Trung Khang, RFA-2019-02-01
Ảnh minh họa chụp bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ở Hà Nội trước đây.AFP
Hằng năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3 tháng 2, bộ máy tuyên truyền trong nước liên tục tung hô công lao của đảng trong việc dẫn dắt dân tộc đi tới tương lai tươi sáng.
Trong khi đó lâu nay, nhiều người từng lên tiếng cần phải xóa bỏ chế độ độc đảng và theo hướng dân chủ, đa nguyên, đa đảng thì mới có thê giúp đất nước phát triển được hết mọi tiềm năng và tránh khỏi bao trì trệ như lâu nay.
Cụ thể những ngày qua, trang thông tin của Đảng Cộng sản Việt Nam lặp lại rằng ngày 3/2/1930 là mốc son trong lịch sử của dân tộc với sự ra đời của Đảng. Cả dân tộc đoàn kết bền lòng nhờ sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội là đường lối đúng đắn, sáng tạo.
Không đồng tình, Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên đại tá quân đội đã từ bỏ đảng, nhận xét:
“Từ khi đảng ra đời đã gây nhiều tội ác cho dân tộc, đã dìm dân tộc vào cuộc bạo loạn Xô viết Nghệ Tĩnh tháng 9 năm 1930, là khởi đầu của máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam. Và suốt gần một thế kỷ, với việc đấu tranh gia cấp của đảng đã dìm dân tộc Việt Nam vào máu và lửa, đã bịt mọi con đường giải phóng dân tộc bằng đường lối hòa bình.”
Trong khi đó thì vào ngày 1 tháng 2 năm 2019, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam, lại thừa nhận:
“Cái lớn nhất là đảng giải phóng được dân tộc khỏi ách đô hộ, giành được độc lập, thống nhất đất nước. Dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Nếu không có chủ trương đổi mới thì không có tình hình kinh tế như hiện nay. Ngày xưa người Việt Nam khổ biết bao nhiêu, bây giờ tất nhiên chưa bằng được các nước, nhưng so với trước kia thì có thể cách nhau rất lớn, được tự do, mọi người được đi học, cuộc sống chưa được ấm no lắm nhưng so với trước kia thì khá hơn rất nhiều. Nhân dân được tự do làm ăn, người dân thấy cuộc sống có nhiều thay đổi tốt đẹp.”
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì cho rằng tuyên truyền của đảng thì luôn đề cao vai trò của đảng, quang vinh, tuyệt vời, vĩ đại… nhưng đánh giá của nhân dân thì cũng khác nhau, đặc biệt là giới trí thức, những người có hiểu biết. Riêng ông thì đảng chiến thắng được cuộc chiến tranh, chiếm được miền nam, thống nhất đất nước, nhưng chỉ thống nhất được lãnh thổ, chứ không thống nhất được lòng dân. Ông cho rằng trong mấy chục năm qua, đảng có những nhầm lẫn rất lớn:
“Đảng chủ trương theo đường lối cộng sản, chủ nghĩa Mác Lênin. Rồi họ đánh thắng Pháp, chiến thắng miền nam, họ nhầm tưởng rằng là nhờ chủ nghĩa Mác Lênin nên họ thắng, nên bây giờ họ kiên trì theo chủ nghĩa Mác Lênin. Tôi cho đó là nhầm lẫn rất lớn, là vì cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin là đấu tranh giai cấp, công hữu hóa… Không phải đảng cộng sản nhờ những cái ấy mà thắng lợi. Vì mỗi lần bày ra những chuyện đó là đảng đều thất bại đem lại tai họa cho dân tộc, ví dụ như cải cách ruộng đất. Nhầm là nhầm như thế nào, trong chiến tranh, nhờ là nhờ vào người dân, lòng yêu nước của dân, chứ không phải nhờ chủ nghĩa Mác Lênin.”
Cơn quan ngôn luận của đảng cộng sản cho rằng, 89 năm qua kể từ ngày có đảng, là đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành độc lập, và theo đảng là đưa một chủ nghĩa tiến bộ là chủ nghĩa cộng sản, đến với dân tộc Việt Nam. Sự thật như thế nào?
Trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986-1990 trở về sau, khi đất nước Việt Nam lâm vào tình trạng đói kém kiệt quệ, khi đó đảng phải mở cửa, cho phát triển kinh tế tư nhân, cho nước ngoài vào… thì theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống đó là sự sửa sai, chứ không phải đổi mới. Vì đảng bị buộc vào tình thế phải làm, mà dân làm chứ không phải đảng làm. Ông cho rằng, chẳng qua là trước đây đảng trói nông dân vào hợp tác xã, đảng phá nát nền công nghiệp và thương nghiệp của miền nam. Rồi bày trò ngăn sông cấm chợ làm cho dân đói. Bây giờ đảng mở trói cho người ta. Nhưng trước đây ai bắt đảng trói người ta?
Khi làm cách mạng, ngay ông Hồ Chí Minh cũng nói là lập quyền dân, đưa lại quyền cho dân, tạo dựng dân chủ. Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, chính đảng đã cướp quyền dân. Đảng bày ra trò bầu cử là ‘đảng cử, dân bầu’ nhưng thật ra là của đảng hết. Đảng đã tự đặt mình lên cao hơn chính phủ, cao hơn quốc hội… cao hơn tất cả. Đảng cướp quyền của dân, muốn làm gì thì làm. Ông cho rằng đấy là những nhận thức nhầm lẫn của đảng cộng sản hiện nay.
Khi tung hô chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam, tờ báo, trang tin nào của nhà nước cũng chỉ kêu gọi trung thành với đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến" "tự chuyển hóa" trong nội bộ đảng viên, chứ không nhắc đến việc điều gì đã ngăn cản sự phát triển của đất nước. Đó cũng là câu hỏi được nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước từng nêu lên: “Đa nguyên, đa đảng cần thiết cho sự phát triển hiện nay của Việt Nam như thế nào?”
Liên quan câu hỏi này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một đảng viên đã từ bỏ đảng cho biết:
“Cái sự phát triển của xã hội loài người thì như chúng ta đều biết, nước nào đa nguyên, có đảng đối lập, tam quyền phân lập, thì họ sẽ phát triển nhanh và bề vững, dân trí, nhân quyền, nhân cách con người ngày càng được nâng cao. Ngược lại các nước độc tài toàn trị về hình thức ngắn hạn thì thấy có vẻ ổn định, nhưng về lâu dài thì không bền vũng được. Thứ hai là không có tự do thì làm gì có sáng tạo. Không được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt thì xã hội không thể phát triển được.”
Chúng tôi cũng nêu câu hỏi này với Thiếu tướng Lê Kế Lâm và được ông cho biết:
“Cái đó thì chưa thể nói được, tùy theo sự phát triển của xã hội, trình độ nhân dân. Chứ bây giờ mà nói ra thì không thể được, cái chuyện đó là nằm trong chủ trương của lãnh đạo nhà nước Việt Nam. Nói ý kiến cá nhân thì không thể nói được những chuyện như thế.”
Trong khi đó, nhà văn Phạm Đình Trọng thì cho rằng đa nguyên, đa đảng’ cần thiết cho phát triển hiện nay là điều đương nhiên. Nhưng sự cản trở lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam chính là sự tồn tại của đảng cộng sản, cản trở con đường đi tới của dân tộc. Theo ông, đa nguyên đa đảng là tất yếu phải có, phải đến, nhưng với sự tồn tại và độc tài của đảng cộng sản thì không thể có được. Bởi vì đa nguyên đa đảng cho người dân quyền chọn lựa đảng phái chính trị, thì đảng cộng sản đã cướp cái quyền đó thì không bao giờ có đa nguyên đa đảng cả.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang đề nghị giải pháp:
“Tôi nghĩ giải pháp bây giờ chỉ có Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, như cụ Phan Chu Trinh nói tức là người ta thấy được cuộc sống không chỉ sống ăn no mặc ấm, mà phải có nhân quyền, nhân cách, nhân phẩm. Con người được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt. Cái này thì phải dần dần, thì người dân mới có sự chuyển hóa, đặc biệt là thì thế hệ trẻ, người ta mới coi đó là giá trị thiêng liêng để đấu tranh bảo vệ.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra lời khuyên, nếu muốn phát triển phải thay đổi từ một đảng cách mạng thành một đảng chính trị thì mới tồn tại được. Chứ như hiện nay không những đảng sẽ đem tai họa cho đất nước mà sự tồn tại của đảng cũng khó bền vững.
No comments:
Post a Comment