Trân Văn – VOA
Trước thềm năm mới âm lịch, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” (1).
Những ngày đầu của một năm âm lịch đã qua, thử nhìn lại vài chuyện mà ai cũng đã biết để nhận diện “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” của Việt Nam ngày nay.
***
“Cơ đồ” mà ông Trọng đề cập chắc chắn bao gồm hệ thống ngân hàng trải khắp Việt Nam, trong đó không thiếu những ngân hàng được cấp vốn để thực thi chính sách trợ giúp người nghèo nhưng chẳng có người thực sự nghèo nào vay được tiền từ ngân hàng, thành ra “tín dụng đen” mọc lên như nấm sau mưa, hoành hành suốt từ Nam chí Bắc, gieo vạ cho không biết bao nhiêu gia đình. Câu chuyện “anh cướp” chỉ là một ví dụ minh họa cho thực trạng từng xuất hiện ở Việt Nam trước ngày đảng của ông Trọng trở thành tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, mà Nam Cao từng mượn miệng Chí Phèo tố cáo: Tao muốn làm người lương thiện nhưng ai cho tao lương thiện.“Cơ đồ” mà ông Trọng đề cập chắc chắn không phải của “anh cướp” – người đàn ông không thể tìm được nguồn trợ giúp nào khác khi vợ sanh, đành phải vay “tín dụng đen”, lãi suất ở mức cắt cổ. Cách duy nhất mà người đàn ông này cho là có thể giúp anh ta thoát ra khỏi sự bủa vây của “tín dụng đen” là đi cướp. Vụ cướp dẫu thành công nhưng lương tâm lại cắn rứt vì số tiền cướp được quá to (107 triệu), họa mà nạn nhân phải gánh quá lớn, nên kẻ cướp chỉ dám mượn đỡ bảy triệu, 100 triệu còn lại đem vứt vào trụ sở phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, kèm lá thư xin lỗi, đề nghị công an tìm giúp nạn nhân để trả lại (2).
“Cơ đồ” mà ông Trọng đề cập chắc chắn cũng không phải của người phụ nữ mang thai bảy tháng, ngụ ở Tây Ninh, lên Sài Gòn khám bệnh ngày 29 tháng Chạp âm lịch nhưng thiếu tiền phải quay về nhà. Giữa đường, đau bụng, quay lại bệnh viện bị băng huyết trên xe buýt… Những người tạo lập, quản trị “cơ đồ” như ông Trọng có thể thiết lập hệ thống riêng nhằm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ từ trung ương đến địa phương, có thể đặt định những qui định, cán bộ cấp nào thì được xài công xa trị giá bao nhiêu, như ông thì được đãi ngộ bằng công xa cho đến hết đời, song… chưa bận tâm đến những người “thất cơ, lỡ vận” như người phụ nữ ấy. Trong “cơ đồ” đó, những cá nhân đáng thương, gặp nghịch cảnh chỉ có thể dựa vào ông tài xế xe buýt, bà tiếp viên và những hành khách tử tế khác (3) …
Tương tự, “tiềm lực, vị thế, uy tín” mà ông Trọng đề cập chẳng liên quan chút nào đến nhiều triệu người càng ngày càng vất vả trong cuộc mưu sinh mà cơm vẫn không đủ no, áo vẫn chẳng đủ ấm, thành ra hết chục ngàn người này đến chục ngàn người khác thế chấp nhà đất, ruộng vườn, kể cả vay nóng để “được” đi làm thuê ở ngoại quốc, thậm chí để “được” trở thành nạn nhân của những tổ chức chuyên buôn người, sống chui nhủi, gánh chịu đủ loại cực nhục trên đất khách, chỉ nhằm cho cha mẹ, vợ con đang vất vưởng nơi “thiên đường” đỡ đói, đỡ rách. “Tiềm lực, vị thế, uy tín” mà ông Trọng khẳng định “chưa bao giờ có được như ngày nay”, tạo ra một thực trạng cũng “chưa bao giờ có”: Sau nhiều năm “xôi kinh, nấu sử”, thanh niên, thiếu nữ tốt nghiệp đại học ở Việt Nam lũ lượt sang Campuchia, Lào tìm việc làm (4). “Tiềm lực, vị thế, uy tín” mà ông Trọng xiển dương không tạo cho họ bất kỳ cơ hội nào trên quê hương của chính họ.
***
“Cơ đồ” như thế, “tiềm lực” như thế và chỉ cần nhìn ở góc độ việc làm, cơm áo cho đám đông đã đủ để hình dung “vị thế”, “uy tín” của Việt Nam, song ông Trọng bảo đó là… “kỳ tích”. Thôi thì đó là quyền của ông! Chuyện ông nói, ông có thêm “nhiều bài học kinh nghiệm quý” cũng là quyền của ông. Còn người Việt có “bài học kinh nghiệm” nào sau khi đã vắt kiệt mồ hôi, nước mắt, đáng xem là quý không?
Chú thích
No comments:
Post a Comment