m và “người khuyết tật nặng.”
Hiện chưa rõ “doanh thu” của Ban Quản Lý Di Tích và Rừng Quốc Gia Yên Tử từ việc thu phí trong những ngày qua là bao nhiêu, nhưng chắc chắn con số đó không dưới hàng tỷ đồng. Thống kê của các báo nhà nước cho thấy, chỉ tính riêng ngày 16 Tháng Hai đã có khoảng 15,000 lượt người đến khai hội, chiêm bái chùa Đồng trong hội xuân Tây Yên Tử 2019.
Hành hương ở Yên Tử là tập tục lâu đời, với chùa Đồng được cho là khởi dựng từ thời nhà Hậu Lê (1442-1789) với tên gọi Thiên Trúc tự. Công trình này tồn tại hàng trăm trước cả sự ra đời của đảng CSVN và thời đại BOT mọc lên như nấm tại các cung đường ở Việt Nam hiện nay.
Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử viếng chùa Đồng là khoảng 6,000m với sáu giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi… Đứng ở độ cao 1,068 m trên đỉnh núi, người ta có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng.
Báo Dân Trí dẫn lời một người hành hương Yên Tử: “Chúng tôi đi lễ đầu năm là muốn đến chiêm bái chùa Đồng theo tín ngưỡng và tập tục chứ không hề có ý định tham quan. Mấy chục ngàn đồng không lớn nhưng ép buộc những người có tâm nguyện hành hương đến chốn tâm linh, nhất là chốn thiêng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập thì quả là không nên chút nào.”
Tờ báo cũng cho hay trạm thu phí không chỉ nhắm vào những người hành hương Yên Tử mà còn ảnh hưởng đến người dân tỉnh Bắc Giang muốn qua thành phố Uông Bí, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh để buôn bán, vận chuyển hàng đều phải đi đường này.
Luật Sư Nguyễn Văn Quynh ở Hà Nội bình luận trên trang cá nhân: “Nhiều nhà đầu tư hiện nay nhắm các mảnh đất BOT và kinh doanh du lịch tâm linh là màu mỡ nhất. Từ đỉnh Fansipan cho đến Bái Đính, Tràng An, núi Bà Đen của Tây Ninh, chùa Bà Châu Đốc tới Mũi Cà Mau rồi sẽ về tay các doanh Nghiệp hết cho xem. Chỉ cần có giấy phép chấp thuận, chút đầu tư và có hệ thống ngân hàng cho vay là thu lợi muôn đời.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment