SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một ngày sau khi hai cựu Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị bắt và khởi tố, một số người làm báo ở Việt Nam đặt câu hỏi về việc thẻ nhà báo do các ông này ký nay có còn giá trị pháp lý hay không.
Ông Ngọc Vinh, thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ viết trên trang cá nhân: “Người ký cấp thẻ nhà báo cho mình mới bị bắt vô tù hôm nay. Mà thẻ này còn giá trị đến hết 2020, vậy thì sao đây các vị ở bộ Thông Tin Truyền Thông và cả Bộ Tư Pháp (CSVN)? Thẻ hành nghề được ký bởi một tù nhân thì có giá trị pháp lý hay không? Nếu không còn giá trị thì các vị phải đổi thẻ gấp cho 20,000 nhà báo ở đất nước này chớ! Chả lẽ lại để họ đi làm báo với cái thẻ được ký bởi một người đang ở tù?”.
Thẻ nhà báo là chứng chỉ hành nghề của giới phóng viên báo nhà nước tại Việt Nam, có thời hạn 5 năm, và do người đứng đầu Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN ký.
Dịp này, một số nhà báo lớn tuổi khác cũng nhắc lại chuyện thẻ nhà báo của họ được ký bởi ông Trần Mai Hạnh, cựu phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, cựu tổng biên tập báo Nhà Báo và Công Luận. Trong vụ án Năm Cam, hồi năm 2003, ông Hạnh bị tuyên án 9 năm tù về tội nhận hối lộ và làm lộ bí mật để chạy tội cho Năm Cam. Sau hai năm tù, năm 2005, ông được đặc xá.
Tiến Sĩ Luật Đinh Thị Thanh Nga, giảng viên Học Viện Cán Bộ thành phố ở Sài Gòn được Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm 24 Tháng Hai dẫn lời: “Một cá nhân thực hiện nhiều hoạt động và tham gia nhiều quan hệ xã hội, khi bị bắt tạm giam hay bị khởi tố trong một vụ án, họ chịu trách nhiệm pháp lý vì hành vi trái pháp luật của mình. Và như vậy nếu các quan hệ xã hội khác họ đã tham gia không trái pháp luật thì không có lý do gì để phủ nhận giá trị của nó.”
“Tuy ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam trong một vụ án thì không thể nói rằng mọi giấy tờ hai ông này đã ký đều mất giá trị. Thẻ nhà báo được cấp theo đúng điều kiện được pháp luật quy định. Bộ trưởng chỉ là người có thẩm quyền để xác nhận điều đó. Muốn thu hồi thẻ hay không công nhận phải theo các trường hợp pháp luật quy định,” tờ báo viết.
Ông Son và ông Tuấn, người kế nhiệm, bị bắt tạm giam và khởi tố do những sai phạm liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG.
Theo truyền thông nhà nước, hai cựu bộ trưởng cùng bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.”
Đáng lưu ý, dịp này, nhiều blogger là giới phóng viên đồng loạt nhắc lại trên mạng xã hội chuyện cựu Bộ Trưởng Tuấn từng cùng một số nhà báo đi ăn mực tươi ở Vũng Áng để chứng minh hải sản “an toàn” trong vụ khủng hoảng Formosa và còn xuất bản cuốn sách “Phòng, Chống ‘Tự Diễn Biến,’ ‘Tự Chuyển Hóa’ Về Tư Tưởng Trong Cán Bộ, Đảng Viên Hiện Nay” hồi năm 2016.
Nhưng cũng có ý kiến trong giới làm báo bày tỏ sự cảm thông với ông này. Blogger Nguyễn Tường Minh, chủ của tờ Người Tiêu Dùng (vừa có ấn bản báo điện tử Người tiêu dùng bị đình bản ba tháng và bị xử phạt 65 triệu đồng, tức $2,801) viết trên trang cá nhân: “Từ hôm qua đến hôm nay, hầu hết Gacebooker, bao gồm cả người dân, giới trí thức lẫn giới báo chí mạt sát ông Trương Minh Tuấn và ông Nguyễn Bắc Son. Tôi thực sự thấy đau lòng! Tôi thấy ông Trương Minh Tuấn bình dân, gần gũi, thương vợ con, tình nghĩa với đồng đội lúc giai đoạn trước và đến khi làm vụ trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương tại khu vực miền Trung. Ông ấy tình nghĩa đến mức mọi người gặp gỡ đều quý mến cái chân tình ấy, một con người rất sâu sắc trong từng suy nghĩ…”
Trong post trên trang cá nhân, ông Minh cũng tiết lộ: “Cựu Bí Thư Thành Ủy Đinh La Thăng gọi điện méc ông Tuấn về việc báo Người Tiêu Dùng liên tục viết phanh phui sai phạm trong bãi rác Đa Phước… khiến ông Tuấn gọi điện mắng tôi tan nát: “Tại sao em chống thành phố hoài, em có muốn anh đình bản tờ báo không?…” (T.K.)
No comments:
Post a Comment